ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC CUỘC KHỦNG HOẢNG NHÂN ĐẠO,
TRÁI TIM CHÚNG TA CẦN ĐƯỢC ĐÁNH ĐỘNG
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật XI Thường niên năm A.
Xh 19,2–6a; Rm 5,6–11; Mt 9,36–10,8.
Cha Tom Smolich, S.J., Giám đốc quốc tế của Tổ chức giúp đỡ người tị nạn Dòng Tên (Jesuit Refugee Service, JRS), đã đề cập đến cuộc khủng hoảng người tị nạn trên thế giới như một “vấn nạn của con tim”. Sau 8 năm lãnh đạo một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ người tị nạn và vô gia cư ở 59 quốc gia, Cha Smolich nhận ra rằng cuộc khủng hoảng còn lớn hơn vấn đề nhân đạo để có nguồn tài nguyên cho những người cần được giúp đỡ. Sự thờ ơ của các chính phủ và các tổ chức quốc tế, ngay cả khi số lượng người tị nạn đã tăng lên, phản ánh một cuộc khủng hoảng tinh thần, không có khả năng cảm thông.
Những chuyển động của con tim xuất hiện trong bài Tin mừng Chúa nhật Thường niên XI tuần này, khi phụng vụ Giáo hội trở lại với trình thuật của thánh Mátthêu. Lòng thương xót của Chúa Giêsu neo giữ sứ mạng và lay động trái tim Ngài khi sai Nhóm Mười hai ra đi thực hiện sứ mạng của riêng họ. Lời mở đầu của bài Tin mừng cung cấp một cái nhìn thoáng qua về cuộc đối thoại nội tâm của Chúa Giêsu. Thánh Matthêu viết rằng: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, . . . họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Thật ra, bản văn tiếng Hy Lạp nói một điều gì đó mang tính thể lý nhiều hơn, “Lòng dạ Ngài xúc động”. Trong thế giới cổ đại, các cơ phận quan trọng như tim hoặc lòng/ruột là nơi xuất phát các hoạt động tinh thần hoặc cảm xúc khác nhau như sự cảm thông và lòng thương xót. Chúa Giêsu “chạnh lòng” khi thấy đám đông đang cần đến sự giúp đỡ. Sự hiện diện của họ và phản ứng của Ngài củng cố vai trò của Ngài trong tư cách là Mục tử.
Xuyên suốt các chương mở đầu của Tin mừng Mátthêu, Chúa Giêsu đã mạc khải sứ mạng của Ngài qua việc giảng dạy, chữa lành và rao giảng trong các hội đường. Công việc không bao giờ kết thúc này dường như là một công thức khiến Ngài kiệt sức và trở nên tê liệt cảm xúc trước hoàn cảnh của người khác. Thay vào đó, Chúa Giêsu dựa vào sức mạnh của lòng thương xót từ sâu bên trong để dẫn dắt vai trò mục tử của mình. Việc Thiên Chúa chăn dắt dân Israel đã có trong truyền thống lâu đời của Kinh thánh, như được đề cập trong bài đọc I. Đức Chúa phán với dân Israel rằng: “Các ngươi thấy Ta đã xử với Aicập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta” (Xh 19,4). Lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho những người Israel đang kêu cầu sự cứu độ được phản ánh nơi lòng thương xót mà Chúa Giêsu dành cho đám đông, những người kêu cầu Ngài phục vụ và cứu độ họ. Tác giả thánh vịnh viết: “Chúng ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt” (Tv 100,3).
Chúa Giêsu không giữ sứ mạng này cho riêng mình, nhưng giao phó sứ mạng này cho Nhóm Mười hai và qua đó cho Giáo hội. Khi làm như vậy, ẩn dụ chuyển từ chăn nuôi sang nông nghiệp: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,37). Giống như Chúa Giêsu đi khắp Israel, “giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin mừng Nước trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9,35), giờ đây Nhóm Mười hai cũng phải ra đi, giống như Thầy của họ, để “chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ” (Mt 10,8). Sứ vụ của họ là sức mạnh và quyền năng đối với quyền lực sự chết.
Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên đã để lòng thương xót đâm thâu trái tim họ, nhờ đó gặt hái được kết quả dồi dào. Các môn đệ của Chúa ngày nay cũng phải làm như vậy. Dù cho sứ mạng của họ là đồng hành và bênh vực cho hoàn cảnh khó khăn của những người tị nạn, hay là đối đầu với các thế lực khác gây tổn hại cho thể xác và tâm hồn, thì điều nâng đỡ trách nhiệm tuyệt vời này chính là lòng thương xót như đã từng làm “chạnh lòng” Chúa Giêsu. Nếu các môn đệ của Chúa Kitô, những người tiếp tục làm việc cho mùa gặt, không bị đâm thâu bởi chính tiếng kêu đau đớn của nhân loại khiến họ phải xúc động, thì Giáo hội sẽ không bao giờ có thể đáp lại lời kêu cứu của nhân loại. Chỉ khi tấm lòng của các môn đệ đồng điệu với Đức Kitô thì lòng thương xót này mới thể hiện rõ ràng và Giáo hội mới có thể hoàn thành sứ vụ của mình.
CẦU NGUYỆN
Ai đã khơi dậy cảm thức về sứ mạng trong trái tim của chúng ta?
Vào thời điểm này trong cuộc đời, chúng ta có đang đối mặt với sự tê liệt trước tiếng khóc của thế giới không?
Trái tim chúng ta bắt đầu thức tỉnh với mẫu lời cầu nguyện nào?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (14/6/2023)