CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN
Chủ đề Chúa Nhật XV Thường Niên Năm A là tính hữu hiệu của Lời Chúa.
Is 55: 10-11
Trong đoạn trích tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị này, Lời Chúa được sánh ví với ơn vũ lộ chan hòa làm cho hạt giống đâm chồi nẩy lộc và đem lại cơm bánh cho con người.
Rm 8: 18-23
Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma. Trong đoạn trích hôm nay, thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Rô-ma hãy suy niệm, bên kia mầu nhiệm đau khổ, số phận vinh quang đang chờ đón: không chỉ con cái Thiên Chúa nhưng còn muôn loài muôn vật nữa.
Mt 13: 1-23
Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giê-su sánh ví Lời Ngài với hạt giống. Hạt giống có sinh hoa kết trái hay không tùy theo những mảnh đất đón nhận hạt giống. Trong những mảnh đất tốt, hạt giống mang lại một vụ mùa bội thu.
BÀI ĐỌC I (Is 55: 10-11)
Bản văn này gợi lên tính hữu hiệu của lời Chúa có thể sánh ví với tính hữu hiệu của ơn vũ lộ làm cho đất phì nhiêu. Bản văn này được chọn vì mối liên hệ gần gũi của nó với dụ ngôn “người gieo giống” được tường thuật trong Tin Mừng hôm nay. Bản văn này được trích từ chương cuối tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a biệt danh là I-sai-a đệ nhị (ch. 40-55). Đây là vị ngôn sứ của thời lưu đày Ba-by-lon, ông đang an ủi những người đồng hương bất hạnh của ông khi hứa với họ rằng Đức Chúa sắp ra tay giải thoát họ.
1.Tính hiệu quả của lời Chúa:
Ông khẳng định, lời Thiên Chúa hứa như thế không là lời dối trá, vì Lời Chúa nhất thiết phải xảy ra. Những thành quả của nó là tất yếu, chắc chắn như những thành quả của trận mưa từ trời xuống và tuôn đổ muôn phúc lành của mình trên đất đai trước khi trở về trời.
Sự so sánh này không thuần túy thi ca: “nước là hình ảnh của ơn cứu độ” và mưa là dấu chỉ của ơn cứu độ nhưng không. Ở đầu bài thơ của mình, vị ngôn sứ đã nhắc nhớ rằng nước trời ban, nên không phải trả đồng nào. Như vậy, ông lại kêu gọi dân chúng hãy tin tưởng. Tính hiệu quả của Lời Chúa được chứng mình một cách tuyệt vời nhất đó sẽ là cuộc giải thoát sắp đến của những người lưu đày. Ông kêu to lên ngay sau đoạn trích này:
“Phải, các ngươi sẽ ra đi mừng rỡ hân hoan,
rồi lũ lượt kéo về bình an vô sự,
Trước mặt các ngươi, đồi núi sẽ cất giọng reo hò,
cây cỏ ngoài đồng sẽ vỗ tay.
Cây bách vươn cao thay bụi rậm,
cây sim lớn mạnh thế tầm ma,
để Đức Chúa được lừng danh nức tiếng,
được ghi nhớ ngàn năm và truyền tụng muôn đời” (Is 55: 12-13).
2.Ngôi vị hóa lời Chúa:
Trong bản văn, Lời Chúa được ngôi vị hóa. Như một sứ giả ra đi, Lời Chúa được giao phó một sứ mạng và sẽ trở về chỉ khi nào sứ mạng được hoàn thành. Đức Giê-su sẽ hiện thân Lời Chúa này. Ngài sẽ trở về Chúa Cha chỉ khi Ngài hoàn tất sứ mạng cứu độ của mình.
BÀI ĐỌC II (Rm 8: 18-23)
Trong Bài Đọc II, chúng ta tiếp tục đọc chương 8 thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma.
Thánh nhân vừa mới chứng tỏ rằng người Ki-tô hữu được liên kết với cùng một vận mệnh của Đức Ki-tô, vì người Ki-tô hữu được làm con cái Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Ki-tô: “Vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người”.
1.Số phận vinh quang của con cái Thiên Chúa:
“Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ, sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa đã mặc khải nơi chúng ta”. Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ, có thể hiểu những hoàn cảnh trần thế ở đó người Ki-tô hữu đang sống, nhưng chắc chắn những gian nan thử thách mà họ phải chịu trong cuộc chiến đấu chống tội lỗi. Đau khổ tự thân không là nguồn mạch vinh quang; nhưng nhờ thông hiệp với Đức Ki-tô mà đau khổ trở thành vinh quang. Chính trong Đức Ki-tô mà đau khổ và vinh quang là hai khía cạnh của một mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
2.Muôn loài mong chờ được giải thoát:
Điều thánh Phao-lô khai triển không xuất phát từ một hệ thống triết học, cũng không từ một quan niệm khoa học về vũ trụ, nhưng được đặt nền tảng trên Kinh Thánh. Thế giới đã được sáng tạo cho con người; nó liên đới với vận mệnh của con người; nó đã bị nguyền rủa bởi tội lỗi của con người: “Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra” (St 3: 17). Lời nguyền đè nặng trên đất đai chứ không trên con người: “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng vì Thiên Chúa bắt chịu vậy” (do tội lỗi của con người mà lời nguyền của Thiên Chúa đè nặng trên muôn loài muôn vật). Thánh Phao-lô cho rằng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, muôn loài muôn vật được liên kết với sự trừng phạt của con người, được dự phần vào ơn cứu độ của nó và được giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát. Thật ra các ngôn sứ đã loan báo một sự đổi mới của muôn loài muôn vật:
“Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới,
không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa.
Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan
vì những gì chính Ta sáng tạo” (Is 65: 17-25; x. 11: 5-9).
Thánh Phao-lô ám chí đến điều này: “Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài trong vũ trụ cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh con”.
Vả lại, văn chương khải huyền đã mở rộng những niềm hy vọng thời Mê-si-a vượt qua bên kia cái khung quốc gia chật hẹp, và đã trương rộng chúng đến toàn thể nhân loại, thậm chí đến muôn vật vô tri vô giác. “Thế giới tương lai” được mô tả như một thế giới được thay hình đổi dạng mà những thực tại thiên giới đột nhập vào trong thế giới đó. Thư thứ hai của thánh Phê-rô gợi lên viễn cảnh này bằng những ngôn từ khải huyền: “Trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu hủy và ngũ hành sẽ cháy tan ra trong lửa hồng. Nhưng theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2Pr 3: 12-13).
Trong các thư được viết trong cảnh bị giam cầm, thánh Phao-lô sẽ lấy lại cùng viễn cảnh vĩ đại, bằng những biểu thức ngắn gọn hơn. Trong thư gởi các tín hữu Cô-lô-xê, thánh Phao-lô chúc tụng Đức Ki-tô, Thủ Lãnh của vũ trụ:
“Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời” (Cl 1: 20).
Đó cũng là những điểm nhấn trong thư gởi các tín hữu Ê-phê-xô (Ep 1: 9-13).
3.Vai trò của Chúa Thánh Thần:
Tư tưởng của thánh Phao-lô dựa trên thần học Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô, ở đó vai trò của Chúa Thánh Thần chiếm một vị thế quan trọng. Chính Chúa Thánh Thần đã khởi sự rồi trong chúng ta sự biến đổi này và cho phép chúng ta hy vọng “một sự giải phóng tương lai thân xác chúng ta”. Cũng như vậy đối với muôn loài muôn vật, tức là toàn thể thế giới hữu hình biệt phân với loài người. Vì thế, thánh Phao-lô đi ngược lại với tư tưởng Hy-lạp. Theo tư tưởng Hy-lạp: mong muốn giải thoát tinh thần khỏi vật chất, còn thánh Phao-lô thì nhắm đến sự khôi phục vật chất bởi Chúa Thánh Thần.
Giáo Hội không từ chối viễn cảnh của thánh Phao-lô. Công Đồng Vatican II được gợi hứng theo viễn cảnh này (được gợi hứng một phần bởi Teilhard de Chardin).
TIN MỪNG (Mt 13: 1-23)
Trong chương này, thánh Mát-thêu tập hợp bảy dụ ngôn, trong số đó bốn dụ ngôn chỉ được gặp thấy tại thánh nhân: “dụ ngôn cỏ lùng”, “dụ ngôn kho báu”, “dụ ngôn ngọc quý”, “dụ ngôn chiếc lưới”; hai dụ ngôn chung với thánh Mác-cô và thánh Lu-ca: “dụ ngôn người gieo giống”, “dụ ngôn hạt cải”; và một dụ ngôn khác với chỉ thánh Lu-ca: “dụ ngôn men trong bột”.
Bảy dụ ngôn này hình thành nên một tổng thể thuần nhất: cả bảy dụ ngôn đều có liên hệ tới “Nước Trời”. Hôm nay chúng ta bắt đầu đọc chúng.
1.Dụ ngôn:
Các dụ ngôn là những thực tại thường ngày dễ thấy được dùng để nói về những thực tại tinh thần vốn cao siêu mầu nhiệm khó nắm bắt được. Vào thời Đức Giê-su, các kinh sư thực hành phương pháp này để đánh thức sự chú ý và khêu gợi những suy tư; họ dựa trên một truyền thống dài lâu: các ngôn sứ đã cho mẫu gương và truyền thống đã gán cho vua Sa-lô-mon nhà khai sinh diễn từ dụ ngôn.
2.Người gieo giống:
Khi dùng những hình ảnh quen thuộc với thính giả Ga-li-lê của Ngài, Chúa Giê-su mô tả mùa gieo giống và số phận dành cho hạt giống tùy theo vùng đất tiếp nhận nó: sỏi đá, bụi gai, con đường băng qua cánh đồng như thường thấy; thêm những chướng ngại đến từ bên ngoài: chim trời, nắng cháy. Nhưng “có những hạt giống rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”. Hình ảnh này rất mạnh, vì mùa thu hoạch ở Pa-lét-tin không vượt quá sản lượng từ mười một đến mười hai cho mỗi hạt vào những vụ mùa bội thu nhất.
Qua những gợi ý này, Đức Giê-su muốn giải thích cho đám đông – nếu như họ muốn hiểu – cũng như cho các môn đệ Ngài, những khó khăn mà sứ điệp của Ngài gặp phải. Vì chính Ngài là “người gieo giống đi ra gieo giống”, gieo Lời Thiên Chúa. Ngay từ đầu bài diễn từ về dụ ngôn, thánh Mát-thêu viết: “Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra” (Mt 13: 1).
Thêm nữa, Đức Giê-su là người mà các ngôn sứ loan báo về Đấng Mê-si-a dưới tước hiệu “chồi non”. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã tuyên sấm:
“Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít
một chồi non chính trực” (Gr 23: 5 và 13: 15).
Ngôn sứ I-sai-a đã dùng ngôn từ này rồi:
“Ngày đó, chồi non Đức Chúa cho mọc lên
sẽ là vinh quang và danh dự
và hoa màu từ ruộng đất trổ sinh” (Is 4: 2).
Dụ ngôn người gieo giống muốn nói rằng thời kỳ đã đến từ cuộc gặp gỡ giữa “chồi non” và mảnh đất của tâm hồn. Nó cũng có nghĩa rằng Thiên Chúa không áp đặt nhưng đề nghị; Ngài gieo một cách dồi dào, không dè dặt thậm chí dù hạt giống có nguy cơ bị mất đi. Con người phải mở rộng lòng trí của mình.
3.Tiếp đón Lời:
Các môn đệ không hiểu ngay tư tưởng của Đức Giê-su: “Thưa Thầy, sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?”. Câu trả lời của Đức Giê-su thì thật rõ ràng: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không”. Đây là một lần duy nhất và vào một dịp duy nhất này mà trong các sách Tin Mừng xuất hiện từ “mầu nhiệm”.
Tiếp đó, Đức Giê-su còn trở nên nghiêm khắc hơn: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ còn dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, thì cũng sẽ bị lấy mất”. Có thể Đức Giê-su trích dẫn một câu ngạn ngữ và áp dụng vào việc tiếp đón Lời Ngài. Ai mở tâm trí mình với tấm lòng ngay thẳng trước ánh sáng sứ điệp của Ngài, sẽ còn nhận nhiều ánh sáng hơn nữa. Đó là trường hợp các môn đệ, mà Đức Giê-su mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho họ, vì lòng trí của họ sẵn sàng đón nhận.
Nhưng dân chúng, vốn thiện cảm với vị thần thông này, ngộ nhận con người của Đức Giê-su. Qua những dấu chỉ Ngài ban, họ không nhận ra Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến; họ gắn bó với Ngài vẫn nông cạn. Đối với các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu, việc tiếp đón Lời Ngài còn lạnh nhạt hơn; họ không có bất kỳ thành tâm thiện chí nào. Thế nên, ai không màng đến ánh sáng thì càng tăm tối hơn: “Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu”.
4.Lòng chai dạ đá:
Thật ra, những dụ ngôn của Đức Giê-su thật sự trong sáng và rõ ràng. Đức Giê-su không có ý làm cho lời dạy của Ngài khó hiểu để làm nhụt chí thính giả của Ngài. Trái lại, khi dùng ngôn ngữ cụ thể, Ngài muốn chuyển giao cho họ những chân lý khó nắm bắt. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh điều đó xa hơn khi trích dẫn Tv 78: 2:
“Mở miệng ra, tôi sẽ nói đôi lời huấn dụ,
công bố điều huyền bí thuở xa xưa”.
Đám đông này lắng tai nghe mà không thật sự hiểu, Đức Giê-su muốn chữa họ khỏi những giấc mơ sai lạc và lòng nhiệt thành vô tích sự. Ngài lấy làm tiếc vì những tâm trí mù lòa của họ. Chúa Giê-su giải thích chứng mù lòa tâm linh của đám thính giả thời Ngài là ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a: “Vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành”. Lòng chai dạ đá của đám đông dân chúng vào thời Đức Giê-su, ngôn sứ I-sai-a đã đối mặt rồi vào thế kỷ VIII tCn.
Sấm ngôn của I-sai-a được cả ba sách Tin Mừng nhất lãm (Mt 13: 14-15; Mc 4: 12; Lc 8: 10) cũng như thánh Gioan kể ra (Ga 12: 40) và được dùng trong phần kết thúc sách Công Vụ Tông Đồ. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng sấm ngôn này đã được ứng nghiệm: việc dân Ít-ra-en từ chối là một sự kiện; vì thế “ơn cứu độ này của Thiên Chúa đã được gởi đến cho các dân ngoại” (Cv 28: 26).
Sấm ngôn của I-sai-a này được trích từ bài trình thuật về ơn gọi của ngôn sứ I-sai-a. Đức Chúa cho vị ngôn sứ hiểu rằng sứ mạng của ông sẽ gặp nhiều khó khăn, vì ông sẽ phải ngỏ lời với một dân chúng lòng chia dạ đá và rồi thế nào sứ mạng cũng sẽ phải thất bại. Đây là kiểu nói mang đậm nét sê-mít diễn tả sự trách móc pha lẫn nỗi giận dỗi và dễ gây nên sự mâu thuẫn:
“Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn,
cho tai nó điếc, cho mắt nó mù;
kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu,
mà trở lại và được chữa lành” (Is 6: 10).
Sau đó, Đức Chúa loan báo một sự trừng phạt khủng khiếp: “Và nếu ở đó còn sót lại một phần mười, thì đến lượt phần đó cũng sẽ bị lửa thiêu, như một cây vân hương, một cây sồi bị đốn, chỉ còn sót lại cái gốc thôi. Gốc ấy là một mầm giống thánh” (Is 6: 13). Hoàn cảnh của vị ngôn sứ tương tự với hoàn cảnh của Đức Giê-su. Vậy Đức Giê-su chính là “mầm giống” thánh này.
5. Những người gieo giống tương lai:
Tương phản với những viễn cảnh bi quan này, Đức Giê-su cho thấy niềm vui mà niềm tin của nhóm nhỏ môn đệ của Ngài đem lại cho Ngài, những người mà Ngài sắp làm cho họ trở thành những người gieo Lời Ngài trong tương lai. Họ sẽ vấp phải những khó khăn tương tự, nhưng trên những mảnh đất tốt họ sẽ thu hoạch một vụ mùa kỳ diệu. Chúa Giê-su lập lại những con số thật choáng ngợp: “Kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba mươi”. Vì tính hữu hiệu của Lời Chúa không thể nào nghi ngờ được.
Từ đó, người ta hiểu tại sao Đức Giê-su đã nói về sứ mạng của Ngài bằng ngôn từ vụ mùa: “Hạt giống phải chết đi mới sinh được nhiều hoa trái”. Vụ mùa bao gồm một cái chết phong phú. Cái chết này sẽ là cái chết của chính Ngài.