Thứ Hai Tuần XVII Tn
Thánh Inhaxiô
Cá tính của thánh Inhaxiô rất phong phú. Chỉ cần xét hai khía cạnh: tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự và kiên trì tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, trong ánh sáng của Đức Kitô.
Inhaxiô được đặc ân nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi sự; chiêm ngắm Ngài trong tạo vật, trong lịch sử, gặp thấy Ngài không chỉ trong những cử hành tôn giáo mà còn trong những sinh hoạt hằng ngày và trong mọi tình huống: người ta bảo rằng thánh nhân cảm động đến rơi nước mắt trước một cánh hoa bé nhỏ, vì qua đó Ngài nhìn thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa. Ngài khuyến khích các đồ đệ nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa nơi tất cả mọi sự, gặp Thiên Chúa trong tất cả và yêu mến Ngài nơi tất cả. Gặp Thiên Chúa nơi mọi sự là bí quyết rất quan trọng cho đời sống thiêng liêng. Thiên Chúa không phải là một hữu thể cô độc, ở mãi tận chốn trời cao: là một Thiên Chúa hiện diện trong mọi sự, và không chỉ hiện diện mà còn hành động trong mọi sự với tình thương của Ngài.
Đối với Inhaxiô, tìm kiếm Thiên Chúa là một thực tại chứ không phải là một ước mơ. Ngài không tìm với trí tưởng tượng và xúc cảm; ngài muốn thực sự gặp Chúa và do đó, trong tất cả mọi sự, ngài đi tìm ý muốn của Thiên Chúa. Là một con người suy tư, nghiên cứu, xem xét và tìm cách cẩn thận giải pháp nào thích đáng nhất. Như tin mừng viết: ‘Ai trong các ngươi muốn xây một cái tháp mà lại không ngồi xuống tính toán phí tổn trước đã’. Inhaxiô tìm thánh ý Chúa và biết rằng ta phải tìm ra được thánh ý Chúa trong những hành động mà chúng ta chọn lựa thực hiện. Nếu chúng ta không chọn lựa những hành động mà trong đó chúng ta có thể gặp Thiên Chúa, có thể thực hiện với Ngài và phù hợp với mong muốn của Ngài, chúng ta sẽ không gặp thấy Thiên Chúa thực sự, chúng ta sẽ theo sống một linh đạo không thực.
Inhaxiô tin rằng có thể tìm thấy ý Chúa qua việc cầu nguyện, trong cảnh tịch liêu của tâm hồn. Khi đề cập đến những việc quan trọng, thánh nhân suy tư hàng tuần lễ, cầu nguyện, dâng thánh lễ để tìm xem Chúa muốn gì. Như thế việc tìm kiếm Thiên Chúa rất cụ thể, cũng như cách sống của ngài với Chúa.
Và tất cả đã xảy ra trong ánh sáng của Đức Kitô. Inhaxiô hiểu rằng không thể đến với Thiên Chúa mà không qua Đức Kitô. Chúng ta có Đức Giêsu, vua vũ trụ, dạy bảo chúng ta, hơn thế Ngài còn là đường dẫn đến Chúa Cha và do đó thánh ý Thiên Chúa được tìm thấy nhờ suy niệm đời sống của Đức Kitô, đối chiếu cuộc sống của ta với cuộc sống của Ngài. Thay vì đề nghị những suy tư về cuộc sống của ta, Inhaxiô giúp ta suy tư về những mầu nhiệm của Đức Kitô: như thế chúng ta sẽ có được ánh sáng về thánh ý Chúa, một ánh sáng đến với chúng ta nhờ Đức Kitô.
Thánh nhân khát vọng hiểu biết Đức Kitô cách thân tình, yêu mến Ngài, mãi mãi phục vụ Ngài hết mình. Và ông đã nhận được câu trả lời trong một thị kiến, khiến ông hết sức vui mừng: ‘Ta muốn con phục vụ Ta’. Phục vụ Chúa Cha, Chúa Con. Phục vụ Chúa Cha nhờ Chúa Con, đó là hạnh phúc của Inhaxiô, trong một tình yêu hoàn toàn: tìm gặp Thiên Chúa là tìm gặp Ngài trong tình bạn với Đức Kitô.
+++
Hai dụ ngôn kể cho ta nghe hôm nay có một nét chung: nêu lên sức mạnh của sự sống siêu nhiên bên trong chúng ta.
Nước Thiên Chúa được sánh ví như hạt giống. Ta nhận được sự sống siêu nhiên biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa qua bí tích Thánh Tẩy. Điều được ban cho ta trong hạt mầm đã mang đủ tất cả những khả năng sẽ triển nở dần dần trong đời sống.
Trong hai dụ ngôn, ta thấy có một thực tại bị ẩn giấu: hạt giống bị chôn vùi trong đất, men trong bột. Điều này tượng trưng tính chất kín đáo của sự sống được tặng ban cho ta. Ta được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Người, nên chúng ta bị ẩn giấu trong Người cùng với Đức Kitô. Thực tại huyền nhiệm nên phong phú tùy thuộc vào lời đáp trả của ta.
Cũng như đất cũng tham dự một phần vào sự phát triển của hạt giống, bột được dậy lên nhờ tác động của men, ta cũng cần đóng góp phần cộng tác của đức tin, đức cậy và đức mến mình vào trong sự hiện diện ẩn giấu của Nước Trời. Khi ấy sức sống của hạt cải được phát triển cách lạ lùng thành cây lớn và làm ba đấu bột nở thêm ra. Sức mạnh ẩn giấu trong sự lớn mạnh này chứng tỏ hành động của Thiên Chúa qua những ân huệ của Người. Chính Người hành động, và hoạt động của Người càng tỏ hiện tùy vào sự quảng đại của ta. Ta có thể kể ra những hoa trái của sự phát triển này: thành cây đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ, cây là biểu tượng cho việc tông đồ của người kitô hữu, nhưng cũng trong tính cách ẩn giấu, trong sự thông hiệp các thánh, cho sự phong nhiêu huyền nhiệm mà Thiên Chúa ban cho con cái Người. Những hoa trái này không nhất thiết phải được những người chung quanh, cũng như chính người được ban tặng biết đến. Chim trời không biết hạt giống gì cần cho việc trú ngụ của chúng, nhưng chúng ở đó thế là đủ rồi. Trái lại Chúa biết rõ chúng ta, nhìn thấy niềm tin của ta, ước muốn nên thánh của ta, khả năng tự hoàn thiện chính mình bằng cách đặt mình vào trong lửa tình yêu của Người. Thánh Thể nuôi dưỡng đời sống linh thiêng của ta, làm cho cây ân sủng của bí tích Thánh tẩy phát triển để làm sáng danh Thiên Chúa và mang lại niềm vui cho anh em.
+++
Liên đới
Bài đọc I hôm nay nêu một hình ảnh đối nghịch làm cho ta phải hoán cải thực sự: đó là sự đối nghịch giữa thái độ của Aaron và Môsê.
Aaron đồng lõa trong việc thờ ngẫu tượng của dân chúng, chính ông đã tổ chức mọi sự để đúc nên tượng bò vàng. Nhưng khi Môsê hỏi ông: ‘Dân này đã làm gì ông mà ông đưa họ tới chỗ phạm một tội tày trời như thế?’ Aaron không nhận lỗi mình mà đổ hết cho dân: ‘Chính ngài biết: dân này có khuynh hướng xấu. Họ nói với tôi: xin ông làm cho chúng tôi một vị thần…
Trái lại Môsê không có chút mắc mứu gì trong việc thờ ngẫu tượng này, trái lại còn nổi cơn thịnh nộ khi thấy con bê vàng và dân chúng đang nhảy múa. Ông ném các tấm bia đang cầm trong tay, ông lấy con bê họ đã làm, đốt đi, tán nhuyển ra… Vậy mà khi Thiên Chúa dự định phạt dân, ông đã can thiệp cầu xin cho dân: ‘Nhưng giờ đây xin Ngài miễn chấp tội họ’, liên đới với đoàn dân tội lỗi: ‘Bằng không, thì xin Ngài xóa tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết’. Vô tội nhưng sẵn sàng lãnh lấy hình phạt, xin hãy xóa tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết. Sẵn sàng chấp nhận bị Thiên Chúa ruồng bỏ để dân được tha thứ.
Là một bài học thật thấm thía cho chúng ta, vì thường chúng ta hay xa lánh tội lỗi kẻ khác (xa lánh tội nhân). Cho dù không phải hoàn toàn vô tội, chúng ta không muốn bị phạt cùng với kẻ phạm tội. Họ phải gánh chịu hình phạt tội họ đã phạm; chúng tôi là ‘những người tốt lành, công chính, luôn sống đẹp lòng Chúa mà. Ngược lại, để làm vui lòng Chúa ta cần phải liên đới với các tội nhân, mang lấy hình phạt do tội của họ. Điều mà Môsê đã đề nghị với Thiên Chúa, chính Đức Giêsu đã thực hiện: Đấng vô tội đã gánh lấy trên mình tội lỗi của tất cả chúng ta. Và Chiên Con vô tội mang lấy tội của chúng ta, là đấng mà thánh Phaolô viết rằng Ngài đã trở nên ‘đồ chúc dữ’ để giải thoát chúng ta khỏi sự chúc dữ của tội lỗi. Một điều xem ra cần thiết và luôn khó chấp nhận đó là chấp nhận chịu hình phạt do tội của kẻ khác. Có biết bao nhiêu người kitô hữu nổi loạn khi phải chịu đựng một điều gì đó và họ tự nhủ: ‘Tôi có làm gì phạm đến Thiên Chúa đâu? Tại sao Ngài lại gởi đến cho tôi thử thách này?’ Tốt nhất hãy chiêm ngắm Đức Giêsu trên thập giá và suy nghĩ về tấm gương của Môsê: ‘Ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không xin Ngài xóa tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết’.
Thứ Ba tuần XVII Tn
Thánh Anphongsô
Sinh tại Napoli (Ý) năm 1696, chết tại Salermo ngày 1.8.1787. Ngài đã cởi bỏ chiếc áo luật sư ở Napoli, để mặc lấy chiếc áo giáo sĩ. Làm Giám Mục tại Sant’Agata dei Goti (1762-1775) và lập dòng Chúa Cứu Thế (1732), lưu tâm đến việc rao giảng cho dân thường, nhất là những người nghèo khổ và đau yếu. Là Thầy dạy khoa luân lý, với những tiêu chuẩn khôn ngoan mục vụ, dựa trên nghiên cứu khách quan nghiêm túc về sự thật, nhưng cũng nhạy cảm trước những nhu cầu và những cảnh huống của lương tâm. Nhiều tác phẩm nổi tiếng về đời sống khổ tu. Là tông đồ của việc tôn thờ Thánh Thể và tôn kính Mẹ Maria, Ngài hướng dẫn các tín hữu đời sống cầu nguyện và bí tích cùng với việc suy niệm các tuần Cửu Nhật.
+++
Câu nói của Đức Giêsu trở thành châm ngôn: không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương mình. Là những con người có giá trị, ngay cả trong lãnh vực khoa học và văn hóa, nhưng họ đã ra đi khỏi quê hương mình nơi không nhận ra giá trị của họ. Trong Giáo hội ta cũng hay mắc phải nguy cơ không nhận thấy những con người luôn sẵn sàng phục vụ (họ không tự phô trương cho người ta nhận thấy trong các giáo xứ). Và biết bao lần những trực giác của những vĩ nhân trong Thánh Thần đã được xem như những dị biệt không ai hiểu được, nếu không muốn nói là còn gây nguy hiểm nữa? Biết bao khó khăn khi phải chấp nhận sửa lỗi do người vợ của mình! Hoặc một lời khuyên của người cha! Ta thường hay mắc nguy cơ tầm thường hóa mọi người xung quanh ta: ta biết rất rõ về họ, họ có gì hay đâu mà nói với ta? Và như thế ta đánh mất một ‘mạc khải’, một trợ giúp, một nâng đỡ, bởi lẽ mọi khiếm khuyết đến với ta từ miệng của những người mà ta quen biết. Chính Đức Giêsu cũng đã trải nghiệm sự khước từ của những ai xem mình là cao trọng hơn, của ai tưởng mình biết tất cả, nên chẳng lắng nghe ai. Chúng ta đang sống trong ngày này, trong ý thức rằng Chúa đến với ta qua những con người sống bên cạnh ta.
+++
Thiên Chúa dựng lều giữa chúng ta
Hôm nay chúng ta dừng lại nơi bài đọc 1, vì bài Tin Mừng chúng ta đã có dịp suy tư trong những ngày Chúa Nhật vừa qua. Trong đoạn sách Xuất Hành ta ghi nhận rằng trong Cựu Ước đã nêu lên dự định của Thiên Chúa muốn ở giữa dân Ngài, muốn có liên hệ cá biệt sâu xa với từng người chúng ta. Ý định thánh thiêng ấy khởi đầu bằng việc Môsê có sáng kiến dựng ngôi lều và gọi đó là ‘Lều Hội Ngộ’. Thánh kinh nói ông đã dựng lều bên ngoài trại, cách một quãng xa: quả thật Thiên Chúa không thể ở giữa dân Ngài vì dân đã phạm tội, xa cách Ngài, thờ ngẫu tượng. Chiếc Lều ở cách xa, nhưng lại có thể vào được: ‘Ai thỉnh ý Đức Chúa thì ra Lều Hội Ngộ ngoài trại’. Thánh Gioan trong Tân ước nói rằng Ngôi Lời của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, đã cắm lều giữa chúng ta. Môsê đã ra vào lều và Kinh Thánh viết: ‘Đức Chúa đàm đạo với ông Môsê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau’. Chúng ta đã có một phác thảo về dự tính của Thiên Chúa, Nhập Thể. Môsê diện đối diện với Chúa, một cách mầu nhiệm, và Chúa nói với ông như với một con người. Thiên Chúa chưa nhập thể, Con Thiên Chúa chưa làm người, nhưng trong đoạn văn này, Thiên Chúa nói với Môsê như hai người bạn nói với nhau, giống với điều sẽ xảy ra trong Tân ước. Với việc nhập thể của Đức Giêsu, là con người thật nói với ta, đồng thời là Thiên Chúa thật, nói với ta không phải chỉ như hai người nói với nhau nhưng như hai người bạn hữu: ‘Thầy không còn gọi các con con là tôi tớ…Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết’ (Ga 15,15).
Trong giao ước mới, mỗi người chúng ta được mời gọi sống mối liên hệ cá biệt, sâu xa với Thiên Chúa, không chỉ là mối liên hệ mặt đối mặt, nhưng là lòng bên lòng. Là một đặc ân tuyệt vời, ta đón nhận với lòng kính trọng, cảm phục và tri ân. Thánh Thể ban cho ta khả năng đón nhận Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, một người anh em, bạn hữu của ta, không chỉ ở giữa chúng ta, nhưng ở trong chúng ta, để đàm đạo với Ngài, để lắng nghe Ngài, để cho Ngài hướng dẫn cuộc đời ta và rót đầy bằng tình yêu của Ngài. Ước gì Chúa giúp ta luôn quý mến hơn nữa những ân huệ cao trọng này.
+++
Có sự dữ và sự dữ hoạt động. Thông thường người ta nói đến thần dữ, trong Kinh Thánh, và người ta gán cho nó những khía cạnh tiêu cực nhưng ngay cả những điều mà người ta không làm sao lý giải được vì sao, ví dụ một vài thể hiện của những căn bệnh thần kinh hay tâm lý. Tiếp cận kinh thánh rất đơn giản: có một phần tăm tối của thực tại, không phải là đối trọng của Thiên Chúa là ánh sáng và tốt lành, là nguyên lý nguyên thủy. Thực tại này hoạt động để kéo chúng ta ra khỏi điều lành, khỏi ánh sáng: nó gieo cỏ lùng vào trong cuộc sống chúng ta. Trong tin mừng thần dữ được gọi bằng tên ‘kẻ thù địch’, nghĩa là kẻ tìm cách để chiến thắng. Khi ta nói đến thần dữ, hãy bỏ qua một bên những bộ phim kinh dị và những sách kể về việc trừ quỷ: nếu ta biết sống tin tưởng vào Chúa, với cả lòng đơn sơ phó thác, ta có trong nhà mình đấng che chở bảo vệ ta và không một ai có thể gây xao động tâm hồn thanh thản của ta. Có thần dữ và nó hoạt động nhưng chúng ta tin tưởng vào Đấng đã chiến thắng kẻ địch thù.
Thứ Tư tuần XVII Tn
Đời sống của các vị thánh cho ta thấy họ đã sống cách lạ lùng như thế nào việc khám phá ra kho báu tin mừng.
Thánh Antôn từ bỏ tất cả, lúc 18 tuổi, để sống trong sa mạc; thánh Phanxicô Asssidi áp dụng từng chữ những lời của tin mừng đòi hỏi không mang gì theo mình, khi đi đường, không bị không gậy; thánh Inhaxiô trở lại nhờ đọc hạnh các thánh khi ông nghỉ dưỡng (tĩnh tâm bắt buộc) tại Manrêsa; thánh Têrêxa, vào lúc cuối đời, đã nói: ‘Tôi không hối tiếc vì đã hiến dâng cho tình yêu’.
Kho báu được chôn giấu trong cuộc đời của ta đòi hỏi không chỉ được tìm thấy, nhưng còn phải xem nó là quý giá trên tất cả những điều khác. Để khám phá cần phải có cái nhìn kiên trì của một người tìm kiếm không dừng lại trên đường. Nhưng, một khi hiểu rằng đó là sứ điệp vui mừng, có khả năng mang lại ý nghĩa cho cuộc đời ta và mang lại ơn cứu độ cho thế giới, ta hãy thốt lên cùng với thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa là vẻ đẹp từ ngàn xưa, một vẻ đẹp mỗi ngày mỗi mới. Ôi Cái Đẹp, con yêu Ngài quá đỗi muộn màng! Bấy giờ Chúa ở trong con mà con thì ở ngoài, con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài”.
Ngày nay ta có xứng đáng để thưa với Chúa rằng Ngài là kho báu của ta không? Hãy thưa với Ngài điều đó với tất cả sức lực của người hiến trọn thân mình cho Người. Kho báu không khước từ người khám phá, nhưng để chiếm hữu rồi chôn giấu đi lần nữa. Được ban cho ai sẵn sàng mất tất cả để chiếm hữu nó. Cách thức duy nhất để đón nhận Ngài thực sự là hiến thân cho Ngài, khi ta nhận ra Ngài là Chúa và là Đấng cứu độ của mình, Đức Giêsu Kitô. Viên ngọc quý giá kia, đã hiến ban sự sống để cứu chuộc ta khỏi quyền lực sự dữ, muốn để ta chiếm đoạt nhờ đức tin và hoàn toàn phó thác cho tình yêu, cho dù đòi hỏi hay cách sống của ta thế nào đi nữa. Hãy thưa với Ngài: ‘Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con’, ta có thể chiếm hữu Người và trao tặng Người cho kẻ khác. Kho báu này có đặc tính riêng: để có thể giữ Người, cần phải chia sẻ Người cho kẻ khác; Từ Amen mà ngày nay ta thưa khi lãnh nhận Mình Thánh Đức Kitô có thể biểu lộ lòng biết ơn của ta và ước mong trao ban Người cho anh chị em.
+++
‘Khi xuống núi, Ông Môsê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa’. Điểm đặc biệt này khiến ta suy nghĩ rằng ngay cả ngày nay, giữa chúng ta cũng có những con người có khuôn mặt chói ngời, thuộc mọi sắc dân và tuổi tác, mà khuôn mặt của họ chiếu ngời ánh sáng của Chúa. Họ có biết điều ấy hay không, không cần thiết, nhưng chỉ sự hiện diện của họ thôi cũng đủ nói lên họ đích thực là chứng nhân của Thiên Chúa.
Chỉ tấm lòng làm rạng ngời khuôn mặt. Thực là một hiện tượng thiêng liêng: tâm hồn liên kết với Chúa làm tỏa sáng một niềm vui thanh thản, một năng động yêu thương làm biến đổi con người, con người trở nên khí cụ cho ánh sáng thần linh.
Thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô đã đối chiếu vinh quang chóng qua trên khuôn mặt ông Môsê với ‘vinh quang tuyệt vời của Giao ước mới’ và đã khẳng định: ‘Chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy chúng ta được biến đổi nên giống cùng một hình ảnh đó’. Thánh tông đồ viết trong khi bị đau khổ lớn lao, do Giáo hội Côrintô, nhưng vinh quang thiêng liêng của ngài vượt trên mọi đau khổ và đây là tiếng kêu hân hoan của ngài: Chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương.
Tin mừng nhấn mạnh đến lý do của niềm vui biến đổi con người: đã tìm thấy một kho tàng bị chôn giấu, bán tất cả những gì mình có: ‘Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có…’ Từ bỏ, giải thoát khỏi những giá trị hư ảo, mang lại niềm vui. Nếu ta dính kết với mọi sự, ta không thể được tỏa sáng; nếu ta giải thoát khỏi mọi sự, ta sẽ tràn ngập niềm vui trong lòng và cho mọi người xung quanh.
+++
Bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy
Chúng ta nghe kể chuyện một linh mục đã bỏ tất cả để đi truyền giáo, hoặc một nhà kinh doanh đang đạt đỉnh cao danh vọng đã bán xí nghiệp của mình, dấn thân phục vụ người nghèo, chúng ta cho đó là những con người có cái đầu không mấy bình thường đã từ bỏ cuộc sống để theo ý muốn cuộc sống của họ, là những người nam nữ chôn kín đời mình trong các tu viện để cầu nguyện. Nhiều lúc khi nghe những câu chuyện ấy, ta lắc đầu nói: thật đáng thương, những kẻ bệnh hoạn! Nhưng ai là người lành mạnh? Là người chạy theo cuộc đời để thực hiện giấc mơ làm giàu vì cho rằng như thế mới có hạnh phúc, hoặc là người đã tìm thấy hạnh phúc và đã đầu tư tất cả để chiếm giữ lấy nó?
Không dễ dàng tìm gặp thấy hạnh phúc đích thực, nhưng không thể đạt đến nó nếu ta đi tìm theo hướng sai lạc, nếu ta nghĩ rằng mình đã tìm được nó đàng sau ánh cầu vồng với những dáng vẻ của một của một chiếc bình đầy châu báu. Hạnh phúc đích thực và trường tồn là cái không bị hư hoại, là cái không lọt qua kẻ tay, nhưng là cái được trao lại cho người khác tăng lên gấp đôi sức mạnh.
Thứ Năm tuần XVII Tn
Nước Trời đón nhận cá tốt lẫn cá xấu. Sẽ như thế cho đến lúc thời gian bước vào vĩnh cửu. Thực tế tin mừng ngăn cản ta phóng chiếu một thiên đàng ngay trên trần gian; như thế nhằm giải thoát ta khỏi mọi không tưởng nguy hiểm cho đức tin cũng như cho sự chung sống của con người. Nhân danh những không tưởng lý tưởng hàng triệu con người cụ thể bị loại trừ. Ta phải chấp nhận sống chung với điều dữ không ngừng sinh ra nơi ta và chung quanh ta. Giáo hội gồm cả thánh nhân và tội nhân; những thánh nhân có thể phạm tội và những tội nhân tìm cách sám hối. Không được phép phẫn uất và quên rằng chúng ta như thế, chúng ta là cư dân của Nước Trời. Tội làm ta buồn nhưng không hạ thấp chúng ta.
Đàng khác, viễn ảnh của việc phán xét chung thẩm, ‘khi ấy các sứ thần tách biệt kẻ dữ khỏi người lành’, không chấp nhận chúng ta chờ đợi cách thụ động ngày sau cùng ấy. Chúng ta không thể là những người không tưởng, nhưng cũng chẳng phải là những con người dửng dưng, thờ ơ. Chiến đấu chống lại sự dữ là bổn phận cho dù viễn ảnh là một cuộc chiến không bao giờ chấm dứt: ‘Cuộc sống của con người trên mặt đất là một chiến trường’ (Militia est vita hominum super terram). Thiên Chúa và thần dữ vẫn còn giao chiến trong dòng lịch sử và trận chiến chính là lòng con người (Dostoevskij). Là một cuộc giao chiến vừa hòa bình vừa bạo lực. ‘Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được’ (Mt 11,12); Hòa bình của Đức kitô không tách khỏi gươm giáo (Mt 10,34) do Đức Kitô mang đến, cho dù cuộc tranh đấu làm mình bị thương tích trước kẻ khác.
Kết thúc cuộc giao chiến sẽ là chiến thắng Đức Kitô mang đến. Chúng ta sẽ trình diện những công nghiệp bé nhỏ của ta, ta sẽ tin tưởng vào Đấng đã chiến thắng vì ta. ‘Ta không thể tự nhủ mình là kẻ nghèo hèn vì ta có thể tin tưởng vào công nghiệp vô cùng phong phú của Đức Kitô’ (thánh Đaminh)
+++
Ở lại trong Chúa
Biết rằng Thiên Chúa hiện diện ở giữa dân Ngài là điều an ủi lớn lao. Sự hiện diện của Thiên Chúa cách chung chung, trong mọi tạo vật, nhưng cũng có sự hiện diện cá biệt cho phép ta đối thoại với Ngài; Thiên Chúa muốn hiện diện với dân Ngài theo cách thế này. Nhà của Thiên Chúa là nơi hội ngộ và chỗ an toàn, là hình ảnh tiên báo Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Nhà đích thực của Thiên Chúa chính là Đức Kitô. Chính Đức Maria trong biến cố Nhập Thể, Thánh Thần rợp bóng trên Mẹ và vinh quang Thiên Chúa ngập tràn; trong các diễn từ ly biệt, tin mừng thánh Gioan dùng lại từ ngữ này như là sự an ủi, kêu mời và hứa hẹn: ‘Chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy (14,23); ‘Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở trong anh em’ (15,4); Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy’(15,9).
Khát mong sâu thẳm trong chúng ta là chúng ta yêu mến Ngài: ở lại trong Ngài, ở trong nhà của Ngài, trong sự thân tình mầu nhiệm nhưng vô cùng hiện thực với Ngài, với Chúa Cha và với Thánh Thần. Thực tại này được thực hiện cách đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, qua việc hiệp lễ, trong đó Đức Kitô đến với chúng ta và kết hiệp chúng ta trong Ngài, trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Thứ Sáu tuần XVII Tn
Thánh Gioan Maria Vianey
Gioan sinh tại Lyon nước Pháp năm 1786, chết tại Ars ngày 4.8.1859. Làm cha sở họ Ars khoảng 40 năm, thu hút số đông người thuộc mọi tầng lớp xã hội bằng những bài giáo lý của Ngài và bằng bí tích giao hòa. Một con người sống nhặt nhiệm, một cuộc sống nội tâm sâu xa, xoay quanh Thánh Thể và một lòng bác ái quảng đại. Là mẫu mực cho những ai có bổn phận chăm sóc các linh hồn trong các xứ đạo.
+++
Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở quê hương và trong gia đình mình mà thôi.
Có những người điều khiển những cuộc đại hội, được xem như là những người nổi tiếng nhưng thường ngay trong gia đình của họ hoặc ở trong một nhóm nhỏ nào đó họ lại bị xem thường, chối từ, đôi lúc bị ghét bỏ. Tại sao lại xảy ra điều ấy? Phải chăng bởi vì những người sống gần gũi không luôn đánh giá khả năng của họ? Phải chăng người vợ hay người chồng không thấy những khả năng của bạn đời mình, hoặc con cái không nhận ra nơi cha mẹ mình, hoặc cha mẹ không nhận ra nơi con cái mình? Tôi tin rằng câu trả lời nằm nơi chúng ta, nơi bản tính con người của ta, trong sự không có khả năng biết nhận ra điều tốt đẹp khi nó ở ngay trước mặt, bị che mờ do những điều tiêu cực nhỏ nhặt mà ta gặp thấy nơi mỗi người. Người nhìn từ bên ngoài có thể khách quan đánh giá mặt phức tạp mà lãng quên những chi tiết hằng ngày có giá trị cao. Việc sống chung thật sự không dễ chút nào, không dễ vượt qua những điều nhỏ mọn, không dễ làm tắt đi sự ganh tị người khác ở ngay trong ta. Biết bao nhiêu người nổi tiếng đã bị giết chết trong thân xác cũng như trong tâm hồn do những người gần gũi nhất với họ; khởi đầu từ Đức Giêsu đã bị lên án chết vì những tư tưởng của ngài và bị phản bội do một trong những môn đệ thân tín nhất của ngài; Thánh Phanxicô bị cha mình ghét bỏ và bị những người dân trong làng xem như một tên điên; Cha Thánh Piô bị chính Giáo Hội nghi ngờ lâu năm.
Thật đau khổ biết bao trong khi được nhiều người lắng nghe lại bị chối bỏ bởi một ít người thân cận với mình mà mình yêu quý. Biết bao cha mẹ rơi vào tình thế này khi con cái họ trưởng thành sẵn sàng chống đối lại những điều nhỏ nhặt, không thể thấy điều tốt mà cha mẹ muốn cho chúng.
Khi chúng ta bị ghét bỏ, bách hại, làm mất danh dự do việc ta làm, hãy nghĩ rằng điều tốt đẹp trước sau gì cũng được nhìn nhận và vũ khí ta dùng luôn là sự đối thoại chứ không phải tranh cãi, bằng tình yêu chứ không phải ghét bỏ hoặc trả thù. Giả như Cha Piô, thánh Phanxicô và Đức Giêsu chống đối lại bằng lưỡi gươm, họ đã không phải là những nhân vật vĩ đại chiếu soi cho hàng triệu người. Chống đối để bảo vệ tư tưởng riêng của mình là điều hợp lý, nhưng cần phải thực hiện với tình thương, nhẫn nại, trong sáng, như giọt nước từng ngày một rơi xuống chọc thủng tảng đá.
+++
Phụng vụ ngày thứ Tư cho ta đọc dụ ngôn người gieo giống, hôm nay ta nghe đọc lời giải thích do chính Đức Giêsu. Đây là một bản văn ai cũng biết và do đó có thể gây ra nhàm chán, nên ta cần lưu ý để khỏi rơi vào tình trạng ấy. Đừng xem lời Chúa như là đối tượng của tính hiếu kỳ của ta nhưng phải xem đây chính là lời hằng sống. Đó là hạt giống. Có nguy cơ ta làm công việc của một nhà thiên nhiên học, cầm hạt giống trong tay, quan sát, xét nghiệm dưới kính hiển vi, thỏa mãn sự hiếu kỳ, rồi sau đó vứt bỏ đi.
Dụ ngôn này luôn ích lợi cho bất cứ ai, bởi vì thái độ của chúng ta đối với lời Chúa dễ làm ta trốn chạy trước những đòi hỏi của lời và như thế không đón nhận được những ân sủng mà Thiên Chúa thông ban cho ta qua lời. Nhiều người nghiên cứu lời Chúa, nhưng không hiểu như là lời hằng sống, có thể cứu thoát cuộc đời mình.
Đức Giêsu nói rằng ‘là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời’. Ta còn tìm thấy một lý do khác khiến trở nên ích lợi khi ta suy tư nhiều lần về dụ ngôn này. Ta đi tìm niềm vui của Lời và đó là điều tốt nhất, thế nhưng sự thường tất cả dừng tại đó, vì ta là kẻ nhất thời. Cần tìm kiếm sự sống trong Lời, với nỗ lực lớn lao, để cho Lời đâm rễ vào mảnh đất sỏi đá của lòng mình, rễ đâm sâu có thể chống lại thời tiết thay đổi.
Trong lúc cầu nguyện, cần phải kiên trì trong Lời của Thiên Chúa, vượt qua sự mệt nhọc, thất vọng, để tìm gặp suối nguồn sau thẳm nhất; chỉ khi ấy mới sinh hoa trái nơi ta chứ không phải chỉ là một niềm vui hời hợt bên ngoài.
Đón nhận Lời Chúa là sống kết hiệp với Ngài, là sống cách nghiêm túc, dâng hiến cuộc đời mình để nó trở nên phong nhiêu cho tất cả mọi người.
Thứ Bảy tuần XVII Tn
Trong phụng vụ hôm nay chúng ta nhận thấy có một đối nghịch giữa đoạn tin mừng theo thánh Matthêô và bài đọc thứ nhất. Matthêô kể lại việc vì sao Hêrôđê cho bắt giam Gioan Tẩy Giả và cuối cùng ra lệnh chặt đầu ông; bài đọc thứ nhất ngược lại, làm nổi bật ý định của Thiên Chúa, một ý định giải thoát và tha thứ, nhấn mạnh đến việc thiết lập Năm toàn xá, qua đó Thiên Chúa đặt ra giới hạn cho thời gian nô lệ, giới hạn cho quyền sở hữu, cũng như cho những công việc nặng nhọc đồng ruộng. ‘Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó’.
Đức Giêsu, khi giảng dạy trong hội đường Nagiarét, đã đọc đoạn sách Isaia nói việc công bố một năm tha thứ, một năm toàn xá (x. L 4,16.19). Thiên Chúa không muốn bắt hại, tống giam vào ngục tù; Thiên Chúa muốn sự giải thoát:
‘Thánh Thần Chúa ngự trên tôi…sai tôi đi loan báo cho người nghèo khó tin vui, loan báo sự giải thoát cho người tù đày, cho người mù được thấy; trả lại tự do cho người bị áp bức và công bố một năm hồng ân của Chúa’ (Is 61,1). Thiên Chúa muốn sự tha thứ: tha thứ nợ nần, tha thứ tội lỗi.
Tội hình như là một hành vi giải thoát mình khỏi lề luật của Thiên Chúa, trong thực tế nó dẫn chúng ta vào cảnh nô lệ nặng nề hơn: ‘Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội’ và luôn phạm những tội nặng hơn. Hêrôđê bắt đầu bằng việc bắt giam Gioan Tẩy Giả và kết thúc bằng việc giết chết ông, vì làm nô lệ cho một lời thề hứa trước mặt các quan chức, và nhất là vì nô lệ cho tội của ông.
Thiên Chúa muốn giải thoát chúng ta. Thiên Chúa muốn cho mọi sự thoát khỏi cảnh đè bẹp; ngay cả đất đai, theo luật năm toàn xá, cũng được nghỉ ngơi.
Giáo hội khi thiết lập năm toàn xá, đã lấy cảm hứng từ luật trong sách Lêvi này. Năm toàn xá là một năm tha thứ, một năm hồng ân trong đó Giáo hội cho ta có khả năng đón nhận sự tha thứ mọi hình phạt tạm do tội gây ra; giúp ta dễ dàng liên kết với Chúa hơn; mời gọi ta đến gần Ngài với lòng tin chắc chắn sẽ được giải thoát và được can đảm để thực hành điều tốt đẹp hơn.
Cảm tạ Chúa vì những ân huệ ấy và cố gắng sống tâm tình tha thứ, giải thoát, yêu thương và giúp đỡ tha nhân hết sức có thể.
+++
Hêrôđê là một con người bối rối. Đối với Gioan Tẩy Giả một đàng ông khâm phục và kính sợ Gioan, nhưng mãi sau này ông nghĩ rằng Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết; đàng khác ông không thể chấp nhận Gioan, vì Gioan đến khuấy phá sự an bình của cuộc hôn nhân loạn luân của ông với chị dâu mình.
Nhưng làm sao giết được một con người mà dân chúng xem như một đấng thánh?
Dịp thuận tiện đã đến, trong buổi tiệc, Hêrôdê đã hứa long trọng để cám ơn cô vũ nữ. Nhưng cô bé, ác độc chẳng khác gì mẹ nó, đã yêu cầu nhà vua ban cho cái đầu của Gioan đặt trên dĩa: một yêu cầu làm kinh ngạc tất cả các khách dự tiệc. Cho dù ác độc, nhà vua cũng do dự, nhưng làm sao có thể từ chối mà không mất mặt? Và thế là lệnh chặt đầu đã được ban, và bà Hêrôdiađê đã trả được mối hận.
‘Cái đầu của Gioan Tẩy Giả là phần thưởng cho một điệu nhảy’, cha sở xứ Ars đã cho viết câu ấy trong nhà nguyện, để ngăn trở mọi hình thức ‘nhảy nhót’ (không mấy trong sáng) trong giáo xứ của mình. Phải chăng đó chẳng phải là hậu quả của sự thỏa mãn vô độ các giác quan, của tính kiêu căng, sự khoe khoang, của một lời hứa ngông cuồng và sau cùng là sự thiếu can đảm? Hành trình bi thảm của một bản năng xuất phát, để tiến đến chỗ tàn bạo nhất. Xin Chúa gìn giữ ta khỏi kiểu trượt ngã như thế!
+++
Đọan sách Lêvi (Lv 25,1.8-17) thường được nghe đọc trong Năm Thánh như một kinh nghiệm giải thoát, liệt kê tỉ mỉ những điều luật, chỉ thị. Lề luật Thiên Chúa ban, thay vì là một ép buộc, lại mang tính giải thoát, nêu lên sự công bình xã hội, việc phân phối đồng đều các của cải, bảo đảm việc tôn trọng con người, bất cứ họ là ai, ở địa vì nào. Trong tin mừng (Mt 14,1-12) ta thấy một quyền bính khác, quyền bính của Hêrôđê, một con người nhỏ nhen. Cách cai trị của vị vua này: lạm quyền để đạt được những mục mục đích cho riêng mình. Sự bất công trở thành luật và sự sống của các thần dân chỉ là đồ chơi trong tay ông.
Tôn trọng con người, đặt người khác và quyền lợi của họ lên trên, không chỉ là những giá trị tìm thấy trong tin mừng mà còn được nói đến trong suốt lịch sử cứu độ. Đó là luật hướng dẫn cách ăn ở, có giá trị cho mọi người, không riêng gì các tín hữu. Quả vậy, có những thực tại nơi con người nối kết họ lại với nhau, vượt lên trên những khác biệt văn hóa, chủng tộc và tôn giáo. Và xoay quanh gia sản chung đó, biết bao người hăng hái dấn thân để xây dựng một thế giới tốt hơn. Họ cần phải tìm ra một điểm gặp gỡ chung và làm việc nhằm xác quyết những giá trị hỗ trợ cho một cuộc chung sống tốt đẹp giữa con người với nhau. Lẽ nào đó không phải là hạt giống nhỏ bé của Nước Thiên Chúa sao? Và việc tin vào các thực tại đó không gì khác hơn là quả quyết rằng có một luật linh thiêng khắc ghi sâu thẳm bên trong chúng ta, vượt lên trên những khác biệt về niềm tin.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê