Suy niệm Chúa Nhật XXVI thường niên A - Lm. Xuân Hy Vọng

Thứ hai - 25/09/2023 23:29  376
 NHÌN VỚI NHÃN QUAN CỦA CHÚA!

Đâu đó, chúng ta vẫn thường được nghe hoặc được gieo vào tâm trí câu nói (chắc không có chủ ý!): nếu không đọc kinh, cầu nguyện…Chúa phạt!” Từ thuở nhỏ, con trẻ mà hư, trái quấy, mẹ/bố thường nói câu này để con biết vâng lời! Bước vào nhà trẻ, mẫu giáo, con trẻ chơi với nhau có khi xô xát đánh nhau, bố/mẹ cũng dùng câu nói này để con đừng đánh bạn bè! Và cứ lớn dần, được học giáo lý, được học chữ ngoài trường lớp, ra đời, có sự nghiệp, lập gia đình, có con, trong lúc vô tình hay cố ý cũng có lúc dùng câu nói được nghe từ xưa nếu không…, Chúa sẽ phạt!” cho chính con cái mình!

Đối với những ai có tính gia trưởng (luôn cho suy nghĩ, cách nhìn của bản thân đúng đắn và một cách nào đó áp đặt lên người khác) thì ‘đường lối của người khácdường như chỉ là thứ yếu, luôn đứng sau ‘đường lối ca chính mình”. Tương tự như dân Is-ra-en thời tiên tri Ê-zê-ki-en, cũng luôn cho rằng: ‘Đường lối ca Chúa không chính trực. Và Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri này mà đối chất, răn dạy, chỉ ra lối suy nghĩ, cách sống không đúng đắn của họ: Hỡi nhà Is-ra-en, hãy nghe đây: phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng, hay đường lối ca các ngươi mới không ngay thẳng?” (x. Ez 18, 25). Cách thức Chúa làm, con đường Chúa đi, kế hoạch Chúa vạch ra chắc chắn khác biệt với chúng ta; nhưng nếu chúng ta không tin nhận những gì khởi sự từ Chúa và kết thúc nơi Người luôn chính trực, đúng đắn, và ích lợi cho chúng ta, thì vô hình chung tư tưởng ngàn xưa ca dân Is-ra-en cũng đang tồn tại trong chúng ta vậy!

Hơn nữa, khi mắc sai lầm mà không kịp thời dừng lại, xem xét, sửa đổi thì ‘sai lầm này kéo theo lỗi lầm kianhư cách lập luận thường thấy nơi chúng ta Thiên Chúa xử phạt. Ở đây, chúng ta sẽ biết được một lời giải đáp rõ ràng, không chút mơ hồ hay mông lung, qua lời quả quyết của ngôn sứ Ê-zê-ki-en khi người công chính từ bỏ công chính mà làm điều bất chính, thì nó phải chết vì điều bất chính nó làm” (x. Ez 18, 26). Đúng thật, Thiên Chúa không sát phạt hay xử phạt! Những ai sống chính trực mà bỏ đàng công chính, làm điều ác, việc xấu xa, thì họ phải chết không phải vì Chúa trừng phạt hoặc ra án xử, mà vì điều bất chính họ làm mà thôi. Chúng ta phải chịu trách nhiệm, chịu hậu qudo hành động, hành xử, hành vi, đường lối, cách sống của chúng ta.

Lẽ dĩ nhiên, lỡ may chúng ta là những kẻ gian ác, xấu xa (trong tư tưởng, lời nói, cũng như hành động) từ bỏ điều dữ, bỏ đàng tội lỗi, bỏ thói ngạo mạn kiêu căng, mà thi hành điều chính trực công minh, theo đường lối ca Chúa thì “sẽ cứu được mạng sống mình” (x. Ez 18, 27). Hơn nữa, một khi nhận ra, nhìn thấy và từ bỏ mọi điều phản nghịch đã phạm, thì “chắc chắn sẽ được sống, chứ không phải chết” (x. Ez 18, 28).

Theo đường lối ca Chúa, điều này đúng đắn cho hết thảy địa vị, nghề nghiệp, ngôn ngữ, văn hoá. Nó sẽ không nghiêng về người có thẩm quyền, có học thức, có chức tước, vị vọng…mà lại rời xa những kẻ thấp hèn, vô học, dân thường cùng đinh, thấp cổ bé miệng và bị loại ra ngoài xã hội (như người tội lỗi, người thu thuế, gái điếm…) như lời Đức Giê-su khẳng định với các thượng tế và kỳ lão trong dân, cũng như mỗi người chúng ta ngày nay rằng: Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 31). Nếu xét theo cách thức của con người, thì sự việc này không thể nào, đúng hơn là không bao giờ xảy ra được. Tuy nhiên, nếu nhìn theo đường lối của Thiên Chúa, thì điều chúng ta tưởng không, lại thành hiện thực một cách không tưởng! Vì sao như vậy? Câu trả lời ngay sau khi lời tuyên bố trên của Đức Giê-su: Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (Mt 21, 32). Sự hoán cải liên lỉ, hành vì xét mình hằng ngày giúp chúng ta tin tưởng đón nhận đường lối ca Chúa. Ngược lại, khi tin tưởng chấp nhận đường lối ca Chúa, thì chính Chúa hoán cải con người chúng ta, biến đổi con đường dị biệt của ta, dẫn ta vào quỹ đạo tình thương, nói như Thánh Phao-lô tông đồ trong thư gửi cho giáo đoàn Phi-líp-phê “…liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, tình bác ái khích lệ chúng ta hiệp thông trong Thần Khí, và sống thân tình, biết cảm thương nhau” (x. Pl 2, 1).

Một khi nhận biết, đón nhận, tin tưởng và bước theo đường lối ca Chúa, thì những gì Thánh Phao-lô nhắc nhở, nhắn gửi, răn dạy trong bài đọc II phải được suy tư một cách nghiêm túc, rồi thực hành với cả con tim và khắc ghi suốt cuộc hành trình đức tin trên dương thế này: đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy ly lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2, 3-5). Giữa chúng ta với nhau, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình như chính Đức Giê-su Ki-tô, cụ thể: Người vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà mặc lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người đã tự hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (Pl 2, 6-8)

                        Đường lối Chúa chính lộ ngàn đời
                        Đường lối con chơi vơi khắp chốn.
                        Đường lối Ngài mãi vuôn tròn
                        Suốt cuộc đời này bước trọn tin yêu. Amen!

 
Lm. Xuân Hy Vọng

NGÔN HÀNH SÁNH ĐÔI

Chuyện kể rằng: Một hôm, vợ thầy Tăng Tử đi chợ; đứa con nhỏ khóc đòi đi theo. Nghe thế, để khỏi phiền hà dỗ dành mất thời gian, người mẹ liền bảo:
  • Con ở nhà, mẹ đi chợ một lát rồi về làm thịt heo/lợn cho con ăn!
Đứa bé thích ăn thịt heo/lợn, nên nín khóc và đến chỗ bố chơi.

Song lúc về, chẳng thấy vợ làm gì, Tăng Tử bèn đi bắt heo/lợn làm thịt, thì vợ can ngăn:
  • Tôi chỉ nói vậy để cho nó hết khóc ấy mà. Ông tưởng thật sao!!!!
Tăng Tử đáp lời:
  • Nói đùa là thế nào! Đừng cho rằng con trẻ không biết và không nhớ gì. Cha mẹ làm gì nó đều bắt chước đấy. Nay mình nói dối nó, chẳng phải mình đang dạy con trẻ nói dối sao?

Tăng Tử nói xong, liền làm thịt heo/lợn cho con ăn…

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Chỉ vì một lời hứa của người vợ để con không khóc nữa thôi, mà Tăng Tử phải quyết định mổ heo/lợn làm thịt cho con ăn. Kẻ sĩ là vậy! Quân tử là thế! Người có nhân cách hành xử là vậy! Một lời nói không đi đôi với việc làm là lời nói vô giá trị. Ngôn hành bất nhất kéo theo biết bao nhiêu hệ quả khôn lường.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta về điều này. Người con thứ nhất sau khi nghe người cha mời gọi đi làm vườn nho, thoạt tiên nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng suy nghĩ lại, nó hối hận nên lại đi (x. Mt 21, 29). Tuy nhiên, đứa con thứ hai có lẽ vì sợ cha buồn hoặc giữ thể diện cho cha nên thưa cho xong: “Con đây!”, nhưng lại không đi (x. Mt 21, 30). Danh ngôn có câu: Hành động hùng hồn hơn lời nói (actions speak louder than words). Ở đây, chúng ta không đánh giá thấp lời nói hơn hành động, hoặc hành động quan trọng hơn lời nói; song, nói mà không làm thì thật đáng buồn và cứ thế sẽ dần già mất đi niềm tin nơi người nghe. Đôi khi, vì cả nể, không muốn làm phật ý người nghe, hay để giữ thể diện, nên nói cho xong, cho có, cho qua, nhưng lại không động tay chân vào.

Về điểm này, thánh Phao-lô Tông đồ nêu rõ: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình…” (Pl 2, 3). Áp dụng vào thực tế, chúng ta nên thành thật với chính mình, chân thành với tha nhân. Căn bệnh giả dối, thói đời tìm hư danh, quyền bính, chỉ nói cái miệng mà không làm, vô hình chung dẫn tới những xói mòn đạo đức, đánh mất lòng tin nơi con người, từ đó phát sinh suy thoái về giá trị tinh thần, khiến lương tâm lu mờ. Bậc thang giá trị đảo ngược, cán công lý bị điều chỉnh bằng tiền-quyền. Lúc ấy, gian dối trở nên bình thường, thật thà lại trở thành bất thường. Vì thế, ai đó mỉa mai nói: “Chân lý, chân giò cùng một giá; Lương thực, lương tháng, lương tâm há bằng nhau”!!!!! Trong khi kẻ bất tài, thất đức, mồm mép, xu nịnh tâng bốc lên như diều gặp gió, còn người sống liêm chính phải chịu cảnh “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt; lươn lẹo lém lỉnh lại lên lon”.

Ước gì, là con cái Chúa, chúng ta không sống hào nhoáng bên ngoài, bên trong trống rỗng, hoặc chỉ nói hay mà không làm, hoặc ‘dẻo mồm dẻo miệng, nhưng chẳng động tay chân’, hoặc ‘làm láo, báo cáo hay’ hoặc chạy theo thành tích dởm! Vì nếu như thế, chúng ta chẳng hơn hạng người: “Khác nào quạ mượn lông công. Ngoài hình xinh đẹp, trong lòng xấu xa” (ca dao) và sớm muộn gì cũng bị đặt nghi vấn: “Trông anh/chị như thể sao mai, biết rằng trong có như ngoài hay chăng?” (ca dao).

Là người Ki-tô hữu, chúng ta không thể sống theo kiểu ‘gió chiều nào che chiều nấy’, để làm trái, đi ngược lại với đạo lý giá trị Tin Mừng, và nghịch với lương tâm ngay thẳng. Hơn nữa, câu nói dường như ai cũng biết cần được nằm lòng và áp dụng: “Mất tiền là mất ít, mất người là mất nhiều, nhưng mất niềm tin là mất tất cả!”

Lạy Chúa,
Xin cho con ý thức rằng:
‘Ngôn hành bất nhất’ đánh mất niềm tin
Gian dối vô lối ‘lên hình’
Giao diện trông đẹp, trong lòng xấu xa.
Coi thường liêm chính, nết na
Luân thường, đạo lý bỏ qua tình người.
Cho con hoán cải cuộc đời
Việc làm-lời nói đi đôi thật thà. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng



 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay47,048
  • Tháng hiện tại417,970
  • Tổng lượt truy cập50,830,577

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây