MỐI LIÊN HỆ GIỮA THÁNH THIỆN VÀ TRỌN LÀNH: CHÚNG TA PHẢI SỐNG THẾ NÀO ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA HƠN
Chúa nhật VII Mùa Thường niên.
Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48.
Từ ngữ thật quan trọng, và các bài đọc của Chúa nhật tuần VII Thường niên này có hai từ đáng được xem xét. Sách Lêvi đưa ra khái niệm “thánh thiện”, trong khi bài Tin mừng hôm nay kết thúc bằng từ “trọn lành”. Hai ý tưởng này có thể khiến người ta lạc lối nếu nhầm lẫn thánh thiện và trọn lành của Đấng Tạo Hóa với thánh thiện và trọn lành của những thụ tạo đang nỗ lực hướng về Đấng Tạo Hóa.
Bài đọc I Chúa nhật tuần này trích từ sách Lêvi chương 19. Cuốn sách lấy tên từ chi tộc Lêvi, nơi sản sinh các tư tế và giới chức tôn giáo thời Israel cổ đại. Trong Kinh thánh, sách Lêvi xếp sau Xuất hành, và trình bày như một bộ luật phụng tự. Sách Lêvi khai triển một khái niệm quan trọng trong sách Xuất hành: Israel là một “vương quốc tư tế và là dân thánh” độc nhất (Xh 19,6). Xuyên suốt sách Lêvi, sự thánh thiện của Israel được xác định bởi dân này được “tách biệt”, tức sống khác biệt với mọi dân tộc khác, qua đó họ luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa (xem Lv 20,24-26).
Việc mô tả sự thánh thiện như được tách biệt có thể gây hiểu lầm nếu coi đó như một sự giới hạn hay độc quyền. Ví dụ, bài đọc I Chúa nhật tuần này trực tiếp chống lại lập luận như vậy và mở rộng sự thánh thiện đến một đối tượng lớn hơn. Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy nói cho toàn thể cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi.” (Lv 19,1-2). Toàn dân Israel được kêu gọi nên thánh và hiểu những gì đi kèm theo yêu cầu này. Thiên Chúa là Đấng Thánh, vì tuy tách biệt nhưng Người vẫn liên hệ mật thiết với thụ tạo. Cũng vậy, sự thánh thiện làm cho Israel dù khác biệt nhưng họ vẫn gắn bó mật thiết với thế gian. Thiên Chúa vẫn đủ quan tâm đến thế giới tạo thành để trao ban các tiêu chuẩn tôn giáo, luân lý và đạo đức. Dân Israel cần sống theo lời kêu gọi nên thánh này. Với vai trò như vậy, dân Israel tạo nên một nền tảng đạo đức mới, là khuôn vàng thước ngọc để yêu thương người thân cận như chính mình (Lv 19,18).
Bài Tin mừng theo thánh Matthêu có những chỗ lặp lại sách Lêvi với những thay đổi nhỏ. Ví dụ, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ hãy yêu thương tha nhân, nhưng sau đó mở rộng điều răn và dạy rằng: hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ các con (Mt 5,43-44). Trong một trường hợp khác, lời khuyên nên “trọn lành” của Chúa Giêsu lặp lại lệnh truyền hãy nên thánh trong sách Lêvi: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48).
Thuật ngữ “trọn lành” nơi bài Tin mừng đóng một vai trò tương tự như khái niệm “thánh thiện” trong bài đọc I.
Trong tiếng Anh, từ “trọn lành” (perfect) thường chỉ trạng thái hoàn hảo (flawlessness), vốn xét về mặt đạo đức là điều không thể đạt được. Tính từ Hy Lạp "teleios" [1] là từ đằng sau từ “hoàn hảo” trong tiếng Anh ở đây. Nó cũng có thể có nghĩa là “sự khiếm khuyết” (flawness), nhưng với cấp độ khác biệt, nó có nghĩa là một loại “phát triển đầy đủ và sự trọn vẹn” nơi Chúa Cha và một loại “phát triển đầy đủ” khác dành riêng cho con người. Khi minh họa “sự trọn vẹn” của Chúa Cha, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mầu nhiệm và công bình của Thiên Chúa: “Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Sự hoàn hảo của con người (teleios) có nghĩa là trưởng thành, lớn lên và học cách sống trong một xã hội gồm những con người và văn hóa khác nhau. Sự phát triển đầy đủ nơi con người là phấn đấu giữ tâm trạng luôn thư thái, là yêu thương bạn hữu cũng như kẻ thù địch như đã nhận lãnh từ Thiên Chúa.
Lệnh truyền hãy sống thánh thiện hay sống trọn lành như Thiên Chúa ngụ ý rằng chúng ta chỉ có thể noi gương Người ở một khía cạnh: sống tách biệt thế gian trong lúc vẫn say mê hướng về thế gian. Cao điểm ở đây là yêu thương bạn hữu lẫn kẻ thù địch. Tôi thường đưa ra lời khuyên cho giáo dân: không cần phải thích hết mọi người. Tuy nhiên, chúng ta cố gắng yêu thương mọi tầng lớp xã hội. Như lời kêu mời trong sách Lêvi, các bài đọc của Chúa nhật tuần này nhắc nhở mọi tín hữu sống tách biệt và thánh thiện, cụ thể là yêu thương bạn hữu và cả những kẻ thù địch. Nói cách khác, các bài đọc thách thức chúng ta lớn lên trong việc yêu thương mọi người.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta có cảm nghiệm thế nào về việc sống thánh thiện?
Chúng ta sẽ mô tả thế nào về sự thánh thiện cho một người bạn?
Thách thức nào lớn hơn: tách biệt hay hướng về cộng đoàn nơi chúng ta đang sống?
[1] teleios có nghĩa là hoàn tất, trọn vẹn, hoàn hảo, trưởng thành.
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (15/2/2023)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn