LỄ KÍNH CHÚA HIỂN DUNG
Lễ Chúa Hiển Dung được kính ngày 6/8 hôm nay và việc Chúa Hiển Dung còn được cả 3 Tin mừng Matthêô, Marcô và Luca tường thuật, chúng ta cũng được nghe trong Chúa nhật II Mùa Chay hằng năm; thư 2 thánh Phêrô hôm nay nói lên trong tư cách ngài là nhân chứng của biến cố này. Vậy chúng ta nêu lên vài ba nét mặc khải tiềm ẩn trong đó:
Tin Mừng cho biết Chúa biến hình trên núi cao nhưng không nói rõ tên ngọn núi nào. Truyền thống cho rằng núi đó là núi Tabor. Chúng ta có thể thấy những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Chúa đều diễn ra trên núi: Chúa cầu nguyện ăn chay 40 đêm ngày và chịu cám dỗ trên núi, Chúa hóa bánh ra nhiều trên ngọn đồi, Chúa giảng 8 mối phúc thật trên núi, Chúa chịu đóng đinh trên Núi Sọ, Chúa lên trời trên núi Olivêtê. Các tiên tri xưa như Mosê được gặp Chúa trên núi Sinai, tiên tri Elia dược gặp gỡ Thiên Chúa trên núi Khoreb, nay Chúa Giêsu Hiển Dung trên núi Tabor.
Cao điểm của mặc khải qua việc Chúa hiển dung là lời Chúa Cha tuyên phán về Chúa Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta: Các ngươi hãy nghe Lời Người”.
Trước hết Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con yêu dấu: lời này có âm hưởng từ Thánh Vịnh 2,7: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” vì thế sau này thánh Gioan viết trong Tin Mừng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để những ai tin ở Con của Người thì khỏi bị hư mất nhưng được sống đời đời (Ga 3,16)”.
Tiếp đến: “Các ngươi hãy nghe Lời Người”: Đây là mệnh lệnh của Chúa Cha nói với loài người chúng ta là phải vâng nghe đón nhận lời Chúa Giêsu dạy vì lời Chúa Giêsu cũng chính là lời của Thiên Chúa Cha. Trước khi qua đời, ông Mosê cho Dân Chúa biết sau này Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một vị tiên tri giống như ông. Nay Thiên Chúa thực hiện lời hứa xưa là ban Chúa Con như là Mosê mới để nói lời Thiên Chúa cho chúng ta nên Chúa Cha dặn bảo chúng ta là hãy nghe lời Người. Trong gẫm thứ bốn 5 sự Sáng chúng ta đọc: “Thứ bốn thì gẫm: “Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành Lời Chúa”.
Khi được chứng kiến Chúa Giêsu hiển dung, ba môn đệ vô cùng sung sướng, ông Phêrô muốn việc này kéo dài nên ông xin Chúa cho phép ông dựng 3 lều: một cho Chúa, một cho ông Mosê và một cho ông Êlia. Chúng ta không biết việc Chúa biến hình kéo dài bao lâu, nhưng khi ông Phêrô đề suất xong thì sau đó ông chỉ còn thấy một mình Chúa Giêsu.
Chỉ trước đây 6 ngày thôi, khi Chúa báo trước cuộc khổ nạn, ông Phêrô đã can ngăn Chúa đừng có chịu như vậy, nay được chứng kiến Chúa biến hình sáng láng thì ông mong được kéo dài nhưng ông chưa hiểu rằng Chúa Giêsu phải đi qua con đương thập giá rồi mới phục sinh vinh quang và Chúa hiển dung là khoảnh khắc báo trước vinh quang phục sinh đó. Chúa cho 3 tông đồ được nếm trải trước để khi Chúa bước vào cuộc khổ nạn nhất là khi Chúa hấp hối trong vườn Giệtsêmani các ông có thể bớt đi sự thất vọng, hay nói cách văn vẻ hơn là niềm vui Chúa hiển dung nâng đỡ đau khổ của chướng kì Thập giá mà các ông sắp phải chứng kiến.
Ba môn đệ được Chúa cho lên núi chứng kiến Chúa hiển dung là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan: cũng chính 3 ông này được theo Chúa vào nhà ông trưởng hội đường Giarô khi Chúa Giêsu cho bé gái 12 tuổi chết được sống lại và 3 ông này cũng được theo Chúa vào cầu nguyện trong vườn Cây Dầu trước khi Chúa bị Giuđa phản bội nộp cho đám quân do các thượng tế sai đi bắt Chúa. Ông Giacôbê sau này sẽ là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo vào năm 43, còn ông Phêrô là tông đồ trưởng sau này bị đóng đinh ở Roma khoảng năm 64, riêng ông Gioan là môn đệ yêu dấu của Chúa: ông đã đứng dưới chân Thập giá Chúa Giêsu và được Chúa trối Đức Mẹ cho ông, ông không tử đạo nhưng cũng chịu nhiều gian nan khốn khó vì Chúa.
Câu chuyện: Ông Gandhi được coi như vị thánh của nước Ấn độ, tuy ông không theo đạo Công giáo nhưng rất mến mộ Kinh thánh, ông thường đọc sách Tin Mừng và tìm ra đường lối tranh đấu bất bạo động theo lời Chúa Giêsu dạy để chống lại sự đô hộ của người Anh khi đó. Một bữa kia ông đi trên chuyến tàu lửa đang chạy thì chẳng may một chiếc giầy ông đang mang bị rớt xuống. Không thể nhặt lại được chiếc giầy bị rớt, ông liền tháo ngay chiếc giầy còn lại đang mang ở chân và liệng xuống gần chiếc giầy mới rớt. Người ta thắc mắc hỏi tại sao ông làm như vậy? Ông trả lời tôi không lượm lại được chiếc giầy đã rớt thì tôi liệng chiếc giầy còn lại để nếu có người nghèo nào thấy, họ lượm về để mang. Noi gương ông Gandhi đã đọc lời Chúa và đem ra thực hành, chúng ta luôn ghi nhớ lòi Chúa Cha dạy: “Các ngươi hãy nghe lời Người” để chúng ta biết lắng nghe và thực hành lời Chúa trong suốt đời sống chúng ta. Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn