Suy Niệm Thánh Vịnh 28 Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa A,B,C
1 Hãy dâng CHÚA, hỡi chư thần chư thánh,
dâng CHÚA quyền lực và vinh quang.
2 Hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người,
và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện.
3 Tiếng CHÚA rền vang trên sóng nước,
Thiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm,
CHÚA ngự trên nước lũ mênh mông.
4 Tiếng CHÚA thật hùng mạnh !
Tiếng CHÚA thật uy nghiêm !
5 Tiếng CHÚA đánh gãy ngàn hương bá,
CHÚA đánh gãy ngàn hương bá Li-băng.
6 Người làm cho dãy Li-băng thành như bê nhảy nhót,
đỉnh Xia-giôn khác nào nghé tung tăng.
7 Tiếng CHÚA phóng ra ngàn tia lửa,
8 tiếng CHÚA lay động vùng sa mạc,
lay động vùng sa mạc Ca-đê.
9 Tiếng CHÚA lay động cả rặng sồi,
tuốt trụi lá cây cao rừng rậm.
Còn trong thánh điện Người,
tất cả cùng hô : "Vinh danh Chúa !"
10 CHÚA ngự trị trên cơn hồng thuỷ,
CHÚA là Vua ngự trị muôn đời.
11 Xin CHÚA ban quyền lực cho dân CHÚA,
tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an.
Cùng Đọc Với Israel
Về mặt thi ca, đây là một bài thơ tuyệt tác: diễn tả một trận cuồng phong xảy ra tại Palestine, xuất phát từ trên biển phía Tây, di chuyển về hướng Bắc (núi Liban và Sirion) và kết thúc tại sa mạc Cađê miền Nam. Việc miêu tả trận cuồng phong này rất cụ thể: trong ánh lóe sấm chớp người ta tưởng tượng các núi non nhảy chồm lên như những con bò mộng đang nổi giận…rừng cây rạp mình xuống dưới sấm sét, và những cây cổ thụ bật gốc rễ gãy đổ ngổn ngang trên mặt đất…các thú vật hoảng sợ phải sinh non…Những điều hùng vĩ ấy được làm nổi bật qua cách dùng các từ ngữ: những từ được lập lại theo một nhịp điệu dồn dập tăng dần, những câu ngắn gọn và nhất là ‘bảy tiếng sấm’ phân chia cả bài thơ: Tiếng Chúa (tiếng do thái: Qol Yahveh).
Trong phụng vụ do thái, thánh vịnh này được hát vào dịp lễ Ngũ Tuần, kỷ niệm biến cố thần hiện tại Sinai. Israel nhớ lại việc thần hiện mà họ đã sống suốt cuộc hành trình dài bốn mươi năm trong sa mạc Cađê: Tiếng Chúa như tiếng sấm, Lời của Chúa mạc khải cho toàn dân Lề Luật. Không phải tình cờ mà tiếng của Chúa được vang lên bảy lần. Bảy là con số để chỉ sự toàn hảo. Tiếng Chúa thật toàn hảo.
Thánh vịnh này được liệt kê vào số các thánh vịnh nói về Vương quyền của Thiên Chúa: Thiên Chúa ngự trên ngai, cai trị đến muôn đời… Xin CHÚA ban quyền lực cho dân CHÚA, tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an. Từ ngữ ‘vinh quang’ (Kabôd) được lập lại bốn lần. Còn từ ngữ ‘Yahveh’ là tên riêng của Thiên Chúa, người do thái không bao giờ sử dụng vì kính trọng, nhưng họ thay thế bằng từ ‘Adonai’ mà chúng ta dịch là Đức Chúa, được sử dụng mười tám lần trong thánh vịnh này, hầu như ở mỗi câu. Ý nghĩa: Thiên Chúa bao trùm toàn thể thánh vịnh này.
Cơn ‘lốc thần linh’ mang tính biểu trưng: Chúa là Đấng chiến thắng mọi quyền lực sự dữ đang vây quanh Israel…các quốc gia ngoại giáo xung quanh bị ‘cơn lốc thần linh’ đánh cho tơi bời, để Israel được bình an mà ca tụng vinh quang Thiên Chúa trong đền thánh. Các quyền lực chống đối là những quyền lực của âm phủ, không ngừng đe dọa dân Chúa, các ‘thần linh’ ấy chỉ có được chút vinh quang do ‘tước đoạt’ (của Thiên Chúa), nhưng rồi cũng phải trả lại cho Thiên Chúa chân thật.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Giáo Hội chọn thánh vịnh này cho Phụng vụ ngày Chúa Nhật kính Chúa Giêsu chịu phép rửa: ‘Trời mở ra…có tiếng từ trời phán: Con là Con yêu dấu của Cha’. Tin mừng sử dụng những biểu mẫu văn chương của dân do thái. Đối với người do thái thời đó, sấm sét là tiếng của Thiên Chúa. Và thánh Gioan không ngần ngại thuật lại điều đó: ‘Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: Ta đã tôn vinh danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa. Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: ‘Đó là tiếng sấm’. Người khác lại bảo: tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy! (Ga 12,28-29). Cũng chính thánh Gioan trong sách Khải Huyền đã nghe ‘bảy hồi sấm’ (Kh 10,3-4), tương tự như trong thánh vịnh này. Và trong ngày lễ Ngũ Tuần ‘từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi các tông đồ đang tụ họp (Cv 2,2)…và rồi Saulê trên đường Đamát đã bị luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống, quật ông ngã xuống đất (Cv 9,3-4).
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Hiện tại hóa thánh vịnh này, cầu nguyện bằng thánh vịnh này cho ngày hôm nay của thế giới, nhưng đừng quên hai cách đọc trước, tìm cách áp dụng vào trong nền văn hóa riêng của mình.
Thông dự vào những sức mạnh thiên nhiên vượt sức chúng ta. Nền văn minh khoa học hình như có khuynh hướng tách lìa chúng ta ra khỏi môi trường thiên nhiên. Ngày nay, chúng ta biết giông tố có những định luật rõ rệt và sấm sét chỉ là hiện tượng của điện, xảy ra theo những định luật mà người ta có thể biết đề phòng tránh khỏi (điều mà người xưa không hề biết đến). Nhưng như thế có lẽ không tốt cho chúng ta để cảm nhận được ý nghĩa của sự bé nhỏ của mình trước những sức mạnh thiên nhiên? Ai đã từng trải qua cảnh giông tố xảy ra trên miền núi, có lẽ khó quên. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa có thể mang dáng vẻ của tia chớp lóe sáng (trải nghiệm của thánh Phaolô trên đường Đamát); gần đây, một ít người diễn tả cuộc trở lại của mình với dạng ngôn ngữ trên.
Giữa những sợ hãi, vẫn là một con người an bình. Thật đánh động trong khi tất cả đều run sợ xung quanh Israel, đoàn dân tin tưởng hát ca ngợi Vinh Quang Thiên Chúa cách thanh thản trong đền thánh của Ngài, vì Ngài tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an. Đó là câu kết của thánh vịnh. Chỉ cần mở mắt và mở tai ra để nhận thấy rằng ngày nay dù con người đã thoát khỏi những nỗi sợ hãi kinh hoàng của tổ tiên ngày xưa từng trải qua, thì họ lại phải đối mặt với những nỗi sợ hãi khác: vũ khí nguyên tử, sợ tương lai, sự thoái hóa của vũ trụ, những nỗi sợ đủ loại của xã hội do những quyền lực mới mà con người không thể chế ngự được…thất nghiệp, lạm phát, mất cân bằng kinh tế…Cầu nguyện với thánh vịnh này ngày hôm nay, là chỗi dậy cách can đảm, nghĩ rằng người có niềm tin không sợ hãi, không có gì phải sợ, vì biết rằng mọi sự ở trong tay Thiên Chúa! Đừng quên trong tin mừng, thánh Gioan được Đức Giêsu đặt tên là Boanêghê, ‘con của thiên lôi’ (Mc 3,17). Bị đày và hành khổ tại Patmos, thánh nhân tiếp tục ca tụng vinh quang Thiên Chúa, ngay giữa lòng đế quốc La mã bách hại. Đó là con người có niềm tin! (Kh 1,9).
Tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa. CHÚA là Vua ngự trị muôn đời. Hình ảnh giông tố đánh gãy ngàn hương bá Liban, và ngự trị trên cơn hồng thủy, rất đánh động để nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa là tiếng nói cuối cùng chống lại mọi quyền lực địch thù. Đức Giêsu Kitô là vị Chúa vinh quang mà tác giả thánh vịnh ca ngợi. Thật vậy, tiếng của Chúa, lời chiến thắng của Ngài, như lửa hồng, ‘sẽ giết chết bằng hơi thở từ miệng Người, và sẽ tiêu diệt bằng ánh huy hoàng, khi Người quang lâm’ (2 Th 2,8). Hãy mừng vui! Vì sự dữ không thể tồn tại trước mặt Thiên Chúa!
Ước gì phụng vụ của Giáo Hội luôn là lời ca tụng vinh quang Thiên Chúa!
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch