NHỮNG DỤ NGÔN ĐAU BUỒN VÌ MẤT MÁT CÓ THỂ MANG LẠI SỰ AN ỦI NHƯ THẾ NÀO TRONG NGÀY KỶ NIỆM BIẾN CỐ 11/9
Chúa nhật XXIV Thường niên năm C
Xh 32,7–11.13–14; 1 Tm 1,12–17; Lc 15,1–10
Các dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay rất quen thuộc. Mỗi dụ ngôn nhấn mạnh đến những thứ bị mất và niềm vui khi tìm thấy chúng. Suy ngẫm về những dụ ngôn này vào ngày kỷ niệm biến cố 11/9/2001 đã làm nhiều người thiệt mạng, có thể là một thách đố, và chúng ta nên biết là vẫn đang diễn ra những cuộc chiến đấu gắn liền với mất mát và đau buồn.
Chúa Giêsu nói với những người Pharisêu và kinh sư vốn hay chỉ trích tương quan của Ngài với tội nhân: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”. Chúa Giêsu không lên án hoặc tranh luận đáp trả những lời chỉ trích của họ; đúng hơn, Ngài dạy họ sức mạnh của việc mở lòng, sám hối và biến đổi. Chúa Giêsu nói về những gì có thể dễ dàng bị đánh mất, như: một con chiên, một đồng bạc và một người thân yêu. Chúa Giêsu so sánh những thứ bị mất này với một tội nhân.
Trong hai dụ ngôn đầu tiên, chủ nhân tìm lại được con chiên lạc và đồng bạc bị mất. Người mục tử bỏ lại đàn chiên để tìm con chiên bị lạc. Tương tự như vậy, người phụ nữ lùng sục khắp nhà cho đến khi tìm được đồng bạc. Tuy nhiên trong dụ ngôn người con hoang đàng, người cha không tìm kiếm đứa con. Ông giao cho anh những gì anh yêu cầu và để anh ra đi, tuy nhiên, cuối cùng khi người con trở về, người cha nồng nhiệt chào đón anh với vòng tay rộng mở, coi sự trở lại của anh là dấu hiệu của sự sám hối.
“Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!”
“Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất.”
“Chúng ta phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”
Những dụ ngôn này là lời nhắc nhở về sức mạnh của lòng sám hối và tha thứ cũng như sự quan tâm của Thiên Chúa đối với sự trưởng thành và phát triển của chúng ta. Dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị mất nhắc nhở rằng Thiên Chúa tìm kiếm để chữa lành và đưa chúng ta trở lại. Dụ ngôn người con hoang đàng là một lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa sẽ đón nhận lòng thống hối của chúng ta khi chúng ta sẵn sàng.
Có nhiều điều để tìm hiểu về bản thân và tương quan của chúng ta với Thiên Chúa qua những dụ ngôn này, nhưng đón nhận những dụ ngôn về sự mất mát vào một ngày bi thảm 11/9 có thể là một thách đố. Chúng ta không nên che đậy nỗi đau và thương tiếc về những mất mát để tập trung vào niềm vui khi tìm được những gì đã mất. Vào ngày tưởng niệm này, chúng ta nên nhận ra rằng đối với nhiều người, ngày mất mát biết bao sinh mạng này sẽ vẫn là một thời gian để suy ngẫm và thương tiếc. Mặc dù chúng ta không nên thúc giục mọi người vội vàng vượt qua đau buồn, nhưng lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa luôn trao ban lòng thương xót và trắc ẩn bất cứ khi nào chúng ta sẵn sàng, có thể là một nguồn mang lại an ủi và bình an.
CẦU NGUYỆN
Bạn cần làm gì khi tìm kiếm sự tha thứ?
Bạn có mở lòng tha thứ cho những ai xúc phạm mình hay không?
Bạn làm thế nào để đối phó với buồn phiền?
Bài đọc:Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (2/9/2022)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn