Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật VII Thường Niên, Năm A
Trong cuộc đời, để trở nên người tốt, người sống lành thánh, lương thiện, người đem lại những điều hữu ích cho tha nhân chính là lẽ sống là lý tưởng của biết bao người. Nếu nhìn một cách chung chung, chúng ta cũng thấy tất cả các tôn giáo đều dạy và hướng con người tới mục đích sống như vậy. Thế nhưng, trong một cách thức đặc biệt, Lời Chúa hôm nay soi sáng chỉ dạy cho chúng ta một phương cách sống hoàn toàn khác đó là: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành”. Tại sao chúng ta phải nên hoàn thiện, trọn lành như Thiên Chúa là Cha trên trời? Thưa vì Ngài là Đấng Thánh, là Đấng yêu thương. Chúng ta cũng sẽ thắc mắc tự hỏi: “Mang thân phận con người yếu đuối tội lỗi, người phàm - xác thịt, thì làm sao tôi có thể nên hoàn thiện được?” Thế nên, Lời Chúa đang mời gọi soi sáng và chỉ dạy cho chúng ta những phương cách để sống.
Để sống tốt, bài đọc một trong sách Lêvi (Lv 19,1-2. 17-18) mời gọi: “Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”. Đây chính là sứ điệp mà Giavê Thiên Chúa muốn Môsê truyền dạy lại cho dân chúng. Thoạt nghe qua, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên, vì làm sao để có thể thực thi điều như Chúa đã dạy? Thực ra với bản năng sinh tồn, tự bản chất con người ai cũng yêu thương chính bản thân mình trước, vì nếu không thương, không tìm phương cách để lo cho bản thân mình, thì ai sẽ lo cho mình và chắc cũng không thể nào có điều kiện để lo cho người khác. Lại càng rất khó để thực thi hơn khi Chúa dạy phải yêu thương tha thứ làm hòa với kẻ thù, với những người ghét mình, làm khổ và làm hại mình. Thật đúng vậy, với tài sức, khả năng của con người thì chúng ta không thể nào làm được.
Thế nên, Thánh vịnh đáp ca hôm nay (Tv 102) mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn để cậy dựa vào Thiên Chúa để cùng với sức mạnh ơn thánh của Ngài chúng ta mới có thể thực thi. Vì: “Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót”. Chúng ta được mời gọi hãy học và thực hành theo cách của Thiên Chúa, để rồi chính Chúa hành động trong chúng ta và qua chúng ta đến với ACE mình. Thật vậy, sống trên cuộc đời, chỉ khi con người học biết cách tha thứ, thì con người mới nhận được ơn chữa lành để thăng tiến, bao lâu tâm hồn và lòng trí còn oán ghét, hận thù thì con người không thể nào mà thực hành như Chúa dạy. Vì thực tế cuộc sống cho biết, yêu thương nhau đã là khó, tha thứ cho nhau lại càng khó gấp bội. Do đó, sống kinh nghiệm của bí tích hòa giải rất quan trọng. Nếu chúng ta không khiêm tốn để nhận ra chính con người yếu đuối tội lỗi của mình để xin Chúa thương tha thứ, hay như, nếu chúng ta không sống trong tâm tình cảm tạ vì Chúa đã đoái thương tha thứ những lầm lỗi cho chúng ta thì chúng ta không thể nào mà cảm thông, tha thứ cho ACE mình.
Đây cũng chính là sứ điệp mà Thánh Phaolô trong bài đọc hai (1 Cr 3, 16-23) đã cảm nghiệm và nêu gương cho chúng ta khi Ngài được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và được Chúa dùng như khí cụ ơn thánh để làm chứng tá cho ACE mình. Và đây chính là dấu chỉ để minh chứng người đó thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Đức Kitô Giêsu. Cách thế sống yêu thương, tha thứ mà Thánh Phaolo đã sống, chính là nhờ việc tin nhận vào căn tính của mỗi người là con cái Thiên Chúa, được Chúa tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài, do đó, khi chúng ta sống đúng với những gì Chúa truyền dạy, chúng ta tỏ lòng cảm mến tri ân và tỏ lòng kính sợ với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người.
Quay trở lại với bài học trong Tin mừng (Mt 5, 38-48) trong cuộc sống thường ngày, con người chúng ta thường đòi hỏi sự công bằng như vay mượn, hay làm hư hại thì phải đền trả, tội thì phải bị phạt, tốt thì được thưởng… thế nhưng, trên cả sự công bằng đó chính là tình yêu thương, vì yêu thương chính là mức đo biểu hiện cao nhất của sự công bằng. Ví dụ: Chúng ta lấy mức đo từ 1 đến 10, công bằng ở mức 1 đến 3 hay 4, còn yêu thương chính là mức 9 hay 10. Thế nên, sống và trở nên trọn lành, sống yêu thương, tha thứ như Chúa truyền dạy, chúng ta cần học nơi Đức Kitô, sống gắn bó mật thiết với Đức Kitô để nhờ đó ơn thánh cùng sức mạnh của Chúa hoạt động nơi chúng ta.
Lạy Chúa, xin hãy đổ tràn tâm hồn và lòng trí chúng con tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sống và tự hiến cho chúng con, Đấng đã yêu thương, tha thứ và thăng tiến chúng con trên con đường nhân đức với Lời Chúa và các bí tích ban ân sủng. Xin cho chúng con biết khiêm tốn để cảm nghiệm hầu sống trong tâm tình cảm mến tri ân và cố gắng để trở nên nhân chứng ơn thánh tình thương và tha thứ của Chúa cho ACE mình. Amen.