Suy niệm Tin Mừng tuần XIX Thường niên B - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ năm - 08/08/2024 10:32  209
Chúa Nhật 19 TN / B
Chúng ta đang tìm kiếm Thiên Chúa hay Ngài đang tìm kiếm chúng ta? Ngay cả trước khi chúng ta bắt đầu có ý thức tìm kiếm Ngài, Ngài đã kéo chúng ta đến với Ngài, như một người yêu, qua Chúa Kitô. Phản ứng đúng đắn về phía chúng ta là hoàn toàn sẵn lòng lắng nghe và học hỏi: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta.’ Điều này có nghĩa là theo Chúa Kitô, vì ‘chỉ có ai đến từ Thiên Chúa mới nhìn thấy Chúa Cha’ và do đó chỉ có người ấy mới có thể biết hoàn toàn ý muốn của Chúa Cha và mặc khải điều ấy ra. Cuộc sống vĩnh cửu mà tất cả chúng ta đều khao khát tùy thuộc vào đức tin nơi Đức Kitô, vào một sự tin cậy và dấn thân không ngừng, đó là khởi đầu cuộc sống phục sinh từ nơi đây và bây giờ, bảo đảm sự phục sinh của thể xác cho sự sống bất diệt. Trong thời gian chờ đợi, các tín hữu được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Ngài trong Bí tích Thánh Thể, dần dần tạo thành trong mình một ‘kho dự trữ’ sự sống bất tử. Nếu Êlia hoặc người Do Thái trong cuộc Xuất Hành ăn bánh quý giá, chúng ta ăn một thứ bánh còn quý giá bội phần: ‘Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta.’
Hãy nuôi dưỡng mình bằng Mình Thánh Chúa Kitô!
Bài đọc thứ nhất thuật lại cho chúng ta những gì xảy ra tiếp theo thách thức mà Elia đưa ra cho 450 tư tế của Baal, được hỗ trợ bởi nhà Vua Achab và bà Hoàng hậu Jezabel, những người đang muốn giết Elia: «Jezabel liền sai sứ giả đến nói với ông Elia: “Xin các thần minh làm cho ta thế này, và còn hơn thế nữa, nếu giờ này sáng mai ta không biến mạng ngươi ra như một trong các người ấy” (x.1 V 19.2). Nhà tiên tri sợ hãi, thấy mình bị săn lùng nên chạy trốn qua sa mạc để đến được ngọn núi của Chúa, Horeb. Tác giả thánh viết rằng “Ông ta vào sa mạc đi bộ một ngày và đến ngồi dưới gốc cây tùng ”, nhưng sự khô cằn của sa mạc đã khiến ông gần chết và ông ước được chết: “ Đủ rồi, lạy Chúa! Hãy lấy mạng tôi đi, vì tôi chẳng hơn gì cha tôi cả. Ông nằm xuống và ngủ dưới gốc tùng.” Nhưng rồi một thiên thần đến giúp đỡ ông, đem cho ông hai chiếc bánh và một bình nước. Được phục hồi, Êlia đi bộ “bốn mươi ngày bốn mươi đêm” và đến ngọn núi nơi ông sẽ thưa chuyện với Đức Chúa.
Kinh nghiệm của Êlia là một kinh nghiệm của con người mà tất cả chúng ta đều đã có hoặc sẽ có ít nhất một lần trong đời. Bao nhiêu người chán sống, muốn chết đi cho rồi! Một sứ thần được Thiên Chúa sai đến giúp đỡ vị tiên tri và mang cho ông bánh và nước: sự giúp đỡ lúc đó là điều cần thiết. Hy vọng rằng cả chúng ta nữa, khi đang ở trong những hoàn cảnh khó khăn, có thể tìm gặp được những người mang lại cho chúng ta sự giúp đỡ cần thiết, để có sức mạnh tiến bước, để chiến đấu, để vượt lên mọi cực nhọc.
Trong những thời điểm nhất định, chúng ta cần có bánh, nghĩa là sự giúp đỡ về vật chất, nhưng Chúa Giêsu mang lại cho ta ý nghĩa cuộc sống, bởi vì bánh chỉ làm thỏa mãn cơn đói của ngày hôm nay, nhưng ngày mai là một ngày khác và mỗi người sẽ phải tìm ra sức mạnh mới để vượt qua những khó khăn mới với quyết tâm đúng đắn.
Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô nhắc nhở các Kitô hữu rằng họ đã được Thánh Thần “ghi ấn tín”. Tựa như điều xảy ra cho người nô lệ, những người được đóng dấu [trên người] để xác nhận họ vĩnh viễn thuộc về chủ nhân của họ. Thánh Phaolô yêu cầu các Kitô hữu ở Êphêsô sống một cuộc sống mới, để mình được Thánh Thần hướng dẫn, sống tình yêu mà Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Và, một lần nữa với các Kitô hữu của cộng đồng này, trước tiên Thánh Phaolô liệt kê những khuyết điểm cần tránh và sau đó, dưới hình thức tích cực, những phẩm chất đặc trưng của người đã được rửa tội. Có sáu thói xấu được liệt kê: “gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác”. Tất cả những thói xấu ấy liên quan đến cách ăn nói đều phát sinh từ sự hà khắc đối với người khác, từ sự thiếu bác ái. Thật vậy, từ những tệ nạn này, chúng ta có thể kết luận rằng sự khắc nghiệt trong các mối quan hệ gia đình và trong đời sống nghề nghiệp, sự thiếu lòng thương xót và lòng nhân từ sẽ làm xói mòn mọi khả năng có được một đời sống xã hội hòa bình. Thánh Phaolô mời gọi tín hữu Êphêsô quan tâm đến người khác, “tha thứ cho nhau”, đó là tiền đề để sống lại như những Kitô hữu theo gương Chúa Giêsu, Đấng “đã hiến thân làm hy lễ” cho chúng ta.
Tuy nhiên, trong Tin Mừng, chúng ta lại nghe Chúa Giêsu nói: “Ta là bánh từ trời xuống”. Trước câu nói này, người Do Thái lẩm bẩm và đáp lại với vẻ kinh ngạc: “Đây không phải là Ông Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta không biết cha mẹ anh ấy sao? Thế thì làm sao người này lại có thể nói: “Ta từ trời xuống”? ». Trong Kinh Thánh, lẩm bẩm đồng nghĩa với việc từ chối tin, đó là một lời tuyên bố thù nghịch, là sự khép kín trước lời đề nghị của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa tự hiến mình, nhưng không ép buộc; đề xuất nhưng không áp đặt; Ngài gõ cửa, nhưng không phá cửa. Đức tin là một món quà của Thiên Chúa nhưng cũng là một hành vi tự do. Mọi người đều được mời gọi đến với đức tin, nhưng không phải ai cũng đáp lại bằng đức tin. Vậy thì ai đến với đức tin? Chúa Giêsu nói: “Không ai có thể đến với Thầy nếu Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy không lôi kéo họ […] Ai đã nghe lời Chúa Cha và học theo Người thì đến với Ta . Những từ đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là chúng ta chỉ có thể tin vào Chúa Giêsu nếu chúng ta sống một cuộc sống trung thực, trung thành và khiêm tốn đối với Thiên Chúa, nếu chúng ta làm theo ý muốn của Người, chứ không phải của riêng mình. Thực vậy, như hạt giống cần đất để nảy mầm và sinh hoa trái, đức tin cũng cần một trái tim sẵn sàng và hướng tới việc đón tiếp Thiên Chúa vào cuộc đời mình. Đức tin là sự đáp trả quảng đại đối với Thiên Chúa!
Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu đáp lại những người lẩm bẩm Ngài: «Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời, và bánh tôi sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống”. Điều này có nghĩa là ai ăn Ngài sẽ không bao giờ đói nữa, và ai tin Ngài sẽ không bao giờ khát nữa. Chúa Giêsu là Đấng chúng ta cần hơn bánh: Ngài là món quà thực sự của Thiên Chúa có khả năng đáp ứng mọi mong đợi sâu xa nhất của chúng ta. Vì thế, Chúa Giêsu tự xưng là Con Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có khả năng nuôi sống tâm hồn chúng ta và làm chúng ta no nê hôm nay và mãi mãi. Manna mà người Do Thái ăn trong cuộc Xuất Hành không cứu được họ khỏi cái chết. Nhưng ai ăn bánh hằng sống, tức là thịt của Ngài, sẽ sống đời đời.
Cả chúng ta nữa, những người hiện diện trong việc cử hành Thánh Thể, cũng đang chờ đợi để “ăn” Mình Thánh Chúa Kitô. Chúng ta hãy nuôi dưỡng mình bằng Thân Thể cực thánh này vì đó là lương thực không hư nát nhưng mang lại sự sống đời đời. Amen!
Thứ hai Tuần XIX Tn
Thập giá và con cá
Trong khi các Tông đồ nghĩ trong lòng rằng sắp đến thời điểm Đức Kitô thiết lập Nước Trời, xua đuổi và nghiền nát những kẻ đàn áp, thì Thầy Giêsu lại loan báo chính cái chết của mình. Đối nghịch giữa chương trình của Thiên Chúa và của con người! Thật là thất vọng cho các Tông đồ, những người thấy những giấc mơ của họ ‘bốc hơi’ và chính xác họ phải bị dìm vào trong mầu nhiệm của thập giá. Kỳ chướng và thất vọng cho tất cả những ai sống niềm tin của mình như một bảo đảm cho sự miễn trừ và cao cả…Đối với tất cả những ai từ khước thập giá và không biết nhận ra giá trị vô cùng mà chính Thiên Chúa tặng ban cho. Đối với tất cả những ai đọc ra lịch sử chỉ bằng kiểu lý luận con người và không biết vượt qua những giới hạn dưới ánh sánh của đức tin. Chỉ là nguyên do của đau buồn và sợ hãi cho ai thấy trong cái chết chỉ là kết thúc của sự sống và sự đóng kín thảm não của ngôi mộ.
‘Ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy’ cần phải là một dấu ấn và bảo đảm cho sự bất tử nơi mỗi con người, cần phải trở thành nguyên do của sự sống và sự an ủi khi nhìn cái chết được mong chờ như hành trình vượt qua đầy vui mừng để tiến đến phần thưởng và cuộc đời vĩnh cửu. Trong viễn ảnh đó ta hiểu được giá trị của những lề luật của con người như việc nộp thuế cho đền thờ, cho dù Chúa Giêsu, đấng tự xưng mình là Con của Vua, để tránh những giải thích sai lạc và những tố cáo dễ dãi, đã chấp nhận nộp thuế. Đồng tiền lấy ra từ bụng cá làm ta nghĩ đến sự quan phòng của Thiên Chúa xuất phát từ chính trái tim của Thiên Chúa đối với con cái mình. Còn làm cho ta nghĩ đến Đức Giêsu chẳng những không khinh chê thân phận làm người của mình mà còn khiêm tốn chấp nhận mọi ràng buộc của con người.
+++
Phêrô luôn là người trả lời nhanh chóng, ngay tức khắc. Một lần nữa ta cần biết ơn Ngài: vì chúng ta cũng thường phát ngôn trước khi suy nghĩ. Trong lời giải thích, cách riêng dành cho Phêrô như là người sẽ được trao phó chăm nom đàn chiên của Đức Kitô, Đức Giêsu cho thấy rằng ta cần phải sẵn sàng biến đổi mình cho phù hợp với nhu cầu góp phần vào việc bảo toàn những cấu trúc vật chất. Theo một nghĩa nào đó, thật đẹp khi Phêrô không yêu cầu Đức Giêsu những miễn trừ hoặc những dễ dãi, đấng đã muốn chia sẻ kiếp người của ta, ngoại trừ tội lỗi.
Nhưng phương thế mà Ngài góp phần vào thì lạ thường. Sự lanh lợi của Phêrô xét như một tội nhân là phương cách loài người nhằm tìm kiếm tiền bạc, trong khi thật sự lạ lùng sự trùng hợp Phêrô câu được con cá mà ông mở miệng ra để có được đúng số tiền cần dùng.
Sự vâng phục trung tín của ta sẽ luôn giúp ta thoát khỏi những khó khăn thử thách một cách lương thiện.
Thứ Ba tuần XIX Tn
Tự hiến mạng sống
Đức Giêsu, kết thúc sứ vụ tại Galilêa, vội vàng lên Giêrusalem nơi cái chết đang chờ đợi Ngài. Thánh sử ghi nhận rằng ‘khi ấy các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu’. Nhưng câu hỏi của họ tỏ cho thấy họ còn cách xa Thầy mình nhiều lắm. Trong đoạn song song, Mc (9,33 tt) trình bày cùng một cảnh tượng: Đức Giêsu vừa loan báo cuộc tử nạn và các môn đệ, thay vì suy tư về những điều họ vừa được nghe, lại bắt đầu tranh luận với nhau về việc ai là người lớn nhất. Một khoảng cách giữa những quan tâm của Thầy và của các môn đệ! Quả thật, tình cảnh này vẫn còn tiếp tục lập lại cho đến nay giữa các môn đệ Đức Kitô: biết bao lần chúng ta quên lãng tin mừng vì chỉ lo đến chính mình hoặc những người mình quý mến! Đức Giêsu không trả lời ngay tức khắc; Ngài đặt một em bé ‘ở giữa các ông’, và nói: ‘Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời’. Với những lời này khởi đầu diễn từ thứ tư của Đức Giêsu, đề cập đến đời sống huynh đệ kitô. Người môn đệ như một đứa trẻ, một đứa con; Đức Giêsu không nói rằng đứa trẻ cần phải lớn lên, trưởng thành. Trong Nước Thiên Chúa ta luôn là những trẻ thơ, luôn là những người con. Khởi đầu một thế giới mới mà Thiên Chúa đến để kiến tạo.
Với giọng điệu đầy yêu mến, Đức Giêsu quả quyết rằng ai tiếp đón một trong các môn đệ của Ngài là đón tiếp chính Ngài. Những lời ấy đòi hỏi các môn đệ cái phẩm giá mà họ được mời gọi sống. Từ đó nảy sinh một vòng tròn khép kín của sự quan tâm và tình yêu thương liên kết các môn đệ với Đức Giêsu và với nhau. Đời sống cộng đoàn là mối quan tâm của Đức Giêsu. Ngài muốn thông truyền cho mỗi người chúng ta tình yêu ấy, để tất cả cảm thấy có trách nhiệm với đời sống của toàn bộ cộng đoàn kitô. Ngài đòi hỏi các môn đệ phải nghiêm khắc hết sức với chính mình để tránh gương xấu. Ngài mời gọi chặt tay, chặt chân, móc mắt để tránh gây chia rẽ và tác hại. Cuộc sống cộng đoàn kitô, có giá trị hơn mọi điều khác. Đối với Đức Giêsu, sự sống của cộng đoàn, của mọi người, có giá trị hơn là sự sống của chính Ngài. Chính đó là con đường mà Vị Thầy luôn chỉ cho các môn đệ của Ngài.
Thứ Tư tuần XIX Tn
Thánh Maximilianô
Maximilianô Kolbê được liệt kê vào danh sách các thánh với danh hiệu là linh mục tử đạo. Chứng tá của Ngài rọi chiếu ánh sáng phục sinh vào thế giới ghê sợ của các trại tập trung. Sinh tại Balan năm 1894; tận hiến cho Chúa trong gia đình Phan sinh các anh em hèn mọn. Yêu mến Mẹ Maria, Ngài đã lập ‘Đạo binh đức Maria Vô Nhiễm’ và với lời rao giảng và bằng việc in ấn, Ngài dấn thấn truyền giáo cho Âu Châu và Á Châu. Bị đưa đến trại tập trung Auschwitch, Ngài đã hiến dâng đời sống linh mục của mình trong một nghĩa cử bác ái để đổi lấy sự sống cho một người cha gia đình, bạn tù của Ngài. Chết đói trong ngục ngày 14.08.1941. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi Ngài là ‘vị bảo trợ của thế kỷ khó khăn của chúng ta’. Hình ảnh của Ngài là nơi hội tụ những vấn đề cấp thiết của thời đại chúng ta: nạn đói, hòa bình giữa các dân tộc, giao hòa, cần mang lại cho sự sống và sự chết một ý nghĩa.
+++
Đức Kitô, mạc khải tròn đầy
Trong bài đọc 1 hôm nay chúng ta nghe thuật lại cái chết của Môsê. Môsê chết trước khi dân vào đất hứa. Thiên Chúa nói với ông: ‘Đây là miền đất Ta đã thề hứa với Ápraham, Isaác và Giacób…ta cho ngươi thấy tận mắt nhưng ngươi sẽ không được qua đó’. Môsê không có thể đi đến cùng công cuộc vĩ đại của Thiên Chúa khởi đầu từ việc xuất Aicập; mặc dù lãnh nhận nhiều ân ban từ Thiên Chúa, ông cũng đã không hoàn tất công trình: ông đã thực hiện phần chính yếu, nhường lại cho Giôsuê kết thúc. Là một sự kiện ta thường gặp thấy trong Cựu Ước và cho thấy rằng không có gì trong Cựu Ước là hoàn tất chương trình của Thiên Chúa cả. Chúng ta gặp thấy trong Cựu ước rất nhiều hình ảnh tiên báo về Đức Kitô, tuy nhiên không một cái nào hoàn hảo cả. Môsê khởi đầu, Giôsuê kết thúc, mỗi vị tiên báo một khía cạnh công trình của Đức Kitô. Mầu nhiệm Đức Kitô quá phong phú đến độ không thể diễn tả hết trong một cuộc đời con người.
Ngay từ đầu sách Xuất Hành, ta thấy Abel tiên báo mầu nhiệm Đức Kitô; Abel chết, nhưng theo một nghĩa nào đó, vẫn còn sống sau cái chết: tiếng máu của ông vang thấu đến trời cao, như thánh kinh ghi lại. Tuy nhiên trong thực tế Abel vẫn chết, không sống lại. Ông tiên báo một cách không hoàn hảo sự sống lại của Đức Kitô. Cũng thế, hy tế của Abraham: Isaác vẫn sống (con cừu đực thay làm hy tế); Isaác tiên báo một phần sự phục sinh của Đức Kitô, ra khỏi cuộc hy tế mà vẫn còn sống, nhưng để chiến thắng sự chết, Ngài đã trải qua cái chết. Trong câu chuyện của ông Giuse, ta thấy các anh em ghét ông đến độ muốn giết ông và đó là hình ảnh tiên báo cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, tuy nhiên họ đã không giết chết ông: một hình ảnh tiên báo không hoàn hảo.
Các hình ảnh tiên báo đều như thế cả: chúng ta chỉ thấy một bình diện của mầu nhiệm Đức Kitô, chứ không phải toàn diện. Triều đại Đavít tiên báo triều đại Đức Kitô; nhưng Đavít đã không thể xây nhà Thiên Chúa. Salomon mới là người xây đền thờ, dù đó chỉ là một công trình vật chất, chứ không phải là ngôi nhà đích thực của Thiên Chúa. Đền thờ thực là chính Đức Kitô, như chúng ta đọc thấy trong tin mừng Gioan.
Chỉ Đức Kitô mới là sự tròn đầy. Đức Kitô hoàn tất mọi tiên báo; Ngài thực hiện trong mầu nhiệm vượt qua của Ngài một tổng hợp lạ lùng tất cả những khía cạnh trong chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta ca ngợi vì mầu nhiệm của Đức Kitô soi chiếu cả Cựu Ước. Đức Kitô hoàn tất các tiên báo; Đức Kitô là sự tròn đầy của ân sủng. Càng thêm lòng tin sâu xa hơn nơi Ngài khi chúng ta suy tư về những hình ảnh tiên báo xưa và chúng ta hiểu rõ được Ngài đã hoàn tất và vượt qua những tiên báo ấy như thế nào.
Thứ năm Tuần XIX Tn
Lễ Đức Mẹ Lên Trời
Sau biến cố truyền tin, Maria lên miền núi vùng Giuđêa để viếng thăm bà Êlisabét. Tràn đầy Thánh Thần, Êlisabét đã chúc tụng Mẹ. Bà xưng tụng mẹ là ‘Mẹ Thiên Chúa’. Nguồn mạch của niềm vui. Phúc đức của niềm tin. Maria đáp bằng bài tụng ca Magnificat.
Chúng ta mừng mầu nhiệm hồn xác lên trời. Kết thúc cuộc đời trần gian, Mẹ Đấng Cứu Thế, được gìn giữ khỏi tội lỗi và sự hư nát, được cất nhắc lên trong vinh quang cả hồn lẫn xác bên cạnh Người Con của mình trên trời. Ngôi mộ trống của Mẹ, hình ảnh ngôi mộ trống của Đức Giêsu, tiên báo toàn thắng của Thiên Chúa, của sự sống trên sự chết, Đấng vào ngày tận thế làm chỗi dậy để vào hưởng sự sống trường sinh cái thân xác hay chết của mỗi người chúng ta hợp với Đức Kitô. Sách Khải Huyền cho ta thấy một điềm lạ vĩ đại trên trời: ‘Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao’. Hình ảnh là hoa quả đầu mùa của Giáo Hội. Hoa quả đầu mùa trong đau khổ của một người mẹ phục vụ công cuộc cứu độ. Hoa quả đầu mùa trong phần thưởng vinh quang. Trong cung lòng của Ba Ngôi, Mẹ chờ đợi chúng ta để sống và hát ca cùng với Mẹ tạ ơn Thiên Chúa. Bài kinh Magnificat.
+++
Sách Khải huyền dùng ngôn ngữ mầu nhiệm để nói về sự kết thúc thế giới, những biểu tượng đầy quyền lực trải qua lịch sử nhân loại. Một đàng ta thấy hình ảnh khổng lồ và đáng sợ của con rồng đỏ, tượng trưng sức mạnh của sự dữ đang hoạt động trong lịch sử. Đàng khác ta thấy hình ảnh một người phụ nữ đang đau đớn sắp sinh con, mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội mười hai ngôi sao. Người phụ nữ ấy chính là Giáo hội được bao trùm bởi mặt trời của Thánh Thần, sự phục sinh của Đức Giêsu, và mười hai ngôi sao là mười hai chi tộc Israel, mười hai tông đồ. Mặt trăng dưới chân diễn tả thời gian mà Giáo hội cai trị như bà chúa, như thực tại vui hưởng Vương quốc khởi đầu với sự phục sinh của Đức Giêsu. Nhưng đồng thời Giáo hội sống trong lịch sử nên chịu đau khổ sinh con, đau khổ của việc hạ sinh những con cái Thiên Chúa. Người con được cứu thoát khỏi mưu sát của con rồng là dòng dõi con cái Thiên Chúa, cùng với Người Con tuyệt vời, Đức Giêsu Kitô Cứu Thế.
Những biểu tượng ấy đặt đối nghịch một cách rõ rệt uy quyền khiêm tốn của Thiên Chúa, được biểu lộ trong sự hạ sinh và trong sự phong nhiêu, với uy quyền kiêu căng của sự dữ, được biểu lộ dưới hình thức thô thiển và khủng khiếp. Sau cùng chiến thắng dành cho cho sự khiêm nhu của Thiên Chúa, cho mầu nhiệm của sự phong nhiêu, đã được ghi trong những trang sách sáng tạo vũ trụ, như lời hoàn thành được biểu lộ trong đời sống của Giáo hội. Phúc cho bà vì đã tin vào sự thành sự của lời Chúa, Bà Êlisabét đã khen tặng mẹ Maria! Sự phong nhiêu của Giáo hội được khởi đầu bằng sự phong nhiêu của mẹ Maria, không phải chỉ bình diện thể lý, nhưng còn bình diện tinh thần nữa. Bà là mẹ không chỉ vì đã sinh ra người con theo bình diện sinh học nhưng còn vì đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Cũng thế đời sống chúng ta cũng có thể đạt được tầm mức phong nhiêu này. Trong gia đình, trong những tương quan công việc, trong sự thông hiệp giáo hội chúng ta nên phong nhiêu trong mức độ ta để cho lời Chúa chiếm hữu ta, nhào nắn não trạng của ta, sửa đổi cung cách xét đoán của ta đối với người khác. Ta nên phong nhiêu nếu ta cởi bỏ khỏi những cám dỗ chiếm hữu, ganh tị, ích kỷ để gắn bó vào thực tại thiện hảo và tình yêu thương tiềm ẩn bên trong.
Nhiều lúc Chúa cũng ẩn mình khi hiện diện trong thực tại quanh ta, vì Ngài muốn ta tìm kiếm Ngài, muốn ta bắt đầu, muốn ta đi ra khỏi chính mình để đến gặp gỡ người khác và Đấng Cao cả trong họ. Cuộc hội ngộ này thực là phong nhiêu!
Đỉnh cao của hành trình phong nhiêu này là sự lên trời của Đức Maria, như biến đổi, như sự sinh hạ vào thiên quốc. Từ đó Mẹ Maria lôi kéo ta đến với Con của Mẹ bằng quyền năng của Thánh Thần, và cộng tác trong việc hạ sinh chúng ta như con cái của Thiên Chúa. Chính do vai trò đặc biệt này của Mẹ trong lịch sử cứu độ mà ta có thể thực sự cầu xin Mẹ không chút sợ hãi.
Ta thường nghe nói việc cầu nguyện với mẹ, đặc biệt qua kinh mân côi, là vô ích và mang vẻ lải nhải. Nhưng khi ta nói câu ‘tôi yêu’ với người yêu mình, có lẽ nào ta chỉ nói một lần thôi sao, hoặc ta lập đi lập lại nhiều lần? Việc lập đi lập lại nhiều lần trong mỗi cuộc tình nhân loại là điểm đặc biệt của lời nguyện này, trong đó mỗi mầu nhiệm như được bao phủ bằng việc ‘nhai đi nhai lại’ kinh Kính mừng, được đan bằng những câu tin mừng. Mẹ Maria dẫn ta đến với Chúa Giêsu, qua đôi tay của mẹ ta có thể dâng mình cho Ngài với ý thức rằng con tim của người mẹ luôn liên đới với những đau khổ, yếu nhọc của ta và đồng thời trong sự thông hiệp sâu xa với trái tim của Đức Kitô, nguồn suối của Thánh Thần.
+++
Yêu cách chủ động
Trong bài tường thuật việc dân Israel vượt qua sông Giordanô, chúng ta thấy nhấn mạnh nhiều đến Hòm bia giao ước. Nhân vật chính, không phải là Giôsuê cũng không phải dân chúng: chính là Hòm bia giao ước, còn được gọi là ‘Hòm Bia của Đức Chúa, Hòm Bia Giao Ước của Vị Chúa Tể toàn cõi đất’.
Nhờ Hòm Bia giao ước mà một trở ngại lớn, sông Giordanô đang đầy tràn nước trong suốt mùa gặt, được vượt qua cách dễ dàng. Điều này chứng minh cho ta thấy rằng yếu tố quyết định trong cuộc đời chúng ta, để vượt khó khăn, để chiến thắng trở ngại, không phải là những nỗ lực của ta, cũng không phải là những khả năng của ta, nhưng là sự hiện diện của Thiên Chúa, là sự kết hợp với Thiên Chúa. Hòm Bia được gọi là Hòm giao ước; hòm bia tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài; hòm bia chứa đựng hai thực tại diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa: một bên là manna, ân ban của Thiên Chúa, và bên kia đòi buộc của Thiên Chúa, các bia giao ước, Mười Giới Luật.
Nếu chúng ta muốn được kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta cần phải cùng một lúc đón nhận cả hai mặt của sự hiện diện Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Ân ban của Thiên Chúa. Đây là điều tiên quyết và hết sức quan trọng; tất cả bắt đầu bằng tình yêu Chúa dành cho ta. Thánh Gioan viết rằng không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa trước nhưng chính Ngài yêu chúng ta trước. Manna tượng trưng cho tình yêu của Thiên Chúa, hào phóng, quảng đại, gìn giữ và làm ta tiến triển. Manna là hình ảnh tiền trưng ân ban của Thiên Chúa nơi Đức Kitô, trong bí tích Thánh Thể. Trong tin mừng Gioan, Đức Giêsu nói: không phải Môsê đã ban bánh từ trời nhưng chính Cha Ta ban cho các ngươi bánh bởi trời. Bánh bởi trời chính là thịt Con Thiên Chúa, để cho thế gian được sống. Cuộc đời chúng ta cần phải được hướng dẫn bởi ân ban đó của Thiên Chúa. Đón nhận ân ban của Thiên Chúa trong Thánh Thể đó là điều căn bản, nếu ta muốn được điều hướng đúng đắn và vượt lên những khó khăn cuộc sống một cách tích cực; thay vì bị đè bẹp chúng ta biến chúng nên cơ hội tiến triển.
Cũng cần thiết đón nhận bộ mặt thứ hai của sự hiện diện Thiên Chúa, nghĩa là đòi buộc của Thiên Chúa. Các bia giao ước diễn tả ý muốn của Thiên Chúa đối với dân; một ý muốn đầy tình yêu thương, ý muốn giải thoát; một ý muốn tích cực, tuy nhiên đôi lúc có thể là một đòi buộc nghiêm khắc, khó chịu, không cho phép chúng ta chìu theo ngẫu hứng của ta đi tìm sự thỏa mãn.
Trong Tân Ước, đòi buộc của Thiên Chúa trở nên sâu xa hơn, tích cực hơn, và được Đức Giêsu tổng hợp trong giới luật kép của tình yêu: ‘Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa…Ngươi hãy yêu tha nhân’. ‘Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em’: một đòi hỏi tuyệt vời, sâu thẳm. Chúng ta được dựng nên để yêu. Là một đòi buộc thực sự, vì tình yêu luôn yêu sách, tình yêu không thể sống nếu không chấp nhận hy sinh, không chấp nhận từ bỏ. Trong vài hoàn cảnh chúng ta cảm thấy không dễ dàng yêu thương cách nghiêm túc. Là một đòi buộc nhưng đồng thời cũng là một ân ban của Thiên Chúa. Đức Giêsu đến với ta vì yêu ta; chúng ta có thể yêu thương nhờ quả tim trao ban của Ngài. Thánh Augustinô nói: ‘Hãy cho tôi điều bạn ra lệnh, hãy truyền lệnh điều bạn muốn’. Đời sống kitô chính là đón nhận ân ban của Thiên Chúa, ân ban của tình yêu Thiên Chúa, không phải chỉ một cách thụ động là để cho Ngài yêu, nhưng một cách chủ động là yêu thương với Ngài. Và như thế mọi khó khăn sẽ nên cơ hội tiến triển.
+++
Tha thứ không giới hạn
‘Bấy giờ ông Phêrô đến gần đức Giêsu mà hỏi rằng: Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không? Đức Giêsu đáp: Thầy không bảo đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy’. Lời đề nghị của Phêrô với Đức Giêsu hình như là tốt nhất rồi: bảy lần có nghĩa là đến mức mà con người có thể chịu đựng được, nhưng không phải là luôn luôn. Đức Giêsu đã sửa lỗi cho Phêrô cũng như cho tất cả chúng ta. Ngài quả quyết rằng sự tha thứ không thể và không bao giờ từ chối bất cứ ai. Dụ ngôn theo sau minh họa điều đó. Ngài gợi lên sự phẫn nộ và lời khiển trách trước thái độ của người đầy tớ. Anh được tha một món nợ vô cùng lớn ấy vậy mà anh ta lại hạ nhục đồng bạn chỉ nợ mình những đồng xu nhỏ. Đồ vô ơn! Đáng sự lên án của mọi người! Với một suy tư cẩn thận chúng ta mới có thể đi đến kết luận là chính chúng ta đã có cung cách như thế khi chúng ta nhận cách nhưng không và với lòng thương xót vô biên sự tha thứ những món nợ lớn của ta đối với Thiên Chúa nhân lành và rồi ta đã dám từ chối tha thứ cho người thân cận vì những xúc phạm thật hoặc giả định, nhưng chắc chắn luôn luôn ít quan trọng hơn những xúc phạm của chúng ta đối với Chúa. Khi ta từ chối tình yêu sẽ tạo ra hỏa ngục ngay từ đời này rồi. Không có luật tha thứ, chúng ta đẩy xa Thiên Chúa ra xa khỏi thế giới này và tạo không gian cho thần dữ, muốn thiết lập triều đại của ghen ghét, chia rẽ và bạo lực. Chúng ta trở thành bất xứng khi đến bàn thờ và phạm thánh với Đức Kitô nếu trước khi dâng hy lễ chúng ta không chịu hòa giải. Nhờ trải nghiệm và ân sủng chúng ta cần đạt đến việc cảm nếm niềm vui của sự tha thứ, của việc sống như lễ hội việc hòa giải với Thiên Chúa và với anh em để thiết lập giữa chúng ta nền văn minh của tình thương. Chúa ban cho ta điều này…
+++
Tha thứ nhiều lần, thật khó quá!
Nếu ta suy nghĩ về điều lạ lùng là sự tha thứ kitô giáo, về niềm vui và sự an bình ta cảm nhận được khi mình được tha thứ, ta có thể cảm thấy hấp dẫn hơn.
Ta đọc thấy ngay nơi thái độ của tên đầy tớ trong dụ ngôn, thái độ hung bạo và đáng ghét, vì sau khi được tha một món nợ kếch xù vì lòng thương xót của chủ, anh này lại đối xử bạo ngược với người đầy tớ bạn, đòi phải trả cho đến đồng xu cuối cùng.
Có lẽ không chỉ lên án và tố cáo một ai đó có hành vi như được thuật trong dụ ngôn, nhưng còn phải nhận ra nơi chính chúng ta cần phải có một tấm lòng quảng đại lớn hơn, để thông cảm cho nhau và sẵn sàng tha thứ cho những ai sỉ nhục mình.
Đức Kitô, qua lời nói và gương sáng của Ngài, đã dạy ta biết đức ái kitô giáo đích thực đòi buộc điều gì và làm cho nó trở nên hấp dẫn và đáng mong ước, nhờ ân sủng của Ngài, nhờ đó con tim chai đá của ta sẽ trở nên mềm mại để sẵn sàng không chỉ tha thứ những sỉ nhục và tỏ cho thấy mình khoan dung với kẻ khác, nhưng còn nhận biết kẻ khác cũng đã làm cho ta điều tốt lành. Về điều này, hãy nhớ lại việc ông Giuse, đứa con trai yêu dấu của tổ phụ Giacóp, hình ảnh tiên báo về Đức Kitô, đã cứu cả gia tộc thoát nạn đói, nhờ việc bị các anh em ghen tị của mình bán cho lái buôn Aicập.
Thứ sáu Tuần XIX Tn
Ông Giôsuê quy tụ ở Sikhem mọi chi tộc Israel, và triệu tập các kỳ mục Israel, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Đây là một tập họp long trọng để nhắc lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho dân, từ lúc kêu gọi Ápraham cho đến lúc chiếm hữu Đất Hứa. Tất cả là dấu chỉ rõ ràng về hành động của Thiên Chúa, lòng trung tín và tình thương của Người: Ta ban cho các ngươi đất các ngươi đã không vất vả khai phá, những thành các ngươi đã không xây mà được ở, những vườn nho và vườn ô-liu các ngươi đã không trồng mà được ăn.
Khi ta tôn vinh các thánh, ta cũng như Giôsuê tôn vinh những việc lạ lùng Thiên Chúa đã thực hiện giữa họ. Lời đáp trả của Giôsuê và của toàn dân là lời tuyên bố tri ân, tín thác và trung thành. Cũng thế lời đáp trả của các thánh, của chúng ta, đã đáp trả lại tình thương nhân hậu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nhất là lời đáp trả của Đức Mẹ, và ta có thể nghĩ rằng bây giờ trên trời Mẹ vẫn tiếp tục hát ca lời tri ân cùng với các thần thánh: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.
+++
Nếu bài diễn từ về sự tha thứ ngày hôm qua thúc đẩy làm vững mạnh lòng tin của chúng ta và sống lòng tin cách phù hợp, thì đòi hỏi lòng trung thành cũng không kém phần quan trọng. Đoạn văn hôm nay được chèn vào trong bài công kích giữa Đức Giêsu và các biệt phái. Là những người bảo vệ Luật, họ biết có khoản luật từ thời Môsê (Đnl 24,1) cho phép rẫy vợ, nhưng Đức Giêsu cương quyết chống lại bằng cách đề cao quyền lợi và bổn phận của con người trên lề luật. Luật là nhằm phục vụ con người chứ không phải ngược lại. Trong sách Giôsuê, chúng ta gặp một nghi thức phụng tự mang tính tưởng niệm, có lẽ là một cuộc cử hành canh tân Giao Ước, trong đó Israel nhớ lại những việc diệu kỳ mà Thiên Chúa đã thực hiện cho dân của Ngài. Lắng nghe và Lời là hai chiều kích ta gặp thấy trong suốt cả hai bài đọc. Nếu việc lắng nghe như là tưởng nhớ thì Lời thực hiện: điều chúng ta đọc không phải là câu chuyện, là lịch sử của những người khác, nhưng là câu chuyện và lịch sử của chính tôi. Như thế tin mừng chỉ cho ta thấy rằng Lời cần có một sự trung thành sáng tạo: biết bao thiệt hại những người thuộc chủ nghĩa quá khích (fundamentalist) thuộc mọi lãnh vực đã gây ra, nhất là trong những gì liên quan đến chủ nghĩa văn tự. Bảo tồn chữ viết là một điều tốt, nhưng trở nên nạn nhân của nó một cách mù quáng là điều thiệt hại cho chính mình và cho người khác. Không cần lên án tính cứng nhắc của những người biệt phái, chúng ta hãy suy nghĩ đến những chủ thuyết chính thống trong lãnh vực tôn giáo, ngay cả nơi mỗi người chúng ta nữa.
+++
Cần biết lắng nghe những lời của Chúa để trân trọng phẩm giá của hôn nhân kitô giáo cùng với những đòi hỏi trung thành và hiệp nhất của nó.
Nếu ta dừng lại nơi những giá trị đích thực được Đức Kitô thiết lập khi Ngài nâng cao hôn nhân lên hàng bí tích trong Tân Ước, ta thấy rằng sự kết hợp nên một của hôn nhân, hiểu như là một trao ban cho nhau giữa hai người, đòi hỏi một sự trung thành tuyệt đối của đôi bạn và một sự hiệp nhất bất khả phân ly giữa họ.
Có một vài chân lý cần được lập đi lập lại để các môn đệ của Đức Kitô không để mình bị quyến rũ bởi tình yêu giả tạo mang lại do những thói tục đồi bại ngày nay đang thịnh hành và để tâm hồn của họ không trở nên chai đá vì lối sống tìm khoái lạc xác thịt và của cải trần gian cách vô độ.
Ta hãy cầu nguyện và cầu chúc cho các cha mẹ biết khuyến khích con cái mình biết nghe theo tiếng gọi của Chúa trong cuộc đời, hiểu như là là lời mời gọi ‘hướng thượng’, nghĩa là lời mời gọi dâng hiến trong đời sống linh mục hay tu sĩ, nếu đó là thánh ý của Chúa.
Thứ bảy Tuần XIX Tn
Trong cuộc đối thoại giữa Giôsuê với dân về việc phụng sự Thiên Chúa, một vài điều làm ta ngạc nhiên. Điều đầu tiên là, sau khi chỉ thị cho dân Israel phụng sự Thiên Chúa, Giôsuê đã để cho họ lựa chọn: ‘Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ’, nghĩa là thần của dân ngoại. Sau đó, khi dân tuyên bố muốn phụng thờ Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ, Giôsuê thay vì khen nhận quyết định đó, lại có lời khích bác dân như sau: ‘Anh em sẽ không thể phụng thờ Đức Chúa’, vì sẽ rất khó khăn, nguy hiểm vì khi anh em bất trung, ‘Người sẽ quay lại chống anh em, giáng họa xuống anh em và tiêu diệt anh em’.
Tại sao lại có thái độ này? Vì Giôsuê muốn tránh nguy cơ dân Israel dấn thân hời hợt bên ngoài, sẽ tháo lui ngay khi gặp khó khăn đầu tiên.
Chấp nhận đi vào tương quan giao ước với Thiên Chúa không phải là điều dễ dàng, chỉ là hình thức bề ngoài mà không đòi hỏi những biến đổi đời sống, người ta sẽ quên ngay sau khi nghi lễ kết thúc. Trái lại đây là một dấn thân căn bản, đòi hỏi dấn thân toàn thể con người, trong mọi hành động, mọi tư tưởng, mọi ước vọng. Không ai bị buộc phải làm việc này; Thiên Chúa tôn trọng sự tự do, Người đã tạo dựng nên con người tự do và muốn họ sống tự do. Mọi bắt buộc không phù hợp với con người và cũng chẳng phù hợp với Thiên Chúa. Mỗi người tự do chọn lựa, ngay cả chọn lựa đi vào con đường hủy diệt. Tuy nhiên ai dấn thân đi vào giao ước với Thiên Chúa, phải hết sức nghiêm túc. Phẩm giá con người là ở chỗ hành động nghiêm túc và kiên định trong đường lối của mình. Giao ước Sinai được canh tân tại Sikhem.
Là kiô hữu, hàng năm vào đêm Vọng Phục sinh chúng ta được mời gọi tái lập lại những lời thề hứa thanh tẩy: từ bỏ những cám dỗ, những ngẫu tượng tiền bạc, xác thịt, quyền lực, từ bỏ tất cả những gì không xứng hợp với phẩm giá con người. Chúng ta được mời gọi đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, ý muốn của Chúa trong cuộc sống mình, tình yêu của Chúa. Chúng ta được mời gọi đặt nền tảng mọi tương quan với Chúa, đấng ban cho ta sự tự do nội tâm, và làm cho mọi tương quan với tha nhân trở nên thân tình, chân thực vả thân thiện hơn.
Ai đón nhận tình yêu từ Thiên Chúa, luôn được thúc đẩy để loan truyền tình thương này cách nhân hậu và khiêm tốn. Trong bài tin mừng hôm nay ta thấy Đức Giêsu, hoàn toàn vâng phục tình yêu xuất phát từ trái tim của Chúa Cha, nên ngài rất thân thiện với mọi người, đặc biệt với các em nhỏ. Ta hãy trở về với những lời thể hứa thanh tẩy để sống một đời sống mới, tỏa sáng như những người con rất yêu dấu của Thiên Chúa, bước đi trong đức ái như Đức Kiô, đấng đã yêu thương chúng ta và hiến mình vì chúng ta.
+++
Quan tâm chăm sóc các trẻ em vì nước Trời là của những ai giống như chúng. Tình thương của Đức Giêsu dành cho các trẻ em làm cho ta suy nghĩ, nhất là trong một thời đại, người ta thường quên lãng hoặc khước từ chúng bằng nhiều cách.
Đòi hỏi một lòng quảng đại lớn lao nơi các cha mẹ, nhưng cũng như đối với tất cả mọi người chúng ta nhân danh Đức Kitô, để không phải sợ việc có em bé, việc dành nhiều thời giờ và nghĩ đến việc giáo dục chúng. Có lẽ đây là một cách cần phải thực hiện, điều làm cho Chúa vui lòng, khi các bà mẹ mang con cái đến để cho Chúa đặt tay trên chúng. Các em bé có thể lãnh nhận bí tích thanh tẩy rất sớm và rồi được chuẩn bị để lãnh nhận bí tích giao hòa và Thánh Thể, trong khi chúng đồng hóa dần dần giáo lý kitô giáo được dạy cho chúng để chúng có khả năng đáp trả lại tiếng gọi của Thiên Chúa.
Điều này không chỉ liên quan đến các người làm mẹ mà thôi, nhưng với sự trợ giúp của Đức Kitô còn bao hàm tất cả các tín hữu, linh mục và giáo dân, không chỉ quan tâm cho các em nhỏ mà còn quan tâm đến hành trình đào tạo toàn thể con người chúng: đó là việc trở nên giống như các trẻ em, nghĩa là càng giống với Đức Kitô hơn.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập113
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay19,836
  • Tháng hiện tại216,772
  • Tổng lượt truy cập50,629,379

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây