LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHÚNG TA YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA GIÊSU?
PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN
Jaime L. Waters
Chúa Nhật V Phục Sinh năm C
Cv 14,20b-26; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35
Yêu thương là hành vi trung tâm trong sứ vụ của Chúa Giêsu, và cũng là trọng tâm của bài Tin mừng Chúa nhật V Phục sinh hôm nay. Chúa Giêsu đã ban một giới răn không phải hoàn toàn mới, dù điều Ngài bổ túc đáng lưu ý, để chỉ cho chúng ta cách đáp lại sự phức tạp của thế giới.
Bài Tin mừng theo thánh Gioan ở vào giai đoạn gần kết thúc sứ vụ trần thế của Chúa Giêsu, khi Ngài chuẩn bị cho chính mình cũng như các môn đệ sẵn sàng với cái chết sắp xảy đến của Ngài. Ở chương trước, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, chăm lo và dạy các ông biết chăm sóc lẫn nhau. “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Qua việc rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu ưu tiên xem việc phục vụ tha nhân như một yếu tố nền tảng của việc làm môn đệ.
Khi tiếp tục trò chuyện với các môn đệ, Chúa Giêsu báo cho các ông biết thời gian của Ngài không còn nhiều, và Ngài đã ban một giới răn mới: “Hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Khi yêu thương, các môn đệ sẽ cho thế gian biết các ông thật sự là môn đệ của Chúa Giêsu.
Giới răn mới của Chúa Giêsu đúng là đã có từ trước, một phần được trích từ Lv 19,18. Chúa Giêsu đã thêm phần “như Thầy đã yêu thương anh em” vào lệnh truyền này, nhấn mạnh cả hành động yêu thương của Ngài, cũng như các môn đệ cũng phải làm như vậy để thể hiện tình yêu với tha nhân. Chúng ta đã thấy lệnh truyền phục vụ và yêu thương được nhấn mạnh vào Chúa nhật III Phục sinh, một trong những lần Chúa Giêsu hiện ra sau khi phục sinh, và hôm nay, một lần nữa chúng ta được nghe lệnh truyền này trong bối cảnh Chúa Giêsu nói lời từ biệt các môn đệ. Khi chuẩn bị cho cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã khích lệ các môn đệ hãy noi gương mình và Ngài cũng diễn giải cái chết của Ngài là một hành vi hy sinh vì tình yêu.
Lời mời gọi yêu thương giúp chúng ta sống như Chúa Kitô và thực hành đức tin. Chúng ta đừng quên Chúa Giêsu cũng rửa chân cho Giuđa. Giuđa không bị loại trừ hay bị kết án vì phản bội. Chúa Giêsu vẫn chăm sóc ông dù biết rằng ông sẽ phản bội Ngài.
Ngày nay, không thiếu những chủ đề và hành động mà con người nhanh chóng phê phán và kết án. Những tranh luận xung quanh việc phá thai là một ví dụ, trong đó thiếu vắng tình thương, nhưng lòng ghen ghét cũng như phê phán lại chi phối những thái độ cực đoan của cuộc trao đổi. Sẽ như thế nào nếu những luật lệ liên quan đến phá thai được đặt nền trên tình yêu hơn là ghét bỏ? Làm thế nào và tại sao vấn đề này lại chia tách chúng ta, như thể chỉ được chọn giữa sự sống chưa chào đời hoặc quyền lợi của phụ nữ, nhưng tại sao không bao giờ được chọn cả hai, vì cả hai đều rất xứng đáng được thương yêu và ủng hộ?
Bài Tin mừng và các bản văn xung quanh thách đố chúng ta hãy yêu thương như chính Chúa Giêsu đã yêu, kể cả yêu thương kẻ thù và những ai làm hại chúng ta. Đây là một thách đố có vẻ vô lý, nhưng nó cho ta biết cách tiếp cận các vấn đề phức tạp ngày nay, kể cả các cuộc tranh luận về vấn đề phá thai. Tuần trước, nhân Ngày lễ của Mẹ , nhiều người đã tôn vinh tình yêu và hình ảnh người mẹ trong cuộc sống của chúng ta, nhận ra biết bao hy sinh và mẫu gương về tình yêu của những người mẹ. Khi các cuộc tranh luận về quyền làm mẹ và quyền của phụ nữ vẫn còn tiếp diễn, chúng ta phải tập trung vào các hành động và chính sách thực sự cổ võ tình yêu thương, cung cấp các nguồn lực giúp mọi người sinh sống và phát triển tốt hơn.
Bài đọc: Thanhlinh.net
Ban học tập Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (06/5/2022)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn