CỎ LÙNG VÀ LÚA TỐT: HÃY ĐỂ CẢ HAI MỌC LÊN
Anh chị em rất thân mến! Bức xúc trước những thách đố trong cuộc sống, nơi quê hương, gia đình cũng như vấn nạn cá nhân gặp phải, chúng ta thường có xu hướng vồn vã, đi đến kết luận vội vàng và không đúng đắn. Cũng như bao người khác, xã hội và giáo hội đang phải đương đầu với vô số vấn đề dường như chẳng có lời giải đáp, nào là vấn đề về hôn nhân, gia đình, vấn đề đạo đức, luân lý, v.v...Trong bối cảnh đó, dường như Lời Chúa ngày hôm nay chính là câu giải đáp cho chúng ta.
Trước tiên, chúng ta thử đặt mình vào vai trò của người thợ làm công, để rồi chúng ta có thể tìm ra giải pháp, phương thế, cách thức cho các vấn đề nan giải, vấn nạn khủng hoảng về đời sống tâm linh, đời sống đức tin nhất là trong thời đại này. Đứng trước hiện tượng ‘cỏ lùng dường như không được gieo mà lại mọc lẫn lộn và lớn nhanh với lúa tốt’, chúng ta cũng giống như các người thợ trong bài dụ ngôn hôm nay: thắc mắc, đặt nghi vấn với chủ vườn “Thế ông không gieo giống lúa tốt trong vườn ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” (Mt 13, 27) Và rồi giải pháp nhanh gọn mà chúng ta có xu hướng chọn lựa đó là “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi sẽ đi nhổ cỏ lùng” (Mt 13, 28). Qua đây, chúng ta có thể đưa ra một số câu hỏi để làm chất liệu suy tư về cách nhìn nhận, tiếp thu và giải quyết vấn đề của con người chúng ta, đó là: dường như ‘cỏ lùng’ nhiều hơn ‘lúa tốt’? Cái ác, điều xấu xa, sự bất công, bất chính dường như ‘lên ngôi’, lấn át, đè bẹp điều tốt đẹp, thánh thiện? Người bất chính dường như được hẫu thuận, hỗ trợ nhiều hơn những người lành, những người hy sinh bản thân, bảo vệ công lý, bênh vực và dám nói sự thật!Và Thiên Chúa dường như ‘nhẹ tay’, thinh lặng, quá nhân từ hay quên lãng con người trước bao cảnh lầm than của đời người mong manh?
Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta có thể tự vấn bản thân và đưa ra lời giải đáp cho những câu hỏi trên. Nhưng trước khi làm điều đó, chúng ta cùng tìm hiểu xem cách tiếp cận, giải quyết vấn đề của ông chủ thửa lúa đó như thế nào. Khi nghe ý kiến đề xuất của thợ làm công, ông chủ đã khẳng định, trả lời ngay rằng: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: "Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta"” (Mt 13, 29-30). Thật vậy, qua đây, chúng ta có thể suy tư như thế này: cách thức nhìn nhận sự việc và quyết định của Thiên Chúa khác xa với con người chúng ta. Con người thường nhìn gần và hạn hẹp, thu mình vào lăng kính chủ quan hoặc chôn mình vào quan điểm chẳng hề khách quan. Còn lối giải quyết, phân định vấn đề của Thiên Chúa được đặt trên nền tảng: lòng thương xót, công minh và yêu thương. Không chút vồn vã, kết luận vội vàng, mà Người luôn nhẫn nại chờ đợi, mời gọi chúng ta quay về với Người, mặc dù chúng ta chẳng xứng đáng với tình yêu mà Người luôn dành trọn cho chúng ta như lời sách Khôn Ngoan là bằng chứng xác thực “sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người” (Kn 12, 15) và tiếp đến, “là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối” (12, 18-19). Chúng ta có thể rút ra rất nhiều điều cho mình khi tiếp cận, nhìn nhận sự việc, quyết định và đưa ra giải pháp cho mọi vấn đề qua Lời Chúa hôm nay. Thiết nghĩ, chúng ta dễ dàng nhận ra một điều, đó là: Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi con người, và chính vì thế, con người chúng ta có cơ hội ‘làm lại cuộc đời’ mỗi khi xa ngã, lỡ chân trật bước…Do đó, trong mối tương quan giữa người với nhau, hay tương quan trong cộng đoàn, chúng ta cũng nhẫn nại và luôn cho người khác cơ hội, không nên đóng khung, đẩy họ vào chỗ không lối thoát. Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, con người thường cướp đi vai trò, hoặc giẫm đạp lên công lý, tước đi quyền quyết định tối thượng của Thiên Chúa, đó là: tự mình phán quyết điều thiện và sự ác. Tự cho mình là Đấng Tạo Hoá, có quyền sát sinh, tự quyết, mặc dầu mình chỉ là loài thọ tạo! Hãy loại bỏ những tư tưởng ấy! Hãy quay về với ‘căn tính’, căn nguyên của con người chúng ta! Hãy để Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá thực hiện những gì mà Người muốn nơi cuộc đời, xã hội, giáo hội chúng ta! Tuy nhiên, để thực hiện được những điều trên, chúng ta cần đến Chúa Thánh Linh, và nhờ Người, chúng ta mới biết khiêm nhu nhìn nhận sự yếu hèn của mình, để rồi mở rộng tâm can, đón mời Thiên Chúa vào cung lòng, đời sống, cộng đoàn, xã hội, giáo hội mình; nhờ đó, Thiên Chúa sẽ thực hiện bao kỳ công nơi chúng ta, xã hội và giáo hội như thánh Phao-lô xác quyết trong thư gửi cho cộng đoàn Rô-ma “Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa” (Rm 8, 26-27).
Nguyện cho Lời Chúa được trổ sinh hoa trái trong cuộc sống chúng con! Xin cho mỗi chúng con biết đón nhận Ý Chúa hơn ý gian trần, biết thực thi Kế Hoạch của Chúa hơn là phương kế trần gian, và biết khiêm tốn nhìn nhận mình yếu đuối để được đỡ nâng, bổ dưỡng trên con đường lữ thứ về nhà Cha cùng với anh chị em chúng con.
Chúa nhân hậu và khoan dung
Vẫn để ‘lúa tốt, cỏ lùng' mọc lên
Đến ngày tận thế gọi tên
‘Lúa’ thu vào lẫm, được nên thông phần
Còn ‘cỏ lùng' kia bất nhân
Gom vào thiêu đốt, chẳng cần tiếc chi. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng