Thứ hai Tuần Bát Nhật PS
Giải thích biến cố phục sinh thế nào
Ngày thứ nhất của tuần bát nhật theo sau Đại Lễ Phục Sinh, bắt đầu cuộc sống niềm tin của mỗi ngày. Một niềm tin không rập khuôn theo cuộc sống quá khứ. Bởi lẽ, nếu những điều ta hát ca và tuyên đọc trong dịp lễ Phục Sinh là đúng sự thật, thì chỉ khi nào Đức Kitô sống lại làm cho các môn đệ hiểu rằng Ngài luôn ở với họ cho đến tận thế, tất cả mọi người mới khám phá ra được ý nghĩa của cuộc đời.
Các sự kiện của lễ Phục Sinh mà các thánh sử đã sống, được tóm gọn lại trong bài tường thuật của họ, đó là một bằng chứng. Bằng chứng minh nhiên cho thời đó cũng như cho thời nay.
Thánh Matthêô nhắc đến Maria Mađalêna và một Maria khác, sáng sớm các bà đã gặp thiên thần ngay gần bên mộ Chúa. Khi họ vâng lời rời khỏi mộ, Đức Kitô phục sinh tìm gặp các bà. Ngài trao cho họ sứ mạng: ‘Về báo tin cho anh em của Thầy để họ đến Galilêa. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó’.
Và cũng tại ngôi mộ trống diễn ra một sự đối nghịch mới – minh chứng sự sống lại – và sự từ chối tin. Trong khi hai phụ nữ đang còn trên đường, các lính canh đã đến gặp các đầu mục trong thành. Họ biết rằng chẳng mang lại ích lợi gì khi niêm ấn và canh gác ngôi mộ của Đức Giêsu, vì chẳng có quyền lực trần gian nào có thể đương đầu lại công việc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì họ không chấp nhận chân lý phục sinh, nên đã nghĩ ra cách ‘giải thích’cho mọi người.
Việc lý giải sự phục sinh cách lừa bịp chỉ xuất phất từ những kẻ chối từ gặp gỡ Chúa.
Bạn giải thích biến cố phục sinh thế nào cho người hôm nay?
+++
Chúa sẽ dạy cho con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.
Được nên mạnh mẽ và soi sáng nhờ Thánh Thần cùng với các môn đệ trong nhà Tiệc ly, Phêrô không còn như trước nữa: ông tuyên bố cách hùng hồn rằng Đức Giêsu là Đấng đã bị người Do thái kết án tử, nay đã sống lại tựa như chính mắt nhìn thấy Ngài chỗi dậy từ cõi chết. Và lời loan báo hăng say này ta đọc thấy nơi diễn từ của Phêrô, đã mượn lời thánh vịnh 15: ‘Chúa sẽ dạy cho con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề ở trước Thánh Nhan’.
Đây là lời thánh vịnh được dùng cho câu đáp ca hôm nay.
Người La mã thường nói: Cần phải lập đi lập lại. Đúng thế, chân lý này được lập đi lập lại nhiều lần trở thành nơi ta chất liệu sự thông minh, vững mạnh tâm hồn.
Lạy Chúa, xin cho con luôn trung thành biết lắng nghe Lời Chúa. Xin cho con thấy rõ con đường chân thật, nghĩa là con đường phù hợp với huấn lệnh của Chúa. Xin đổ tràn niềm vui vào lòng con để con mở miệng loan báo cho những ai bên cạnh con.
Thứ ba Tuần Bát Nhật PS
Chất giọng quen thuộc của Thầy
Thánh sử tin mừng thứ tư thuật lại, theo cách thức của ông, kinh nghiệm phục sinh của Maria Mađalêna, người đã cùng với các môn đệ sống nỗi đau khổ của sự chia ly và loại trừ khi nhìn thấy Đức Giêsu một mình với những đau đớn và cái chết của riêng Ngài. Chiều thứ sáu tuần thánh, nhà cầm quyền trao trả lại xác chết của Chúa. Giuse Arimathia và Nicôđêmô táng xác vào mộ đá.
Nếu ngôi mộ và thân xác của Ngài là tất cả những gì còn lại cho các môn đệ, có lẽ sẽ chỉ là một kỷ niệm, một tưởng niệm và trung tâm của một cộng đoàn có liên quan đến một thánh tích.
Maria khóc khi đến gần mộ. Bà không cảm thấy chút nào niềm vui phục sinh. Các thiên sứ, một vị ngồi đàng đầu, một vị đàng chân, bà chỉ ghi nhận được có thế. Bà chẳng để ý gì đến cái khoảng trống giữa vị trí ngồi của các vị sứ giả của Thiên Chúa: ‘Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi…’, và đấy là nỗi đau khổ của bà. Bà nmuốn biết người ta đã đặt Ngài ở đâu, muốn bảo đảm đấy chính là Ngài, muốn giữ Ngài lại và kề cận bên Ngài…cái tương lai mà Maria tưởng tượng ra đó, làm cho bà chán nản trong lúc bà rời mộ.
Và cũng chính trong giây phút đó mà mắt bà mở ra. Bà nghe cái chất giọng quen thuộc của Thầy và nhận ra rằng Thầy đang sống. Chúa Giêsu không nói với bà về cuộc sống đã qua, nhưng nói về tương lai của bà, cũng sẽ là tương lai của các môn đệ, của những kẻ tin. Ngài nói với bà rằng Ngài về cùng Thiên Chúa, là Cha của Ngài, cũng là Thiên Chúa và là Cha của chúng ta.
+++
Địa cầu tràn đầy tình thương của Chúa (Tv 32)
Đây là lời của thánh vịnh đáp ca hôm nay, phù hợp với mùa phụng vụ cũng như với khởi đầu mùa xuân. Quả vậy, trong chốc lát ta ra khỏi căn bệnh hời hợt bên ngoài, ta cảm nghiệm trong lòng một Thiên Chúa ngay thẳng và trung tín trong lời nói và hành động. Do đó Người đổ tràn tình thương trên trái đất mà Người sáng tạo, và trong mầu nhiệm của Đức Giêsu chết và sống lại, Người tiếp tục làm tái sinh.
Đúng vậy: sự sống đã thay đổi ý nghĩa. Địa cầu đầy tình thương Chúa, Đấng làm cho xinh đẹp nhờ các mùa tiếp nối nhau, nhờ các thảo mộc và sinh vật được tạo dựng nhằm phục vụ con người.
Điều đáng tiếc chính là để cho cuộc sống mình trôi đi theo nhịp điệu điên cuồng. Thánh vịnh viết: Chúng có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe.
Đấy là loại mù và điếc tinh thần mà lời thánh vịnh mời ta chiến thắng trong niềm vui.
Lạy Chúa Giêsu, tình yêu mà lòng con khao khát Chúa đã yêu thương đổ xuống trên trái đất nơi con cư ngụ. Xin làm cho con biết ý thức và nhào nặn con nên con người mới đích thực: tràn đầy tình thương của Chúa và luôn tri ân Chúa.
Thứ tư Tuần bát Nhật PS
Trên đường Emmaus
Các thánh sử trao lại cho chúng ta kinh nghiệm phục sinh, cô đọng trong một bài tường thuật; một kinh nghiệm mang theo lời giải đáp luôn mới mẽ cho những ai đang thắc mắc.
Thánh Luca thuật lại việc các môn đệ đi đường trong ngày Phục sinh: họ rời xa Giêrusalem và xa cộng đoàn anh em. Họ muốn bỏ lại sau lưng cái quá khứ liên quan đến Đức Giêsu, nhưng họ lại không thể không nói ra cái gánh nặng chất chứa trong lòng: Đức Giêsu bị kết án, chết trên thập giá….không phải là Đấng Cứu Độ đã hứa sao. Cả hai đều trầm ngâm, không nhận ra vị khách đang đồng hành với họ trên đoạn đường thất vọng ấy. Niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa không đủ để họ vượt lên trên hình ảnh cái chết của Thầy. Và do đó họ chẳng hiểu vị khách ấy muốn nói gì khi nhắc đến Môsê và các tiên tri.
Và khi chiều đến, trong bữa ăn tối, khi vị khách ấy cảm tạ Thiên Chúa, bẻ bánh và phân chia cho các ông, mắt và lòng các ông mới mở ra. Dù họ chẳng còn thấy Đức Giêsu nữa, họ tin chắc rằng Ngài hiện đang sống; có thể gặp Ngài qua lời và qua bữa tối. Với niềm tin chắc như thế, họ quay trở lại Giêrusalem, quay lại cộng đoàn các môn đệ. Chính nơi đây họ quy tụ và bàn luận với nhau về những biến cố Phục sinh, nguyên tắc nền tảng của đức tin. ‘Ngài đã sống lại và đã hiện ra cho Simon’ (đứng đầu các tông đồ).
+++
Bấy giờ ông Phêrô nói: Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây là nhân danh Đức Giêsu Kitô, người Nagiarét, anh đứng dậy mà đi.
Một người què từ lúc lọt lòng mẹ ngồi hàng ngày bên cửa Đẹp đền thờ. Anh chỉ trông chờ của bố thí. Thấy Phêrô và Gioan sắp vào đền thờ anh liền giơ tay xin bố thí. Hai điều đáng lưu ý: thứ nhất là lời của Phêrô ‘Anh nhìn chúng tôi đây…và nhất là: Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây’.
Trước mặt người đời Phêrô chẳng có gì cả. Tuy nhiên, ông đã nại đến Danh cao trọng. Danh nghĩa là quyền năng linh thiêng, Danh Đức Giêsu. Và với quyền năng này mà Phêrô đã chữa lành bệnh cho anh què.
Ta được mời để nhìn xem hai quyền năng: một đàng là quyền năng của bạc tiền, đàng khác là quyền năng của Danh Giêsu. Đâu là quyền năng mạnh nhất? Mỗi người tự chọn cho mình đứng về phía bạc tiền hay về phía Danh Chúa Giêsu để thỏa mãn những khát vọng của mình.
Lạy Chúa Giêsu, tiền bạc theo mức độ nào đó cũng cần để nuôi sống chúng con. Nhưng chỉ về phương diện vật chất thôi. Xin cho con biết tìm kiếm Chúa và sống vì Chúa trên hết mọi sự.
Thứ năm Tuần Bát Nhật PS
Chứng nhân Đức Giêsu phục sinh
Những người nam, nữ đã nhận biết Đức Giêsu đều làm chứng sự phục sinh của Ngài. Họ nói rằng Ngài đến gặp họ như một con người sống.
Cho dù việc phục sinh vượt qua những giới hạn của kinh nghiệm trần gian, không có từ ngữ nào có sức truyền đạt lại cái thực tại đã từng chạm đến những con người ấy. Các môn đệ của Đức Giêsu tìm lời lẽ và hình ảnh để diễn tả điều không thể diễn đạt.
Cũng xảy ra điều tương tự cho cuộc gặp gỡ lần cuối cùng với Đấng phục sinh, kết thúc tin mừng theo thánh Luca.
Việc Đức Giêsu hiện ra cho các tông đồ vừa lạ lùng lại vừa quen thuộc. Ngài nói với họ: ‘Bình an cho các con’. Nhưng họ đầy sợ hãi và nghĩ rằng – như bao nhiêu kẻ đang cần một lời giải thích- đây là ma. Ngài cho họ sờ thân xác Ngài, và ăn uống trước mặt các ông.
Bởi vì, cho dù niềm tin vào cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu là nền tảng cho mọi lời rao giảng, điều đó cũng không cất đi hết mọi nghi ngờ.
Giêrusalem, thành phố của cái chết và cuộc sống lại, trở nên thành phố nơi các tông đồ nhận lãnh Thánh Thần được hứa ban và, quyền năng của Ngài biến họ thành những chứng nhân cho mọi dân tộc trên địa cầu.
+++
Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết; về điều này chúng tôi xin làm chứng
Phêrô và Gioan, không phải quyền năng riêng mình, nhưng nhờ vào năng lực của Chúa mà họ đã thực hiện điều kỳ diệu là làm cho anh què bước đi được. Phêrô mạnh mẽ tuyên bố: chính Danh Đức Giêsu mà anh què được chữa lành. Nhân danh Đấng mà các thủ lãnh dân chúng đã giết chết: họ đã lên án tử cho Đấng là nguồn Sự Sống.
Trong ngày này mầu nhiệm Phục sinh được lan truyền đến thiên nhiên, đang mặc lấy bộ áo mùa xuân với những chồi non, với hoa nở, chim hót và trẻ thơ nô đùa ngoài trời. Chính trên hậu cảnh ấy vang lên lời tố cáo: Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống.
Hãy để vang lên trong tâm hồn không phải lời kết án cuộc sống mình, nhưng là bằng chứng tình yêu của việc đổi mới tâm hồn, đổi mời từng ngày, nhờ Đấng khơi nguồn sự sống.
Thứ sáu Tuần Bát Nhật PS
Chính Chúa đó
Tin Mừng thánh Gioan chấm dứt với việc miêu tả cuộc gặp gỡ đầy biểu tượng: Phêrô và sáu môn đệ khác đang ở trên bờ hồ Tibêria. Đó là nơi họ đã cùng ở với nhau, trước khi Đức Giêsu đến kêu gọi họ theo Ngài để trở nên kẻ chài lưới người. Phêrô quyết định: ‘Tôi đi đánh cá đây’ –không nghĩ gì đến những kẻ khác. Những anh em khác cùng đi với ông.
Đêm tối –thuận lợi cho các ngư phủ- họ ra khơi. Sáng sớm, họ trở về với những mảnh lưới trống không. Và kìa trên bờ, có người hỏi xin họ một ít cá.
Nhưng họ chẳng có gì, chẳng có gì để mà chia sẻ. Tin vào lời nói- mà họ không quen biết- họ thả lưới và bắt được thật nhiều cá (cho dù buổi sáng không phải là thời gian thuận lợi cho việc đánh cá). Tâm hồn của người môn đệ Chúa yêu mở ra. Ông la lên: Chính Chúa đó! Phù hợp với vị thế của mình trong cộng đoàn (là người môn đệ Chúa yêu), Gioan là người đầu tiên nhận ra Đức Giêsu; nhưng Phêrô lại là người đầu tiên đến với Chúa. Các ông khác đưa thuyền và lưới vào bờ, chứa đầy 150 con cá lớn, một số lượng bất ngờ.
Cuộc gặp trên bờ hồ mang một nỗi sợ khó diễn tả. Không ai dám hỏi: ‘Ngài là ai?’. Họ biết Ngài, tuy nhiên họ vẫn cảm thấy có cái gì đó là lạ và có chút gì đó đổi thay. Lần này, Đức Giêsu không ăn. Ngài cầm lấy bánh và cá. Ngài trao cho các ông và họ nhận lấy từ đôi tay của Ngài: bánh và sự sống.
+++
Đức Giêsu là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra không ai đem lại ơn cứu độ
Thánh Phêrô đã tuyên bố những lời trên khi, bị các thủ lãnh dân chúng cầm tù và bị tra hỏi vì việc chữa lành một người què nhân danh Đức Giêsu. Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy? Phêrô đã dõng dạc trả lời. Chẳng những ông trả lời rằng phép lạ chữa lành ấy đã được thực hiện nhờ quyền năng và danh Đức Giêsu, mà ông còn nêu rõ quyền năng của Đức Giêsu, vừa là con người vừa là Thiên Chúa.
Đối với những người canh giữ đền thờ, Đức Giêsu đã bị loại trừ như viên đá vô ích và nguy hiểm. Nhưng chính Ngài, mà Chúa Cha đã chọn làm viên đá góc cho niềm tin tôn giáo, dựa vào Lời và mầu nhiệm Phục sinh của Ngài, là sự sống và ơn cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho phong cách sống hàng ngày của chúng con luôn đặt nền trên Chúa và tìm gặp nơi Chúa sự sống và ơn cứu độ.
Thứ bảy Tuần Bát Nhật PS
Sứ mạng của chứng nhân phục sinh
Tin mừng Mátcô chấm dứt với bài giáo lý về niềm tin của nhóm Mười Một tông đồ, chứng cứ của họ là nền tảng cho đức tin của Giáo Hội: Chính Đức Giêsu đã mời gọi họ từ Galilêa đến Giêrusalem.
Sau ngày thứ sáu tuần thánh, chán nản thất vọng, họ ở lại trong thành. Maria Mađalêna –theo bài tường thuật hôm nay là người mang lại niềm tin- là người đầu tiên được Chúa hiện ra cho, giải thích cho các ông điều Đức Giêsu phục sinh giao phó cho bà. Hai môn đệ mà Đức Giêsu cùng đồng hành trên đường về Emmaus cũng trở lại Giêrusalem. Tuy nhiên, họ không nghe các ông, cũng chẳng tin các ông. Bằng chứng của người phụ nữ, của cả hai môn đệ đều không làm cho các tông đồ thoát ra khỏi sự buồn sầu, than van.
Chỉ khi Đức Giêsu hiện ra và trách cứ các ông về sự yếu lòng tin vào lời của các chứng nhân, thì mắt và lòng họ mới mở ra.
Nhìn thấy Ngài, họ hiểu rằng tin mừng của Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng, trở thành sứ mạng của chính họ, sẽ không bao giờ chấm dứt. Họ hiểu rằng sứ mạng của họ bao gồm toàn thế giới và toàn thể tạo thành, cộng đoàn những kẻ đang sống.
+++
Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa. Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi, trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe và mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.
Thẳng thắn và can đảm trước những tình huống khó khăn trong cuộc sống, luôn tỏ cho thấy là những con người chân thực, có cá tính mạnh. Cá tính của Phêrô và Gioan đã được Thầy Giêsu nhào nặn nên.
Các thủ lãnh do thái ganh tị những điều kỳ diệu mà hai tông đồ thực hiện, tra hỏi họ với ý hướng xấu là ra lệnh cấm đoán: không được nói về Đức Giêsu và không được làm điều gì nhân danh Ngài.
Hai tông đồ của Chúa biết rõ điều ấy. Làm theo ý muốn của loài người hay làm theo ý muốn của Thiên Chúa, các vị hãy xét xem! Các vị là những vị thông thái trong hội đường!
Lời tuyên bố mạnh mẽ: Những gì tai đã nghe và mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.
Lạy Chúa Giêsu, qua lời của Ngài, cách âm thầm, Thánh Thể và ơn sủng Ngài đã giúp chúng con phục vụ tha nhân, Ngài làm cho con thấy và nghe Chân Lý Tình Yêu. Xin cho chúng con đừng bao giờ che dấu chân lý ấy vì sợ hãi nhưng can đảm loan báo, sống điều mà Ngài dạy dỗ chúng con. Hôm nay – ngày mai – mãi mãi.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê