Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật XXVIII Thường Niên, C “Đi ra, đi đến vùng ngoại biên”
Tin mừng hôm nay (Lc 17, 11-19) Thánh Luca tường thuật cho chúng ta biết Chúa Giêsu chữa lành cho những người bị bệnh phong trong bối cảnh mà Ngài đang trên đường đi lên Giêrusalem. Có hai điều cốt lõi mà Lời Chúa soi sáng để giúp chúng ta tín thác hơn vào ơn thánh tình thương cứu độ của Thiên Chúa hầu chúng ta có thể sống trọn vẹn cho Chúa và tha nhân trong sứ vụ riêng biệt của mình.
“Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Đây chính là điều thú vị thứ nhất mà Tin mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta: Chúa đã chọn đi vào một làng kia, mà làng này không có tên. Chúng ta sẽ thắc mắc, tại sao Chúa lại có quyết định như vậy? Nếu ACE nhớ lại trong trong Tin mừng Lc 9,51-56, khi những người Chúa sai đi trước để chuẩn bị đường cho Ngài đi, khi những người ở xứ Samaria, họ biết Chúa sẽ đi lên Giêrusalem, thì họ đã không muốn tiếp đón và cho Ngài đi ngang qua nơi họ ở, thế nên, Chúa đã chọn để đi qua đường khác, vào một làng khác. Như vậy, khi con người trong thành không tiếp đón Chúa, thì Chúa lại chọn để đi ra vùng ngoại biên, nghĩa là “đi qua biên giới Samaria và Galilêa” để lên Giêrusalem. Thật vậy, trong thánh ý nhiệm mầu của Chúa, khi những con người này khước từ, thì những người khác ở vùng ngoại biên, những con người bị cách ly, bị loại ra khỏi cộng đồng và xã hội, lại được Thiên Chúa đoái thương, viếng thăm để ban ơn cứu sống.
Chúng ta sẽ tự hỏi: Chúa Giêsu có biết là Ngài không được phép đến gần khu vực, ranh giới của những người bị bệnh phong hay không? Không những về mặt thể lý hay y khoa vì tiếp xúc gần như vậy có thể sẽ rất nguy hiểm vì nguy cơ bị lây nhiễm cao, mà còn trên bình diện tinh thần, khi đến gần hay tiếp xúc gần còn bị xem là người trở nên ô ế, dơ bẩn nữa. Chắc chắn là Chúa biết điều này, thế nhưng, Ngài vẫn chọn để đến và tiếp xúc với họ. Ngài đã không chỉ đi ngang qua, Ngài đã đến rất gần, để gặp gỡ để đối thoại với họ, những con người đang rất đau khổ vì bệnh tật, những người đang bị sự kỳ thị, cách ly với cộng đồng xã hội, chỉ vì họ bị bệnh.
Điều thứ hai mà Lời Chúa mời gọi chúng ta là: Hãy đến với Chúa để cảm nghiệm, để sống với lòng cảm tạ tri ân về những gì mà chúng ta đón nhận được. “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria”. Ở đây, Thánh Luca không tường thuật cho chúng ta biết đâu là lý do hay nguyên nhân mà những người khác không quay lại để tạ ơn Chúa mà chỉ có duy nhất một người xứ Samaria. Người xứ Samaria là người dân ngoại, người không biết và không tin có Thiên Chúa, người mà đồng hương của họ cũng không muốn tiếp đón Chúa. Thế nhưng, con người này đã quay trở lại, gặp Chúa Giê su để tạ ơn, để chúc tụng ngợi khen Chúa khi nhận ra có sự biến đổi lành sạch bệnh trên con người của anh. Khi quay trở lại tạ ơn Chúa, không những thể lý của anh ta được biến đổi, nhưng cả con người cuộc sống và tinh thần của anh cũng đã được biến đổi, nhờ lòng tin, nhờ lòng biết ơn và cảm mến dành cho Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa. “Người bảo kẻ ấy rằng: Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.
Kính thưa ACE, không biết chúng ta có được thái độ và tâm tình giống như người xứ Samaria không? Vì biết bao nhiêu lần trong cuộc đời, chúng ta đã đón nhận được ơn này đến ơn khác từ Chúa, ngay cả cuộc sống của chúng ta là người cũng đã là một ơn huệ Chúa ban rồi. Thế nhưng, liệu rằng đức tin của chúng ta có nhạy bén, có đủ mạnh để nhận ra có ơn thánh Chúa trong cuộc đời và sứ vụ của mình không? Hoặc là vì chúng ta chỉ lo vướng bận với những công việc, với những của cải vật chất cùng với những nguyên tắc luật lệ của cuộc sống giống như chín người khác trong Tin mừng, khi họ vẫn tiếp tục làm những việc theo luật dạy mà không có đủ đức tin mạnh, hay không đủ lòng mến yêu và cảm tạ dành cho Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng và cứu chữa mình.
Quay trở lại để cảm tạ, tri ân chính là điều mà Naaman trong bài đọc một (2 V 5, 14-17) đã làm khi ông đã vâng lời Tiên tri để đi tắm bảy lần ở sông Giođan và đã được lành sạch. “Ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel”. Vậy thì thưa ACE, Đấng mà chúng ta đang tôn thờ, kính yêu cùng cảm tạ là Đấng nào? Có phải là Thiên Chúa, Đấng dựng nên, chăm sóc, gìn giữ và ban ơn cứu độ cho chúng ta trong cuộc sống này hay không?
Thánh Phaolo trong bài đọc hai (2 Tm 2, 8-13) đã cảm nghiệm được chính tình thương và ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho Ngài qua Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh và chết trên thập giá. Để từ đây, những ai tin, cùng sống, cùng chết với Ngài sẽ được Ngài ban cho nguồn hạnh phúc và ơn thánh sự sống.
Lạy Chúa, xin cho cuộc đời chúng con trở nên như bài ca cảm tạ qua cách sống chứng tá yêu thương và phục vụ, đặc biệt cho những “ACE đang sống vùng ngoại biên” để danh Chúa được tôn vinh. Amen.