LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NHẮC NHỚ LẠI TIẾNG CHÚA NÓI
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống năm A.
Cv 2,1–11; 1 Cr 12,3b–7.12–13; Ga 20,19–23.
A painting of Pentecost in Saint Anastasia church in Verona. (iStock)
Lễ Ngũ tuần (Pentecost/pentēkostē) nghĩa là năm mươi trong tiếng Hy Lạp, là một lễ tưởng niệm đặc biệt. Tên bằng tiếng Hy Lạp dùng cho lễ Shavuot – ‘Lễ các Tuần’ của người Do Thái, ngày nay ít được sử dụng, gợi nhắc lại sự hiện diện của Thiên Chúa khi Ngài ngự xuống trên núi Sinai trong đám lửa khi ban hành Torah (Lề Luật) (Xh 19,18). Đó cũng là tên của lễ trọng Kitô giáo tưởng niệm việc Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình “những lưỡi lửa” trên cộng đoàn đức tin sơ khai. Chúa Thánh Thần “nói” với mọi dân tộc bằng chính ngôn ngữ của họ. Có lẽ hữu ích khi suy tư về một biểu tượng duy nhất của Chúa Thánh Thần trong số nhiều biểu tượng có trong truyền thống Kinh thánh.
“Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp” (Cv 2,2).
Trong bài đọc I trích sách Công vụ Tông đồ của Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống hôm nay, có hai câu cung cấp một loạt các mô tả về Thần Khí Thiên Chúa. Thánh sử viết: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa” (Cv 2,2-3). Lửa và gió vẫn là những hình ảnh quen thuộc của Chúa Thánh Thần cho đến tận ngày nay. Những hình ảnh này có một phả hệ dài trong Kinh thánh. Lửa xuất hiện với Môsê trong bụi gai đang bốc cháy, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước lúc sáng tạo và trở thành hơi thở mà Thiên Chúa thổi vào Ađam và Eva, những con người đầu tiên.
Có một hình ảnh khác ít được biết đến hơn mô tả Chúa Thánh Thần như một “tiếng động” và có lẽ quan trọng hơn là lửa và gió đối với người môn đệ. Các yếu tố lửa và gió mang đến vẻ đẹp và sức mạnh của thế giới tự nhiên được sử dụng để thông truyền sự hiện diện của Thiên Chúa. “Âm thanh” có lợi thế để cho Thiên Chúa thông ban trực tiếp bằng lời nói. Con người phải tiếp nhận, mở lòng để nghe âm thanh và tin rằng nguồn gốc của âm thanh này đến từ Chúa Thánh Thần.
Khi âm thanh trở thành lời nói, như trong bài đọc I hôm nay, thì sự thông ban tràn đầy của Thiên Chúa giữa nhân loại không bị cản trở. Chúng ta phải lắng nghe lẫn nhau để nghe được tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Thời điểm của ngày lễ này là một cơ hội hoàn hảo để tiếng nói của Chúa Thánh Thần được vang lên. Lễ Ngũ tuần là thời gian hành hương về Thành Thánh, và người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới đã quy tụ với mong muốn được ở gần Giêrusalem. Theo bài đọc trong Chúa nhật tuần này, “Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6). Tất cả những người tụ họp trong Lễ Hiện xuống đầu tiên của Chúa Thánh Thần đều nhận ra rằng cộng đoàn đức tin đang ngợi khen Thiên Chúa. Việc họ nói các ngôn ngữ khác nhau không đóng vai trò gì trong việc nghe Chúa Thánh Thần đang nói.
Ý tưởng cho rằng sự hiện diện của Thiên Chúa thể hiện qua âm thanh và lời nói vốn đã xuất hiện trong truyền thống thần bí và Kinh thánh lâu đời. Theo trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế: “Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng” (St 1,3). Hãy nhớ lại câu mở đầu trong Tin mừng Gioan, có thể dịch là “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” (Ga1,1). Truyền thống về lời nói và Ngôi Lời Thiên Chúa như sự can thiệp của Thần Khí Thiên Chúa đang hoạt động trên thế giới được thiết lập vững chắc trong truyền thống Kinh thánh.
Một mối quan tâm thực sự cho Giáo hội trong tương lai là khả năng nghe được tiếng nói của Chúa Thánh Thần hôm nay. Có lẽ điều đáng chúng ta suy ngẫm là tất cả những xao lãng khiến chúng ta không nghe được tiếng vang của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của mình. Suy ngẫm về những xao lãng góp phần gây ra tình trạng “mất thính giác” này là một xem xét đáng quý. Nhưng ngay cả khi chúng ta không suy ngẫm như vậy, Thiên Chúa sẽ tìm cách thu hút sự chú ý của chúng ta. Chẳng hạn, mặc dù các môn đệ đã tự mình đóng kín trong phòng, nhưng Chúa Giêsu phục sinh đã tìm cách đi vào bên trong căn phòng đó. Nhưng không phải sự hiện ra của Chúa Giêsu thúc đẩy lòng can đảm của họ, mà chính là tiếng chào hai lần của Người: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19-23).
CẦU NGUYỆN
Chúng ta có thể nhớ lại một lần đã nghe tiếng của Chúa Thánh Thần qua một người khác không?
Chúng ta có thể liệt kê bất kỳ sự xao lãng nào khiến bạn không thể nghe được Chúa Thánh Thần không?
Ngày hôm nay, Giáo hội của tương lai cần lắng nghe điều gì?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (24/5/2023)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn