Giao Thừa : Mời ông bà về ăn Tết

Thứ hai - 04/02/2019 05:49  1192
Giao Thừa : Mời ông bà về ăn Tết
(Người công giáo có cúng giao thừa không, có mời Ông Bà về ăn Tết không?)

Tôi có quen một người Công giáo làm nghề gọi là hành chánh sự nghiệp. Năm nào, người này cũng trực ca vào đêm giao thừa. Lý do là trong phòng, hầu hết là người không công giáo, nên họ không thể trực được mà phải về nhà, có mặt tại nhà, để … cúng giao thừa.
Giao thừa là phút giây thiêng liêng nhất trong một năm. Nhưng giây phút linh thiêng nhất của giao thừa, là “lễ rước ông bà tổ tiên” cùng về ăn tết với con cháu. Người ta dựng cây nêu để ông bà từ xa đã biết phía nào mà đến. Người ta vẽ vôi trắng lên đường đi để ông bà biết ngõ nào mà vào. Và trong nhà, bàn thờ gia tiên được bày biện lễ vật sẵn sàng để đến phút giây giao thừa hương khói thắp lên cúng ông bà tổ tiên, dâng lễ vật mời ông bà tổ tiên cùng ăn tết với con cháu. Nguyễn Huy Lai trong cuốn sách luận văn tiến sĩ của mình đã quả quyết: Chính việc thờ cúng ông bà tổ tiên mà làm cho ngày Tết trở nên linh thiêng ý nghĩa. 
Là người Công giáo ở trên đất Việt, nơi mà việc thờ cúng ông bà tổ tiên thịnh hành từ xa xưa, thử hỏi ta có được cúng ông bà tổ tiên trong giây phút giao thừa không?
Câu trả lời không phải đơn giản là được hay không. Mà là được như thế nào và không tại sao không. Mà cũng thật là bi thảm, “Không” đã là câu trả lời chắc nịch, từ cấp thẩm quyền cao nhất của giáo hội công giáo phủ trên thời gian hơn 300 năm, mà lịch sử ghi lại dưới tên gọi “cuộc tranh cãi dằng dai về nghi lễ Trung Hoa” gồm gần 150 năm tranh cãi (1603-1742 = Ex quo singulari) và gần 200 năm sau là cấm đoán (1742-1939). Cấm không cho thờ cúng đã đành, còn cấm nêu ý kiến bênh vực việc tôn kính ông bà, lại cấm luôn cả việc quảng bá ý kiến bênh vực. Cấm không phải chỉ cho người Tàu, thời giáo sĩ dòng Tên Mateo Ricci và kẻ kế tục cố gắng bênh vực cho các nghi thức thờ cúng mà không thành công, mà cho cả Nhật, Ấn Độ, và dĩ nhiên Việt Nam thời giáo sĩ Alexandre de Rhodes, thế kỉ 17.
Lời thề (1) mà các thừa sai khi được phái đến truyền giáo tại Trung Hoa là một bằng chứng: Tôi tuyên thệ sẽ tuân giữ chính xác, tuyệt đối và không vi phạm những lệnh cấm trên và cương quyết trong mức độ tốt nhất có thể, sẽ không để cho một Kitô hữu nào dưới quyền tôi được thi hành các nghi lễ Trung Hoa.
Gần 200 năm sau, Công Giáo Nhật được giải thoát trước tiên khỏi lệnh cấm, mà khởi đầu là năm 1932 do sự kiện 60 sinh viên công giáo trường Đại Học Sophia ở Tokyo không được GHCG cho bái chào trước các anh hùng chiến tranh Nhật. Như vậy là không hoàn tất chương trình giáo dục của Nhà Nước về môn lịch sử. Các sinh viên trường khác, cũng phải bái lạy trước vị thần hoàng trong đền Shinto. Không bái là bị đuổi học ngay. Thời Quân Phiệt Nhật Bản là như thế, cho nên giám mục sở tại đã tìm “lý” trong bộ giáo luật 1917 để cho phép, và trình lên Tòa Thánh xét lại lệnh cấm khắc nghiệt từ gần hai trăm năm trước. Mãn Châu Quốc cũng gặp trường hợp gần như tương tự, và tại Trung Quốc thời Nhật đang xâm chiếm cũng gặp khó khăn không kém, nên ngày 8/12/1939 với Huấn Thị Plane compertum est, Tòa Thánh ban phép cho tôn kính Khổng Tử và Tổ Tiên, với lời giải thích mào đầu như sau:
Như mọi người đều biết, bên Đông Phương có những lễ nghi mà trước đây gắn liền với yếu tố tôn giáo, nay trải qua bao thế kỉ, đã thay đổi và chỉ như là thái độ hiếu kính của con cháu đối với tổ tiên, như những cử chỉ lịch sự biểu lộ lòng yêu nước đối với tiền nhân, cho nên được phép… và liệt kê 4 phép : được tôn kính Khổng Tử; được lập bàn thờ và lạy; được tham dự thụ động các nghi lễ công cộng mà có vẻ mê tín; được bái lạy người chết: hình ảnh hay bài vị của họ. Đồng thời vô hiệu lệnh phải thề trước khi đi truyền giáo.
Nhưng đó là phép cho Trung Hoa, Nhật, Mãn Châu quốc… Còn ở Việt-Nam ta, phải đợi thêm 30 năm nữa, năm 1965, ngày 14/6, HĐGMVN mới xin Tòa Thánh cho áp dụng Huấn thị năm 1939 cho Việt-Nam. Và 20 năm sau, năm 1974, ngày 7 tháng 11, các ĐGM (VNCH) mới có một thông cáo chi tiết cho phép 6 điểm, trong đó đứng hàng đầu là được phép lập bàn thờ gia tiên trong nhà, miễn là đặt dưới bàn thờ Chúa; được phép nhang khói hương hoa đèn nến vái lạy trước bàn thờ tổ tiên; được phép cúng giỗ trong ngày kỵ nhật…; tang lễ được vái lạy người quá cố…
Nhìn lại quá khứ, các vị giám mục của chúng ta khi đi tham dự THNGM về Á Châu tổ chức tại Roma năm 1999 đã có những nhận xét như sau:
ĐGM Nguyễn Văn Hòa (Nha-Trang) phát biểu ngày 21/4/98 trong phiên khoáng đại 3: “Đối với một số tôn giáo khác, đi theo Đạo Công Giáo là phản bội lại gia đình, và có khi cả quê hương nữa.”
Nữ tu Mai Thành, dòng Đức Bà, mùa thu năm 1946 ngỏ ý xin ba cho theo đạo Công Giáo, ba của chị theo Khổng Nho, run lên đáp lại: “Không đời nào. Nếu chị muốn tiếp tục là con cái của tôi, chị hãy thề với tôi là chị sẽ không bao giờ phạm tội bất hiếu ấy. Nếu chị cứ muốn trở thành người công giáo, thì hai ta không thể ở chung mái nhà. Nào hãy chọn đi: một trong hai, sẽ rời khỏi nhà này.” (Cũng may, cuối đời, ông theo đạo năm 1980, 1 tháng trước khi chết)
Trên báo ĐMHCG tháng 6 năm 1963 có đăng bài tâm sự của một cô dâu công giáo lạc vào đại gia đình của chồng không theo một tôn giáo nào mà đơn giản chỉ là thờ kính ÔBTT. Mỗi dịp Tết đến, cúng giao thừa, cô như kẻ xa lạ, hư hỏng, mất gốc vì chẳng được phép (GH đâu có cho) thắp nhang, hay vái lạy. Lúc đó chỉ còn nước tìm một góc xó, lẩm nhẩm cầu xin và lần chuỗi Mân Côi 5 Sự Sáng (Sự Sáng chưa có, chắc lần chuỗi 5 sự tối, góc tối).
ĐGM Nguyễn Sơn Lâm cũng tại THNGM Á Châu đã dám nói: cách giải quyết bằng cấm đoán việc thờ cúng tổ tiên của GH đã là một cản trở lớn cho công cuộc truyền giáo 300 năm qua.
ĐGM Nguyễn Như Thể (Huế) phát biểu ngày 24/4/98 “Phải can đảm bắt đầu đưa việc tôn kính ông bà tổ tiên vào trong đời sống của giáo hội, đặc biệt trong phụng vụ và nghi thức bí tích.”
Vậy đêm giao thừa, người ta cúng giao thừa để nhớ tới và mời về ông bà tổ tiên để các vị cùng ăn Tết với con cháu. Người Công Giáo chúng ta có cúng giao thừa như vậy không. Tôi nghĩ, loại trừ đi những gì là mê tín, như đốt vàng mã, thì ai dâng nhang hương hoa quả bánh trái cho ÔBTT, hãy cứ dâng. Dâng hay cúng cũng giống nhau. Nhưng người công giáo hiện tại, còn hơn người ngoại ở chỗ, đêm giao thừa, ta nhớ tới Ông Tổ của tổ tiên ÔBCM nữa kìa, và Đấng đó đích thị là Thiên Chúa, mà lời nguyện đầu lễ của thánh lễ giao thừa xướng lên thật ý nghĩa: Lạy Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích của vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn về Chúa…
Giờ giao thừa là giờ chuyển giao từ cái cuối sang cái đầu, là giờ phút thuận tiện và linh thiêng nhất để chúng ta nhớ tới đầu nguồn cuối rễ, cho nên ta nhớ tới chính Đấng là Cội Rễ Căn Nguyên quả là chính đáng. Lời Tiền Tụng Tết ghi rõ : “Quả vậy, khi ngẫm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên : chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Nhưng phải nhờ ơn Cha mặc khải, chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con. Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu.”
Vậy trong giây phút giao thừa, người ngoại cúng giao thừa để mời ông bà về ăn Tết—ăn chứ không phải chỉ chơi—nên ta người Công giáo cũng sẽ rước ÔBTT về ăn Tết. Ăn tất phải có cái để ăn. Cái ta chọn là bánh. Bánh vuông tượng trưng cho đất. Người bởi đất mà ra và sẽ trở về đất. ÔBTT cũng bởi đất vuông và đã trở về vuông đất, nên ta sẽ dâng (ai muốn gọi cúng cũng chẳng sao) lên ÔBTT bánh chưng vuông, rồi ta sẽ hưởng lộc từ ông bà. Ta sẽ dâng lên Chúa, là Tổ Tiên của các tổ tiên, bánh tròn, là tinh hoa ruộng đất, để trở thành Bánh bởi Trời nuôi dưỡng chúng ta.
Tôi dự định xây dựng bài giảng thành hai mục: “mời ông bà” và “về ăn Tết”. Đề tài “ăn” đối với tổ tiên, người khuất là đề tài hay, nhưng tôi tạm dừng. Có lẽ sang năm chăng.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
_____________________
(1) Tông Hiến Ex quo singulari, của Đgh Benedictus 14, July 5, 1742.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập71
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay18,526
  • Tháng hiện tại387,943
  • Tổng lượt truy cập46,071,979

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây