LỄ HIỂN LINH
Như Tin mừng Luca đọc trong lễ Giáng Sinh, Tin Mừng thánh Matthêô trong lễ Hiển linh hôm nay cũng xác định nơi sinh của Chúa Giêsu là Belem và điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri Mikêa mà các đại giáo trưởng và luật sĩ đã trích dẫn để nói cho vua Hêrôđê biết về nơi Đấng Cứu thế sinh ra như sau: “Cả ngươi nữa, hỡi Belem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc ta”. Belem đã là sinh quán của vua Đavit, là chốn xưa quê cũ của ông Giuse và nay lại chính là nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu thế sinh ra.
Thánh Matthêô chỉ nói trống là có mấy đạo sĩ và vì ông không xác định con số nên người thì nói là có ba vị dựa và ba lễ vật mà các ông dâng cho Chúa là vàng, nhũ hương và mộc dược, ngoài ra con số ba cũng dễ chấp nhận vì nó biểu tượng cho Thiên Chúa có ba ngôi, tuy nhiên có những người chủ trương là có 4 vị thậm chí có người còn quả quyết là có 12 vị. Thánh Matthêô dùng danh từ “Magi” để gọi các vị này. Magi có thể hiểu là các tư tế, cũng có thể hiểu là các nhà chiêm tinh hoặc những vị cố vấn cho các vua, nhưng bình thường chúng ta dịch là đạo sĩ.
Thánh Matthêô cũng cho biết họ từ Đông Phương. Đông phương nhưng là nước nào? Nhiều người cho là nước Ba tư và họ đã lên đường theo ánh sáng của ngôi sao lạ xuất hiện soi đường dẫn lối cho họ nhưng khi tới Giêrusalem họ đã dừng lại vào đền vua Hêrôđê để xin tư vấn vì trong tâm tư ý nghĩ của họ Đấng Messia phải sinh ra ở kinh đô chứ không phải nơi nào khác. Vua Hêrôđê phải nhờ đến các đại giáo trưởng và luật sĩ cố vấn cho để xác định nơi đấng Cứu thế sinh ra đó là Belem. Belem chỉ cách Giêrusalem có 9 km, cho nên lúc này ngôi sao chỉ đường cho họ không phải là ngôi sao xuất hiện ở Đông phương nữa mà ngôi sao đây chính là Lời Chúa trong sách thánh mà họ mới được nghe.
Tuy Giêrusalem không phải là nơi Chúa sinh nhưng Giêrusalem có một ý nghĩa rất cao đẹp trong Kitô giáo: như Chúa Giêsu chịu chết ở ngoài thành Giêrusalem, các tông đồ Chúa đã tụ họp tại Giêrusalem để được Chúa Giêsu phục sinh hiện ra và được Chúa Thánh Thần hiện xuống, rồi các ông xuất phát từ đây để đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Nay Giêrusalem mới là tượng trưng cho Giáo Hội và Giêrusalem trên trời là tượng trưng cho Nước vinh hiển Chúa trên thiên đàng.
Các đạo sĩ đã thành công đến gặp được Chúa Hài Nhi và Mẹ Ngài. Đức Mẹ đã ẵm bế Chúa Giêsu Hài nhi và giới thiệu Chúa cho các ông. Mặc dầu gặp Chúa trong khung cảnh khó nghèo nhưng các ông có một đức tin tốt đẹp. Các ông nhận ra đây chính là Đấng mà các ông ra công tìm đến khi từ bỏ quê hương mà ra đi. Lòng tin đó được biểu lộ bằng cử chỉ quì gối sụp lạy và trân trọng mở kho tàng mà các ông đem đi từ quê hương mình là vàng, nhũ hương và mộc dược. Lễ vật các ông dâng Chúa rất có ý nghĩa. Các giáo phụ đã nói lên ý nghĩa đó như sau: dâng Vàng là nhận Hài nhi Giêsu là Vua vì người ta thường dâng vàng cho vua; dâng nhũ hương là nhận Chúa Giêsu Hài nhi là Đấng Cứu thế, có bản tính Thiên Chúa vì người ta thương dâng hương lên cho thần linh, dâng mộc dược tức là nhận Chúa Giêsu Hài nhi cũng là con người vì mộc dược dùng để xức xác người chết báo trước sau này Chúa sẽ chịu tử nạn.
Sau khi đã triều bái Chúa, các đạo sĩ không trở lại với vua Hêrôđê như vua đã căn dặn trước, nhưng họ đã làm theo lời Chúa mộng báo cho là qua đường khác để trở về xứ sở mình như vậy họ đã chọn vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời.
Noi gương các đạo sĩ mỗi người trong chúng ta cũng hãy tìm đến với Chúa đặc biệt trong ngày lễ Hiển linh này như lời thánh ca phụng vụ khuyến khích: “Venite, adoremus: Các bạn hãy đến và chúng ta cùng thờ phượng Chúa”. Chúng ta cũng không quên dâng lên của lễ cả vật chất lẫn tinh thần theo lòng tin mến Chúa của mình.
Nếu các đạo sĩ đã làm theo lời Chúa mộng báo không trở lại với vua Hêrôđê nhưng đi theo con đường khác mà trở về xứ sở mình, thì chúng ta khi tin Chúa cũng cần có lòng hoán cải và chọn Chúa, chọn sống theo Tin Mừng chứ không theo lối sống thế gian.
Chúa đã tỏ mình cho lương dân, ngày lễ này chúng ta cũng không quên anh em lương dân ngoại giáo còn rất nhiều bên chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và nguyện trở nên một ánh sao dẫn họ về cùng Chúa.
Câu chuyện: Đạo sĩ thứ Tư: Henry van Dyke có thuật lại câu chuyện nhan đề: “Còn một nhà đạo sĩ khác nữa” (The Other Wise Man), kể về một nhà đạo sĩ thứ tư là người đáng lẽ đã cùng ba nhà đạo sĩ kia đi tìm vị Vua vừa sinh ra ở Bêlem. Đạo sĩ này tên là Artaban. Trong lúc chuẩn bị lên đường, Artaban đã chọn ba viên ngọc quý nhất trong kho tàng của ông để dâng tặng Hài Nhi Giêsu. Thế nhưng trên đường đến gặp ba nhà đạo sĩ kia để cùng đi, gặp bất cứ ai xin, ông cũng đem ra tặng hết. Người thứ nhất mà ông đã gặp được là một bà cụ già rét run vì lạnh. Động lòng trắc ẩn, ông đã tặng cho cụ già viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một toán lính toan làm nhục cô gái. Ông đành đem viên ngọc thứ hai ra thương lượng với chúng để chuộc lại cô gái. Cuối cùng khi tiến vào địa hạt Bêlem, ông gặp một người lính do vua Hêrôđê sai đi để tàn sát các hài nhi trong một ngôi làng lân cận. Ông đành phải rút ra viên ngọc cuối cùng để tặng cho người lính và thuyết phục anh từ bỏ ý định gian ác.
Tìm được Hài Nhi Giêsu, vị đạo sĩ thứ tư này chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Ông bối rối và kể lại cuộc hành trình của mình. Nghe xong câu chuyện, Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra nhận quà của ông. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ, những người cần giúp đỡ. Chính nhờ những nghĩa cử này mà Thiên Chúa mới được tỏ mình ra cho mọi người.
Chúng ta nguyện đến với Chúa đồng thời cũng tìm gặp Chúa nơi những anh em khốn khó trong cuộc sống hằng ngày. Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn