Suy niệm Lời Chúa, Lễ Thánh Gia Thất – Năm C “Gia Đình, trước những thách đố của cuộc sống hôm nay”
Ai trong chúng ta cũng có gia đình. Thế thì, ACE và tôi có thực sự cảm thấy mình được hạnh phúc khi sống trong gia đình của mình, hay nói khác hơn, hiện diện bên cạnh những người thân yêu có làm cho chúng ta hạnh phúc? Điều gì hay bởi đâu đã làm cho chúng ta cảm thấy mình hạnh phúc? Còn nếu chúng ta chưa cảm nghiệm được hạnh phúc, thì tại sao? ACE rất thân mến, gia đình ngày nay hơn bao giờ hết, đang gặp rất nhiều thách đố, khó khăn, khủng hoảng và ngay cả những đổ vỡ… Đặc biệt hơn, trong bối cảnh cuộc sống đầy bấp bênh, phức tạp như hiện nay, vậy thì, chúng ta sẽ phải làm gì để bảo vệ cho gia đình của mình hay phải làm sao để tạo nên sự an bình, hạnh phúc cho những người mà mình yêu thương. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay soi sáng và cho chúng ta những bí quyết tuyệt hảo hầu giúp chúng ta có tình yêu và hạnh phúc đích thực cho tổ ấm gia đình của mình.
Tin mừng hôm nay (Lc 2, 41-52) Thánh Luca tường thuật cho chúng ta việc Cha Mẹ của Chúa Giêsu đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Thiên Chúa. Đây chính là cử chỉ không những chỉ chu toàn bổn phận hay sứ vụ mà lề luật quy định cần phải làm, nhưng các Ngài đã thực hiện vì lòng cảm tạ tri ân đối với Thiên Chúa vì quà tặng cao quý là người con Giêsu trong gia đình của mình. Trong hoàn cảnh như hiện nay, khi đọc và suy niệm về đoạn Tin mừng này, chúng ta càng thấm thía hơn, vì chúng ta cũng cảm nghiệm được về những khó khăn đau khổ mà Mẹ Maria và Giuse gặp phải khi trên đường trở về lại nhà mình mà không có con trẻ Giêsu đi cùng họ.
Chúng ta cứ thử hình dung, là cha mẹ, các Ngài phải đau khổ, lo sợ biết là dường nào, khi để lạc mất hay không tìm thấy con của mình nữa. Có thể chúng ta sẽ tự hỏi, vấn nạn đau khổ này tại sao lại xảy ra, có phải vì sự bất cẩn, vô tâm của cha mẹ, hay do sự ngỗ nghịch của con trẻ Giêsu? Thưa, cả hai đều không phải. Thật ra, vấn nạn đau khổ xảy ra là do trẻ Giêsu đã chọn ở lại trong đền thờ để thi hành sứ vụ của Thiên Chúa. Như vậy, cho chúng ta thấy, dẫu rằng là Gia Đình Thánh, nhưng không vì thế mà không gặp phải những khó khăn đau khổ. Nhưng điều quan trọng mà Tin mừng muốn nêu gương đó là: Trong những lúc khó khăn, đau khổ, thì mọi người đều luôn cố gắng hết sức để chu toàn bổn phận của mình vì tình thương mến. Cha-Mẹ thì đi tìm con, con trẻ Giêsu thì hăng say làm việc của Thiên Chúa trong đền thờ. “Hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông”. Thêm vào đó, sau khi đã tìm gặp thấy nhau, mọi người đều cảm thông, chia sẻ cho nhau những tâm tình của mình, không hề đổ lỗi, than trách hay phàn nàn về ai, đặc biệt hơn, là mỗi người đã cố gắng để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa qua sự đau khổ và các biến cố của cuộc đời. “Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con. Người thưa với hai ông bà rằng: Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư? Bấy giờ, Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng.”
Ngày nay rất nhiều gia đình và ngay cả các gia đình công giáo cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề kinh tế-công việc làm ăn, nhưng khó khăn đến nhiều nhất là do bất đồng ý kiến, do bạo hành, do thiếu sự tôn trọng và quan tâm cách chân thành với nhau. Thế nên, hậu quả là, khi mâu thuẩn, khủng hoảng xảy ra, thì họ liền nghĩ ngay đến giải pháp “Ly Dị”; họ nói và hành động rất đơn giản để đi đến giải pháp này. Thực ra, nguyên nhân cốt lõi của sự khủng hoảng, đổ vỡ là do: Các thành viên trong gia đình không có ơn đức tin, không có ơn thánh của Chúa hiện diện, hay nói khác hơn, là họ hay không nhận ra ơn gọi, sứ vụ cao quý trong hôn nhân-gia đình mà Chúa đã ban cho mỗi người. Thế nên, mỗi người coi nhau như “một gánh nặng hay cục nợ” chứ không phải mỗi người là quà tặng cao quý mà họ đón nhận được từ Chúa.
Bài đọc hai (Cl 3, 12-21) Thánh Phaolô chia sẻ bí quyết cho những ai đang sống trong ơn gọi gia đình muốn có được hạnh phúc-bình an. Không gì khác hơn đó là: “Từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau …trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương”. Thưa ACE, tại sao trong đời sống hôn nhân-gia đình cần phải có và sở hữu những nhân đức quan trọng này mà không phải là lo đi tìm kiếm tiền bạc, của cải, vật chất hay danh vọng, địa vị? Ai trong chúng ta cũng muốn kiến tạo hạnh phúc-an vui cho mình và gia đình. Nhưng để tạo nên hạnh phúc đích thực không phải do chúng ta mà có, hạnh phúc là ơn thánh do Chúa thương ban, phần chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa để cố gắng gìn giữ, bảo vệ và trân quý. Thật vậy, bí quyết tối thượng để có hạnh phúc chính là: “Tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha”.
Một vấn nạn khác mà xã hội cũng như các gia đình ngày nay đang phải đau khổ khi đối diện, đó là khi các thành viên trong gia đình không còn quan tâm lo lắng bảo bọc che chở lẫn nhau, chỉ vì sự hẹp hòi ích kỷ, lợi lộc cá nhân mà họ không còn có tôn tri trật tự trong gia đình. Do đó, Sống Đạo Hiếu là bí quyết, là chìa khóa để giúp cho các gia đình có được một nền tảng vững chắc. Bài đọc một (Hc 3, 3-7. 14-17) tác giả sách Huấn ca giúp cho chúng ta tìm lại chính căn tính, cột trụ của gia đình đó là đạo hiếu. Thờ cha, kính mẹ, tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ lúc các ngài còn sống cũng như qua đời. Phụng dưỡng, giúp đỡ và thảo hiếu với cha mẹ trong tinh thần cảm tạ tri ân chính là sự khôn ngoan để giữ được hạnh phúc cho gia đình mình.
Thực tế của cuộc sống, khi gặp những khó khăn, thử thách, sóng gió của đời sống hôn nhân-gia đình, chúng ta cảm thấy bất lực, muốn bỏ cuộc, rút lui. Những lúc như vậy, Thánh Gia Thất và Lời Chúa chính là nơi để chúng ta tìm đến, bám víu, nương náu và kêu xin sự trợ giúp. Tin chắc rằng, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse luôn đồng hành, chuyển cầu, ban ơn thánh cho chúng ta, vì các Ngài cũng đã trải qua và đã sống chứng tá trọn vẹn để nêu gương cho chúng ta. Xin Thánh Gia Thất chúc phúc và ban bình an cho các gia đình của chúng con. Amen.