CHÚNG TA BỎ LỠ ĐIỀU GÌ KHI MÔ TẢ CẢNH CHÚA GIÁNG SINH?
Kelley Nikondeha
Chủng sinh Gioan Quốc Trầm chuyển ngữ từ U.S. Catholic (21/12/2022)
Tác giả là một nhà thần học giải phóng, thực hành việc phát triển cộng đồng ở nước Burundi, Trung Phi. Vì thế, ông phân tích trình thuật Chúa Giáng sinh theo một tầm nhìn xã hội và lịch sử để cổ vũ một nền hoà bình đích thực cho con người ngày nay[1].
Những chi tiết trong các câu chuyện phổ thông về Chúa giáng sinh không phải lúc nào cũng đúng.
Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ trước nhà và thấy hang đá giáng sinh ở sân nhà hàng xóm. Một gia đình khác cách đó vài căn cũng có hang đá, với một ngôi sao treo ở cây phía trên máng cỏ, trước lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ. Hình ảnh biểu trưng này quen thuộc với hầu hết chúng ta: Giuse cùng với Maria, và ở giữa là Hài nhi Giêsu đặt trong máng cỏ. Các mục đồng và một số chiên bò vây quanh, ba đạo sĩ cầm trên tay những bảo vật dâng tặng, có ít nhất một thiên thần và ngôi sao sáng. Bộ tượng nơi hang đá giáng sinh thời tôi còn bé có thêm một chú lừa hiền lành. Đây là hình ảnh đêm Giáng sinh đầu tiên mà tôi được dạy cho biết.
Nhưng những trình thuật giáng sinh khá tự do. Không chỉ có một, mà có hai câu chuyện liền mạch về sự ra đời của Chúa Giêsu. Những trình thuật này đã kết hợp hài hòa, nhưng sự thật là Luca và Mátthêu viết những câu chuyện rất khác nhau về những gì xảy ra khi Thiên Chúa ngự đến. Luca viết về Dacaria và Êlisabet ở Giêrusalem, thiên thần Gáprien đến nhà Maria ở Nadarét, và Maria cùng Giuse khởi hành về Bêlem, nơi Chúa Giêsu sinh ra. Và thánh sử Luca kể về những người chăn chiên đang còn thức trên cánh đồng và các thiên thần ca hát trên trời.
Mátthêu bắt đầu câu chuyện giáng sinh ở Bêlem, như thể đôi bạn sắp trở thành bố mẹ này sống tại đó. Chúng ta nghe kể về Giuse và giấc mơ của ngài cũng như được giới thiệu về các nhà đạo sĩ từ phương Đông và cuộc tiếp xúc căng thẳng của họ với Hêrôđê, vị vua hiện cai trị vùng này. Mátthêu cho thấy Hêrôđê là nguyên nhân khiến Thánh Gia phải trốn sang Ai Cập như những người tị nạn chính trị và ông đã tàn sát các trẻ vô tội khi tìm giết Chúa Giêsu. Câu chuyện này u ám hơn nhiều so với trình thuật của Luca. Và trình thuật này cũng không có các nhà đạo sĩ và ngôi sao, cũng như các mục đồng hay đoàn thiên thần loan báo tin mừng.
Một điều khác có lẽ được trình bày không đúng trong những trình thuật giáng sinh là quang cảnh. Chúng ta có khuynh hướng xem những sự kiện diễn ra trong bối cảnh đồng quê. Tuy nhiên Luca cho thấy rõ các trình thuật xảy ra vào thời kỳ biến động. Chiếu chỉ kiểm tra dân số của triều đình buộc Giuse và Maria phải đi xuống hướng nam về nguyên quán, cũng có nghĩa là gánh nặng thuế má của họ sắp tăng lên. Hoàng đế Cêsarê chỉ kiểm tra dân số khi muốn tính toán số cống phẩm thu được thêm từ họ. Vì thế, thời kỳ kinh tế khó khăn sắp trở nên tồi tệ hơn, và chắn chắn nó đè nặng lên Giuse khi ông về Bêlem với vị hôn thê mới cưới. Luca muốn đọc giả thấy tình trạng khó khăn kinh tế này, nhưng chúng ta thường bỏ qua các gợi ý như vậy.
Khi Maria và Giuse đến Bêlem, các trình thuật phổ thông mô tả người chủ trọ từ chối họ bởi vì không còn phòng ở quán trọ trong vùng. Một số người tưởng tượng ra rằng, bởi vì không còn phòng ở các quán trọ, nên Chúa Giêsu được sinh ra nơi một cái hang trong những sườn đồi của Bêlem. Nhưng khi đọc kỹ hơn, chúng ta thấy điều gì đó hoàn toàn khác. Giuse ắt hẳn có họ hàng tại Bêlem và họ sẽ có một dãy nhà gần nhau trong khu đất gia đình. Trong một khu vực như thế, thường có những căn phòng riêng và khép kín (‘phòng trọ’/‘phòng cho khách’ – Lc 2,7[2]), một số phòng ít riêng tư hơn, và một chuồng gia súc. Hai vợ chồng mệt mỏi vì chuyến hành trình có lẽ được họ hàng đưa vào khu vực này, tuy nhiên vì không còn chỗ bên trong (hay bên trong ‘phòng trọ’), vì thế họ ở một góc của chuồng gia súc. Nhưng các ngài cũng ở trong khu vực các phòng trọ gia đình, dùng bữa chung với họ hàng, chứ không bị từ chối cũng như phải chịu cảnh cô đơn. Người ta có thể hình dung rằng khi Maria chuyển dạ, tất cả các dì và chị em họ hàng sẽ như những bà đỡ, giúp cô gái trẻ trong lần sinh nở đầu tiên. Một cách đọc kỹ hơn trình thuật của Luca không cho thấy có một người chủ trọ không hiếu khách nào nhưng có nhiều họ hàng vây quanh gia đình thánh đêm đó.
Ngoài cánh đồng, có những người chăn chiên đang canh giữ đàn vật, họ quan trọng nhưng lại vô hình, không được chú ý. Bởi vì Bêlem là khu bán thịt[3] của xứ Giuđê, nên những người chăn chiên là lao động thiết yếu giúp chăm sóc đàn súc vật và nhờ đó có thể sản xuất những sản phẩm như mỡ, lông và thịt cừu để bán ở chợ. Do công việc gian khổ, họ như vô hình trước thành phần giàu có, quyền lực của xã hội. Nhưng họ có thể là những người thân quen đối với gia đình của Giuse, và có nhiều điểm chung hơn là không liên hệ gì với Giuse. Và việc Luca đưa họ vào trình thuật nói lên điều gì đó về việc Thiên Chúa nhìn đến những người mà chúng ta cho là vô hình – và thậm chí còn đưa họ vào câu chuyện giáng sinh của đức tin chúng ta.
Mátthêu tiếp cận trình thuật giáng sinh theo một hướng khác. Không có mục đồng, thiên thần, hay không đề cập đến cuộc điều tra dân số, nhưng kể nhiều hơn về những gì xảy ra sau khi Chúa Giêsu sinh ra. Một số [không rõ số lượng] đạo sĩ đi từ phương Đông tìm kiếm hy vọng. Chúng ta biết có ba bảo vật, và vì thế xuất hiện một giả thuyết là mỗi một bảo vật do một đạo sĩ mang tới. Nhưng đây chỉ là phỏng đoán của chúng ta.
Các đạo sĩ đi theo một ngôi sao, một dấu hiệu trên trời cho thấy một điều gì đó thần thiêng đang diễn ra. Đây là cách họ đi đến một lãnh thổ xa lạ và dừng trước cửa cung điện vua Hêrôđê ở Giêrusalem, để tìm kiếm vị vua tiếp theo. Tuy nhiên, họ không tìm kiếm một vị vua thiêng liêng hay một tư tế. Họ đang tìm một nhà cai trị bản địa, người sẽ truất phế vị hoàng đế ngoại quốc và khôi phục chủ quyền quốc gia. Họ hy vọng nếu nó có thể xảy ra ở Giuđê, có lẽ nó cũng xảy ra ở Ba Tư. Cuối cùng khi tìm thấy hài nhi, họ bái lạy. Đây không phải là một hành vi tôn giáo, mà là hành vi chính trị. Họ bày tỏ sự tôn kính đối với vị vua mới của Giuđê, người sẽ đem lại hòa bình thực sự. Và sau chuyến hành trình chính trị, họ trở về quê nhà với niềm hy vọng.
Bản chất của hòa bình là một điều khác để tái xem xét các trình thuật giáng sinh. Chúng ta thường ca hát Thiên Chúa đem hòa bình đến vào thời điểm này của năm, tán dương Chúa Giêsu là Hoàng tử Hòa bình. Thật dễ dàng để cho rằng cuối cùng hòa bình cũng khởi đầu khi Chúa Giêsu sinh ra. Tuy nhiên Pax Romana (Thái bình La Mã, tức là thời kỳ đế quốc La Mã tương đối bình an vào thế kỷ I và II) đang hoàn toàn thống trị, Cêsarê đã đạt được một thế giới hòa bình riêng. Vì thế có lẽ việc Thiên Chúa ngự đến ở Bêlem gợi lên việc phê bình một cách hiểu chung về hòa bình. Một nền hòa bình đòi hỏi sức mạnh quân sự, bóc lột kinh tế nhiều người, và biến thế giới trở nên bất an hơn và đầy đau thương là một nền hòa bình giả tạo.
Chiến dịch hòa bình của Thiên Chúa diễn ra nơi bệ sinh của sản phụ [x. Xh 1,16] chứ không nơi chiến trường. Đây là một kiểu hòa bình hoàn toàn khác. Và đây là điểm mà cả Luca và Mátthêu đều đồng ý: Thiên Chúa tặng ban một kiểu hòa bình mới cho những ai sẵn sàng hình dung lại thế giới qua con mắt của gia đình thánh nhỏ bé đang cố gắng sống sót dưới sức mạnh của một đế chế. Nó là câu chuyện của sự gian khổ và niềm hy vọng đầy khó khăn. Và nó mời gọi chúng ta bước vào Mùa Vọng một lần nữa.
[1] Chú thích của người dịch [ND].
[2] Từ “inn – nhà trọ” được dùng để dịch từ katalyma của bản gốc Hy Lạp, thế nhưng từ katalyma này lại được dịch là “guestroom – phòng cho khách” trong tường thuật về Bữa Tiệc Ly của Máccô và Luca (Mc 14,14; Lc 22,11). X. Luke Khổng Quang, “Quán trọ trong câu chuyện Chúa Giáng Sinh”, ngày truy cập 23/12/2022, https://gpquinhon.org/q/than-hoc/quan-tro-trong-cau-chuyen-chua-giang-sinh-5024.html [ND].
[3] Bêlem có nghĩa là “ngôi nhà bánh” trong tiếng Hípri và “ngôi nhà thịt” trong tiếng Aram [ND].
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn