CÁI GIÁ PHẢI TRẢ ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ
Chúa nhật XXIII Thường niên năm C
Kn 9,13-18; Plm 9b-10.12-17; Lc 14, 25-33
Những khẳng định và lối diễn tả mang tính thách đố của bài Tin mừng Chúa nhật XXIII Thường niên có thể khó hiểu và không dễ đón nhận. Tuy nhiên, quan điểm của bài Tin mừng cho chúng ta thấy được những viễn cảnh quan trọng về việc làm môn đệ Đức Kitô để chúng ta có thể suy nghĩ về chính bản thân và sứ vụ của mình.
Bối cảnh của bài Tin mừng hôm nay rất hữu ích cho việc đọc hiểu bản văn. Vài chương trước trong Tin mừng Luca, Chúa Giêsu đã tương tác với đám đông cũng như những nhóm nhỏ các môn đệ và các nhà lãnh đạo Do Thái. Với mỗi nhóm, Ngài đã dạy những khía cạnh khác nhau về Nước Trời và những đòi hỏi liên quan đến việc trở nên môn đệ. Qua các việc chữa lành và phục vụ, chuyện kể và suy ngẫm về bản thân cũng như sứ vụ của mình, Chúa Giêsu trình bày những yếu tố của việc làm môn đệ để truyền cảm hứng cho cộng đoàn của Ngài.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày những đòi hỏi liên quan đến việc sống theo Tin mừng. Có thể hiểu một số giáo huấn của Chúa Giêsu ở đây về việc “ghét” gia đình, mạng sống của chính mình và lượng định khả năng xây tháp của một người bằng lối nói ngoa dụ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu gợi lên những hình ảnh bắt nguồn từ những trải nghiệm khó khăn trong cuộc sống để người nghe ngạc nhiên và gợi hứng để họ thực hành. Chúa Giêsu liên kết cách thích hợp và mạnh mẽ việc làm môn đệ với việc vác thập giá : “Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể là môn đệ của tôi”. Trước đó trong Tin mừng, Chúa Giêsu cũng dùng ngôn ngữ tương tự: “Ai muốn theo ta, thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta” (Lc 9, 23). Chúa Giêsu dùng hình ảnh thập giá như một kiểu mẫu và gương sáng cho việc làm môn đệ. Việc giải thích ngôn ngữ này trong bối cảnh Tin mừng rộng hơn sẽ cho chúng ta thấy được ý nghĩa của hình ảnh này, khi Chúa Giêsu dùng cái chết hy tế của Ngài làm mẫu gương cho các môn đệ. Ngài kêu gọi các tín hữu sống, rao giảng và chăm sóc người khác dưới ánh sáng của thập giá, vốn đòi hỏi sự sẵn sàng hiến thân vì lợi ích của tha nhân.
Mặc dù ngôn ngữ và hình ảnh này gợi lên nhiều liên tưởng, chúng ta cần lưu ý là những bản văn này không có ý cổ võ việc gây ra hay kéo dài những trường hợp lạm dụng. Ngôn ngữ này có thể bị hiểu sai để xem nhẹ hoặc phớt lờ đau khổ, coi đó như một điều kiện để làm môn đệ. Thay vào đó, tình yêu tự hiến mà Chúa Giêsu ngụ ý nơi thập giá nên được hiểu theo sứ điệp Tin mừng rộng hơn về tình yêu Thiên Chúa và người lân cận, cổ võ việc phục vụ như một lối sống theo Tin mừng. Chúng ta nên lưu ý và tránh những cách diễn giải có thể khiến tổn thương, vô tình hoặc thậm chí cố ý bênh vực cho đau khổ và lạm dụng.
Bài Tin mừng hôm nay vang vọng những bài Tin mừng Chúa nhật trước vốn trình bày những chia rẽ và khoảng cách có thể xảy ra khi trở nên môn đệ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói về sự thù nghịch giữa cha mẹ và con cái, vợ chồng và anh chị em, tương tự như trong bài Tin mừng của các Chúa nhật XX và XXI Thường niên, khi lưu ý rằng không phải tất cả mọi người đều sẽ đón nhận sứ điệp tình yêu của Tin mừng vốn có thể gây chia rẽ, thậm chí giữa các thành viên trong gia đình. Ngài còn nhắc lại những chia rẽ tiềm ẩn này để những ai theo Ngài hiểu được những gì mà việc tham dự vào sứ vụ của Ngài đòi hỏi và nhờ vậy, họ thấy mình đang vun đắp một gia đình đức tin mới. Việc Chúa Giêsu trình bày minh bạch như thế có thể gây khó khăn, nhưng điều đó giúp ích cho cộng đoàn của Ngài khi chọn trở thành môn đệ, ngay cả khi phải trả giá đắt.
Sau cùng, Chúa Giêsu nêu bật giá phải trả về vấn đề tài chính liên quan đến sứ vụ của ngài khi mời gọi các môn đệ từ bỏ tài sản của mình. Ngôn ngữ này giả định Chúa Giêsu nói với những người có điều kiện tài chính, và mời gọi họ từ bỏ tình trạng tài chính và an toàn của bản thân. Có thể suy luận cách khác là khi theo Chúa Giêsu, các môn đệ có thể khiến mình dễ bị bắt bớ, mất địa vị và nghề nghiệp.
Vậy, tại sao lại trở nên môn đệ Chúa Giêsu? Cách trình bày việc trở nên môn đệ nơi bài Tin mừng hôm nay không lôi cuốn. Bài Tin mừng có thể tác động nhiều hơn nếu chúng ta nghĩ đây không phải để quảng cáo nhưng để suy ngẫm phân định trở nên môn đệ. Chúa Giêsu tiết lộ các điều kiện của việc trở thành môn đệ để nêu bật những đòi hỏi và xem xét nghiêm túc. Chúa muốn những ai bước theo Ngài phải suy nghĩ, cân nhắc những ưu, khuyết điểm và chọn bước theo Ngài dẫu có những hiểm nguy. Khi suy ngẫm về bài đọc này, chúng ta có thể được truyền cảm hứng để phân định liên tục và nghiêm túc về những lời mời gọi trở thành môn đệ Chúa Kitô.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta có thể làm gì để sống theo sứ điệp tình yêu của Tin mừng ?
Chúng ta đáp trả thế nào khi có bất đồng và căng thẳng?
Chúng ta thực hành những gì để suy ngẫm về ơn gọi của chính mình?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (29/8/2022)
Nguồn: https://stellamaris.edu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn