Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần V Phục sinh. Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ bảy - 28/04/2018 22:15  1642
Thứ hai Tuần V Phục Sinh
Chúng tôi loan tin mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó’.

Công việc rao giảng tin mừng của Phaolô và Barnaba không chút dễ dàng gì. Những người do thái liên kết với người ngoại giáo tìm cách ném đá hai ông. Nhưng quyền năng của Thiên Chúa hoạt động che chở các tông đồ. Đến độ tại Listra họ đã làm phép lạ chữa lành một người bại liệt. Dân chúng phấn khích. Họ nghĩ rằng Phaolô và Barnaba là hiện thân của các vị thần Zeus và Hermes từ trời xuống. Sự hưng phấn đến cao độ thầy tư tế của thần Zeus thực hiện những hình thức tôn vinh các ngài vì họ tin các ngài là thần linh mặc xác con người. Phaolô và Barnaba phản đối: họ xé áo mình ra. Các ngài không dừng lại nơi việc từ khước điều ngu xuẩn và sai lạc mà còn vui mừng loan báo về Thiên Chúa hằng sống, vì tình yêu, đã không ngừng thi ân giáng phúc cho con người.

Hai bài học rút ra rừ đoạn văn này sống động này. Trước tiên lòng yêu mến sự thật làm chuyển vị con người ta vào trong chiều kích tạo thành không bao giờ dám có những thái độ chống đối Đấng Tạo Hóa.

Thái độ khác đó là không bao giờ dừng lại nơi sự phẫn nộ, ngay cả khi là chính đáng, nhưng phải tiến đến một việc loan báo những gì là chân, thiện, mỹ, bằng chính những lựa chọn hằng ngày trong lòng cậy tin và yêu mến của chúng ta nữa.
Lạy Chúa, xin hãy củng cố con người chúng con. Xin bảo vệ con người con và biến nó nên chứng cứ cho sự hiện diện của Chúa.
+++
Ai yêu mến Thầy
Giácóp yêu Rachel và để có thể cưới cô làm vợ, đã phải ở rể cho ông cha vợ Laban 7 năm trời, ‘nhưng đối với cậu chỉ như vài ngày vì cậu quá yêu cô’ (St 29,20). Rồi sau khi bị Laban tráo trở (gả cô chị Lêa), Giacóp lại chấp nhận ở rể thêm 7 năm nữa. ‘Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả’ (1 Cor 13,7). Tin tưởng và kiên trung là dấu chỉ của tình yêu đích thực.
Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lập lại ý tưởng ấy ít nhất đến ba lần: Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy và những điều Thầy truyền dạy. Giữ những điều Thầy truyền dạy (tóm gọn trong lệnh truyền yêu thương), giữ các lời của Thầy (lời dạy của Chúa được Giáo Hội truyền lại) chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta giữ lời của Ngài, nhất là khi lời của Chúa Cha chiếm lấy hồn ta (Thánh Augustinô).
Tình yêu giữa Cha và Con là công trình của Chúa Thánh Thần, được đổ tràn vào lòng chúng ta qua các bí tích. Cũng như sứ mạng của Đức Kitô là dẫn đưa chúng ta đến với Cha, sứ mạng của Chúa Thánh Thần cũng dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Con (Thánh Tôma Aquinô). Chính Thánh Thần cho ta khả năng đối mặt với tất cả mọi sự nhờ qua Đức Kitô. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!

Thứ ba Tuần V Phục Sinh
Thánh Giuse thợ

Phản ứng của dân chúng Nagiarét về sự khôn ngoan của Đức Giêsu làm ta nghĩ đến bài đọc sách Huấn Ca, nêu lên sự đối nghịch giữa việc lao động tay chân và lề luật (‘Ai ít bận việc tay chân, việc đồng áng, thì dễ nên khôn ngoan’). Theo sách Huấn Ca, dân chúng (công nhân, nông dân) quan tâm đến những điều vật chất; giới kinh sư, ngược lại có những suy tư sâu xa, tìm kiếm những điều quan trọng và có thể trở nên người tư vấn về cách sống tốt đẹp cho cả dân thành.
Dân Nagiarét tự hỏi nhau: ‘Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao?’ là người chẳng có ăn học, không có văn hóa?

Rõ ràng sự khôn ngoan của Đức Giêsu là khôn ngoan của Thiên Chúa và nhiều lần Ngài còn nhấn mạnh về mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ cho những kẻ bé mọn, những kẻ đơn sơ và ẩn giấu cho những kẻ khôn ngoan và Ngài còn lên tiếng chỉ trích các luật sĩ ‘họ nói mà không làm’.
Đàng khác tin mừng cũng nhấn mạnh: cần phải đón nhận lời Thiên Chúa và chỉ khi được khởi hứng do lời Thiên Chúa, công việc mới có giá trị. ‘Tất cả những gì anh em làm trong lời nói cũng như trong hành động, hãy làm vì danh Chúa Giêsu, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha’.
‘Tất cả những gì anh em làm’, là những lao động tay chân hay trí thức. Tin mừng dạy ta phục vụ chân thành, khiêm tốn, sẵn sàng trong bác ái, để được liên kết với Đức Giêsu, con bác thợ mộc, đấng tuyên bố mình được sai đến để phục vụ.

Phẩm giá đích thực nằm ở chỗ phục vụ anh em, theo khả năng của mình, trong sự kết hợp với Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Hãy xem xét thang giá trị của mình, để làm cho nó luôn phù hợp với thánh ý Chúa.
+++
Barnaba và Phaolô trở lại Lýtra, Icôniô và Antiokia. Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: ‘Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa’.

Banaba và Phaolô như những ngọn đuốc cháy sáng, đến mọi nơi loan báo tin mừng trong các thành khác nhau.
Quả thật là những người đi gieo giỏi giang, họ không bằng lòngđi gieo hạt Lời Chúa. Cho dù hành trình của họ vào thời ấy không dễ dàng chút nào, Phaolô và Banaba còn quay trở lại những cộng đoàn mà họ đã thiết lập. Họ quay trở lại không chỉ để nhìn thấy hạt giống Lời Chúa lớn lên như thế nào mà họ còn hăng say tưới thêm bằng lời giảng dạy, bằng cách sống hiệp thông.

Ngày nay việc loan báo tin mừng cũng đòi hỏi nơi chúng ta lòng can đảm và hằng say kiên trì như thế.

Khi thấy có cỏ dại của sự chàn chường và thất vọng, cách thức để nhổ nó đi là: tin rằng cuộc sống sẽ qua đi và cùng với nó những gian khổ cũng sẽ qua đi, nhưng nhất là Thiên Chúa và Nước Thiên Chúa sẽ mở ra một tương lai vinh quang.
Lạy Chúa, xin làm cho con vui tươi và kiên trì trong niềm hy vọng.
+++
Bình an của Thiên Chúa
Trong trại tập trung Auschwitz, có một phòng giam ‘nổi tiếng’ Phòng Giam số II. Đây là một phòng nhỏ sâu dưới lòng đất, nơi thánh Maximilianô Kolbê đã chết đói sau một thời gian hấp hối dài và chịu đủ mọi cực hình. Bên ngoài là chiếc sân nhỏ, nơi khoảng 20.000 người đã bị sát hại; bên cạnh là ‘bệnh viện’ nơi người ta mỗ xẻ thân xác con người như thú vật, và ở cuối con đường là lò thiêu xác. Nơi trái tim của Cha Kolbê chắc chắn phải có sự bình an mà Đức Kitô hứa ban cho các môn đệ Ngài, vì Cha đã theo gương Ngài chấp nhận chết thay cho người khác.

Trong những hoàn cảnh tương tự, thánh Tôma More đã cầu nguyện: ‘Sự mất mát của cải chóng qua, mất bạn bè, mất tự do, mất mạng sống và mất tất cả chẳng là gì so với mối lợi là có được Đức Kitô’.

Quyền lực thế gian này cai trị bằng đe dọa, sợ sệt. Nhưng Đức Kitô nói: ‘Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi’. Ngài ban cho chúng ta bình an không theo kiểu thế gian, nghĩa là thứ bình an của thỏa mãn chán chường, thứ bình an sinh ra từ việc thỏa hiệp, bình an của những kẻ đang sống mà thật ra đã chết; nhưng bình an của Ngài là bình an của sự kết hiệp với Thiên Chúa, với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sự bình an sinh bởi sự tha thứ tội lỗi và được nuôi dưỡng bằng tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, bình an ấy tăng triển theo mức độ chúng ta chịu đau khổ vì Đức Kitô.

Thứ Tư Tuần V Ps
Người ta bèn cử ông Banaba và Phaolô và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và các kỳ mục, để bàn vế vấn đề đang trang tụng.

Đây là vấn đề cấp bách nếu không giải quyết sẽ gây ra nhiều bất đồng.
Ngay trong những cộng đoàn đầu tiên của kitô giáo đã xảy ra điều mà bất cứ cộng đoàn nào đều thấy có. Vấn đề liên quan đến những người tân tòng. Một ít người đề nghị cách quyết liệt rằng những ai không thuộc dân Israel, trước khi được nhận bí tích thánh tẩy, phải được cắt bì. Đó là điều mà họ không đồng ý với Banaba và Phaolô.

Điều đáng lưu ý là họ không vội vàng quyết định ngay, nhưng đã cử Banaba và Phaolô lên Giêrusalem để thỉnh ý các Tông đồ và các kỳ mục, lúc bấy giờ để lên Giêrusalem họ phải đi ngang qua Phênicia và Samaria.Cả hai trải qua cuộc hành trình dài nhờ sự trợ cấp của các tín hữu ở Antiokia.
Banaba và Phaolo tuy là những người tôi tớ trung thành của tin mừng, họ đã không đưa ra một quyết định riêng của họ, nhưng đã đi thỉnh ý Phêrô và các kỳ mục.

Sự việc ấy có ý nghĩa cho cả ngày nay trong Giáo hội: Đức Giáo Hoàng (kế vị thánh Phêrô) hiệp nhất với các Giám Mục (kế vị các tông đồ) là tâm điểm soi sáng cho mọi người đến múc lấy những hướng dẫn để bước đi trong ánh sáng của Chúa Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trao chìa khóa Giáo hội cho Phêrô và các vị kế nhiệm, xin đừng để chúng con sống như những người quá khích, nhưng như những tôi tớ biết vâng phục Đấng thay mặt Đức Kitô trên thế gian, và những Giám mục cộng tác viên của ngài.
Lắng nghe Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục khi các ngài nói nhân danh Thiên Chúa, có nghĩa là có sự nhất quán: tin thật rằng Thánh Thần soi sáng các ngài để chúng ta, dân của Thiên Chúa có thể lớn lên trong đức tin, trong đức cậy và đức mến.
+++
Chấp nhận cắt tỉa
Trong nhiều vùng miền trên thế giới hiện nay, người kitô hữu vẫn còn là một hình ảnh của loại trừ. Ngay cả trong những quốc gia công giáo truyền thống, người tín hữu đang bị nhận chìm trong chủ nghĩa vật chất và trong chủ nghĩa thế tục, đe dọa sự sống theo Thần khí.
Một mình chúng ta, chúng ta sẽ đánh mất chính mình, hoảng sợ trước những sức mạnh hầu như luôn lớn mạnh hơn và nguy hại hơn.
Tình trạng của Giáo hội thời buổi ban đầu không khác là bao. Các kitô hữu tiên khởi đi theo nhóm ngư phủ vùng Galilêa, bị tước mất quyền lợi trên những việc đời, nhưng lại tràn đầy sức mạnh của Thánh Thần, ‘họ đã đến, đã thấy và đã chiến thắng’ đế quốc Roma. Chỉ dựa vào sức riêng mình, họ chẳng thể làm được gì, nhưng liên kết với Đức Kitô, như cành nho với thân nho, họ trổ sinh nhiều hoa trái.

Mỗi người tín hữu được mời gọi làm như thế: sẵn sàng để cho người trồng nho, là Chúa Cha, cắt tỉa. Nói cách khác, để sinh hoa trái ta cần phải sẵn sàng chấp nhận đau khổ, ví dụ đi ngược lại với những xu hướng thịnh hành hiện thời, tôn trọng những nguyên tắc kitô giáo trong các công việc làm ăn kinh doanh, chung thủy trong đời sống hôn nhân, chịu đựng mọi kỳ thị do việc tuyên xưng công khai niềm tin của mình.
Sự đau khổ như thế thanh luyện lòng người tín hữu và tăng cường sự sống của Đức Kitô trong ta.

Thứ Năm Tuần V Ps
Lễ Thánh Philipphê Và Giacôbê

Đức Giêsu loan báo việc Ngài sắp ra đi ngay trong bữa tiệc sau cùng (Ga 13,33), làm cho Phêrô phải hỏi ngay: ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu’ (Ga 13,36). Sau khi tiên báo việc Phêrô chối Thầy, Đức Giêsu an ủi các tông đồ bằng cách bảo cho họ biết rằng Ngài ra đi là để dọn chỗ cho họ: ‘Thầy đi đâu, chúng con đã biết đường rồi’ (Ga 14,4). Những lời này của Đức Giêsu có hai mục đích theo suy tư của thánh sử. Trước hết nhắc đến lời giáo huấn của Đức Giêsu, đặc biệt là giới luật mới (Ga 13,34-35), chỉ cho biết đâu là con đường phải bước theo. Những lời ấy còn gợi lên những thắc mắc của Tôma. Tôma hỏi: ‘Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?’ Đức Giêsu đáp: ‘Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy’ (Ga 14,5-6). Câu trả lời của Đức Giêsu một lần nữa dẫn ta vào trong mầu nhiệm con người của Ngài. Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, là con đường dẫn đến Chúa Cha. Con đường duy nhất (Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy). Một con đường cá biệt. Con đường đồng hóa với mục đích vì Ngài là sự thật và là sự sống (Thánh Tôma Aquinô).

Ngài còn nói tiếp: ‘Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy’ (Ga 14,7). Biết Đức Giêsu nghĩa là biết Chúa Cha, Thiên Chúa tình yêu. Các tông đồ đã biết Chúa Cha và một cách nào đó đã thấy Người nơi Chúa Con, trong quà tặng tình yêu của Người. Câu hỏi của Philipphê và câu trả lời của Đức Giêsu (Ga 14,8-10) cho biết sự kết hiệp giữa Chúa Cha và Chúa con, mật thiết trong lời nói và hành động cứu độ, tình yêu, ân ban sự sống. Công việc của Đức Giêsu làm  là cách trình bày tốt nhất cho biết về sự kết hiệp này.

Trong ba câu cuối Đức Giêsu hứa cách long trọng. Trước hết Ngài hứa cho người tin Ngài sẽ làm những việc lớn hơn việc Ngài làm nữa (Ga 14,12) và còn hứa sẽ luôn thực hiện điều người tin cầu xin Chúa Cha nhân danh Ngài (Ga 14,13-14).
+++
Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ.
Phaolô nói nhân danh Thiên Chúa, ngài làm chứng về điều chân thật, tốt đẹp. Là Thiên Chúa  hằng sống, đấng thấu suốt mọi tâm can. Tâm can của con người là nơi bí ẩn nhất từ đó xuất phát điều lành cũng như điều dữ. Hành động theo thánh ý Thiên Chúa được thể hiện qua các lề luật của Người, tin mừng, những phận vụ riêng của mình hoặc hành động theo sự xúi giục của ma quỷ và những đam mê không kiểm soát được, tất cả khởi đầu từ tấm lòng của ta.Thiên Chúa biết ta và yêu thương ta. Không có ngăn trở hay khác biệt dẫn đến phân biệt đối xử. Thánh Thần được ban cho mọi người có lòng thành tâm: cho bất cứ ai thuộc bất cứ dân tộc, tôn giáo nào. Lý luận của Phêrô thật rõ ràng: nếu Thiên Chúa không phân biệt đối xử thì ta là ai mà lại dám?
Lạy Chúa, đấng dò thấu mọi tâm can, xin chữa lành con khỏi chỉ trích phân biệt đối xử. Xin làm cho con nên khí cụ tình thương của Chúa.
Đức Kitô là sự thông hiệp. Ngài không đến thế gian này để sáng lập một tôn giáo mới, nhưng để mời gọi mọi người hiệp thông trong Ngài (Roger di Taizé)
+++
Niềm vui
Cách ngôn trung hoa có câu: ‘Vẫn là vợ chồng dù phải ăn mày’. Nói cách khác, nếu chúng ta yêu thương nhau, chúng ta vẫn hạnh phúc ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Niềm vui là dấu chỉ của người tín hữu đích thực, người yêu mến Thiên Chúa và ở lại trong tình yêu của Đức Kitô. Khép kín và do dự, lòng con người khó mà chấp nhận được Thiên Chúa yêu cách vô biên, dù những tội lỗi và những khước từ.
Chấp nhận tình yêu không cân xứng của Đức Kitô, chấp nhận sự kiện là ngài yêu ta bằng một tình yêu vĩnh cửu, nghĩa là cảm nghiệm một niềm vui vô cùng to lớn, niềm vui được diễn tả qua những giọt nước mắt thống hối và trong những lời chúc tụng tạ ơn. Để niềm vui này tràn đầy, tâm hồn phải ở trong tình yêu của Ngài, phải nỗ lực luôn làm theo ý Ngài, sẵn sàng vác thập giá mình mỗi ngày, chịu đựng mất mát những niềm vui khác dù chính đáng và đến mức độ trải nghiệm sự vắng bóng Thiên Chúa, bóng tối của tâm hồn trước khi ánh bình mình của niềm vui vĩnh cửu ló dạng, ngay bây giờ và mai sau.

Thứ Sáu Tuần V Ps
Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình’.

Giới răn Chúa soi sáng đôi mắt con. Tất cả đều quý giá. Chúng mở ra cho ta những con đường nhiều lúc rất nhọc nhằn nhưng chỉ để làm cho ta sống cách trọn vẹn nhân tính được cứu chuộc của ta. Đây là điều quan trọng nhất trong các giới răn. Đức Giêsu gọi đó là điều răn của Ngài, nghĩa là tóm gọn tất cả những gì Ngài đến để mạc khải cho ta biết thánh ý Chúa Cha.

Chúa đã tóm tắt các giới răn là: ‘Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình và yêu tha nhân như chính mình’. Cần lưu ý đến trạng từ ‘như’. Cần phải yêu theo cách thức của Đức Giêsu, như Ngài đã yêu thương ta và thí mạng sống vì những kẻ Ngài yêu. Cần phải khám phá ra mỗi ngày ý nghĩa sâu xa của từ ‘như’ này.

Lạy Chúa, yêu vì cảm thông thì dễ dàng, yêu vì những tình cảm trong sáng và tự nhiên như của đôi vợ chồng, của cha mẹ đối với con cái thì hợp lý và tốt đẹp, yêu vì bị thúc đẩy bởi những đam mê bất chính thì xấu xa và dẫn đến cái chết. Nhưng xin Chúa hãy nắm lấy tay con và dạy con biết từ chối những gì thuộc ‘cái tôi’ của con để thực sự tìm kiếm điều thiện hảo cho tha nhân. Và sau cùng, xin hãy ban cho con đôi cánh để bay cao vào bầu trời của tình yêu – tự hiến mình: không còn có những chữ ‘nếu’, ‘nhưng mà’. Có điều gì đó chết đi trong con nhưng đó là điều chân thực. Điều nở hoa là tình yêu chân thực: tình yêu mà Đức Giêsu không chỉ đã nói đến mà còn nêu gương nữa.

Lạy Chúa, xin giúp con hiểu và nội tâm hóa từ ‘như’ để đời sống của con được nở hoa một vài mức độ ‘như’ cuộc đời của Chúa: một cuộc đời sống hoàn toàn cho tình yêu nhưng không.
+++
Tình bạn chân thật
Thời xưa, tình bạn được coi trọng trên hết mọi sự. Được xem như một điều quý hiếm, mà chỉ có người nhân đức và học thức mới hưởng thụ được.
Khác với tình yêu tính dục, trong đó những người yêu, họ yêu nhau bằng cách đặt mình đối diện với người kia, thì trong tình bạn, người bạn tự đặt mình bên cạnh người khác, cùng nhìn về một mục đích hoặc có chung một lợi ích: sự thật, sự thiện, sự mỹ (C.S. Lewis). Điều nối kết những người bạn chân thật là sự thật được diễn đạt qua một cuộc sống đạo đức.
Đức Kitô đã gọi các môn đệ của Ngài là ‘bạn hữu’, gần gũi với Ngài hơn chỉ vào cuối cuộc đời Ngài, sau khi cho họ biết tất cả những gì Ngài đã nghe biết từ Chúa Cha, sau khi đã tỏ sự thật cho những kẻ mà Ngài tuyển chọn. Để cảm nghiệm rằng không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Do đó, điều là quý hiếm trong thời xa xưa, lại là điều thường tình trong Giáo hội, nơi đây mọi người nam nữ nhận biết và sống sự thật.
Như thế Giáo hội là công giáo, là tình bạn chân thật, và do đó mọi người từ khắp mọi nơi có thể yêu thương nhau thật sự, như Đức Kitô đã yêu chúng ta. Điều này hiển nhiên hơn hết trong đời sống tu trì.
Thứ Bảy Tuần V Ps
Các ông đi qua miền Phygia và Galát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Axia. Khi tới sát ranh giới Myxia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Đức Giêsu không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Myxia mà xuống Troa.
Trong đoạn sách Công vụ, ta thấy Phaolô cùng với Sila tiếp tục cuộc hành trình rao giảng Nước Thiên Chúa. Ta thấy cá tính mạnh mẽ của Phaolô trong việc đưa ra chương trình hành động. Tuy nhiên ngài chỉ là một người được sai đi. Chúa sai ngài đi, nên Chúa có toàn quyền để điều chỉnh những dự tính và những đường nẻo trong hành trình của ngài. Phaolô đã để cho Chúa tiếp tục thay đổi, hủy bỏ, hướng dẫn những dự tính của ngài.
Là một bài học cho ta ngày nay. Là thế hệ của tiến bộ kỹ thuật, của những chương trình điện toán, ta thường hành động theo những dự toán trước. Là điều tốt. Miễn là phải ở trong tay của đấng có sẵn ý muốn tốt lành cho mọi người, dẫu đôi lúc còn bí ẩn với nhiều người.
Một khiếm khuyết mà ta thường mắc phải là sự cứng nhắc. Đã lên chương trình như thế , thì phải làm theo thế. Chúa liên kết ta với Người, đem ta vào trong tim của Người để ta nên mềm mại, để biết lắng nghe ý muốn của Chúa, chắc chắn hiệu quả hơn mọi dự tính của ta.
Lạy Chúa Giêsu xin giữ con. Xin làm cho con biết lắng nghe ý muốn của Chúa Cha. Xin cho con đừng làm chủ những dự tính của mình, mà là người thực hành vui tươi những dự tính của Chúa.
Cũng như thanh sắt trên chiếc đe, con phó thác ý muốn con cho Chúa
+++
Niềm tin chứng nhân
Một đức tin cần phải bảo vệ và loan truyền bằng gươm giáo là một đức tin quá yếu ớt. Lịch sử chứng minh điều nghịch lý này là đức tin kitô giáo trở nên mạnh mẽ khi bị bách hại.Tertuliano đã viết: ‘Máu các Thánh tử đạo là hạt giống sinh ra người kitô hữu’. Ngày nay, từ ‘tử đạo’ được dùng để chỉ người chịu khổ và chết vì một ‘nguyên do’, có thể là lý tưởng quốc gia, cách mạng xã hội, ngay cả ‘thánh chiến’ của những kẻ quá khích. Nhưng những tử đạo kiếu ấy chỉ gây ra thêm đau khổ lớn lao và rộng khắp hơn cho nhiều người khác. Người tử đạo đích thực (từ nguyên ngữ hy lạp có nghĩa là chứng nhân) chịu khổ chỉ vì là kitô hữu: chứng nhân của Đức Kitô.
Thế kỷ chúng ta đang sống là thế kỷ của tử đạo, với vô số vị tử đạo, như các kitô hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Mexicô…..ta có thể thêm vào đó nhiều vùng miền khác. Danh sách vẫn còn tiếp nối dài. Và nhiều người đã đối diện với một cuộc tử đạo ‘trắng’ nghĩa là không đổ máu, để sống vững niềm tin của mình trong một thế giới mỗi ngày một vô thần hơn hoặc rao giảng những đòi hỏi toàn vẹn của Giáo huấn giáo hội trong lãnh vực luân lý, có nền tảng là mạc khải của Đức Kitô. Đừng lấy làm ngạc nhiên, nhưng tốt hơn hãy vui mừng và hạnh phúc: vì đó là điều mà chính Ngài đã hứa ban cho chúng ta.

Thánh Mátcô
Bài tin mừng Mátcô nằm trong đoạn gọi là ‘đoạn kết của Mátcô’, gồm các tường thuật hiện ra và mệnh lệnh truyền giáo trao cho Nhóm Mười Hai (Mc 16,14) và qua họ trao cho toàn Giáo Hội (Mt 28,18-20). Bản văn chúng ta vừa đọc bắt đầu với lời di chúc của Chúa. Những lời đầu tiên là một mệnh lệnh sai đi: ‘Hãy đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật’. Giáo Hội phải rao giảng, nghĩa là sứ mạng rao truyền tin mừng là một mệnh lệnh của Chúa Phục sinh. Đối tượng là tất cả những ai sống trên thế gian: mọi tạo vật. Điều đó cho thấy tất cả mọi người đều có nhu cầu và bổn phận nghe tin mừng cứu độ. Nội dung, chính là tin mừng, tin vui của ơn cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô, nhờ Ngài và công trình của Ngài. Việc loan báo ấy gọi là rao giảng cách long trọng và công khai, được thực hiện với lòng can đảm và tin tưởng vào danh Thiên Chúa cứu độ. Bản văn còn tiếp tục nhấn mạnh đến sự trổi vượt của lời loan báo và việc đón nhận: ‘Ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận phạt’ (Mc 16,16). Ta đang đứng trước những lời quan trọng nhất liên quan đến cuộc sống của con người: cứu độ và bị luận phạt. Đức tin và phép rửa là những lời của sự sống; sự cứng lòng không tin là cửa mở cho việc luận phạt (Ga 3,14-21).
Và rồi liệt kê một loạt những dấu lạ làm cho người ta tin vào những kẻ được sai đi: xua trừ ma quỷ, ơn ngôn ngữ, miễn nhiễm với nọc rắn và độc dược, và sau cùng ơn chữa lành. Tất cả những điều đó là những dấu chỉ ân sủng đi theo suốt dòng lịch sử của Giáo Hội.
Bản văn kết thúc bằng loan báo việc Chúa Giêsu lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc 16,19) và chỉ thị ngắn về việc thực thi lệnh truyền giáo của các tông đồ, mang tin mừng đến khắp mọi nơi cùng với trợ giúp của Chúa (Mt 28,20). Nhiều dấu lạ đi kèm theo (Mc 16,20). Giáo hội truyền giáo đang lên đường, là mệnh lệnh cho tất cả mọi người.
 
 

Tác giả: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập99
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm66
  • Hôm nay27,974
  • Tháng hiện tại193,941
  • Tổng lượt truy cập50,606,548

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây