TÌNH YÊU MẾN CÁ VỊ ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA THEO TIN MỪNG GIOAN
Chúa nhật VI Phục Sinh năm A.
Cv 8,5–8.14–17; 1Pr 3,15–18; Ga 14,15–21.
Khi bước vào tiền sảnh khách sạn Palmer House ở trung tâm thành phố Chicago, người ta như sống lại thời kỳ lãng mạn của những năm 1920. Đó là tác phẩm điêu khắc Romeo và Juliet bằng đồng của một nghệ sĩ vô danh để chào đón những ai bước vào khách sạn. Một tấm bảng nơi tác phẩm nghệ thuật này có ghi: “Bertha Palmer muốn tất cả các vị khách khi đến Palmer House đầu tiên này đều đi qua một biểu tượng đầy lãng mạn. Dù khi đi qua, họ có biết hay không thì cũng không quan trọng.” Bertha Palmer muốn bất cứ ai bước vào tòa nhà này đều suy ngẫm về tình yêu, dù chỉ là thoáng qua.
Mặc dù không được đánh giá cao, nhưng đặc điểm thiết kế này là tâm điểm theo cách nhìn tổng thể của kiến trúc sư về căn phòng. Những hình ảnh trong căn phòng kéo tâm trí du khách hướng về những kỷ niệm và suy nghĩ về tình yêu. Về điều này, tiền sảnh khách sạn Palmer House và Tin mừng thứ tư có điểm giống nhau. Khi viết “Diễn từ ly biệt” của Chúa Giêsu (Ga 14,1–17,26), tác giả sách Tin mừng thu hút người đọc qua những hình ảnh về tình yêu Ba Ngôi. Chúa Giêsu nói: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác” (Ga 14,15-16). Đoạn này không nhằm đưa ra một nền thần học Ba Ngôi chặt chẽ, nhưng mời gọi người tín hữu bước vào và cảm nghiệm những thành quả của mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi.
Trong tư tưởng của Gioan, cuộc gặp gỡ này mang tính chất một vũ điệu: “Các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con” (Ga 14,20). Tình yêu giữa Cha và Con là một chuyển động tròn, đồng thời có sức lôi kéo các môn đệ đi vào chuyển động này. Khi hòa mình vào vũ điệu này, các môn đệ khám phá ra sự sống của Chúa Kitô đã hoạt động trong các ông.
Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần này, tầng thứ hai của môtýp cuộc gặp gỡ là tình yêu ở mức độ cá vị. Tin mừng thứ tư tìm hiểu một quan niệm về Thiên Chúa siêu việt có thể trở nên hoàn toàn cá vị và ở nơi trong mỗi người tín hữu. Thánh Gioan dường như nhấn mạnh ý tưởng về mối tương quan cá vị với Thiên Chúa. Đây là một quan niệm cấp tiến đối với các truyền thống tôn giáo ở thế kỷ thứ nhất có xu hướng nhấn mạnh đến bối cảnh cộng đoàn.
Tình yêu trong Tin mừng thứ tư được mô tả khác với tình yêu lãng mạn và chết chóc giữa Romeo và Juliet. Khi nói về tình yêu, Chúa Giêsu sử dụng từ “agape”, thường được dùng trong văn chương Hy Lạp để chỉ “sự yêu mến” nhưng hiếm khi dùng để chỉ sự hấp dẫn nhục dục. Trong nguyên ngữ Do Thái, bài Thánh vịnh hôm nay đã đưa ra cái nhìn sâu sắc về một quan niệm tình yêu tương tự nơi dân Israel: “Xin chúc tụng Thiên Chúa đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng, bởi lòng nhân hậu của Người” (Tv 66,20). Thiên Chúa không chối từ “lòng nhân hậu” -“hesed” trong tiếng Do Thái- của người thỉnh nguyện. Mặc dù không hoàn toàn giống với “agape” trong tiếng Hy Lạp, nhưng tình yêu khi dùng từ “hesed” là loại tình yêu trìu mến và sâu đậm. Từ “hesed” mô tả cảm xúc giữa người con trai với người cha đang hấp hối, hoặc cảm xúc của một cặp vợ chồng đã kết hôn hơn bốn mươi năm hoặc lòng trung thành giữa Thiên Chúa và dân Người. “Hesed” là tất cả những cảm xúc này và hơn thế nữa; đó là tình cảm từ sâu thẳm bên trong con người.
Lòng yêu mến này không cần một bổn phận luân lý để tuân giữ các giới răn. Nếu noi theo đời sống và sứ mạng của Chúa Giêsu, các môn đệ của Chúa Kitô sẽ tuân giữ các giới răn vì “hesed” là tình yêu xuất phát từ bên trong. “Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy” (Ga 14,21). Đây là ý tưởng mới lạ trong Tin mừng Gioan. Tin mừng thứ tư nghiêng về tình yêu cá vị giữa Thiên Chúa và mỗi người. Bất cứ ai sống yêu thương đều có thể dự phần vào sự sống Thiên Chúa. Khi đọc “Diễn từ ly biệt” của Chúa Giêsu, người ta đi ngang qua một biểu tượng của tình yêu siêu việt mang chiều kích ba ngôi, làm phát sinh một tình yêu cá vị sâu sắc đối với Thiên Chúa, Đấng ban sự sống.
CẦU NGUYỆN
Làm thế nào để mối tương quan cá vị với Thiên Chúa trở thành một phần thường lệ trong cuộc sống của chúng ta?
Tình yêu mà mỗi người dành cho Thiên Chúa có thể góp phần thế nào vào cảm nghiệm đức tin của cộng đoàn?
Điều gì sẽ xảy ra cho các cộng đoàn đức tin nếu thiếu đi những cảm nghiệm về tình yêu giữa mỗi người với Thiên Chúa?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (10/5/2023)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn