Đâu là những dấu chỉ của sự biến đổi?

Thứ sáu - 11/03/2022 08:40  932

ĐÂU LÀ NHỮNG DẤU CHỈ CỦA SỰ BIẾN ĐỔI?
 
Jaime L. Waters

Chúa Nhật II Mùa Chay năm C
St 15,5–12. 17–18; Pl 3,17–4,1; Lc 9,28b–36

Tôi tớ Chúa – Nữ tu Mary Elizabeth Lange đã giúp thay đổi cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là các trẻ em và phụ nữ da đen ở Baltimore, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ. Sơ đã sáng lập Dòng Oblate Sisters of Providence (Nữ tu Hiến sĩ Chúa Quan phòng), và cùng với các chị em trong dòng tổ chức nhiều trường học, trung tâm đào tạo và nhà ở nhằm cung cấp cho các bà góa và trẻ em mồ côi năng lực và kỹ năng cần thiết để cải thiện cuộc sống. Trọng tâm sứ vụ Mẹ Lange nhắm đến chính là sự cần thiết của cầu nguyện vốn là nguồn cảm hứng và tác động lên công việc của hội dòng. Nhận thức được tầm quan trọng của cầu nguyện, Mẹ đã mở cửa nhà nguyện hội dòng để chào đón mọi người, với chủ đích dành riêng cho các tín hữu da màu đến thờ phượng và cầu nguyện. Tin mừng Chúa nhật II mùa Chay cũng nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của sự biến đổi và lời cầu nguyện.

Hôm nay, chúng ta nghe trình thuật về cuộc hiển dung của Đức Giêsu theo Tin mừng Luca. Thánh sử đã đưa việc cầu nguyện vào trong biến cố này, một chi tiết không có trong các trình thuật của Mátthêu và Máccô. Tin mừng Luca ghi lại, Đức Giêsu đưa Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện, và đang lúc cầu nguyện, diện mạo và y phục Người thay đổi. (Mátthêu và Máccô miêu tả hành trình đi lên núi nhưng không nhấn mạnh hành động cầu nguyện như là mục đích của cuộc hành trình). Sau đó, Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu, bàn luận về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.

Biến cố biến hình có nhiều ý nghĩa. Với Đức Giêsu, cuộc biến hình làm thay đổi về mặt thể lý và thiêng liêng. Dung mạo Người đổi khác, và y phục Người trắng tinh chói lòa. Khi gặp Môsê và Êlia, Đức Giêsu xuất hiện trong vinh quang, đàm đạo với hai vị ngôn sứ, và các môn đệ đã chứng kiến vinh quang ấy. Theo truyền thống Kinh thánh, vinh quang thần linh gắn liền với sự sáng láng chói loà được xem như là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong khi Chúa nhật tuần trước nhấn mạnh đến nhân tính của Đức Giêsu khi thuật lại việc Người chịu cám dỗ, thì hôm nay qua biến cố hiển dung, thiên tính của Đức Giêsu đã được làm nổi bật.

Nhìn từ nhãn quan của các môn đệ, biến cố này có nhiều ý nghĩa biểu tượng. Việc hiển dung diễn ra trên một ngọn núi, một địa điểm gặp gỡ Thiên Chúa trong truyền thống. Cả Môsê và Êlia, hiện diện trong cuộc biến hình, cũng đã từng gặp gỡ Thiên Chúa trên một ngọn núi, và được liên kết với lời tiên báo tương lai cũng như với thời đại của Đấng Thiên Sai. Môsê và Êlia cũng gắn liền với lề luật và các ngôn sứ, vốn sẽ được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu. Hình ảnh đám mây che phủ ngọn núi sau khi Đức Giêsu biến hình là một dấu chỉ khác nữa về sự hiện diện thần linh, nhất là liên quan tới cuộc gặp gỡ Thiên Chúa của Môsê trên núi Sinai.

Biến cố hiển dung cũng vang vọng nơi những phần khác của Tin mừng Luca. Ví dụ như trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, một giọng nói tuyên bố Ngài là Con yêu dấu, giống với ngôn ngữ trong Tin mừng hôm nay khi nói Đức Giêsu là Con được tuyển chọn. Cũng nên lưu ý đến tư thế của các môn đệ trong khi cầu nguyện. Khi cầu nguyện, Phêrô, Gioan, và Giacôbê đã “ngủ mê mệt”, nhưng khi thấy vinh quang của Đức Giêsu, họ tỉnh hẳn. Việc các ông ngủ quên vào thời khắc quan trọng khi cầu nguyện xảy ra một lần nữa vào cuối Tin mừng Luca khi Đức Giêsu cầu nguyện trên núi Ôliu. Thánh Luca không chỉ trích việc các môn đệ ngủ quên lúc đó; thánh sử chỉ muốn nói rằng ngủ quên là một dấu chỉ thể hiện nỗi đau buồn quá mức của các môn đệ trước cái chết sắp đến của Đức Giêsu. Trong suốt biến cố hiển dung, mặc dù các môn đệ đã ngủ thiếp đi, nhưng các ông đã bừng tỉnh để chứng kiến vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện.

Sau cuộc hiển dung, Môsê và Êlia rời đi, chỉ còn Đức Giêsu cùng ba môn đệ đi xuống núi, cả bốn người đều đã được biến đổi. Việc họ thinh lặng nhắm đến một sự kiện biến đổi cá nhân không được nói ra vào thời điểm đó. Thánh Luca đã đưa việc cầu nguyện vào ngay thời điểm quan trọng trong sứ vụ của Đức Giêsu nhằm làm nổi bật sức mạnh của cầu nguyện trong việc gặp gỡ Thiên Chúa và đón nhận mặc khải. Nhờ cầu nguyện, Đức Giêsu tỏ lộ cho các môn đệ thấy vinh quang của Người, và sự xuất hiện của Môsê và Êlia càng cho thấy vai trò của Người trong lịch sử cứu độ. Khi tiếp tục hành trình mùa Chay, chúng ta được mời gọi tìm ra những cách thức để cầu nguyện riêng cũng như cầu nguyện chung ngõ hầu được biến đổi và gia tăng sự kết hiệp với Thiên Chúa và tha nhân.

 
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (06/3/2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm75
  • Hôm nay26,079
  • Tháng hiện tại377,408
  • Tổng lượt truy cập51,708,743

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây