Suy niệm chú giải Lời Chúa CN IV TN năm C - Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Thứ ba - 29/01/2019 09:06
1341
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN
Chúa Chúa Nhật IV Thường Niên Năm C này mời gọi chúng ta suy gẫm sứ mạng gian khổ mà các ngôn sứ đã kinh qua. Các ngài đã công bố những ý định của Thiên Chúa ngược lại với kỳ vọng của mọi người. Vì thế, để chu toàn sứ mạng của mình giữa những chống đối, các ngài phải cậy dựa vào Thiên Chúa.
Gr 1: 4-5, 17-19
Vốn bản tính là một người hiền lành, nhút nhát có một tâm hồn nhạy cảm, không muốn làm phiền lòng ai, ấy vậy tư tế Giê-rê-mi-a được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ của Ngài để loan báo án phạt sắp đến của Thiên Chúa cho một dân bất tín, vì thế ông bị mọi người căm ghét và tìm cách hãm hại.
1Cr 12: 31-13: 13
Đoạn trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô chứa đựng một bài thánh thi nổi tiếng ca ngợi đức mến cao trọng trên tất cả.
Lc 4: 21-30
Tin Mừng tiếp tục thuật lại phần thứ hai của câu chuyện Đức Giê-su về thăm Na-da-rét ở đó Ngài gặp phải thái độ tiêu cực từ phía những đồng hương của Ngài, họ không hiểu và tìm cách hãm hại Ngài.
BÀI ĐỌC I (Gr 1: 4-5, 17-19)
Trong lịch sử của trào lưu ngôn sứ, ngôn sứ Giê-rê-mi-a chiếm lấy một chỗ đặc thù. Tác phẩm của ông chứa đựng, hơn bất kỳ tác phẩm nào khác, những lời trần tình bộc lộ cách tự nhiên đời sống nội tâm sâu xa của vị ngôn sứ. Trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, những lời phàn nàn của ông Gióp là tưởng tượng. Trái lại, trong cuộc đối thoại thường hằng với Thiên Chúa, những lời phàn nàn của ngôn sứ Giê-rê-mi-a phản ảnh đúng những gì vị ngôn sứ đã thực sự kinh qua. Vốn là một con người hiền lành, nhút nhát có tâm hồn nhạy cảm, ngôn sứ Giê-rê-mi-a lãnh nhận một sứ mạng hết sức khó khăn. Ngay đầu tác phẩm của mình, ngôn sứ Giê-rê-mi-a thuật lại ơn gọi ngôn sứ của ông “từ năm thứ mười ba triều vua Giô-si-gia-hu”, tức là năm 626 t.CN. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a xuất thân từ một gia đình tư tế ở A-na-thốt, nơi có một thánh địa thời xưa, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 5 cây số.
1.Thiên Chúa gọi tư tế Giê-rê-mi-a làm ngôn sứ của Ngài:
Thiên Chúa trực tiếp kêu gọi tư tế Giê-rê-mi-a khi Ngài xưng mình ở ngôi thứ nhất: “Ta”. Đây là biểu thức quen thuộc của các sấm ngôn, biểu thức này bày tỏ mối quan hệ mật thiết đặc biệt giữa Thiên Chúa và vị ngôn sứ của Ngài. Người ta cũng có thể nghĩ rằng tiếng gọi của Thiên Chúa vang lên trong lòng của ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
Sáng kiến của Thiên Chúa là ưu tiên hàng đầu và vô điều kiện. Thiên Chúa chọn những ai phục vụ những ý định của Ngài đều là như thế. Đức Giê-su gọi các môn đệ của Ngài cũng theo cùng một cách như vậy: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15: 16).
Thiên Chúa đã gọi ngôn sứ Giê-rê-mi-a ngay từ trong lòng mẹ (1: 5). Trong Kinh Thánh cho đến lúc đó, kiểu nói này chỉ được dành cho ông Sam-son (Tl 13: 5). Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị sẽ lấy lại và áp dụng cho “người tôi trung” mầu nhiệm:
“Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ,
lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tôi” (Is 49: 1).
Thánh Phao-lô cũng sẽ định nghĩa ơn gọi của ngài như vậy: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong bụng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người” (Gl 1: 15). Thánh Lu-ca cũng sẽ nói về Gioan Tẩy Giả (Lc 1: 15) cũng như về Chúa Giê-su như vậy trong câu chuyện Truyền Tin.
Kiểu nói: “Ta đã biết ngươi” nói lên một sự hiểu biết chan chứa yêu thương, theo sắc thái ẩn chứa trong động từ Híp-ri, nghĩa là Thiên Chúa dành sự ưu ái của Ngài cho người mà Ngài chọn. Kiểu nói: “Ta đã thánh hóa ngươi” hàm chứa một sự tấn phong về phương diện thiêng liêng theo cùng một cách thức như các ngôn sứ khác.
Khi nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, ngôn sứ Giê-rê-mi-a còn quá trẻ: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!”. Chúng ta không biết tuổi đời của ông vào lúc đó, có thể khoảng chừng hai mươi tuổi. Ông tự coi mình còn trẻ người non dạ trước một sứ mạng cao trọng này.
2.Sứ mạng của ngôn sứ Giê-rê-mi-a:
Chính người thanh niên còn trẻ người non dạ này mà Thiên Chúa truyền lệnh:
“Hãy chỗi dậy! hãy nói với chúng
tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi.
Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ;
nếu không, trước mặt chúng,
chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn” (1: 17).
Sứ mạng của Ngôn sứ Giê-rê-mi-a là kêu gọi toàn dân hoán cải và loan báo án phạt sắp tới, theo đó Thiên Chúa sẽ hủy diệt vương quốc, tàn phá Giê-ru-sa-lem, phá hủy Đền Thờ. Với tâm hồn nhạy cảm, ông sẽ khóc than về nỗi bất hạnh giáng xuống trên dân tộc của ông, nhưng với tư cách là ngôn sứ, ông sẽ kiên vững trong sứ điệp của mình cách sáng suốt đến kinh ngạc và nuôi dưỡng niềm hy vọng không lay chuyển của mình vào một “Giao Ước Mới”.
3.Ơn phù trợ của Thiên Chúa:
Vì loan báo những tai họa, ngôn sứ Giê-rê-mi-a bị bách hại, bị chế nhạo. Ông sẽ cho thấy lòng can đảm khôn sánh trong những gian nan thử thách. Đức Chúa hứa với ông:
“Này, hôm nay, chính ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố,
nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ:
từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh,
các tư tế và toàn dân trong xứ” (1: 18).
Trong các ngôn sứ, ngôn sứ Giê-rê-mi-a có vận mệnh gần giống với vận mệnh của Chúa Ki-tô.
BÀI ĐỌC II (1Cr 12: 31: 13: 13)
Đoạn trích thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô chứa đựng một bản văn nổi tiếng được gọi là “bài ca đức mến”. Bài ca đức mến này hấp dẫn chúng ta vì nhiệp điệu của nó, những từ chính yếu được láy đi láy lại của nó, câu kết luận của nó gây ấn tượng trên chúng ta: “Hiện nay đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba điều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (13: 13).
1.Chủ nghĩa cá nhân:
Thánh Phao-lô vừa gợi lên sự giàu có của những ân huệ mà Thánh Thần ban cách quảng đại cho cộng đoàn tín hữu Cô-rin-tô. Tuy nhiên, những ân ban này gây nên những xáo trộn, những ghen tuông. Thánh Phao-lô đã nhận thức rất rõ một trong những khuyết điểm cốt yếu của các tín hữu này là “chủ nghĩa cá nhân”. Vì thế, thánh nhân thường hằng cầu xin cho họ ý thức rằng họ là một phần của thân thể duy nhất, thân thể của Đức Ki-tô.
Phương thuốc thật sự chữa trị chủ nghĩa cá nhân là yêu thương tha nhân và yêu mến Thiên Chúa. Đây là một ân huệ vượt trên mọi ân huệ. Mọi người trong cộng đoàn muốn được ơn nói tiên tri, được ơn nói tiếng lạ, được biết mọi điều bí nhiệm, thánh Phao-lô đáp lại: “Giả như tôi có được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết mọi điều bí nhiệm , mọi lẽ cao siêu, hay có được đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chăng là gì” (13: 1-2).
Thánh Phao-lô không nghi ngờ đức tin của các tín hữu Cô-rin-tô, thậm chí “chuyển núi dời non”; thánh nhân không nghi ngờ đức mến của họ, thậm chí đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí; thánh nhân không nghi ngờ đức cậy của họ, thậm chí sẵn sàng chết vì đức tin của mình. Điều quan trọng mà thánh nhân muốn nhắn gởi đến họ chính là nếu họ “không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì” (13: 3).
2.Cao trọng hơn cả là đức mến:
Nếu phần bút chiến chiếm một chỗ lớn trong lời khuyên bảo cháy bỏng của thánh Phao-lô, nó không là tất cả. Những phẩm chất của “đức mến” mà thánh nhân kể ra không dứt và cuối cùng thánh nhân quả quyết: “Đức mến không bao giờ mất được”. Viễn cảnh đều hướng đến yêu thương người thân cận, nhưng mến Chúa cũng được hàm chứa ở đây. Trong tất cả các thư của mình, thánh Phao-lô không ngừng lập đi lập lại đức mến đối với Thiên Chúa đang hoạt động trong chúng ta để sinh hoa kết trái, đó là những hoa trái của đức ái huynh đệ. Thánh Phao-lô chỉ cho thấy dù làm bất kỳ công việc nào, ngay cả hiến thân mình cho đến chết, mà không có đức mến thì chưa đủ. Chính đức tin gợi lên đức mến; chính đức cậy nâng đỡ đức mến. Tự bản chất, ba nhân đức này đều là thánh thiện, nhưng “cao trọng hơn cả là đức mến”.
TIN MỪNG (Lc 4: 21-30)
Vào Chúa Nhật hôm nay, chúng ta tiếp tục suy gẫm câu chuyện Đức Giê-su về thăm những đồng hương Na-da-rét của Ngài theo thánh Lu-ca. Trong phần thứ nhất mà chúng ta đã đọc vào Chúa Nhật trước, Đức Giê-su đã được mọi người đồng hương hoan hỷ chào đón và ngưỡng mộ, vì họ hãnh diện về danh tiếng của một người trong họ và thán phục về cách thức giải thích Kinh Thánh của Ngài. Trái lại, phần thứ hai mà chúng ta đọc trong Tin Mừng hôm nay là một thất bại và gây nên làn sóng giận dữ từ phía những người đồng hương Na-da-rét. Câu chuyện này biểu tượng cho hai thái độ tương phản của dân Ít-ra-en: trước hết hoan hĩ tiếp đón Đức Giê-su, sau đó tìm cách loại bỏ và giết chết Người. Đồng thời, Đức Giê-su loan báo sứ mạng phổ quát của Người.
1.Thái độ của người đồng hương Na-da-rét từ thiện cảm sang ác cảm (4: 22):
Từ thái độ thiện cảm: “Mọi người đều tán thưởng và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Đức Giê-su”, những người đồng hương Na-da-rét chuyển sang thái độ ác cảm với Ngài chỉ vì Ngài xuất thân từ một gia đình tầm thường: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?”. Gia thế tầm thường của Người đã che khuất tầm nhìn của họ khiến không thể nhận ra Đức Giê-su là Đấng được sai đến để thực hiện “lòng Chúa xót thương” trải rộng cho tất cả mọi người, nhất là những người bất hạnh, nghèo hèn, cùng khốn, bị áp bức trong xã hội, mà ngôn sứ I-sai-a đã báo trước.
2.Câu trả lời của Đức Giê-su (4: 23-27):
Đức Giê-su vạch trần những ý nghĩ thầm kín trong lòng họ khi trích dẫn câu tục ngữ: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình”. Câu tục ngữ này tiên báo thật hoàn hảo về những lời thách đố được lập lại đến ba lần ở dưới chân thập giá: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (23: 35, 37, 39).
Với niềm kiêu hãnh hẹp hòi và với cái nhìn nông cạn, họ cảm thấy bị chạm tự ái vì Đức Giê-su, người đồng hương của họ, đã không làm những điều kỳ diệu ở tại Na-da-rét như Ngài đã làm tại Ca-phác-na-um. Họ cho rằng mình có quyền chính đáng đòi hỏi Ngài thực hiện những phép lạ cốt để thỏa mãn tính tự phụ của họ, chứ không nhằm thay đổi lòng dạ của họ. Vì thế, Đức Giê-su trích dẫn câu tục ngữ thứ hai: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương của mình”. Qua câu tục ngữ thứ hai này, Đức Giê-su phác họa số phận chung của các ngôn sứ thời xưa, các ngài đã không được hiểu và bị bách hại bởi chính những người đồng hương của mình, tiêu biểu là số phận của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, đồng thời tiên báo số phận của chính Ngài.
Cuối cùng, Đức Giê-su dẫn chứng hai mẫu chuyện về ngôn sứ Ê-li-a và ngôn sứ Ê-li-sê được trích từ 1V 17 và 2V 5. Qua hai mẫu chuyện này, Đức Giê-su muốn ám chỉ đến sứ mạng phổ quát của Ngài. Ngài đến để thực hiện sấm ngôn Is 61: 1-2, nhưng không chỉ đóng khung cho những người đồng hương của Ngài: dân Na-da-rét hay toàn thể dân Ít-ra-en, mà còn mở rộng ra đến hết mọi dân mọi nước khác nữa. Việc Ngài chọn Ca-phác-na-um làm cứ điểm truyền giáo của mình theo cùng một ý nghĩa như vậy. Thành này, được gọi là “Ngã Tư của các dân tộc”, là nơi giao tiếp thường hằng của dân Do thái với những dân ngoại chung quanh. Chiều kích hoàn vũ của sứ điệp được phác họa rồi. Đó cũng là toàn bộ chương trình mà Giáo Hội, tiếp nối sứ mạng của Đức Giê-su, sẽ thực hiện như được miêu tả trong sách Công Vụ Tông Đồ, sách này cũng là công trình biên soạn của chính thánh Lu-ca. Chính vì sứ mạng này mà Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến để thực hiện bằng cả mạng sống mình và cũng vì sứ mạng này mà Giáo Hội hiện diện giữa nhân loại cho đến ngày Đức Giê-su trở lại trong vinh quang.
3.Tiên báo tương lai (4: 28-30):
Việc Đức Giêsu hủy bỏ đặc quyền đặc lợi của họ trong việc thi ân giáng phúc gây nên làn sóng giận dữ từ phía những người đồng hương Na-da-rét của Ngài. Sự phẩn nộ của họ: “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ”, tiên báo sự phẫn nộ của những thành viên Thượng Hội Đồng sau này. Hành động dữ dội của họ: “Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành… kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”, tiên báo cuộc Khổ Nạn của Ngài. “Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi”: tiên báo cuộc Phục Sinh tương lai của Ngài. Hiện thời, chưa tới giờ của các đối thủ, Đức Giê-su vẫn tiếp tục con đường của mình, con đường ấy rốt cuộc sẽ dẫn Ngài lên Giê-ru-sa-lem, ở đó Ngài sẽ bị dẫn ra ngoài thành thánh đến tận đỉnh đồi và bị đóng đinh tại đó.
Theo thánh Lu-ca, câu chuyện Đức Giê-su viếng thăm Na-da-rét mang tính ngôn sứ: câu chuyện này quy tụ mọi yếu tố tiên báo tiến trình sứ mạng của Đức Giê-su. Để hiểu một cách xác đáng những tương hợp lịch sử giữa cuộc viếng thăm Na-da-rét của Ngài và cuộc đời cứu độ của Ngài, chúng ta nên đọc liên tục: lòng nhiệt thành của đám đông dân chúng; đoạn thái độ từ chối của dân Ít-ra-en; sứ điệp được hứa cho lương dân; viễn cảnh Tử Nạn; và cuối cùng, sự tự do tối thượng của Đức Giê-su, Đấng làm chủ cuộc sống và cái chết của Người: “Mạng sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10: 18).
Câu chuyện này cũng tiên báo sứ mạng của Giáo Hội trong tương lai: việc loan báo về những đặc ân dành cho dân Ít-ra-en đã đến hồi kết thúc và thời kỳ Thiên Chúa đón nhận lương dân gây nên sự phẩn nộ từ phía người Do thái. Điều đó dự báo một chương trình như ở Cv 13, trong đó những người Do thái ở An-ti-ô-khi-a chuyển dần từ thiện cảm đối với thánh Phao-lô sang “phẩn nộ” khi họ thấy dân ngoại “nghe lời của Thiên Chúa” (Cv 13: 44-45). Nếu câu 24 đã tiềm ẩn những lời đe dọa đối với Chúa Giê-su thì câu 29 nói thẳng ra một mưu toan sát nhân đầu tiên. Việc dân thành Giê-ru-sa-lem loại trừ Đức Giê-su ra “khỏi thành” (x. Cv 3: 14-15), cũng như sau này đối với thánh Tê-pha-nô (Cv 7: 58), được loan báo theo cách đó. Ngay từ cảnh này, chúng ta biết rằng tước hiệu “ngôn sứ” dành cho Đức Giê-su hàm chứa sự loại bỏ và cuộc tử nạn.
Những người đồng hương Na-da-rét đã có sẵn hình tượng về Đấng Cứu Độ. Vì thế, khi không thể đòi hỏi Ngài hành động theo đúng ý muốn của họ, họ từ chối Ngài và thậm chí tìm cách hãm hại Ngài. Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường hay cư xử với Lời Chúa theo cùng cách thức như thế. Chúng ta đọc và tìm cách uốn nắn lời Chúa sao cho phù hợp với sở thích, ước muốn của chúng ta, thay vì để cho lời Chúa thực sự chất vấn chúng ta. Chúng ta sử dụng Lời Chúa như phương tiện biện minh cho cách sống hiện nay của mình, thay vì để cho Lời Chúa thật sự là ngọn đèn soi đường dẫn lối cho chúng ta. Đó là lý do tại sao Lời Chúa không thể tác động vào cuộc sống của chúng ta, sinh hoa kết trái trong cuộc đời của chúng ta. Xin được mượn lời của tác giả thư gởi tín hữu Do thái về quyền năng của Lời Chúa để kết thúc buổi chi sẻ này: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4: 12-13).
Nguồn tin: Lm. Inhaxiô Hồ Thông