Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật Thứ V Phục Sinh, Năm C
Kính thưa ACE, Tin mừng hôm nay (Ga 13, 31-35) chính Chúa Giêsu phán dạy với các môn đệ: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người”. Với lời khẳng định này của Chúa Giêsu về “Giờ của Con Người được Vinh Hiển” chính là “Giờ” mà Ngài chuẩn bị để bắt đầu đi vào cuộc thương khó-cái chết-sự phục sinh và trở về lại với Thiên Chúa Cha. Vậy thì, câu hỏi được đặt ra là: Tại sao “Giờ” này lại quan trọng đối với Chúa Giêsu như vậy? Hay nói khác hơn, tại sao Chúa phải chờ cho tới giờ này thì Ngài mới được tôn vinh, còn các giờ khác của Chúa, như giờ mà Ngài nhập thể làm Người, giờ Ngài được Giáng sinh, giờ Ngài đi rao giảng cách công khai và làm nhiều phép lạ cả thể… thì sao?
Thật ra thưa ACE, để hiểu được ý nghĩa “Giờ của Chúa”, chúng ta cần phải tìm hiểu và suy niệm về “Giờ” này dưới cái nhìn và sự soi sáng của Thánh Thần theo Tin mừng của Thánh Gioan. Đây thật là thuật ngữ thần học, là chìa khóa rất quan trọng, để giúp chúng ta hiểu được ơn thánh của Thiên Chúa ban cho chúng ta qua con người và sứ vụ của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy quay ngược lại từ Tin mừng Gioan chương 2, trong tiệc cưới tại Cana, lúc thấy gia chủ đã hết rượu, Mẹ Maria đã trình bày với Chúa Giêsu về sự việc, thì Chúa đã nói với Mẹ: “Giờ Tôi chưa đến” (Ga 2:4); hoặc là lúc mà người Do Thái phẫn nộ muốn ném đá Chúa, muốn bắt Chúa, xô Chúa xuống vực thẳm để giết Ngài, lúc đó Gioan cũng thuật lại cho biết: “Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến” (Ga 7:30). Tiếp đến, nếu chúng ta đọc và suy niệm trong Gioan chương 8, lúc những người Do Thái muốn tranh luận, đối chất về căn tính của Chúa Giêsu, thì Ngài đã trả lời cho họ biết: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ngươi mới biết rằng Tôi Hằng Hữu” (Ga 8:28). Thực ra với Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu, thì khái niệm về việc phân định thời gian không hề có đối với Ngài, vì Thiên Chúa Đấng không có quá khứ và tương lai, nhưng Ngài luôn hằng hữu trong hiện tại. Nhưng vì con người chúng ta, vì chúng ta sống trong trần thế này, thế nên, cần có sự phân định về thời gian để cho chúng ta có thể phần nào hiểu được thánh ý nhiệm mầu đầy tình thương của Chúa trong từng biến cố lịch sử.
Giờ đây, chúng ta hãy quay trở lại với câu hỏi được đặt ra là: Tại sao giờ trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa lại rất quan trọng như vậy? Một cách rất tinh tế và thú vị là: Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời của Chúa cho chúng ta ngay trong (Ga 13:34) “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau”. Thật vậy, vì đây chính là lúc mà Thiên Chúa vì tình yêu, đã biểu lộ và minh chứng cho con người tình yêu đích thực của Thiên Chúa, để rồi với mẫu gương tuyệt hảo mà Chúa Giêsu để lại, Ngài cũng muốn chúng ta hãy noi gương bắt chước Ngài, để rồi, chính chúng ta cũng hãy làm cho giờ của Chúa luôn được tôn vinh trong cuộc đời chứng tá yêu thương, phục vụ và tự hiến của chúng ta.
Thực ra, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, không do bởi ai bắt Ngài phải thực hiện, cũng không do bởi con người muốn giết Ngài, nhưng đây chính là hành động yêu thương tự hiến của Thiên Chúa để Ngài trao ban tình yêu đích thực và ơn thánh cứu độ cho con người tội lỗi, bất xứng của chúng ta. Để nhờ qua Đức Giêsu Kitô, ơn ban sự sống của Thiên Chúa được chuyển trao và lan tỏa cho hết mọi người, những ai biết mở lòng để tin và khiêm tốn để chấp nhận ơn thánh của Chúa ban cho. Đồng thời, khi con người tin và sống chứng tá cho niềm tin của mình vào Chúa, để giúp cho ACE mình đón nhận được ơn thánh Chúa, thì Thiên Chúa và tình yêu ơn thánh của Ngài cũng được tôn vinh và chúc tụng.
Thưa ACE, khi suy niệm về Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: Chúa đang thực sự mong muốn, mời gọi điều gì nơi mỗi người chúng ta? “Các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”. Tất cả chúng ta, đều được mời gọi và được Chúa trao cho sứ vụ rất cao cả đó là sống yêu thương, đó cũng chính là hãy làm cho ơn thánh tình thương của Chúa được lan tỏa cho những người mà Chúa sai chúng ta đến để yêu thương, phục vụ. Đây cũng chính là điều mà trong bài đọc một (Cv 14, 20b-26) khi Phaolô và Barnaba đã trở nên nhân chứng ơn thánh Chúa cho các tín hữu ở bất cứ nơi nào mà các Ngài được Thánh Thần sai đến. Mẫu gương sống yêu thương và sống chứng tá trong niềm tin mà các Tông đồ để lại chính là nhờ vào đời sống gắn bó mật thiết với Chúa, nhờ vào đời sống chuyên cần cầu nguyện, nhờ vào việc hy sinh, ăn chay hãm mình, thế nên, nhiều người đã cũng đã mở lòng ra để tin vào Chúa và sống cho Chúa.
Lạy Chúa, trước tình thương ơn thánh qua sự tự hiến vì yêu thương mà Chúa dành cho chúng con, xin dâng lời cảm tạ tôn vinh Chúa, xin giúp chúng con cũng biết noi gương bắt chước Ngài để sống quên mình, cho đi hầu ơn thánh Chúa được lan tỏa và trao ban cho tha nhân. Amen.