Suy Niệm Thánh Vịnh 29
Tạ ơn Đức Chúa đã cứu khỏi chết
1 Thánh vịnh. Thánh ca vào dịp lễ khánh thành Nhà. Của vua Đa-vít.
2 Lạy CHÚA, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
3 Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
con kêu lên cùng Chúa, và Ngài đã cho con bình phục.
4 Lạy CHÚA, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
5 Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng CHÚA,
cảm tạ thánh danh Người.
6 Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
7 Thuở được yên vui, có lần tôi tự nhủ :
mình sẽ chẳng bao giờ nao núng !
8 Lạy CHÚA, vì yêu thương,
Ngài đã đặt con trên núi an toàn.
Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi,
con liền thấy bàng hoàng sợ hãi.
9 Lạy CHÚA, con đã kêu lên Ngài,
năn nỉ với Ngài là Chúa của con.
10 Chúa được lợi gì khi con phải chết,
được ích chi nếu con phải xuống mồ ?
Nắm tro tàn làm sao ca tụng Chúa
và tuyên dương lòng thành tín của Ngài.
11 Lạy CHÚA, xin lắng nghe và xót thương con,
lạy CHÚA, xin phù trì nâng đỡ.
12 Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu,
cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
13 Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.
Cùng Đọc Với Israel
Đây là một thánh vịnh tạ ơn. Động từ tạ ơn được sử dụng ba lần và cũng là từ cuối của thánh vịnh. Từ vựng diễn tả niềm vui thật phong phú: ‘lễ hội, tán dương, hò reo, vũ điệu’…
Trong loại hình văn chương Midrash này, tình trạng cụ thể được gợi lên: một người đau bệnh sắp chết đã được chữa lành…giống như trải nghiệm của Israel, sau cơn hấp hối của thời lưu đày, đã tìm lại niềm vui để ca tụng Thiên Chúa. Dân Israel đã cảm nghiệm sự giải thoát này như một ‘hồi sinh’: tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Giáo hội dạy ta hát thánh vịnh này vào một Chúa nhật sau Phục sinh (cũng như trong giờ kinh sáng thứ bảy Tuần Thánh). Điều xưa chỉ là hình ảnh đối với Israel, thì giờ đây là một thực tại tuyệt vời đối với Đức Giêsu: Đã thương cứu vớt… từ âm phủ Ngài đã kéo con lên… Ngài thương cứu sống. Một lời của thánh Phêrô tóm gọn tất cả: ‘Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh’ (1Pr 3,18). Và thánh Phaolô cũng viết như thế: ‘Con người đầu tiên là Ađam được dựng nên thành một sinh vật, còn Ađam cuối cùng là thần khí ban sự sống’ (1Cr 15,45). Và ngài còn thêm: ‘Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do’ (2Cr 3,17). Công thức ấn tượng nhất là: ‘Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí’ (1Cr 15,42-44). Qua những bản văn ấy, chúng ta thấy việc phục sinh của Đức Giêsu là điều gì thật lớn hơn nhiều một sự hồi sinh (thể lý): đối với Đức Giêsu, không phải chỉ là tìm lại sự sống bị giới hạn trước đây, đóng khung trong một quốc gia, phục tùng Lề luật của một dân tộc. Đức Giêsu trở thành Đức Chúa vinh quang, Thần Khí ban sự sống, cho mọi thời, mọi nơi, mọi văn hóa và mọi sắc tộc.
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Mầu nhiệm vượt qua là tâm điểm của đức tin kitô giáo. Một kitô hữu không chỉ là người ‘tin vào Thiên Chúa’ mà thôi. Vì điều này, trong thực tế, tất cả các tôn giáo lớn cũng đều thực hành. Đặc tính riêng của đức tin kitô giáo chúng ta, đó là ‘chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô chết và sống lại’. Kinh tin kính đầu tiên tóm tắt xác quyết ngắn gọn này, được lập lại như một tiếng vang, như một lời rao giảng tiên khởi. Thời đại chúng ta thích những tổng hợp hết sức cô đọng. Thân thể Đức Kitô phục sinh là một trong những cực thâu tóm tất cả.
Còn hơn một tổng thể phức tạp những giáo lý, còn hơn một nền luân lý dù có hoàn hảo đến đâu chăng nữa, đức tin kitô giáo mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Cần chi phải học thức cao mới có thể nhận ra nhân loại đang thực sự bị ‘tổn thương’, ‘đau bệnh’. Khi mọi sự đều tốt đẹp, khi khỏe mạnh, ta có khuynh hướng ảo tưởng, như tác giả thánh vịnh: ‘Thuở được yên vui, có lần tôi tự nhủ: mình sẽ chẳng bao giờ nao núng! Đó là cám dỗ của con người thời nay, đôi lúc có cảm tưởng mình đã chiến thắng các thế lực sự dữ. Chính lúc ấy, ta có nguy cơ xa cách Thiên Chúa: ‘không cần Người nữa, tôi có thể giải quyết tất cả bằng sức riêng mình’. Tuy nhiên, chỉ cần ‘Thiên Chúa che mặt lại’ tất cả đều tan tành: không có Thiên Chúa, con người chẳng làm được việc gì, đó là điều hiển nhiên. Nhưng chúng ta tin vào sự sống lại…tin rằng Thiên Chúa đã sai Con của Người đến ‘chữa lành nhân loại bị tổn thương do tội lỗi’ ta tin rằng sự hữu hạn của ta không phải là phi lý, nhưng nó dẫn ta đến Thần Khí của Thiên Chúa…ta tin rằng sự chết của ta sẽ biến đổi thành sự sống, tang tóc và sự suy tàn của ta sẽ biến thành vũ điệu hân hoan. Đó chính là ý nghĩa cuộc đời con người. Chúng ta không đi đến cái chết, nhưng đến sự sống viên mãn trong Thiên Chúa.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo. Một câu thơ tuyệt vời nói lên thái độ sống của người kitô hữu. Rất thực tế, người kitô hữu biết đối diện với sự dữ trong thế giới, sự dữ trong lòng mình, tội lỗi. Lạc quan, người kitô hữu không thất vọng bao giờ, luôn bắt đầu lại mới mẽ mỗi buổi sáng.
Những giọt lệ ban chiều là những giọt lệ quý giá chảy ra khi nhìn lại một ngày qua…ta nhận ra biết bao điều thiếu sót, lỗi lầm của ta, sự hèn yếu của ta, những ươn lười của ta…và cả thế giới quanh ta cũng làm tăng thêm gánh nặng thân phận con người…Việc xét mình trước tiên là một cái nhìn thực tế. Người khôn ngoan, trong mọi nền văn hóa, là người có khả năng xem xét ngày sống của mình cách chân thực và lãnh lấy trách nhiệm, không tội lỗi hóa cách thái quá, nhưng cũng không sống giả dối. Biết bao nhiêu lãng phí của những cuộc đời con người trong một ngày sống.
Những giọt lệ ban chiều chuẩn bị cho những sớm mai hạnh phúc, những ngày mới tín trung, lao động, yêu thương, can đảm, phục vụ. Người biết xét mình không gian dối có thể bắt đầu lại mới, với những tiếng hò reo. Phục sinh là thế đó!
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch