Chúa Nhật 7 TN A
Suy Niệm Thánh Vịnh 102
1 Của vua Đa-vít.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh !
2 Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
3 CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
4 Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,
5 ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,
khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.
6 CHÚA phân xử công minh,
bênh quyền lợi những ai bị áp bức,
7 mặc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người,
cho con cái nhà Ít-ra-en
thấy những kỳ công Người thực hiện.
8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
9 chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
10 Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
11 Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
12 Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
13 Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
14 Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
hẳn Người nhớ : ta chỉ là cát bụi.
15 Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
16 một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
17 Nhưng ân tình CHÚA thiên thu vạn đại,
dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.
Người xử công minh cả với đời con cháu,
18 cả những ai giữ giao ước của Người
và nhớ tuân hành mệnh lệnh Người ban.
19 CHÚA đặt ngai báu trên trời cao thẳm,
quyền đế vương bá chủ muôn loài.
20 Chúc tụng CHÚA đi, hỡi muôn vì thiên sứ,
bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người,
luôn sẵn sàng phụng lệnh.
21 Chúc tụng CHÚA đi, toàn thể thiên binh,
hằng hầu cận và tuân hành thánh ý.
22 Chúc tụng CHÚA đi, muôn vật Chúa tạo thành,
thuộc quyền Người thống trị khắp nơi nơi.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi !
Cùng đọc với dân Ítraen
Một tội nhân được tha thứ, lên đền thờ dâng lễ tạ ơn, kể ra các ơn mình lãnh nhận. Các bạn hữu và thân nhân cùng đi với anh và cùng dự tiệc để hòa niềm tri ân. Đây là bài tụng ca tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa của Giao Ước. Lưu ý chuyển dịch từ Tôi, ngôi thứ nhất số ít sang từ Chúng tôi, số nhiều. Qua người tội nhân này, chính toàn dân Ítraen đang thưa với Thiên Chúa. Tha tội không chỉ là hành vi cá nhân nhưng còn có tính cộng đoàn nữa, ngay từ thời này! Ý thức sâu xa sự liên đới của tội nhân với những tội nhân khác, với tội của thế gian. Ta đã thường hay đặt đối nghịch Cựu Ước với Tân Ước, xem Cựu Ước như tôn giáo của sự sợ hãi, và Tân Ước như tôn giáo của tình thương. Hãy đếm xem có bao nhiêu từ diễn tả tình yêu trong Thánh vịnh này. Thiên Chúa là thế đó. Thiên Chúa chân thật không giống hình ảnh mà người ngoại giáo tạo ra, một Thiên Chúa tức giận, công thẳng! Không phải thế! Hãy đọc lại Thánh vịnh này xem!
Cùng đọc với Đức Giêsu
Thiên Chúa tốt lành! Thiên Chúa là tình yêu! Thiên Chúa là Cha! Đức Giêsu lập lại những từ của Thánh vịnh này: “Như người cha yêu thương con cái…” “Lạy Cha chúng con ở trên trời…xin tha nợ chúng con” Hiệu quả lớn lao nhất của tình yêu chính là sự tha thứ. Dụ ngôn về người cha khoan dung với đứa con hoang đàng (Lc 15,1-32). Ta cũng đã nghe: “Hãy yêu kẻ thù của ngươi, … như thế ngươi sẽ là con của Cha trên trời, Đấng ban ơn cho người lành kẻ dữ” (Lc 6,27-38).
Cùng đọc với người thời nay
Bài ca bừng lên niềm vui. Hãy để lòng mình hòa chung niềm vui của các thiên binh, của toàn thể tạo thành ca tụng Thiên Chúa. Con người với linh hồn cao cả, là một tiểu vũ trụ: “Hồn tôi hỡi! Hãy chúc tụng Chúa”. Giây phút mà con người quỳ gối cầu nguyện, cả vũ trụ cùng cầu nguyện qua con người. Con người vĩ đại, làm chủ vũ trụ tuy nhiên cũng thật mỏng manh, được diễn tả qua hình ảnh: kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
Sự diệu kỳ của Thánh vịnh này chính là ở chỗ sự yếu đuối của con người thu hút được tình yêu của Thiên Chúa. Cố tìm lời lý giải cho Tình yêu này, tác giả Thánh vịnh cũng chỉ có thể thốt lên: “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi”
Tình yêu nhân hậu không ngừng trao ban nguồn sống mới. Tình yêu vĩnh cửu thiên thu vạn đại: nền tảng cho niềm tin vào sự phục sinh. Tình yêu uy quyền, mạnh hơn sự chết, không những tạo dựng ta mà còn tái tạo ta. Tình yêu gợi mở cho một lời đáp trả hân hoan và tự do. Ngài chờ đợi sự tuân phục không phải của một tên nô lệ run sợ nhưng là của một đứa con đầy niềm vui.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
Thứ Tư Lễ Tro
Suy Niệm Thánh Vịnh 50
1 Phần nhạc trưởng. Thánh vịnh. Của vua Đa-vít.
2 Ngôn sứ Na-than đến gặp vua vì vua đã đến với bà Bát Se-va
3 Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
4 Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
5 Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
6 Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,
liêm chính khi xét xử.
7 Ngài thấy cho : lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,
đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
8 Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,
dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.
9 Xin dùng cành hương thảo
rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền ;
xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.
10 Xin cho con được nghe
tiếng reo mừng hoan hỷ,
để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.
11 Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi
và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.
12 Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một
tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
13 Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
14 Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;
15 đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,
ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.
16 Lạy Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ,
xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính.
17 Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.
18 Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,
con có thượng tiến lễ toàn thiêu,
Ngài cũng không chấp nhận.
19 Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,
một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.
20 Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xi-on,
thành luỹ Giê-ru-sa-lem, xin Ngài xây dựng lại.
21 Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền,
lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế.
Bấy giờ thiên hạ giết bò tơ dâng trên bàn thờ Chúa.
Cùng đọc với dân Israen
Thánh vịnh này được gán cho Vua Đavít. Tội của nhà vua ( 2S 11,12) đã giết Uria để lấy Bétsabê làm vợ, cũng như lòng thống hối đáng khâm phục của vua vẫn mãi là biểu tượng của sự dữ và của lòng tha thứ. Nhưng ở hậu cảnh Thánh vịnh, ta vẫn thấy thấp thoáng hình ảnh của Giêrusalem bị hủy diệt, khởi đầu cho cuộc lưu đày Babylon: tội cũng như lòng sám hối đều mang tính tập thể. (thành luỹ Giê-ru-sa-lem, xin Ngài xây dựng lại.)
Tiếng khóc than sám hối được diễn tả một cách hết sức trong sáng: tội nhân đau khổ chỉ vì tội của chính mình… và tội chính là xúc phạm đến Chúa. Ítraen có quan niệm rất tích cực về tội. Tội nhân không dừng lại một mình trước xâu xé của lương tâm, nó đang đối diện với một Đấng yêu thương nó. Tất cả phát xuất từ Thiên Chúa. Hai mươi động từ ở thể truyền khiến, dành cho Thiên Chúa, và mỗi động từ này đều được dùng để nói lên rằng Thiên Chúa hành động trên hối nhân để xóa, rửa, làm tiêu tan, thanh luyện, làm hoan lạc, đổi mới…
Cùng đọc với Đức Giêsu
Khi Đức Giêsu muốn giải thích sự diệu kỳ của lòng tha thứ của Thiên Chúa, Ngài đã dùng dụ ngôn Người cha của đứa con hoang đường, và chính Ngài đã xử dụng những lời của Thánh vịnh 50: “Con đã phạm tội với trời và với Cha… Và rồi cũng như tác giả Thánh vịnh, Ngài cũng diễn tả niềm vui tha thứ bằng những khúc ca vũ điệu…
Đức Giêsu thiết lập bí tích thanh tẩy để tha mọi tội lỗi, đó là dấu chỉ của việc thanh tẩy: xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết
Khi Ngài tha tội cho Mađalêna, người đàn bà tội lỗi, Ngài đã biến bà trở nên tông đồ, như Thánh vịnh nói đến: đường lối Ngài con sẽ dạy cho người tội lỗi… Chính bà là người chứng nhân đầu tiên Chúa Giêsu phục sinh và được sai đi loan báo cho các anh em (Ga 20,17).
Và khi Chúa Thánh Thần bằng hơi thở của Ngài thổi trên các tông đồ, Ngài đã tái tạo họ, cởi buộc lưỡi họ để họ ngợi ca Thiên Chúa.
Và sau cùng, Đức Giêsu đã khen anh luật sĩ nhận định đúng: yêu mến Thiên Chúa và yêu tha nhân thì hơn mọi hy lễ (Mc 12, 33)
Cùng đọc với người thời nay
Căn nguyên của sự dữ. Khoa tâm lý ngày này chứng minh cho thấy con người bị chi phối bởi nhiều lực tất định có thể phát xuất từ những điều kiện thể lý, ảnh hưởng xã hội, thói quen…Tác giả Thánh vịnh cũng đã cảm nhận được sức nặng của những lực tất định ấy: dù rất có ý thức về điều dữ mình làm, nhưng vẫn cảm thấy không đủ sức thực hiện việc chỗi dậy, nên cần đến sự can thiệp của Thiên Chúa… Căn nguyên của tội nằm ngay chính trong thân phận con người, ngay trước khi có tội cá nhân: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
Thế nhưng, đó không phải là định mệnh thuyết. Vâng, con biết tội mình đã phạm. Đây là một người có trách nhiệm, không tìm cách thanh minh cho mình. Không có kẻ thù nào ghê gớm cho phẩm giá con người bằng thái độ chắc chắn tự cho mình công chính. Lạy Chúa xin cho con biết rõ con. Xin giúp con ý thức về sự dữ con đã làm: những lỗi phạm vô thức, những ích kỷ được che đậy, những hèn nhát ẩn kín.
Quan niệm đúng đắn về tội. Đavít biết khi quyến rủ vợ của Uria và làm hại ông này… không phải chỉ là những sai lỗi làm cho ông xấu hổ. Chính Thiên Chúa là Đấng ông xúc phạm: tôi đã lỗi phạm đến Chúa.Tính chất nặng nề của tội ở chính liên hệ với Thiên Chúa siêu việt, một bất trung với tình yêu Chúa. Tội chà đạp tình yêu của Đấng yêu tôi.
Quan niệm đúng về sự tha thứ. Là vấn đề của tình yêu. Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm. André Froissard đã viết: Đạo của chúng ta, Thiên Chúa chúng ta, luôn là những cuộc bắt đầu thật ngoạn mục: sức mạnh để ta được tái sinh. Và tác giả Thánh vịnh dùng thật nhiều từ để diễn tả cuộc đổi mới này. Đến độ ông xem như là một cuộc tạo dựng mới. Sự tha thứ không chỉ là quên đi quá khứ, một chất siêu tẩy, nhưng còn là một con người mới, mầu nhiệm thật cảm động được ngàn lần lập lại trong Kinh Thánh.
Liên đới tập thể. Tội là một thực tại cá biệt. Tuy nhiên Kinh thánh không ngừng cho ta biết những âm hưởng của tội vượt trên cả chính người tội nhân: khoa xã hội học hiện nay gọi là liên đới tập thể. Chúng ta đang sống trong một môi trường luôn có ảnh hưởng tương giao giữa ta và những người, vật khác. Mỗi tội ta phạm đè nặng trên người anh em ta. Mỗi một quyết định, cố gắng sửa đổi đều góp phần cho đời sống người anh em ta tốt hơn. Thánh vịnh 50 đã nhận ra điều đó: tội lỗi và sự cải hối đều có ảnh hưởng đến kẻ khác. Khi hối cải trở về, tôi dấn thân giúp đỡ anh em, đường lối Ngài tôi sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài. Hội Thánh hiện nay đang làm sống lại ý nghĩa này của bí tích hòa giải. Một tâm hồn vuơn cao, nâng cao cả thế giới.
Khi đọc kinh Miserere, để xin tha tội, không chỉ là một hành vi cá nhân, nhưng là cùng tiến vào lịch sử cứu độ với Đức Giêsu cứu thế. Péguy nói: mỗi người chúng ta không lên trời một mình.
Lòng sám hối chân thật làm đẹp lòng Chúa. Kinh thánh thường quả quyết rằng Thiên Chúa không quan tâm đến những nghi lễ bên ngoài, nhưng chính cuộc sống thật. Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.
Cuối cùng, không phải Thiên Chúa được gì khi chúng ta biết nhìn nhận tội lỗi mình. Tội là một cái gì tự hủy hoại con người, nguyên lý của sự chết. Điều mà Thiên Chúa quan tâm, theo Thánh vịnh, chính là con người không tự hủy diệt chính mình, chính là con người mặc lấy tấm lòng mới, một cuộc sống mới. Và khi cuộc sống trở nên tốt, họ cất cao tiếng hát chúc tụng: Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền, lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế; Bấy giờ thiên hạ giết bò tơ trên bàn thờ Chúa.
Canh tân bí tích hòa giải đi từ việc khám phá niềm vui được tha thứ và cử hành lễ hội tôn vinh lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch