Khám phá mối liên kết giữa Lề luật và lòng kính sợ Chúa

Thứ bảy - 02/03/2024 03:00  312
KHÁM PHÁ MỐI LIÊN KẾT GIỮA LỀ LUẬT VÀ LÒNG KÍNH SỢ CHÚA
Victor Cancino, S.J.
Chúa Nhật III Mùa Chay
Xh 20,1-17; Tv 19; 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25

Các bài đọc trong hai Chúa nhật trước đã nêu bật những khung cảnh giao ước sống động, gợi cảm hứng để suy gẫm về những ý tưởng như đổi mới và dấn thân. Trong các bài đọc Chúa nhật tuần III mùa Chay, có một vài thay đổi. Bài đọc I trích sách Xuất hành, không phải sách Sáng thế, và bài Tin mừng theo thánh Gioan thay vì Máccô. Và thay vì thuật lại lịch sử Israel, bài đọc I và thánh vịnh tập trung vào mối liên hệ giữa lề luật Thiên Chúa và tính cách con người. Với sự thay đổi khung cảnh trong thần học Thánh kinh, Tin mừng Gioan lưu ý đến mối liên hệ giữa tính cách của Chúa Giêsu và cuộc khổ nạn cuối cùng của Ngài.

Trong bài đọc I, Thiên Chúa lên tiếng khi đưa ra bộ luật luân lý nổi tiếng là Mười Điều Răn. Sách Xuất hành viết: “Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây” (Xh 20,1). Mười Điều Răn cũng được gọi là “Thập giới” hoặc “Mười lời”, một thuật ngữ xuất hiện trong Đệ nhị luật 4,13 và 10,4. Không có từ “luật” nào xuất hiện trong bài đọc I. Thay vào đó, các thuật ngữ được chọn là “các điều răn” và “lời”, ám chỉ phần chính của các sắc lệnh tạo nên một phần trong hệ thống luật Kinh Thánh lớn hơn.

Trong Kinh thánh, thuật ngữ “luật” (law) có nhiều ý nghĩa. Đôi khi thuật ngữ nhiều nghĩa này được dùng để thay thế cho từ torah (Luật), vốn được hiểu đúng nhất là “những chỉ dẫn” cá nhân để định hướng đời sống. Từ “Luật” (law) có thể ám chỉ Torah (Ngũ thư) - năm cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước, là những bản văn sau cùng được trao cho Môsê như nền tảng đức tin của dân Israel. Vào những thời điểm khác, Torah có thể chỉ tất cả các văn phẩm thánh của Israel cổ đại, bao gồm các sách của Môsê, tác phẩm của các ngôn sứ và các văn phẩm khác như các Thánh vịnh và văn chương Khôn ngoan. Khi dùng ở số nhiều, torah có cùng ý nghĩa như các điều răn hoặc sắc lệnh. Tuy nhiên, các điều răn hoặc sắc lệnh này cũng có thể bao gồm cả truyền thống nói và viết, tạo nên toàn bộ “luật của Chúa”. Do đó, ý nghĩa của thuật ngữ “luật” (law) phụ thuộc vào ngữ cảnh và quan điểm của người giải thích.

Vịnh gia viết: “Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh” (Tv 19,8). Thánh vịnh đưa ra năm từ khác có thể thay thế cho từ “luật”: chỉ thị, giới răn, mệnh lệnh, phán quyết của Chúa và cuối cùng, lòng kính sợ Chúa (Tv 19,8-10). Những điều đó “đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong” (Tv 19,11). Điều đáng lưu ý là từ Torah như “những lời chỉ dẫn” nơi thánh vịnh này không chỉ giới hạn ở điều gì đó bên ngoài, như một sắc lệnh phải tuân theo hoặc một mệnh lệnh từ một bộ luật luân lý nào đó. Nhưng từ này cũng đề cập một thái độ cụ thể mà một người đón nhận như một phần tính cách của mình. Nó ám chỉ những chỉ thị của Chúa tạo nên tính cách con người.

Điều này dường như đúng với một từ khác xuất hiện trong các bài đọc Chúa nhật tuần này, đó là “lòng kính sợ Chúa”. Từ này xuất hiện xuyên suốt Kinh thánh và thường đi cùng với từ “toàn vẹn”. Việc hai từ này xuất hiện chung với nhau cho thấy từ “kính sợ Chúa” quan trọng đối với người môn đệ. “Lòng kính sợ Chúa” ám chỉ một kiểu tôn kính hay thái độ đặc biệt đối với những điều thánh thiêng, và trên hết là đối với Thiên Chúa. Thánh vịnh 19 sử dụng từ này để thay thế hoặc ghép nối với từ torah cho thấy rằng việc tuân theo “chỉ dẫn” của Thiên Chúa cũng đòi hỏi một sự biến đổi nội tâm hoặc một tính cách ngay lành. Sống theo lề luật không có nghĩa là người ta tuân theo một số quy tắc đạo đức cách mù quáng, nhưng yêu mến Thiên Chúa dẫn người ta đến lòng kính sợ Thiên Chúa.

Trong các bài đọc, mối liên kết giữa “lề luật của Thiên Chúa” và “lòng kính sợ Chúa” đã giúp soi sáng bài Tin mừng. Trong đó, Chúa Giêsu đưa ra “những hướng dẫn” về việc “tôn kính” nhà cha của Ngài. Những hướng dẫn vừa bằng hành động vừa bằng lời nói: Chúa Giêsu đã thịnh nộ xô đổ bàn ghế của những người đổi bạc ra khỏi Đền thờ khi gần đến lễ vượt qua của người Do Thái và nói rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Khi chứng kiến cảnh tượng này, các môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi.” (Ga 2,17; Tv 69,10). Hành động nhiệt tâm của Chúa Giêsu cho thấy “lòng kính sợ Thiên Chúa” tự bên trong, thái độ nội tâm của lòng tôn kính yêu thương giúp Ngài hiểu được Luật cổ xưa của Israel và áp dụng nó vào các hoàn cảnh trong đời sống hàng ngày.

Lòng nhiệt thành và kính sợ của Chúa Giêsu đối với những điều thánh thiêng sẽ đưa Ngài đến cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá. Mặc dù những hành động của Chúa có thể giúp các môn đệ biện minh cho sự chống đối mãnh liệt sau đó, nhưng các môn đệ đã không làm như vậy. Trong mắt họ, sự việc này cho thấy lòng vâng phục thẳm sâu và tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Thiên Chúa. Khi chúng ta đọc bài Tin mừng tuần này với tinh thần cầu nguyện, ước gì nó truyền cảm hứng để “lòng kính sợ Chúa” của chúng ta thêm sâu sắc và dấn thân cho hành trình mùa Chay.

CẦU NGUYỆN
Lần cuối cùng chúng ta cảm thấy tôn kính sâu sắc với những điều thánh thiêng là khi nào?

Lần cuối cùng chúng ta cảm thấy kính trọng sâu sắc với người xa lạ là khi nào?

Chúng ta đã có những trải nghiệm như thế nào trong suốt hành trình ba tuần mùa Chay vừa qua?

 

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (27/02/2024)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập111
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay13,941
  • Tháng hiện tại180,651
  • Tổng lượt truy cập51,511,986

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây