Suy niệm Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô - Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Chủ nhật - 04/06/2023 23:00  479
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ
Vào ngày lễ Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô, Phụng Vụ Lời Chúa cử hành sự kiện Thiên Chúa ban tặng bánh từ trời làm lương thực cho nhân loại.
Đnl 8: 2-3, 14-16
Sách Đệ Nhị Luật nhắc lại ân ban bánh Man-na kỳ diệu từ trời xuống mà Đức Chúa ban cho dân Do thái để nuôi dưỡng họ trong suốt cuộc hành trình qua sa mạc khô cằn nóng cháy và thiếu thốn.
1Cr 10: 16-17
Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nêu lên bí tích Thánh Thể, bí tích hiệp nhất mọi Ki-tô hữu khi cho họ được dự phần vào chỉ một tấm bánh là Thân Thể Đức Giê-su.
Ga 6: 51-58
Tin Mừng Gioan trích từ diễn từ về “Bánh Hằng Sống” trong đó Đức Giê-su tuyên bố Ngài chính là “Bánh Hằng Sống”, bánh ban sự sống đời đời cho nhân loại.
BÀI ĐỌC I (Đnl 8: 2-3, 14-16).
Đệ Nhị Luật là sách cuối cùng của bộ Ngũ Thư, được gọi chung là “Sách Luật” (Tô-ra). Tuy nhiên, thuật ngữ Tô-ra theo tiếng Do thái không có nghĩa pháp lý, nhưng là những giáo huấn giúp soi sáng, hướng dẫn cách ăn nếp ở của người tín hữu.
Nhan đề sách: “Đệ Nhị Luật”, có nghĩa “Luật thứ hai” hay “Thứ Luật” (tiếng Hy lạp: Deuteros: thứ hai, và nomos: luật). Tác phẩm này là “ôn cố tri tân”, nghĩa là nhắc lại những lời dạy của Mô-sê để dân biết phải sống như thế nào khi ở trong Đất Hứa. Thật ra, sách này được biên soạn vào thế kỷ thứ 8 hay thứ 7 tCn, khi dân Ít-ra-en đã an cư lạc nghiệp qua nhiều thế kỷ ở đất Ca-na-an và có chiều hướng quên Giao Ước cũng như những huấn lệnh tôn giáo và luân lý.
Sách Đệ Nhị Luật chủ yếu bao gồm những diễn từ, được gán cho ông Mô-sê, nhân vật được xem như đang ngỏ lời với dân Do thái trước ngưỡng cửa Đất Hứa, để cảnh giác họ về những mối nguy hiểm đang rình rập họ khi sống trong môi trường ngoại giáo tại đất Hứa, cũng như để khẩn khoản nài van họ trung thành với những giới luật của Thiên Chúa như điều kiện tiên quyết để sống dài lâu trong Đất Hứa.
Bản văn hôm nay được trích từ chương 8 của sách Đệ Nhị Luật gồm hai phần: 8: 2-3 và 8: 14-16. Phần trích dẫn thứ nhất nhấn mạnh nguồn gốc từ trời của bánh Man-na, trong khi phần trích dẫn thứ hai nhấn mạnh giá trị dấu chỉ của bánh Man-na, dấu chỉ của việc Thiên Chúa can thiệp cách đặc biệt, nhờ đó dân Ngài được sống trong những ngày tháng lang thang trong sa mạc. Cả hai phần trích dẫn đều bắt đầu với những nhắc nhở: Anh em hãy nhớ lại” và Anh em đừng quên” bánh Man-na là một thiên ân.
1.“Anh em hãy nhớ” (8: 2-3)
Phần trích dẫn thứ nhất mở ra với lời mời gọi dân Ít-ra-en “nhớ lại” những thử thách mà họ đã trải qua trong sa mạc: “Anh em hãy nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi trong sa mạc suốt bốn mươi năm qua”, vì thời gian thử thách là cách thức Thiên Chúa giáo huấn dân Ngài khỏi mọi ảnh hưởng xa lạ. Chính khi sống trong khung cảnh nghèo khó, kham khổ và gian nan vất vả mà con cái Ít-ra-en thấy mình hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa. Bánh Man-na đã là một ân ban đặc biệt, lương thực từ trời, để cho con người hiểu rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi điều từ miệng Chúa phán ra”. Có một sự đồng hóa và hầu như đồng nhất giữa bánh Man-na và Lời Thiên Chúa, vì Lời Chúa cũng là lương thực ban sự sống cho con người. Đó cũng là câu trả lời của Đức Giê-su cho Xa-tan khi Ngài chịu những chước cám dỗ trong hoang địa (Mt 4: 4).
2. “Anh em đừng quên” (8: 14-16)
Phần trích dẫn thứ hai kêu gọi “đừng quên” những ân phúc Thiên Chúa ban cho dân Ngài trong sa mạc khi phải đối mặt với biết bao nguy hiểm. Lời ghi nhận nầy cũng gợi nhớ ơn Quan Phòng lạ lùng, tức là bánh Man-na.
3.Bánh Man-na:
Bánh Man-na có thể từ một thứ nhựa cây rỉ ra và đông cứng lại. Loại cây sa mạc thuộc gia đình liễu bách này, khi bị côn trùng chích vào, liền tiết ra một thứ nhựa và đông cứng lại trong khí lạnh ban đêm và khi mặt trời mọc lên những hạt nhựa này rơi xuống đất như những hạt nhỏ có vị mật ong. Đây là lương thực mới lạ mà dân Do thái bất ngờ gặp thấy cho đến lúc đó, vì thế tên gọi Man-na có nghĩa “Cái gì đây?” (Xh 16: 15). Từ đó, bánh Man-na là lương thực hằng ngày của họ cho đến cuối cuộc hành trình băng qua sa mạc. Thánh vịnh 78 gợi lên bánh Man-na là “ bánh của những kẻ mạnh” mà bản Bảy Mươi dịch “bánh của các thiên thần”. Văn chương kinh sư loan báo rằng bánh Man-na sẽ là thức ăn của thời thiên sai. Đức Giê-su trình bày bánh Man-na là hình ảnh báo trước bánh ban sự sống đích thật, tức là Bánh Thánh Thể.
BÀI ĐỌC II (1Cr 10: 16-17)
Cùng chung một bàn ăn, cùng chia sẻ một tấm bánh, tạo nên “tình liên đới giữa những người đồng bàn. Nghi thức Thánh Thể là một nghi thức “đồng hội đồng thuyền”“đồng sinh đồng tử”“sống chết có nhau”“Bánh Thánh Thể” không là bất cứ bánh nào mà người ta chia sẻ với nhau; “rượu Thánh Thể” cũng không là bất cứ rượu nào mà người ta chuyền tay cho nhau. Bánh mà người ta ăn, chính là Thân Thể Đức Ki-, rượu mà người ta uống chính là Máu Đức Ki-, nghĩa là thiết lập mối liên hệ vừa vật chất vừa mầu nhiệm giữa các tín hữu với nhau và với Đức Ki-tô. Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất tuyệt vời. Đồng bàn với Đức Kitô, Chúa chúng ta, mọi người đều được dự phần vào cùng một thực tại siêu nhiên: nên một với Đức Ki-tô. Đức Ki-tô làm cho cộng đoàn Ki-tô hữu trở nên một thực thể duy nhất.
Đây là đạo l‎ý căn bản của thánh Phao-lô. Trong cùng thư gởi tín hữu Cô-rin-tô này, thánh nhân khai triển chủ đề “liên đới” của mọi chi thể thành một thân thể với Đầu, Thủ Lãnh, là Đức Ki-tô, Ngài vừa nguyên l‎‎ý của sự sống vừa là nguyên lý của sự hiệp nhất: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12: 27).
Thánh Phao-lô lại càng có l‎ý do nhấn mạnh sự liên đới này hơn nữa vì các tín hữu Cô-rin-tô chia rẽ nhau. Thánh nhân muốn cho họ hiểu rằng họ không chỉ liên đới với nhau thành một cộng đồng duy nhất, nhưng còn với các cộng đoàn khác thành một Giáo Hội duy nhất bất khả phân chia.
TIN MỪNG (Ga 6: 51-58)
Ngày hôm sau Đức Giê-su trở lại Ca-phác-na-um, ở đó Ngài gặp lại đám đông mà Ngài đã cho họ ăn no nê qua dấu lạ “hóa bánh ra nhiều”. Trên bờ hồ, Đức Giê-su bắt đầu ngỏ lời với họ (Ga 6: 26); sau đó, trong hội đường Ca-phác-na-um (Ga 6: 59), Ngài hoàn tất bài diễn từ của Ngài, được gọi là diễn từ về “Bánh Hằng Sống”.
Bài diễn từ về Bánh Hằng Sống” (6: 26-58) được chia làm hai phần. Phần thứ nhất (6: 26-51b) được gọi là “diễn từ về Lời Chúa, trong đó Đức Giê-su tự giới thiệu Ngài là “Lời từ trời xuống ban sự sống đời đời”. Phần thứ hai (6: 51c-58) được gọi là “diễn từ về Thánh Thể”, trong đó Ngài tự giới thiệu Mình và Máu Ngài là “của ăn đích thật ban sự sống đời đời”. Toàn bộ câu 51 đóng chức năng nối kết hai phần của một diễn từ: lời công bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời kết thúc diễn từ: “Bánh Hằng Sống là Lời Ngài”; lời công bố thứ hai: Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” mở ra diễn từ: “Bánh Hằng Sống là Mình Ngài”.   
Đoạn trích dẫn hôm nay là phần thứ hai của diễn từ Bánh Hằng Sống là Mình Ngài. Trong phần thứ nhất, Đức Giê-su đòi hỏi phải tin vào Ngài như điều kiện tiên quyết, bởi vì Mặc Khải mà Ngài sắp ban lạ lùng đến nỗi nó đòi hỏi, trước hết, “phải tin vào Đấng Chúa Cha đã sai đến” và “tín thác vào Lời Ngài”. Tiếp đó, Đức Giê-su không úp mở khai triển phần thứ hai, phần trọng điểm lời công bố của Ngài. Đây là đoạn Tin Mừng được trích dẫn vào ngày lễ “Mình và Máu Chúa Ki-tô”.
1.Bánh Hằng Sống Đức Giê-su ban chính là Mình và Máu của Ngài:
Trong suốt những lời tuyên bố gây kinh ngạc của Ngài: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”, Đức Giê-su không ngừng gợi lên nguồn gốc thiên giới của Ngài và tử hệ thần linh của Ngài. Chính vì Ngài đến từ Chúa Cha và nên một với Chúa Cha, mà Ngài có thể tự mình ban phát sự sống thần linh cho nhân loại: “Bánh tôi sẽ cho, chính là thịt tôi ban, để thế gian được sống”.
Những lời nầy rất gần với những lời mà Đức Giê-su sẽ công bố khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26: 26; Mc 14: 22; Lc 22: 14; 1Cr 11: 24). Chúng ta lưu ‎ý rằng thánh Gioan không dùng từ sôma (thân xác) như các sách Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng từ sarx (nhục thể, nhân tính), bởi vì từ “sôma” rất dễ hiểu lầm, quả thật, ‎ý nghĩa đầu tiên của từ “sôma” là xác chết, thây ma (x. Lc 17: 37). Với từ sarx này, thánh Gioan nối kết Bí Tích Thánh Thể với Mầu Nhiệm Nhập Thể (Ga 1: 14). Ngôi lời nhập thể để trở nên bánh ban sự sống. Mầu nhiệm Nhập Thể là căn nguyên của ơn cứu độ.
2.Khó mà tin được:
“Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau”. Danh xưng “người Do thái” chung chung mang nét nghĩa tiêu cực trong Tin Mừng thứ tư. Danh xưng nầy được dùng để chỉ những người Do thái cứng lòng tin; trái lại, danh xưng “Ít-ra-en” được dành riêng cho những người gắn bó mật thiết với Đức Giê-su.
Quả thật, người Do thái càng tỏ thái độ nghi nan ngờ vực: “Ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”, Đức Giê-su càng nhấn mạnh hơn nữa. Lời công bố của Ngài càng trở nên thách thức hơn nữa, vì Ngài không chỉ kể ra thịt của Ngài mà còn cả máu của Ngài nữa: “Quả thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, thì các ông không có sự sống nơi mình…”
Đối với những người Do thái nghi nan ngờ vực, lời công bố này không thể nào tin được, nhưng còn quá kỳ chướng. Như chúng ta biết, dân Do thái bị nghiêm cấm triệt để không được ăn máu bởi vì máu là trung tâm sự sống được dành riêng cho Thiên Chúa. Vì thế, trong mỗi hy tế, máu phải được dâng hiến trọn vẹn lên Thiên Chúa.
Theo cách thức nầy, Đức Giê-su loan báo tính cách hy tế của Thánh Thể, cũng như mối hiệp nhất khả phân giữa ân ban thịt và máu của Ngài với cuộc Tử Nạn của Ngài.
3.Thịt và máu “Con Người”:
Nhưng ở bên kia cuộc Tử Nạn của Ngài, Đức Giê-su gợi lên cuộc siêu tôn của Ngài khi quy chiếu đến danh xưng “Con Người”“Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống đời đời” (6: 53). “Thịt và máu Con Người” thuộc trật tự khác với trật tự trần thế: Đức Giê-su sẽ ban cho nhân loại “thịt và máu” của Ngài làm lương thực, chính là “Thân Thể vinh hiển” của Ngài. Sau diễn từ này, Ngài cũng sẽ quy chiếu theo cùng một cách như vậy khi ngỏ lời với các môn đệ đang xầm xì về vấn đề nầy: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (Ga 6: 62).
Như vậy, khi loan báo ân ban Thánh Thể một cách hiện thực và khá mạnh bạo, Đức Giê-su thử làm cho hiểu rằng ân ban nầy sẽ được trình bày một cách mầu nhiệm, hoàn toàn đặc biệt (được ẩn dấu dưới kiểu nói: “bánh hằng sống từ trời xuống”).
4.Lời hứa ban sự sống:
Về thành quả của Bí Tích Thánh Thể, điểm nhấn được đặt trên sự sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy được sống lại… Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời”. Qua lời này, Đức Giê-su khẳng định cách rõ ràng sự sống siêu nhiên và ‎ý nghĩa cánh chung của nghi thức Thánh Thể.
5.Hiệp thông mật thiết và nội tại:
Lời công bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”, gợi lên sự hiệp thông mật thiết đến độ không gì có thể sánh ví được. Động từ “ở lại” là một động từ tâm đắc của thánh Gioan, qua đó thánh k‎ý diễn tả tính thường hằng của sự sống siêu nhiên luân chuyển trong mỗi Ki-tô hữu, một cách nào đó, tính nội tại của Vương Quốc.
6.Lễ Vượt Qua sắp đến.
Dấu lạ “hóa bánh ra nhiều” và diễn từ “Bánh Hằng Sống” được thánh Gioan xác định ngay từ đầu: “Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do thái” (Ga 6: 4). Đó là l‎ý do tại sao có đông đảo người ở Ca-phác-na-um. Từ khắp nơi, người ta quy tụ với nhau ở đây để theo từng nhóm hành hương lên Giê-ru-sa-lem. Như vậy, chính trong bối cảnh lễ Vượt Qua mà Đức Giê-su ban cho đám đông Mặc Khải gây xôn xao của Ngài. Trong Tin Mừng thứ tư, lễ Vượt Qua sắp đến nầy là lễ Vượt Qua áp chót của Đức Giê-su. Vào lễ Vượt Qua năm tới, Ngài sẽ thực hiện lời hứa của Ngài khi thiết lập lễ Vượt Qua đích thật của Ngài, lễ Vượt Qua của Ki-tô giáo. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập106
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm70
  • Hôm nay13,268
  • Tháng hiện tại485,643
  • Tổng lượt truy cập51,816,978

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây