Ngừa thai và phá thai: sự liên kết cơ bản
Cha Walter J. Schu, L.C.
Các biện pháp ngừa thai có ngăn ngừa phá thai không?
Vào những năm 1950, một sự phát triển cách mạng đã diễn ra, ảnh hưởng đến những mối tương quan mật thiết nhất giữa người nam và người nữ: thuốc ngừa thai. Những hậu quả của nó đã được các đôi vợ chồng, gia đình, xã hội và chính Giáo hội Công giáo cảm nhận.
Trước những phản đối về luân lý, những người đề xướng thuốc ngừa thai đã ca ngợi nhiều lợi ích tiềm năng của nó. Họ chủ yếu kỳ vọng rằng loại thuốc này sẽ làm giảm số sinh ngoài hôn nhân, đây là một dự báo quan trọng đối với tình trạng nghèo đói khi đó cũng như hiện nay. Ai có thể nghi ngờ việc sử dụng biện pháp ngừa thai rộng rãi sẽ loại bỏ việc mang thai ngoài ý muốn? Và không phải phá thai chủ yếu là do mang thai ngoài ý muốn hay sao? Nhiều người kết luận rằng bằng cách tăng cường sử dụng biện pháp ngừa thai, người ta có thể giảm đáng kể số lần sinh ngoài hôn nhân. Ngay cả sau khi phá thai trở thành hợp pháp ở Hoa Kỳ và số lượng phá thai nhanh chóng tăng vọt, thì nhiều biện pháp tránh thai hơn được chào đón như là điểm mấu chốt để giảm tỷ lệ phá thai.
Một sự ngụy biện to lớn ẩn đằng sau lập luận này. Hiện nay việc sử dụng biện pháp ngừa thai đã phổ biến trong hơn bốn mươi năm, nhưng rõ ràng thực tế không đúng với luận điệu cho rằng việc sử dụng các biện pháp ngừa thai như vậy sẽ dẫn đến việc giảm số ca phá thai. Kể từ phán quyết sau vụ kiện Roe v. Wade năm 1973, số ca phá thai tiếp tục không suy giảm, ở mức gần 1,3 triệu ca mỗi năm. Trên thực tế, nghiên cứu mới cho thấy việc gia tăng tiếp cận các biện pháp tránh thai làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Một nghiên cứu được công bố trên British Medical Journal ngày 18/08/2000 cho thấy những thanh thiếu niên tham khảo ý kiến các chuyên viên y tế về các biện pháp ngừa thai thực ra lại có tỷ lệ mang thai cao hơn những người không áp dụng. Về việc ngừa thai làm giảm số ca phá thai, các nghiên cứu khác cho thấy rằng “trên 80% phụ nữ trẻ từng phá thai đều có kinh nghiệm ngừa thai”. Thật vậy, theo Viện Alan Guttmacher, hơn một nửa số phụ nữ phá thai nói rằng họ đang sử dụng biện pháp tránh thai trong tháng họ có thai.
Tiến sĩ Janet Smith, giáo sư thần học luân lý tại Đại Chủng viện Thánh Tâm (thành phố Detroit), đã lật ngược tam đoạn luận của những người ủng hộ việc tránh thai bằng một lập luận không thể nào bắt bẻ:
Hầu hết các trường hợp phá thai là do mang thai ngoài ý muốn, mang thai ngoài ý muốn hầu hết là do quan hệ tính dục ngoài hôn nhân, và hầu hết các quan hệ tính dục ngoài hôn nhân đều được thực hiện dễ dàng nhờ có các biện pháp tránh thai sẵn có. “Tiến trình” này đảo ngược lại như sau: tránh thai dẫn đến quan hệ tính dục ngoài hôn nhân nhiều hơn, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân nhiều hơn sẽ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn nhiều hơn; mang thai ngoài ý muốn sẽ dẫn đến phá thai nhiều hơn.
Có một lý do khác khiến việc tránh thai thực sự dẫn đến nhiều ca phá thai hơn. Có mối liên hệ hay tâm thức cơ bản giữa hai điều này. Tâm thức này xem sự sống con người như một điều gì đó không phải lúc nào cũng được chào đón và khi không được chào đón thì nó có thể bị loại bỏ. Kết quả là, “Người ta thường sử dụng việc phá thai như một biện pháp dự phòng sau khi cố gắng nhưng thất bại trong việc ngăn ngừa thụ thai”. Thần học gia Công giáo Germain Grisez cung cấp một miêu tả súc tích về hai cách thế mà các biện pháp tránh thai có thể khuyến khích việc phá thai:
Đầu tiên, việc cổ võ việc ngừa thai, đặc biệt là nơi người trẻ dung túng và thậm chí khuyến khích hoạt động tính dục vô luân. Ngay cả khi được cung cấp và sử dụng các biện pháp tránh thai, thì hoạt động tính dục này vẫn sẽ dẫn đến nhiều lần mang thai, vì tất cả các phương pháp tránh thai đều có tỷ lệ thất bại. Hơn nữa, khác với những trẻ em được dự định mở ra cho sự sống mới, những đứa trẻ thụ thai ngoài ý muốn có khả năng bị sẽ bị phá, hoặc bị bỏ rơi và lạm dụng, bởi vì chúng đã bị chối từ ngay từ đầu.
Liên kết nhân học
Nơi căn nguyên của tâm thức ngừa thai có một sai lầm căn bản về nhân học, đánh vào cốt lõi con người chúng ta với tư cách là con người. Người ta chỉ có thể chống lại điều này bằng cách chuyển sang biện pháp ngừa thai thay thế - kế hoạch hóa gia đình tự nhiên (các biện pháp tránh thai tự nhiên). Như Đức Gioan Phaolô II đã rõ ràng khẳng định rằng việc tránh thai và thuận theo các thời điểm có thể thụ thai cũng như không thụ thai cách tự nhiên theo chu kỳ của người phụ nữ dựa trên “hai quan niệm không thể hoà hợp với nhau là ngôi vị và tính dục con người”. Đằng sau tâm thức ngừa thai ẩn chứa một khái niệm thực dụng về thân xác con người như một đối tượng mà người ta có thể thao túng được Khi chúng ta sống theo quan điểm như thế về ngôi vị và tính dục, thì không có gì ngạc nhiên là khi việc ngừa thai thất bại thì thường đưa đến việc phá thai. Quan hệ tính dục có xu hướng bị giản trừ từ một hành vi tự trao hiến cá vị cho người khác thành một trong những hành vi thỏa mãn nhục dục với nhau, thoát khỏi mọi ràng buộc trách nhiệm đối với sự sống mới.
Liên kết sinh lý học
Mối liên hệ giữa tránh thai và phá thai đôi khi rất tinh vi và thậm chí là ngấm ngầm. Điều này đúng ở mức độ sinh lý học, khi một số biện pháp tránh thai có thể ngăn cản việc làm tổ của phôi thai mới thụ tinh trong tử cung. Đặc biệt, điều này còn liên quan tới trường hợp “viên thuốc buổi sáng hôm sau” [hay cũng gọi là thuốc ngừa thai khẩn cấp – emergency contraception pill]. Nhưng người ta cho rằng các biện pháp tránh thai khác, chẳng hạn như đặt vòng và các hình thức tránh thai bằng nội tiết tố, đôi khi cũng có thể hoạt động như thuốc phá thai, chứ không chỉ là biện pháp ngừa thai. Một phụ nữ sử dụng thuốc điều hòa sinh sản thậm chí không biết việc phá thai sớm như vậy có đang xảy ra trong cơ thể của mình hay không nữa.
Liên kết xã hội học
Trong lĩnh vực xã hội học, các nghiên cứu gần đây từ các nguồn bất ngờ khẳng định mối liên hệ giữa “cuộc cách mạng tránh thai” và sự gia tăng các ca phá thai. Một nghiên cứu được thực hiện bởi George Akerlof, một nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, giáo sư tại Berkeley, và một cựu thành viên tại Học viện Brookings. Ông không phải là một người bảo thủ về xã hội. Trong hai bài viết trên các tạp chí kinh tế hàng đầu, Akerlof trình bày chi tiết những phát hiện và đưa ra những lập luận để chứng minh các lời cảnh báo mang tính ngôn sứ của Đức Giáo hoàng Phaolô VI về những hậu quả của việc ngừa thai trên bình diện xã hội. Theo Akerlof, cuộc cách mạng tình dục làm cho phụ nữ truyền thống và ôn hòa (tức là những người không chấp nhận việc quan hệ tính dục trước hôn nhân và sử dụng các biện pháp tránh thai) không thể cạnh tranh với những phụ nữ chấp nhận việc quan hệ tính dục trước hôn nhân. Nếu một người phụ nữ đã mang thai, cô ấy không thể gợi lên việc hứa hôn nữa. Người bạn trai có thể nói đơn giản rằng việc mang thai là lựa chọn của người bạn gái. So với trước khi có thuốc ngừa thai và phá thai thì đàn ông có lẽ đã ít đồng ý hơn với “đám cưới chạy thai” trong trường hợp có thai.
Khám phá của Akerlof chỉ ra mối liên hệ xã hội học trực tiếp giữa việc tránh thai và phá thai:
Vì vậy, nhiều phụ nữ truyền thống đã chấm dứt việc quan hệ tính dục và sinh con ngoài giá thú, trong khi nhiều phụ nữ dễ dãi thì lại chấm dứt việc quan hệ tính dục, ngừa thai hoặc phá thai để tránh sinh con. Điều này giải thích lý do tại sao phần lớn cuộc cách mạng về biện pháp tránh thai có liên quan đến sự gia tăng cả việc phá thai và sinh con ngoài giá thú.
Tính vô luân của việc ngừa thai
Ngừa thai là sai trái về mặt đạo đức không chỉ vì nó có liên quan trực tiếp đến việc phá thai; mà nó còn là một sự sai trái tự bản chất. Trong Thông điệp Humanae Vitae năm 1968, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã đưa ra một định nghĩa có thẩm quyền về việc tránh thai như “bất cứ một hành vi nào có mục đích hay dùng làm phương tiện để ngăn chặn việc sinh sản, hoặc trước khi hoặc đang khi làm hành vi hôn nhân, hoặc làm trở ngại việc diễn tiếp tự nhiên của hành vi ấy”. Đức Phaolô VI tiếp tục tái khẳng định giáo huấn kiên vững của Giáo hội rằng những hành vi như vậy là xấu về bản chất (intrinsice inhonestum), bằng cách giải thích rằng việc ngừa thai chống lại việc “Thiên Chúa đã quyết định liên kết (và con người không ai có quyền tự ý hủy bỏ) hai sự việc của Hôn nhân giao hợp và sinh sản” (HV 12).
Nền văn hóa sự chết tạo nên một cuộc chiến thầm lặng chống lại nền văn hóa sự sống. Không chỉ cuộc sống của hàng triệu đứa trẻ chưa chào đời, mà tương lai của gia đình cũng đang ở trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng “gia đình đang ở vào nơi trung tâm điểm của cuộc đối đầu hệ trọng giữa thiện và dữ, giữa sự sống và sự chết, giữa tình yêu và những gì đối chọi lại tình yêu.” Hiện tại phía nào đang nắm lợi thế? Một con số rất khiêm tốn. Ngày nay, dưới 1% tổng số các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh con ở Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình tự nhiên.
Một câu trả lời thuyết phục: Thần học thân xác của Đức Gioan Phaolô II
Chúng ta có thể mang lại sự thay đổi trong nhận thức về ngừa thai và giúp xây dựng một nền văn hóa sự sống thông qua di sản mà Đức Gioan Phaolô II đã để lại: một sự bảo vệ thuyết phục đối với chân lý về kế hoạch hóa gia đình tự nhiên. Trong thần học thân xác của mình, Đức Gioan Phaolô II đã đặt giáo huấn của Giáo hội trong bối cảnh của cái nhìn toàn diện về con người.
Trong ba điểm chính, Đức cố Giáo hoàng đã trình bày một cái nhìn toàn diện về con người. Mọi thứ bắt đầu với con người nguyên thủy trước khi phạm tội. Một mình giữa công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Adam trải nghiệm sự cô độc ban đầu. Dù là chủ nhân của muôn loài, Adam vẫn cảm thấy hoàn toàn đơn độc vì chỉ có ông là một ngôi vị, một chủ thể có ý thức được kêu gọi để tạo nên quà tặng của chính mình trong tình yêu và đón nhận quà tặng của bản thân người khác. Khi Thiên Chúa tạo dựng Eva, Adam đã thốt lên: “phen nay, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Qua thân xác của Eva, Adam nhận ra bà là một ngôi vị mà ông được mời gọi để hình thành một sự hiệp thông ngôi vị (Communio personarum) theo hình ảnh tình yêu tự hiến của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Theo đó, chúng ta có một trong những dòng đẹp nhất trong sách Sáng thế. “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2,25). Tại sao họ không xấu hổ? Trước khi phạm tội, Adam và Eva nhận ra đầy đủ ý nghĩa hôn nhân của thân xác. Thiên Chúa dựng nên người nam và người nữ để trở thành quà tặng của chính họ trong tình yêu. Họ nhìn thấy nơi thân xác của người kia một con người cần được yêu thương. "Họ nhìn thấy và biết nhau với tất cả bình an của cái nhìn nội tâm, vốn tạo nên sự trọn vẹn thân tình đúng đắn giữa con người với nhau".
Món quà tự do mà Adam và Eva cảm nghiệm sẽ sớm bị phá hủy bởi một hành vi bí ẩn: họ phạm tội. Với tội lỗi, con người lịch sử xuất hiện. Tội lỗi mang theo khả năng sử dụng người khác như một đồ vật hơn là yêu thương họ như một con người. Ý nghĩa hôn nhân của thân xác giờ đây đang bị đe dọa ghê gớm. Con người sa ngã không còn khả năng tạo ra món quà tự do của chính nó mà Đấng Tạo Hóa đã hình dung.
Trong tình yêu và lòng thương xót khôn lường, Đức Kitô đã giải thoát nhân loại nhờ sự đau khổ thập giá và vinh quang phục sinh của Ngài. Khi cứu chuộc con người, Đức Kitô cũng cứu chuộc thân xác. Ngài làm cho người nam và người nữ có thể lấy lại quà tặng tự do bằng cách bước đi trên con đường hẹp của sự sống nhưng đầy niềm vui trong Thánh Thần.
Cái nhìn toàn vẹn về con người được hoàn thành bằng cách xem xét số phận tương lai của họ. Con người cánh chung đại diện cho sự thành toàn định mệnh của chúng ta với Thiên Chúa, sau khi thân xác chúng ta phục sinh. Nghịch lý thay, ý nghĩa hôn nhân của thân xác trở nên thành toàn trên thiên đàng, nơi “người ta chẳng lấy vợ lấy chồng” (Mt 22,30). Làm sao có thể như vậy?
Trên thiên đàng, sự đáp trả xứng hợp duy nhất đối với tình yêu tuôn trào của Thiên Chúa sẽ là hoàn toàn hiến dâng bản thân chúng ta cho Ngài trong tư cách là những chủ thể cá vị. Đó là lý do tại sao việc tự trao hiến độc nhất giữa vợ chồng trong hôn nhân, mặc dù được thực hiện vì tình yêu Thiên Chúa, không còn tồn tại trên thiên đàng nữa. Khi hiến mình cho Đức Kitô, vị tân lang, chúng ta cũng sẽ trao hiến mình cho tất cả những người khác trong Ngài – hiệp thông các thánh. Viễn cảnh về cuộc sống vĩnh cửu cho thấy vẻ đẹp của lời mời gọi sống độc thân, sống đời thánh hiến, như một cách khác để hoàn thành ý nghĩa hôn nhân của thân xác. Những ai sống đời thánh hiến cho Đức Kitô qua đức nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục làm hiện diện trước nơi trần gian này sự kết hiệp hôn nhân trinh khiết với Thiên Chúa mà mỗi người sẽ sống đời đời trên thiên đàng.
Bức tranh toàn cảnh rộng lớn về một nhãn quan toàn diện về con người mà Đức Gioan Phaolô II mở ra giúp chúng ta có thể hiểu được toàn bộ chiều sâu và vẻ đẹp những giáo huấn Giáo hội về tình yêu hôn nhân và sinh sản. Mọi hành vi kết hợp vợ chồng là một biểu hiện của việc hoàn toàn tự trao hiến cho nhau và chấp nhận nhau trong sự toàn vẹn ngôi vị của mỗi người. Tình yêu tự hiến này đơm hoa kết trái, cả trong sự kết hợp của vợ chồng nơi “một xương một thịt” và trong sự cởi mở của tình yêu đối với sự sống mới. Nó phản ánh tình yêu sinh hoa trái của Ba Ngôi.
Ở đây cũng bộc lộ sự xấu xa của hành vi ngừa thai. Việc ngừa thai vi phạm sự thật về ngôn ngữ thân xác. Nó có nghĩa là nói dối đối với thân xác. Một mặt, người chồng nói với người vợ, trong ngôn ngữ bẩm sinh của hành vi vợ chồng, “Anh trao hiến hoàn toàn cho em tất cả những gì tạo nên anh và chấp nhận em hoàn toàn như một nhân vị”. Nhưng mặt khác, chính người chồng lại không trao khả năng làm cha của mình, và cũng không đón nhận khả năng làm mẹ của người vợ. Do đó, việc ngừa thai làm cho sự kết hợp vợ chồng không phải là một hành vi của tình yêu đích thực, tự hiến, cá vị như nó đã được trù liệu.
Nền văn hóa sự sống ở nơi thân thiết nhất của nó
Cuộc chiến cho nền văn hóa sự sống sẽ thất bại hay chiến thắng ở đâu? Không phải trong bất kỳ phòng xử án nào, mà trong sự xác tín thầm lặng của vô số bài giảng, bài báo và bài nói chuyện trình bày giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân và thần học thân xác của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Rồi sẽ đến một ngày nền văn hóa sự sống được bồi đắp, không chỉ trong hệ thống pháp luật của chúng ta, mà trong chính cốt lỗi của những quan hệ mật thiết nhất giữa người nam và người nữ.
Nguồn: https://www.usccb.org/es/issues-and-action/human-life-and-dignity/contraception/articles-and-publications/contraception-and-abortion-the-underlying-link.cfm
Chuyển ngữ: Phêrô Bùi Đức Trịnh