CÁI CHẠM CÓ SỨC BIẾN ĐỔI CỦA CHÚA GIÊSU
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật Chúa Hiển dung năm A.
Đn 7,9–10. 13–14; 2Pr 1,16–19; Mt 17,1–9.
Thánh Inhaxiô Loyola thích dùng trí tưởng tượng để lấp đầy những khoảng trống nơi kiến thức thần học còn hạn chế của mình. Để đạt đến chiều sâu của việc chiêm niệm, thánh nhân đã vận dụng mọi giác quan để tạo ra một khung cảnh nơi Kinh Thánh đã trở nên rất sống động. Lời Chúa trong Lễ Chúa Hiển Dung là một bản văn thích hợp để áp dụng lối cầu nguyện này. Các bài đọc Chúa nhật đã kích hoạt ba giác quan chính: thị giác, thính giác và xúc giác. Trong khi thị giác và thính giác gợi hứng rất nhiều cho việc tưởng tượng, thì chính qua việc chạm đến của Chúa Giêsu, như việc đặt tay chúc lành, đã mang lại sức sống cho các môn đệ.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Đaniel đã sử dụng thể văn “khải huyền” trong Kinh thánh. Thể văn được biết đến với những hình ảnh ấn tượng qua cách diễn tả sinh động. Sách Đaniel viết: “một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy.” (Đn 7,9). Hãy tưởng tượng một vụ cháy rừng với những ngọn lửa hơn 15 mét đang bốc cao đến tận trời; đây chính là hình ảnh của Thiên Chúa trong sách Đaniel. Hình ảnh ấn tượng này về quyền năng Thiên Chúa trình bày một vị Bô Lão đang ban quyền năng cho “Con Người đến trong đám mây trên trời.” (Đn 7,13). Thị kiến trên giống với khung cảnh sống động trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần này.
Bài Tin mừng Chúa nhật Chúa Hiển Dung hôm nay mô tả Chúa Giêsu biến hình trước mặt ba môn đệ thân cận nhất là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu đã thay đổi diện mạo và có một vài điểm gợi nhớ đến thị kiến của Đaniel. Thánh Matthêu viết: “mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết.” (Mt 17,2). Sau đó, các môn đệ còn nhìn thấy Môsê và Êlia. Khung cảnh này mang đầy tính biểu tượng. Môsê là đại diện cho Lời Chúa dưới dạng chữ viết, Êlia là Lời Chúa trong truyền thống ngôn sứ, và Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Tuy nhiên, bức tranh bộ ba này còn bao gồm sự hiện diện thứ tư là chính Thiên Chúa, “có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng” (Mt 17,5).
Trong thị kiến trên đỉnh núi, nỗi sợ hãi là lý do lấn át các giác quan của các môn đệ. Trong Kinh thánh, ở gần sự hiện hiện của Thiên Chúa thường khiến cho tinh thần suy yếu và mệt mỏi. Trong bản văn này, thánh Phêrô và những người bạn đồng hành không chỉ đứng trước sự hiện diện của một mà là bốn nhân vật từ trời. Hơn nữa, còn có tiếng Thiên Chúa từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17,5). Lời phán ấy thật chính đáng vì Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Bối cảnh Tin mừng cũng cho thấy hoạt động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần trên các tông đồ khi không có chút hoài nghi nào nơi các ông.
Chúa Giêsu đến gần và chạm đến các môn đệ, cử chỉ cuối cùng này của Ngài ngay sau thị kiến đáng ra phải được chú ý nhiều hơn nhưng thường bị bỏ qua. Sau khi nghe tiếng phán từ trong đám mây, các môn đệ ngã sấp xuống. Thánh Matthêu viết: “Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông” (Mt 17,7). Từ Hy Lạp mà thánh nhân sử dụng là hapto, nghĩa là “soi sáng, tiếp xúc gần, chạm đến”. Đó cũng là từ mà thánh Matthêu sử dụng khi Chúa Giêsu chạm đến những người bệnh. Nói cách khác, hành động này của Chúa Giêsu là một cử chỉ chữa lành của Thiên Chúa trong Kinh thánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ” (Mt 17,7). Thị kiến liền kết thúc, và dấu tỏ lộ duy nhất còn lại của Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu, Đấng duy nhất ở lại với các môn đệ.
Trong khung cảnh này, quyền năng không phải là cảnh tượng Chúa Giêsu biến hình, nhưng ở cái chạm có sức chữa lành mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ yêu dấu. Để được trải nghiệm về thị kiến này tác động trọn vẹn, các môn đệ cần được chữa lành tinh thần yếu đuối, có lẽ vì họ thiếu can đảm cho cuộc hành trình phía trước. Sứ vụ tông đồ ngày nay cũng thế; để bản thân lớn lên trong lời cầu nguyện và tu đức, chúng ta luôn cần Đức Kitô chạm đến để chữa lành. Khi bước đi trên hành trình đức tin, chúng ta sẽ được biến đổi nhờ cái chạm có sức chữa lành ấy.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta dùng đến sức mạnh của trí tưởng tượng trong lần cầu nguyện gần đây nhất là khi nào?
Chúng ta có thể mở rộng tầm nhìn về Thiên Chúa qua trí tưởng tượng như thế nào?
Chúng ta có cần chữa lành trí tưởng tượng để nhìn thấy Chúa Kitô không?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (02/8/2023)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn