Suy Niệm Tam Nhật Thánh - Lm Ga Phan Tiến Dũng

Thứ năm - 14/04/2022 04:08  907
“Thức Ăn Cho Tâm Hồn” Thứ 5 Tuần Thánh
Di Chúc mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta: Rửa Chân cho các Môn Đệ và Lập Bí Tích Thánh Thể
Không biết có ai trong anh chị em đã viết di chúc thư? Nếu chưa hay là không viết, thì ít ra ACE cũng đã có lần chứng kiến hay nghe nói về bản di chúc? Theo Giáo luật, hằng năm các Linh mục phải viết di chúc, cách đặc biệt với chính bản thân vì trách nhiệm là Lm. quản lý, tôi phải viết di chúc và phải thường xuyên cập nhật. Thú thật, mỗi khi đối diện với bản di chúc mình: Tôi phải viết cái gì, tôi phải làm gì trong…? Chính vì phải viết và cập nhật thường xuyên như vậy, nên tôi nhớ rất rõ tất cả những gì mình đã viết gì trong tờ di chúc này. Còn với ACE thì sao? Nếu viết di chúc thì viết những gì?
Hôm nay, Lời Chúa qua các bài đọc, ACE và tôi cũng chứng kiến những “Di Chúc Thư của Chúa Giêsu” để lại, mặc dầu Ngài không viết, nhưng qua những hành động cụ thể và những gì Ngài đã thực hiện, Ngài muốn để lại và truyền lại cho các môn đệ, để rồi qua các môn đệ, Chúa cũng truyền lại cho tất cả mỗi người chúng ta những di chúc thật tuyệt vời, cao cả, thánh thiện và đầy ơn sủng.
Tin mừng theo Thánh Gioan hôm nay, tường thuật lại cho chúng ta “Bản Di Chúc của Chúa Giêsu”, đó là: Chúa đã “Rửa Chân Cho Các Môn Đệ trong bữa tiệc ly”. Đúng ra, “Hành Động Di Chúc” này của Chúa chính là hành động yêu thương cách tự hạ, hành động nêu gương trong khiêm tốn: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. Hơn thế nữa, hành động Chúa rửa chân cho các môn đệ chính là sự phục vụ vì yêu thương, sự phục vụ trong khiêm tốn. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại rửa chân cho các ông mà Chúa không làm những hành động khác? Thưa vì:
Thứ nhất, là vì Chúa muốn diễn tả tình yêu phục vụ trong khiêm tốn và tự hạ của Ngài, đồng thời, Ngài muốn hành động di chúc này cần phải được tiếp diễn và tồn tại mãi nơi những người môn đệ của Chúa, nghĩa là người môn đệ Chúa phải luôn phục vụ trong khiêm tốn và yêu thương. Thứ đến, Chúa rửa chân cho các môn đệ, là để các ông cũng có thể được dự phần vào chính mầu nhiệm trao ban tình thương cứu chuộc của Chúa. Đây là điều mà Chúa Giêsu khẳng định với Phêrô: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, thì anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy…về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu”. Thật vậy, đây chính là hành động của ơn ban tha thứ, là ơn ban giúp đổi mới cho các môn đệ. Để từ đây, một khi đã được sự tha thứ biến đổi, các môn đệ cũng sẽ trở nên những sứ giả của ơn tha thứ và thánh hóa cho anh chị em mình.
Thưa ACE, hôm nay trong Thánh Lễ Tiệc Ly, chúng ta cũng được Lời Chúa mời gọi hãy hành động như Đức Kitô Giêsu. Hành động trong khiêm tốn, yêu thương và tha thứ. Tin chắc rằng, ai trong chúng ta cũng muốn làm theo, nhưng thật khó, vì chúng ta còn rất nhiều những yếu đuối và tội lỗi của mình.
Do đó, bài đọc hai, trong thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô, Ngài đã tường thuật lại cho chúng ta một di chúc cao cả hơn nữa của Chúa Giêsu, đó là: “Di chúc về việc Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể”. Sau khi dâng bánh và rượu với lời tạ ơn lên Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ và nói: “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Với di chúc này của Chúa Giêsu, Ngài không những đơn thuần để lại là thức ăn-bánh miến và đồ uống-rượu nho, nhưng với di chúc mới tuyệt hảo này: Ngài đã để lại cho chúng ta chính là Mình và Máu của của Chúa, “Này Là Mình Ta, này là Máu Ta”. Thêm vào đó, Phaolô đã cảm nghiệm được, nên Ngài truyền dạy lại cho chúng ta, mỗi khi làm như vậy, các môn đệ của Chúa và những người kế vị các Tông đồ luôn loan truyền việc Chúa chịu chết và sống lại cho tới khi Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang.
Thưa ACE, đối với con người chúng ta, khi chúng ta yêu thương và muốn thiết đãi những gì cho những người mà mình yêu thương, thì cũng chỉ là những món ăn-thức uống, hay chúng ta có để lại di chúc, thì cũng chỉ để lại những của cải vật chất đời tạm này. Nhưng với Chúa Giêsu-Con Thiên Chúa, Ngài đã để lại cho chúng ta chính Mình và Máu Thánh châu báu của Ngài để làm của ăn-thức uống linh thiêng nuôi sống chúng ta. Thức ăn Mình và Máu Thánh thật sự gia tăng sức mạnh và bổ dưỡng cho chính đời sống tâm linh và cả cuộc sống của chúng ta trên hành trình trần gian này.
Giờ đây câu hỏi mà Lời Chúa đang đặt ra với chúng ta là: Chúa đang muốn gì nơi mỗi người chúng ta hôm nay, trong Thánh lễ Tiệc Ly của Thứ Năm Tuần Thánh? Thưa: Xin hãy đến với Chúa, qua mẫu gương khiêm tốn phục vụ và đặc biệt qua Bí Tích Thánh Thể, để chính mỗi một người chúng ta có thể thưởng thức và cảm nếm được tình yêu thương thực sự của Chúa trong cách thế rất đặc biệt này. Để rồi, một khi chúng ta đã cảm nghệm và nhận ra chính tình thương, sự hy sinh và ơn sủng mà Chúa dành cho chúng ta, chúng ta cũng hãy ra đi và chuyển trao ơn Chúa cho anh chị em mình. “Hãy đi và làm như vậy”.  Lạy Chúa, xin tạ ơn vì di chúc yêu thương và hồng ân cứu độ mà Chúa ban cho. Amen.
“Thức Ăn Cho Tâm Hồn” Thứ Sáu Tuần Thánh
Trong bài Thương Khó của Đức Giêsu Kitô theo Thánh Gioan “Ta Khát” là một trong những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá. Chúng ta sẽ tự hỏi: Tại sao Chúa lại khát? Với Thánh Gioan vì đây là giây phút mà Chúa khao khát muốn uống “Chén” mà Chúa Cha đã trao cho Ngài. “Chén đắng” ở đây chính là cái chết và công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu ở trần gian. Ngài khao khát để đem tình thương của Thiên Chúa trao ban cho nhân loại và trao ban cho đến cùng. Và rồi, khi người lính canh đưa giấm lên cho Chúa Giêsu nếm, Ngài đã thốt lên: “Mọi Sự Đã Hoàn Tất”. Qua chính hành động này, Chúa Giêsu tuyên bố rằng: Sứ mạng cứu chuộc mà Chúa Cha trao cho Ngài, Ngài đã hoàn thành, và đây chính là giờ mà Ngài trao phó mọi sự lại cho Thiên Chúa Cha trong vâng phục-tín thác.
Thưa ACE, qua Lời Chúa trong ngày Thứ Sáu Thánh và qua Bài thương khó của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn mời gọi chúng ta điều gì? Chắc hẳn có nhiều điều Chúa muốn nói và mời gọi riêng với mỗi người chúng ta, nhưng xin được chia sẽ với ACE hai điều này, vì trong hoàn cảnh mà ai trong chúng ta cũng đang khao khát đến với Chúa, đến để chạm đến Thánh Giá Chúa, để hôn kính, tôn thờ Ngài.
Thứ nhất: Khi ACE yêu thương và muốn gần gũi với những người mà mình yêu thương, thì chúng ta đã, đang và sẽ làm gì cho họ? Mẹ Thánh Têrêxa Calculta, một hôm trên một chuyến tàu đi ngang qua “khu ổ chuột” của những người nghèo, từ cửa sổ của toa tàu, Mẹ nhìn ra và thấy những con người nghèo, đau khổ la liệt. Một hình ảnh của một cụ già đói khát chỉ còn da bọc xương giơ tay ra. Hình ảnh này đã đập vào mắt, và ghi dấu trong trong lòng trí của Mẹ. Mẹ nghe tiếng kêu cứu của ông cụ, tiếng kêu của ông như chính là tiếng Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay “Tôi Khát”. Hình ảnh và tiếng kêu cứu của những con người nghèo, bất hạnh này cứ mãi thôi thúc trong lòng Mẹ, và rồi Chúa đã soi sáng để Mẹ dấn thân phục vụ họ; Mẹ đã đến sống với họ, yêu thương, chăm sóc phục vụ họ. Sau này khi được hỏi, tại sao Mẹ lại làm những điều như vậy cho những con người đau khổ, cơn hàn này? Mẹ đã trả lời: “Tôi làm cho họ là vì Chúa Giêsu đã yêu tôi, vì Ngài đã chọn tôi, Ngài mời gọi tôi và sai tôi đi để yêu mến và phục vụ Ngài nơi những con người đau khổ nghèo hèn này”. Con đường và sứ vụ của Mẹ Têrêxa, chính là sự phản ảnh và họa lại con đường Khổ Nạn và Thập Giá mà Chúa Giêsu đã đi, đã yêu thương và hiến thân cho đến cùng. Thưa ACE, con đường yêu thương phục vụ và hiến thân này, giờ này, ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng đang khao khát nơi mỗi tâm hồn và lòng trí của chúng ta.
Thứ hai: Chúa Giêsu đã yêu thương tất cả chúng ta và Ngài đã chọn cách yêu thương có một không hai này là: “Chết trên Thập Giá”, với cách thế này để Chúa yêu thương và cứu độ nhân loại. Nhưng chúng ta sẽ tự hỏi: Tại sao Chúa lại chọn thập giá mà Chúa lại không chọn phương cách khác? Thánh Phaolo đã nói: Đối với Thánh Giá của Đức Kitô “Người Do Thái coi đó là một sự ô nhục; dân ngoại (Hy lạp) cho là một sự điên rồ” nhưng với Ngài “Đó là niềm vinh dự của tôi, đó là sự khôn ngoan đầy tình yêu thương của Thiên Chúa”. Với Thánh Gioan Thánh Giá: “Thánh Giá Chúa là ơn gọi của tôi, ơn gọi dấn thân trong yêu mến”. Với các Nữ Tu MTG-VN “Thánh Giá Đức Giêsu chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con”. Còn với chúng ta, năm nay trong hoàn cảnh cũng rất đặc biệt của ngày thứ sáu Thánh, dẫu rằng, chúng ta được đến nhà thờ để tham dự nghi thức Suy Tôn Thánh Giá Chúa, nhưng còn nhiều hạn chế, vì dịch bệnh, chúng ta không được hôn kính Thánh Giá của Ngài. Thế thì thưa ACE, giờ này và trong hôm nay Chúa cũng đang mời gọi: “Thánh Giá của Đức Giêsu Kitô có ý nghĩa gì đối với mỗi một người chúng ta”?
Từ Thánh Giá của Chúa Giêsu, qua Lời Chúa, cũng như qua những cách thế đáp trả của những người con cái Thiên Chúa, hai tiếng “Ta Khát” vẫn đang còn vang vọng trong lòng trí của mỗi người chúng ta. Chúa cũng đang khát chính niềm tin yêu của ACE và tôi, Chúa cũng đang khát chính những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, Chúa đang khát sự ăn năn thống hối và quay về để Chúa thương  ban ơn tha thứ cho chúng ta.
Chúa Giêsu đã chết cho loài người, Ngài chết cho ACE và tôi. Thật, Cái Chết của Ngài là một cuộc trao đổi huyền nhiệm: Thiên Chúa, Ngôi Lời bất tử-mặc lấy cái chết, để cho loài người yếu đuối, tội lỗi, loài phải chết được sống và sống thật. Chúng ta không thể lý giải được tại sao? Chúng ta chỉ biết cúi đầu cung kính cảm tạ và thưa lên: Lạy Chúa, vì quá yêu thương chúng con, vì “Chúa Quá Khát” để trao ban cho chúng con chính tình yêu thương và ơn cứu độ của Ngài. Xin cho chúng con luôn biết khao khát để chọn Chúa, chọn Thánh Giá-Tình Yêu của Ngài. Ước gì từ nay, xin cho chúng con luôn biết kết hiệp những khó khăn và khổ đau của mình với Thánh Giá Cứu Độ của Chúa, để Thánh Giá tình yêu của Chúa luôn là đối tượng duy nhất, là lẽ sống, niềm vinh dự và hạnh phúc của chúng con. Amen.
“Thức Ăn Cho Tâm Hồn” Thứ Bảy Tuần Thánh–Vọng Phục Sinh
Ơn Ban của Đức Kitô Phục Sinh: Ơn Thánh Hóa, Ơn Sự Sống, và Ơn Bình An
Kính thưa ACE, như chúng ta đã cùng nhau suy niệm và suy tôn Thánh Giá của Chúa Giêsu trong ngày Thứ Sáu Thánh, chúng ta đã nhận ra và cảm nếm được, đỉnh cao của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, đó chính là tình yêu, sự khiêm tốn-tự hạ, sự tha thứ và ơn cứu độ. Hành động này quá đẹp, quá cao thượng-vĩ đại, cái chết của Chúa đã làm cho chúng ta quá sức ngưỡng mộ, và không có ngôn ngữ nào ở trần gian có thế diễn tả được cho hết ý nghĩa và ân sủng từ Thánh Giá.
Thế nhưng, nếu Đức Kitô Giêsu không sống lại, nếu Ngài không Phục Sinh, thì điều gì sẽ xảy ra? Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa, chỉ còn là hành động đẹp và là biểu tượng mà thôi, bởi vì nó sẽ dẫn chúng ta đến ngõ cụt và bế tắc. Tại sao vậy? Vì chắc chắn không ai trong chúng ta muốn tin và muốn noi gương, sống theo một Đấng mà đã chịu chết. Thật vậy, cái chết nếu như không có sự sống lại, không có sự Phục Sinh, thì kết cục của sự chết chỉ là hậu quả của tội lỗi, ma quỷ và thế gian. Cái chết đó không có tương lai, không có sự sống, nhưng luôn ở trong bóng tối, âu lo và sợ hãi.
Tạ ơn Thiên Chúa, vì Đức Giêsu Kitô mà chúng ta tín thác và sống theo, Đấng đã chịu đóng đinh và đã chết trên thập giá, Đấng đã được an táng trong mồ và sau ba ngày thì Ngài đã sống lại, Ngài đã Phục Sinh-Alleluia. Chúa đã Phục Sinh, Chúa đã sống lại thật và ơn của Ngài ban cho chúng ta, những ai tin vào Ngài, theo Ngài và sống như Ngài sẽ là ơn thánh hóa, ơn sự sống và ơn bình an đích thực.
Tất cả các bài đọc Lời Chúa trong Tối Thứ Bảy Thánh hôm nay, đều quy hướng chúng ta về những ơn ban mà Chúa Phục Sinh thương trao tặng cho chúng ta.
Lời Chúa trong sách Sáng Thế nói cho chúng ta biết, từ hư vô Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất muôn vật, mọi sự đều tốt đẹp; và từ nay qua sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, mọi thụ tạo đều có ý nghĩa và góp phần trong chương trình cứu rỗi của Chúa. Bài trích Sách Xuất Hành diễn tả cho chúng ta ơn cứu sống của Thiên Chúa, đây là ơn ban nhưng không, ơn thánh đến từ chính sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, ơn cứu sống này mạnh hơn tất cả mọi sức mạnh và quyền lực của thế gian. Ngày nay, khi nhân loại đang đối diện và sống trong lo sợ vì nghèo đói, chiến tranh và dịch bệnh; lo sợ và hoang mang như vậy, là bởi vì con người đang muốn giết nhau bằng những vũ khí hóa học và sinh học. Tại sao con người lại tạo ra những vũ khí nguy hiểm và đáng sợ như vậy, vì con người muốn phô trương sức mạnh và quyền lực của mình, và trên hết vì con người không còn kính sợ Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng sự chết, Đấng có quyền và sức mạnh trên mọi đau khổ, bệnh tật và chết chóc.
Không những chỉ có Lời Chúa mà thôi, các nghi thức cũng như hình ảnh trong Đêm Thứ Bảy Cực Thánh này, cũng giúp cho chúng ta ý thức hơn những ơn mà Chúa Phục Sinh ban cho. Từ Lửa mới, nến Phục Sinh mới, nước Thánh Tẩy mới…những hình ảnh này đều nói lên và minh chứng cho chúng ta về ơn Thánh Hóa, Ơn Sự Sống, Ơn Bình An mà Đức Kitô Phục Sinh ban cho. Chính những ơn này giúp cho chúng ta là những người yếu đuối tội lỗi trở nên những tạo vật mới, những tạo vật đã được dựng nên theo hình ảnh tốt lành của Thiên Chúa, hình ảnh mà con người đã bị tội lỗi làm hoen ố; thì giờ đây, nhờ Đức Kitô,  chúng ta lại được mặc lấy phẩm giá mới, là trở nên con cái và môn đệ Chúa.
Điều này Thánh Phaolo trong thư gởi tín hữu Rôma, Ngài đã khuyên dạy chúng ta: Vì chúng ta được liên kết với Chúa trong  cùng một cái chết và trong sự sống lại; để mỗi khi đã được ơn Chúa, thì chúng ta cũng phải sống trong đời sống mới nghĩa là: “Hãy sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”.
Tin mừng theo Thánh Luca công bố cho chúng ta Ơn Ban Phục Sinh của Chúa, đó là ơn Bình An, ơn trở thành Sứ Giả của Tin Vui Phục Sinh; những ơn này thực sự chỉ dành cho những ai tin vào Chúa, luôn sống trong tình yêu mến của Chúa Kitô. Thật vậy, từ những con người đang buồn sầu, hoang mang lo sợ vì Chúa và Thầy của họ đã chết. Từ những người phụ nữ không có địa vị trong xã hội, giờ đây họ được chứng kiến và gặp Đức Kitô Phục Sinh, họ đã được Ngài ban cho niềm vui, sự bình an và lòng can đảm để ra đi; họ đã thực sự trở nên những người môn đệ đầu tiên ra đi loan báo tin vui Phục Sinh: “Chúa Đã Sống Lại”.
Trong những năm tháng qua khi đối diện với đại dịch, chúng ta nhận ra rất nhiều dấu chỉ của ơn Chúa Phục Sinh từ những Chiến Sĩ Áo Trắng và từ biết bao nhiêu Người Thiện Nguyện…họ đã can đảm lao mình vào tuyến đầu để cứu sống anh chị em mình. Hôm nay, Đức Kitô, Đấng đã sống lại cũng đang mời gọi và trao ban chính ơn Phục Sinh của Ngài cho chúng ta; với ơn của Chúa, chúng ta đang mang một sứ mạng và phẩm giá mới là trở nên những nhân chứng của ơn Thánh Chúa cho anh chị em mình.
Vậy chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Chúa, hãy vui lên và hãy can đảm ra đi để Chúa Phục Sinh làm cho chúng ta trở nên sứ giả của “Tình Yêu Phục Sinh” để đem Ơn Thánh Hóa, Ơn Sự Sống, và Ơn Bình An của Chúa cho muôn người. Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập93
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay12,781
  • Tháng hiện tại179,491
  • Tổng lượt truy cập51,510,826

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây