Suy niệm Lời Chúa CN XIX Thường Niên A - Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Chủ nhật - 06/08/2023 23:04  422
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN
Vào Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm A nầy, bản văn Cựu Ước và bản văn Tin Mừng cùng nhau giới thiệu Thiên Chúa là nguồn mạch của sự bình an.
1V 19: 9, 11-13
Trong sách Các Vua quyển thứ nhất, Thiên Chúa tỏ mình ra với ngôn sứ Ê-li-a trên núi Khô-rếp (tên gọi khác của núi Xi-nai), không còn trong cảnh sấm chớp kinh thiên động địa, nhưng trong cõi thinh lặng chứa chan ân tình trìu mến.
Rm 9: 1-5
Trái lại, Bài Đọc II trích từ thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma là một lời tâm sự đầy xao xuyến của thánh nhân trước sự cứng lòng tin của đồng bào Do thái của mình, tuy họ đã được Thiên Chúa đổ tràn biết bao thánh ân.
Mt 14: 22-33
Tin Mừng tường thuật việc Đức Giê-su đi trên biển hồ trong phong ba bão tố. Ngay khi Ngài gặp lại các môn đệ trên thuyền, bão tố trở nên dịu êm. Sự bình yên trở lại trên thiên nhiên và trong cõi lòng của con người.
BÀI ĐỌC I (1V 19: 9, 11-13)
Sách Các Vua quyển thứ nhất và quyển thứ hai dành một chỗ rộng lớn cho vai trò của các ngôn sứ, đặc biệt cho ba ngôn sứ: Ê-li-a, Ê-li-sa và I-sai-a.
Ngôn sứ Ê-li-a là một nhân vật thần bí có quyền năng hô phong hoán vũ, nhưng trước hết, là một con người của đức tin. Ông thực hiện sứ vụ ngôn sứ của mình ở vương quốc miền Bắc (còn gọi vương quốc Ít-ra-en), vào triều đại của vua A-kháp (874-853 tCn). Sứ mạng của ông gặp nhiều gian truân. Vua A-kháp là một vị quân vương vô đạo. Vợ vua, hoàng hậu I-de-ven, ngoại đạo, công chúa của vua Xi-đon, vua này vừa là vua đồng thời cũng là tư tế của thần Ba-an. Vua A-kháp sùng bái việc cúng tế ngẫu tượng và không thể chịu đựng được những lời khiển trách của ngôn sứ Ê-li-a. Trong khi đó, hoàng hậu I-de-ven quyết tâm truy lùng ngôn sứ Ê-li-a sau biến cố ngôn sứ Ê-li-a tru diệt các ngôn sứ của thần Ba-an trên núi Cát-men.
1.Hành trình tâm linh của ngôn sứ Ê-li-a.
Trước cuộc bách hại của vương triều, Ngôn sứ Ê-li-a rời bỏ vương quốc miền Bắc, trốn chạy vào vương quốc miền Nam (cũng gọi là vương quốc Giu-đa) cho đến tận biên giới sa mạc xa xôi. Ở đó, ông quyết định thực hiện một cuộc hành hương theo vết chân của ông Mô-sê. Sau một cuộc hành trình dài, ông đến núi thánh Khô-rếp (cũng được gọi núi Xi-nai theo truyền thống vương quốc miền Bắc). Chán nản vì những nổ lực của ông đã biến thành mây khói, vị ngôn sứ cố gắng tôi luyện lại niềm tin của mình trên chính những nơi Thiên Chúa đã tỏ mình ra.
Bốn thế kỷ cách biệt giữa ngôn sứ Ê-li-a và ông Mô-sê, dường như núi Khô-rếp đã trở thành thánh địa hành hương. Vị ngôn sứ nằm nghỉ trong một chiếc hang xưa kia ông Mô-sê đã trú ngụ, nơi mà truyền thống đã xem như thánh địa.
Chính để an ủi người tôi trung của mình, Thiên Chúa tỏ mình ra nhưng không trong tiếng sấm chớp kinh thiên động địa, cũng không trong cảnh đất rung núi lỡ hồn xiêu phách lạc, nhưng trong “làn gió mát hiu hiu thổi” (dịch sát từ: “trong tiếng động của cõi thinh lặng tinh tế”).
2.Tấm lòng trìu mến của Thiên Chúa.
Hai hoàn cảnh thần hiển với ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a không như nhau. Xưa kia, dân Do thái cắm lều ở dưới chân núi Xi-nai. Vào lúc đó, Thiên Chúa đã ngỏ lời với dân trong cảnh trời đất rung chuyển và núi non hừng hực lửa, ngõ hầu toàn dân nhận biết sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa, nhờ đó dân biết kính sợ Ngài và lắng nghe ông Mô-sê, người trung gian của Ngài.
Trái lại, ngôn sứ Ê-li-a hoàn toàn cô độc, không tìm thấy một nơi nương tựa nào trên trần thế nầy. Thiên Chúa, thay vì làm ông khiếp sợ, tỏ mình ra trong giọng nói thì thầm dịu êm. Đây là cách thức khác Thiên Chúa bày tỏ sự thánh thiêng của Ngài. Hành động cứu độ của Thiên Chúa không tất yếu phải là ngoạn mục, ngược lại thường nhất là kín đáo. Trong trường hợp của ngôn sứ Ê-li-a, Thiên Chúa muốn ông hiểu rằng Ngài đang lắng nghe lời cầu nguyện của ông. Chính trong ân tình trìu mến mà Ngài muốn chuyện trò với ông.
Ngoài ra, không ngoại trừ rằng tác giả muốn cho dân Do thái bất tín và thờ ngẫu tượng một bài học: thần Ba-an của dân Ca-na-an là thần bão tố; còn Đức Chúa, Thiên Chúa chân thật, thì hoàn toàn khác.
Thật tuyệt vời khi Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đã đối chiếu hai bản văn Cựu Ước và Tân Ước để giới thiệu Đức Giê-su là Đấng dẹp yên phong ba bão tố. Chính Ngài đem lại sự bình an. Sự hiện diện của Thiên Chúa là nguồn mạch của sự bình an.
BÀI ĐỌC II (Rm 9: 1-5)
Bài Đọc II bắt đầu trích chương 9 của thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma, trong đó thánh nhân thú nhận những nỗi phiền muộn bao la của mình trước sự cứng lòng tin của đồng bào Do thái của thánh nhân.
1.Nỗi ưu phiền lớn lao.
Nỗi phiền muộn của thánh Phao-lô lớn lao đến mức thánh nhân sợ người ta không muốn tin như vậy. Vì thế, thánh nhân viện dẫn Đức Ki-tô ra làm chứng: “Có Đức Ki-tô chứng giám”, đoạn Chúa Thánh Thần: “Lương tâm tôi, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi”. Người ta có thể nghĩ rằng thánh Phao-lô đã muốn trung thành với truyền thống Do thái theo đó một sự kiện được cho là thật nếu có hai người làm chứng.
Thánh nhân vừa mới trình bày một cách nồng nàn vận mệnh vinh quang được chuẩn bị cho các tín hữu (chương 8). Thật sự là nỗi đau đến xé lòng nếu như đồng bào của mình đã không được dự phần vào vinh quang nầy. Thánh nhân chấp nhận chịu nguyền rủa để cứu anh em đồng bào cùng chung huyết thống với mình, dù phải hiến dâng chính bản thân mình, thì ngài cũng cam lòng. Ở đây, thánh nhân dùng từ Hy lạp “tách ra” theo nghĩa tiêu cực. Từ Hy lạp nầy có hai nét nghĩa, hoặc tích cực: đối tượng được tách ra khỏi thế giới phàm trần để được dâng hiến cho Thiên Chúa; hoặc tiêu cực: được tách ra để bị nguyền rủa. Thánh nhân dùng động từ Hy lạp nầy ở nơi khác cũng theo nghĩa tiêu cực như 1Cr 12: 3; 16: 22; Gl 1-8. Tiếng kêu tận đáy lòng, tiếng kêu quá đổi bi thương cùng cực, có lẽ được gợi hứng từ tiếng kêu đến xé lòng của ông Mô-sê trước sự bất trung của dân Do thái cúi mình thờ lạy con bê vàng như là đấng giải phóng họ: “Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không thì xin Ngài xóa tên con khỏi cuốn sách sự sống mà Ngài đã viết” (Xh 32: 31-32).
2.Một dân phản loạn.
Thánh nhân nhắc lại tất cả những ân ban mà Thiên Chúa đã tuôn đổ dư tràn cho dân Ngài: “Họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng giao ước, lề luật, nền phụng tự và những lời hứa”. Sau hết, thánh nhân nhấn mạnh đặc ân cao vời khôn sánh mà dân Do thái đã lãnh nhận, đó chính là “Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ”. Thánh nhân còn nói thêm: “Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn đời”. Đây là một trong những ví dụ hiếm hoi, ở đó thánh Phao-lô gọi Đức Ki-tô là Thiên Chúa. Chúng ta còn gặp một ví dụ duy nhất khác ở Tt 1: 3: “Vào đúng thời đúng buổi, Người đã biểu lộ lời Người trong lời rao giảng đã được giao phó cho tôi, theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta.
TIN MỪNG (Mt 14: 22-33)
Câu chuyện Đức Giê-su đi trên biển hồ sóng to gió lớn được định vị vào ban đêm sau phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Sau khi hóa bánh ra nhiều cho dân chúng được ăn no nên trong hoang địa, Đức Giê-su buộc các môn đệ xuống thuyền sang bờ hồ bên kia, còn Ngài thì giải tán đám đông dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình. Các ông, đa số là những ngư phủ dày dặn kinh nghiệm, biết rằng vượt biển hồ rộng lớn trong đêm tối rất nguy hiểm. Thánh Mát-thêu không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho thái độ kỳ lạ của Đức Giê-su. Chúng ta biết được nhờ Tin Mừng thứ tư: “Đức Giê-su biết người ta sắp tôn Ngài làm vua, một lần nữa, một mình rút lui lên núi” (Ga 6: 15). Đức Giê-su cẩn trọng tách riêng các môn đệ ra khỏi đám đông, vì sợ rằng các ông để cho mình bị đám đông lôi cuốn nẩy sinh trong lòng ước muốn tái lập vương triều Ít-ra-en. Đó không là sứ mạng của Ngài.
1.Chúa Giê-su cầu nguyện một mình:
Bất cứ khi nào các thánh ký kể ra việc Đức Giê-su cầu nguyện, họ đều nhấn mạnh tính chất trầm lắng và cô độc của Ngài: “Đức Giê-su lên núi một mình mà cầu nguyện”. Ngài cầu nguyện trong những trường hợp quan trọng (khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, khi biến hình trên núi cao), trước khi đưa ra những quyết định quan trọng (khi chịu những thử thách trong hoang địa, ở vườn Cây Dầu). Việc Đức Giê-su cầu nguyện sau phép lạ hóa bánh ra nhiều thật sự chiếm lấy thời điểm bản lề. Đám đông tán dương Ngài như một người có phép thuật thần thông biến hóa; họ ước mơ một Đấng Thiên Sai quyền năng trần thế; họ để ngoài tai sứ điệp của Ngài. Thất vọng, Đức Giê-su sắp mở ra cho sứ vụ của Ngài một hướng đi khác: để hết tâm trí vào việc ưu tiên đào tạo các môn đệ của Ngài. Trước khi đưa ra quyết định nầy, Đức Giê-su trải qua suốt buổi chiều và thâu đêm để thân thưa với Cha Ngài.
2. “Thầy đây, đừng sợ”
Dù cầu nguyện một mình trên núi, Đức Giê-su vẫn không rời mắt khỏi con thuyền của các môn đệ Ngài. Khi thấy con thuyền của họ lâm nguy, Đức Giê-su đi trên mặt biển sóng to gió lớn mà đến với các ông. Theo quan niệm Kinh Thánh, “biển” là nơi các ác thần cư ngụ và hoạt động (x. G 7: 12; Is 27: 1; 51: 9t; Đn 7…). Ở đây, thánh Mát-thêu mô tả con thuyền trong đêm tối “bị vùi dập” bởi những đợt sóng hung dữ, tức là đang ở trong tình trạng bị thế lực sự ác đe dọa.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay sở hữu nhiều yếu tố gợi lên biến cố Phục Sinh. Động từ “đến” được dùng ở đây cũng là động từ tiêu biểu chỉ những lần Đức Giê-su Phục Sinh đến với các môn đệ Ngài (Lc 24: 15; Ga 20: 19) trong tư thế là Đấng chiến thắng những thế lực hung dữ của tử thần. Thời điểm “Đức Giê-su đến với các ông” vào khoảng canh tư, tức từ ba giờ đến sáu giờ sáng nhắc độc giả nhớ thời điểm Đức Giê-su sống lại khi trời “vừa ló dạng” theo thánh Mát-thêu (Mt 28: 1), “lúc mặt trời hé mọc” theo thánh Mác-cô (Mc 16: 2), “vừa tảng sáng” theo thánh Lu-ca (Lc 24: 1), “sáng sớm… lúc trời còn tối” theo thánh Gioan (Ga 20: 1). “Thấy Người đi trên mặt biển, “Các ông hoảng hốt bảo nhau: ‘Ma đấy!’”, tương tự như những lần Đấng Phục Sinh hiện ra, “các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24: 36-37). Trước tiếng kêu kinh khiếp của các môn đệ, Đức Giê-su đáp trả: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” như những lần Đấng Phục Sinh hiện ra trấn an các môn đệ Ngài (x. Mt 28: 10).
Trong bối cảnh này, lời trấn an của Đức Giê-su có nghĩa, chính là Thầy, chứ không phải bóng ma như anh em tưởng. Tuy nhiên, trong Cựu Ước, “Egô Eimi” (chính là Ta”) là danh Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Mô-sê (x. Xh 3: 13-15; Is 42: 8). Với danh xưng nầy, Đức Giê-su khẳng định chân tính thần linh của Ngài.
3.Cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và thánh Phê-rô:
Cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su với thánh Phê-rô là nguồn riêng của Tin Mừng Mát-thêu. Thánh Phê-rô xin Chúa cho mình được đi trên sóng nước mà đến với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”: Ở đây, thánh Phê-rô không gọi Đức Giê-su theo cách thông thường: “Thưa Thầy”, nhưng “Kurie”“Thưa Ngài” hay “Lạy Chúa”. Được Chúa Giê-su cho phép, ông hăm hở liều lĩnh, lao xuống nước. Ba lần trong Tin Mừng của mình, thánh Mát-thêu nêu bật con người của Phê-rô: trong câu chuyện nầy, vào lúc tuyên xưng đức tin ở Xê-da-rê, và vào lúc Biến Hình. Nhưng khi thấy biển động mạnh, ông hoảng sợ, và khi bắt đầu chìm ông liền la lên: “Lạy Chúa, xin cứu con”. Đây là lần đầu tiên một trong các Tông Đồ kêu cứu Đức Giê-su bằng tước hiệu “Đấng Cứu Độ”.
Điều làm nên con người thánh thiện của thánh Phê-rô chính là cứ mỗi lần hành động theo tính khí nông nỗi của mình, ông vấp ngã; nhưng mỗi lần vấp ngã, ông lại chỗi dậy. Mỗi lần vấp ngã càng giúp ông hiểu Thầy hơn như ở đây, ông nhận thức rằng để có được một đức tin vững mạnh, không thể cậy dựa vào sức riêng của mình, nhưng vào Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ của mình. Kinh nghiệm này rất cần thiết cho bất kỳ vị lãnh đạo của Giáo Hội.
4.Phản ứng của các môn đệ:
Câu chuyện kết thúc trong bầu khí phụng vụ: “Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người” và đồng thanh tuyên xưng: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”, vì ai có quyền năng chế ngự các thế lực của sự dữ như thế, nếu không phải là Thiên Chúa. Thật xứng hợp với lời ca tụng của thánh vịnh gia về quyền năng của Thiên Chúa:
“Nước đã thấy Ngài, lạy Thiên Chúa,
thấy Ngài, nước rùng mình khiếp sợ,
cả vực sâu cũng run rẩy kinh hoàng.
Đường của Chúa băng qua biển rộng” (Tv 77: 17, 20).
Câu chuyện hôm nay sở hữu cái nền của Giáo Hội hậu Phục Sinh. Giáo phụ Tết-tu-li-a-nô, và sau nầy thánh Giáo Phụ Âu-gút-ti-nô, sẽ khai triển đề tài nổi tiếng về con thuyền Giáo Hội. Như các Tông Đồ, Giáo Hội, khi trung thành thi hành sứ mạng của mình trên biển đời này, cũng phải đương đầu với biết bao những chống phá của các thế lực hung ác. Nhưng Đấng Phục Sinh không hề rời mắt khỏi con thuyền. Khi cần thiết, Ngài đến cứu giúp Giáo Hội: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (14: 27). Sau khi Chúa Giêsu bước lên thuyền, sóng yên gió lặng. Sự hiện diện của Người đủ sức đem lại bình yên và chế ngự những thế lực hung ác điên cuồng.
Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng thế. Nếu biết đặt Chúa Giêsu ở trung tâm đời mình như một hiện diện đích thực và sống động, chúng ta sẽ được an bình nội tại, dù bên ngoài tứ bề sóng gió. Về phần mình, thánh Phê-rô là thuyền trưởng lèo lái con thuyền Giáo Hội. Để con thuyền trực chỉ hướng đến bến bờ bình an, vượt qua những phong ba bảo tố, hơn ai hết thánh Phê-rô nhận thức rằng không cậy dựa vào tài năng lèo lái của mình, nhưng đặt trọn niềm tin tưởng vào Đức Giê-su Phục Sinh:  “Lạy Chúa, xin cứu con với!” (14: 30). Lời kêu cứu của thánh Phê-rô cũng là lời khẩn cầu của mỗi người chúng ta mỗi khi cần đến ơn phù trợ của Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ của chúng ta: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập141
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm113
  • Hôm nay42,357
  • Tháng hiện tại220,253
  • Tổng lượt truy cập53,205,288

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây