Quyền lực từ những người dễ bị tổn thương

Thứ bảy - 20/05/2023 03:03  297

QUYỀN LỰC TỪ NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG

Victor Cancino, S.J.

Chúa nhật Chúa Thăng Thiên năm A.

Cv 1,1–11; Ep 1,17–23; Mt 28,16–20.
 

 

Lễ đăng quang vừa qua của vua Charles III đã cho thấy một hình ảnh uy quyền của những ý tưởng con người về việc lên ngôi và quyền lực. Ngược lại, các bài đọc Chúa nhật lễ Chúa Thăng Thiên đề cập những chủ đề này từ quan điểm đức tin. Uy quyền mà Chúa Giêsu lãnh nhận khi được siêu tôn là kết quả của đau khổ thập giá cũng như do sự khiêm nhường của những người đặt niềm tin vào ngài.

Cha José Luis Sicre, S.J., giáo sư ở Rôma, đã dạy tôi cách thức mà trình thuật và thần học có thể mâu thuẫn và hòa hợp với nhau ngay trong Kinh thánh. Các trình thuật về việc thăng thiên và siêu tôn trong các bài đọc Chúa nhật này đã phá đổ những mơ mộng nhân loại về sức mạnh và thay vào đó trình bày một nền thần học về quyền năng Thiên Chúa bắt nguồn từ những gì dễ bị tổn thương.

Quyền năng của Thiên Chúa thật khác biệt với quan niệm về sức mạnh của chúng ta đến nỗi bất cứ khi nào nó xuất hiện trong Kinh thánh thì đều làm cho người ta bối rối. Trong trình thuật của thánh Luca, sự liên kết các thiên sứ với việc thực thi quyền năng của Thiên Chúa làm nổi bật sự bối rối của người chứng kiến sự việc. Chẳng hạn, trong bài đọc I Chúa nhật tuần này, khi những người Galilê đang đứng kinh ngạc trước việc Chúa Kitô thăng thiên, thì có hai người mặc áo choàng trắng xuất hiện và nói: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11). Trong Tin mừng Luca, những người phụ nữ đang khóc bên mộ Chúa Giêsu gặp hai người mặc áo dài trắng tinh sáng chói và họ hỏi: “Sao các bà lại tìm người sống giữa kẻ chết? Người không còn đây, nhưng đã sống lại” (Lc 24,4-5). Cuối cùng, một sứ thần của Chúa với cả cơ binh trên trời tuyên bố với các mục đồng còn đang run sợ trước sự ra đời của một đứa trẻ: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương!” (Lc 2,9-15).

Giả như khi nói với chúng ta là những người phàm, các thiên sứ cần phải hỏi: “Tại sao lại bối rối trước quyền năng Thiên Chúa?” Các thiên sứ công bố vinh quang Thiên Chúa, Đấng ngự trên tầng trời cao thẳm vì Đấng tạo hoá có thể làm cho người chết sống lại này, đã gửi đấng thánh của Ngài đến với chúng ta một lần nữa và ban bố ân huệ cho những người thiện tâm. Tất cả quyền bính mà con người có thể hình dung, ở mức độ thực tế mà tâm trí chúng ta hầu như không thể nắm bắt được, đã trở thành món quà của Thiên Chúa ban cho Đức Giêsu Kitô.

Bối cảnh trình thuật của Luca đề cao vai trò của sự thương tổn ngay trong sức mạnh thiêng liêng. Một mặt, mọi quyền hành thống trị được trao cho Chúa Kitô, Đấng chia sẻ quyền năng với Giáo hội. Mặt khác, Luca định hình nhãn quan thần học này với những người phụ nữ đau buồn, những mục đồng đang chờ đợi và thậm chí với cuộc sinh hạ một trẻ thơ dễ bị tổn thương đang tìm nơi trú ẩn khỏi cái lạnh. Trong những câu chuyện này, chúng ta thấy được cách Thiên Chúa hiểu về quyền bính trên trần gian. Giáo hội đọc đoạn kết Tin mừng theo thánh Mátthêu hôm nay, “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,16-20), sau khi trước hết nhắc đến những nhân vật khiêm nhường trong trình thuật Luca. Quyền thống trị của Thiên Chúa giờ đây được giao phó cho những người như họ.

Các bài đọc Lễ Chúa Thăng Thiên có thể nhắc nhở về vị trí của quyền bính Thiên Chúa trong hành trình đức tin của chúng ta. Thiên Chúa toàn năng nâng tất cả những ai có đức tin đến đời sống thiêng liêng mới. Những người mạnh mẽ nhất là những người, ngay cả khi bị đánh bại, vẫn có thể cầu nguyện trong hy vọng. Họ vẫn có thể cầu nguyện cho hòa bình, công lý và cho nhau.

Vì vậy, không nên đánh đồng uy quyền thiêng liêng như vậy với những ảo tưởng con người về sức mạnh. Thiên Chúa không tham gia vào một trận chiến ý chí với bất cứ ai. Thay vào đó, Chúa Giêsu Kitô nhận uy quyền Thiên Chúa để khơi dậy niềm hy vọng, chữa lành các tâm hồn, tha thứ tội lỗi và cho người chết sống lại.

CẦU NGUYỆN

Sức mạnh thiêng liêng có thể giúp ích giữa sự đổ vỡ như thế nào?

Khi nào chúng ta bắt gặp sức mạnh đức tin ở những nơi không ngờ tới?

Đức Kitô có quyền thay đổi hoàn cảnh cho chúng ta không?

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (17/5/2023)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay27,467
  • Tháng hiện tại193,434
  • Tổng lượt truy cập50,606,041

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây