Người Kitô hữu không cố gắng hết sức mình để yêu tha nhân chỉ vì những lý do thuần túy nhân bản. Đúng hơn họ được thúc đẩy bởi lòng tôn kính sâu xa đối với Đức Giêsu và lối sống của Ngài. Đây là một nền linh đạo tập trung vào Đức Giêsu. Chính điểm này tạo nên sự khác biệt. Con Người Đức Giêsu đóng một vai trò trung tâm trong cách lý giải cuộc sống và động cơ hành động của con người.
Có người cho Ngài là một Đức Giêsu lịch thiệp, người khác lại cho là nhà cách mạng mang tính ngôn sứ ; có người cho Ngài là một Giêsu trung tín và chịu đau khổ nhiều, người khác lại cho là một nhà hoạt động nhẫn nại; có người cho Ngài là một Giêsu trung thành với truyền thống của dân tộc mình, người khác lại cho là một nhà phê bình đánh giá cẩn thận những gì được lưu truyền lại. Cho nên cuối cùng đúng hơn, coi Ngài là một Đức Giêsu mà mỗi người gặp gỡ cách cá nhân và không thể truyền đạt cho người khác.
Nếu không thể diễn tả Đức Giêsu là Đấng rất có ý nghĩa đối với mỗi người Kitô hữu, thì tối thiểu chúng ta có thể thăm dò một chút cũng chính Đức Giêsu này lộ diện trong Kinh thánh. Cuối cùng Đức Giêsu trong cuộc gặp gỡ cá nhân được chứng thực khi đem so sánh với Đức Giêsu của Kinh thánh. Vì thế xem xét một vài chủ đề Kinh thánh đặc biệt liên quan đến luân lý xem ra lại là một dự tính đáng giá.
Nhưng làm việc này cũng không phải là điều dễ dàng. Số lượng những chất liệu Kinh thánh liên quan đến cách sống luân lý thì quá nhiều. Vấn đề cách ứng xử, quan điểm luân lý và tôn giáo nằm ẩn dưới, chúng liên tiếp xuất hiện trong những trang Kinh thánh. Nhiều tác phẩm được người ta viết để phân tích những chất liệu này, và bất cứ một toan tính khảo cứu toàn diện nào ở đây tất phải thất bại.
Còn vấn đề nữa đó là Kinh thánh không cung cấp cho chúng ta một hệ thống luân lý nào. Những ý tưởng luân lý được tìm thấy trong Sách Thánh không có bao quát và toàn diện như trong triết học, chúng cũng không nhất quán. Người ta có thể nói đến nền “luân lý của” Hôsê hay của Giêrêmia, Luca hay Phaolô.
Nhưng ngay khi vượt quá những điều khái quát, rõ ràng là người ta không thể nói đến nền “luân lý của” Kinh thánh. Cho nên khi theo đuổi những suy tư này, hầu chắc chúng ta không có tham vọng triển khai nền “luân lý Kinh thánh” hay “nền linh đạo Kinh thánh về cách sống luân lý”, vì một mục tiêu như thế không thể thực hiện được.
Khi nhìn lại lịch sử Kitô giáo, điều trở nên rõ ràng đó là một vài chủ đề được đồng hóa cách mật thiết với con người và sứ mạng của Đức Giêsu vẫn còn tồn tại. Một vài ý tưởng bén rễ sâu trong Sách Thánh là những nét đặc trưng cho nền linh đạo Kitô giáo như những nét đặc trưng cho nền linh đạo của Đức Giêsu. Người Kitô hữu quý trọng điều này. Với mục tiêu khiêm tốn chúng tôi chỉ lọc ra những chủ đề hiển nhiên trong những chất liệu Kinh thánh được chính các học giả Kinh thánh làm nổi bật lên. Ngay chính trong những chủ đề này, ta sẽ chỉ nhắm đến những chủ đề có liên hệ sâu xa đến con người và sứ vụ của Đức Giêsu.
Khi nghiên cứu ta sẽ thử phác họa những nét đại cương về Đức Giêsu - Con Đường Sống, tuy nhiên đôi lúc cũng nên chi tiết hóa chúng. Cách sâu sắc hơn, ta thử làm phong phú bức tranh quan điểm luân lý của chính Đức Giêsu được trình bày trong giáo huấn của Ngài, nhưng sâu sắc hơn cả là tìm cách gặp gỡ chính Đức Giêsu. Chỉ với cách này ta mới có thể triển khai một nền luân lý nhân bản sâu sắc được đặt trọng tâm trên những điều Đức Giêsu đã sống.
I. GIAO ƯỚC
1. Dĩ nhiên Đức Giêsu là một người Do Thái. Vì thế để hiểu Ngài, đi vào quan điểm luân lý của Ngài, ta phải nhạy cảm với những phạm trù tư duy của Do Thái. Với mục tiêu như thế, thì không có chủ đề nào ý nghĩa hơn chủ đề “Giao Ước”. Một cách nào đó, nó là trục xoay cho toàn bộ câu chuyện của Israel thời cổ đại. Từ mối liên hệ đầu tiên giữa Giavê và Abraham (St. 15,18) đến thời Môisen và kinh nghiệm tại Sinai (Xh. 34,10) rồi đến thời các Ngôn sứ, huyền nhiệm Giao Ước là một chủ đề tái diễn, đây không phải là một khế ước lạnh nhạt, nhưng là một thực tại thân mật và rất riêng tư. Đối với người Israel, cách nào đó khi ký giao ước với một phe khác là thắt chặt các gia đình lại với nhau. Giao ước không có nghĩa người ta tán thành làm điều đó cho hay với người khác, nhưng có nghĩa là chịu trách nhiệm với chính cá nhân mình.
Thí dụ một công thức cổ điển về Giao Ước giữa dân Do Thái với Giavê: “Chúng sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Gr. 24,7; Ed. 11,20; x. Gr. 7,23; 11,4; Ed. 14,11; Hs. 2,25). Các học giả nói cho biết công thức này không có gì hơn là sự thích nghi bản văn chung của hôn ước: “Nàng sẽ là vợ tôi và tôi sẽ là chồng nàng hôm nay và mãi mãi”. Thực tại của Giao Ước là Giavê cưới dân Ngài, đảm nhận trách nhiệm đối với họ và mong ước đến lượt dân Do Thái họ cũng trung tín. Đây không phải là mối liên hệ của thuận lợi hay hiệu năng, nhưng là mối liên hệ của một tình yêu thực thân mật.
Cho nên Ngôn sứ Giêrêmia nhấn mạnh đến sự thân tình và chân thật nội tại: “Này sẽ đến những ngày… Ta sẽ lập một Giao Ước mới … Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr. 31,31tt). Còn Êdêkien công bố: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới… Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt… Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi; các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi.” (Ed. 36,26tt).
2. Cuối cùng ta cũng nên ghi nhận ý tưởng về Giao ước vẫn còn quan trọng trong các bản văn Tân Ước. Bốn bản văn tường thuật Bữa tiệc ly tuy có khác nhau nhưng chỉ là một trong việc nêu ra chức năng của “Giao Ước Mớùi” (Mt. 26; Mc. 14; Lc. 22; 1Cr. 11), trong khi đó Gioan lại tái ghi nó vào danh mục tường thuật Cuộc khổ nạn hiến tế làm cho cái chết của Đức Giêsu trùng với thời điểm Giao Ước Vượt Qua.
II. NƯỚC THIÊN CHÚA
Phần mình, Đức Giêsu dường như không nhấn mạnh trước tiên đến ý tưởng Giao Ước. Thay vào đó, như Rudolf Schnackenburg cho thấy, điểm trọng tâm trong giáo huấn của Chúa Giêsu lại là “Nước Thiên Chúa”. Thực vậy mức độ từ ngữ này rất thông dụng trong các sách Tin mừng nhưng lại rất hiếm trong các sách khác của Tân Ước, cho nên đa số đều cho rằng thuật ngữ này là của chính Đức Giêsu. Vì thế khi nghiên cứu những chủ đề luân lý trong Tân Ước, ý tưởng Nước Thiên Chúa chắc chắn phải xuất hiện đầu tiên.
Nhưng ta cũng phải biết rõ ràng về ý nghĩa của từ này. Theo tiếng Hy Lạp basileia được dịch là “vương quyền”. Không nhấn mạnh đến nơi chốn như kiểu “vương quốc Anh” chẳng hạn. Đúng hơn từ ngữ này nói đến trạng thái, tình trạng mà luật và sức mạnh tình yêu của Chúa ngự trị. Chính sắc thái này làm nên những khác biệt quan trọng. Thí dụ: trong Kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con, Đấng ngự trên trời… Triều đại (vương quyền) Cha mau đến” (x. Mt. 6,9).
Hay lời cầu xin của người trộm lành: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc. 23,42). Hay chính lời quyền năng của Đức Giêsu phán: “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều quan sát được… vì này triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc. 17,20). Thiên Chúa không cai trị với sức mạnh bên ngoài. Sức mạnh của Ngài là sức mạnh của tình yêu. Sức mạnh này cai trị trong tâm hồn con người.
Nhưng nếu ý tưởng Nước Thiên Chúa, vương quyền Thiên Chúa là điểm trọng tâm đối với Chúa Giêsu, nhưng không chỉ có thế mà thôi vì còn một số những chủ đề khác liên hệ tới ý tưởng Nước Thiên Chúa cũng đáng chú ý. Chúng đóng góp lớn lao cho nền linh đạo Kitô giáo trong cách sống luân lý.
III. SỰ SÁM HỐI
Trước tiên đây được coi như là “điều kiện tiên quyết để vào Nước Thiên Chúa”. Ngay từ khởi đầu của Tin Mừng Nhất Lãm, lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả yêu cầu các thính giả sám hối. Ông diễn tả phép rửa của mình là “phép rửa sám hối” (Mt. 3,2-11; Mc 1,4-6; Lc. 3,1-14). Lý do đặc biệt cho việc này đó là Nước Thiên Chúa: “Hồi ấy, Ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê: Anh em hãy sám hối, vì triều đại Thiên Chúa đã gần đến” (Mt. 3,1-2).
Nhưng sám hối là gì ? Đây không chỉ là sự thay đổi cách ứng xử bên ngoài. Quả vậy, tiếng Hy Lạp metanoia có nghĩa là: “thay đổi tâm trí”. Nó gợi đến ý tưởng lật đổ hoàn toàn lối sống, quay toàn bộ con người mình lại, một cuộc cách mạng luân lý bản thân mình. Chính Đức Giêsu ví điều đó như việc trở nên giống trẻ nhỏ (Mt. 19,13). Thánh Phaolô diễn tả điều ấy như việc “Mặc lấy con người mới”, như chết đi cho tội lỗi (Rm. 6,11). Và ông Nicôđêmô đã được Chúa cảnh báo: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga. 3,3) * (Có điều lý thú đó là vì Tin mừng Gioan được viết cho các tín hữu, nên ông không bao giờ dùng từ ngữ sám hối).
Trọng điểm nhắm đến sự sám hối không phải là việc nhỏ. Nó cũng chẳng phải là khái niệm mới mẻ gì trong dân Israel, vì các vị ngôn sứ vẫn lặp đi lặp lại những lời kêu gọi tương tự. Nhưng Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả không sống vào thời các ngôn sứ. Nhưng vị lãnh đạo dân Do Thái thời Chúa Giêsu vẫn coi mình là dân tộc họ tốt hơn cha ông họ rất nhiều, vì cha ông họ là đối tượng cho những lời kết án của các ngôn sứ. Chính vì thế khi Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu nói đến từ ngữ này, chúng tạo nên lời phát biểu mang tính chính trị. Nhưng thính giả biết từ ngữ này liên kết với tình trạng bất trung của dân Israel. Khi nghe những lời đó họ phải khiêm tốn đau đớn cắn rứt.
Vì chủ đề này xuất hiện trong Tin mừng Nhất Lãm hơn các sách khác trong Tân Ước, nên rất có thể thực tế nó thuộc về sứ điệp được chính Đức Giêsu rao giảng.
IV. VIỆC LÀM MÔN ĐỆ
Một số chủ đề khác liên kết với ý tưởng sám hối cách này hay cách khác. Trong số đó có chủ đề đức tin, phép rửa và những việc lành minh hoạ cho đời sống mới. Nhưng có lẽ một trong những chủ đề mạnh mẽ nhất là chủ đề việc làm môn đệ Chúa. Vì thế người ta có thể lập luận rằng lối sống Kitô giáo không có gì khác hơn là cố gắng làm cho cách sống của mình thành việc làm môn đệ Chúa. Vì thế nếu sự sám hối là điều kiện tiên quyết để vào Nước Thiên Chúa, thì việc làm môn đệ Chúa tượng trưng cho “tư cách thành viên của Nước Thiên Chúa”.
Thông thường trong dân Israel, các thầy Rabbi tụ tập chung quanh họ một nhóm các môn đệ. Họ là những người học trò, sẵn sàng đi theo và muốn học cùng thầy. Họ đã theo và trung thành ở lại với ông. Vì cách thực hành hơi phổ biến một chút, nên cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu kiếm được và động viên một số các môn đệ. Nhưng trong trường hợp Đức Giêsu, khái niệm về việc làm môn đệ Ngài mang một nét tinh tế:
1. Trước tiên việc làm môn đệ chỉ một sự kiện đơn thuần là đi theo Chúa. Thí dụ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc. 14,26tt; x. Mt. 10,37tt; và Mc. 8,34).
Đức Giêsu còn khuyên người thanh niên giàu có: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc. 10,21). Quả thực lời trích dẫn này biểu trưng cho việc dấn thân hoàn toàn mà Đức Giêu đòi hỏi các môn đệ của Ngài. Theo Ngài có nghĩa là bỏ mọi sự lại đàng sau (Lc. 5,11), từ bỏ gia đình (Lc. 14,26), tiền của, sức khoẻ (Mc. 10,21), công ăn việc làm (Mc. 2,14) và mọi sự an toàn về mặt kinh tế (Lc. 9,58).
2. Khái niệm đi theo Đức Giêu vẫn còn nằm trong truyền thống của người Do Thái. Điều ít nhiều gì trong truyền thống vẫn chỉ là ý nghĩa phụ của việc làm môn đệ Đức Giêsu: ý tưởng chính đó là người môn đệ thay thế Đức Giêsu, hành động nhân danh Ngài, đảm nhận sứ vụ vì Chúa. Cho nên toàn bộ “diễn từ về sứ mạng tông đồ” trong Tin mừng Matthêô chương 10 đặt tiền đề trên ý tưởng này. Chẳng chóng thì chày các môn đệ của Đức Giêsu sẽ được sai đi. Họ không còn ở lại mãi bên cạnh vị Thầy, nhưng ngược lại bị đòi hỏi ra đi làm công việc của Thầy. “Đức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi”. Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. Đức Giêsu bảo “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh hãy đi loan báo Triều đại Thiên Chúa” (Lc. 9,59 tt).
3. Cuối cùng việc làm môn đệ Đức Giêsu còn đi quá lời mời gọi thi hành sứ vụ. Cuối cùng theo Chúa còn là chia sẻ chính số phận của Ngài: “Trò không hơn Thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như Thầy, tớ được như chủ là đã khá lắm rồi” (Mt. 10,24). “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy và Thầy ở đâu kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga. 12,26). Quả thực việc tham dự này bao gồm những nhịp điệu trong cuộc sống của Đức Kitô, đó là tình trạng làm nạn nhân chịu đau khổ:
“Ai muốn theo tôi thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất: còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc. 3,34).
Và đây cũng lại là quà tặng của sự chiến thắng chung cuộc:
“Anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế Thầy sẽ trao vương quốc cho anh em như Cha đã trao cho Thầy… để anh em ngự toà xét xử 12 chi tộc Israel” (Lc. 22,28tt).
V. LỀ LUẬT
Chủ đề làm môn đệ Chúa tỏ cho thấy tư cách làm thành viên trong Nước Đức Giêsu là một chuyện nghiêm khắc và đòi hỏi. Nó kèm theo những nghĩa vụ. Ta nên nghiên cứu khía cạnh này dưới ánh sáng “luật của Nước Thiên Chúa”.
Lẽ dĩ nhiên, lề luật là một khái niệm có một lịch sử uy quyền và chủ chốt trong dân Israel. Là người Do Thái, Đức Giêsu biết chính bản thân Ngài nằm trong dòng chảy liên tục với quá khứ. Nhưng cùng một lúc, như ta thấy, phần tối thiểu trong sứ mạng của Đức Giêsu lại làm cho những kẻ theo Ngài được tự do khỏi những khía cạnh tiêu cực của lề luật. Nên lời mời gọi đến sự tự do không có nghĩa là không mong đợi nơi họ điều gì. Hoàn toàn ngược lại là đàng khác.
“Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh hãy đi loan báo Triều đại Thiên Chúa- Ai cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc. 9,60-62). Đức Giêsu hiến dâng mình cho Nước Thiên Chúa, Nước đòi hỏi theo đuổi một mục tiêu duy nhất. Nó đòi hỏi sự trung tín và dấn thân của mỗi cá nhân và đòi hỏi lập trường ưu tiên trong đời sống con người; họ phải sẵn sàng tín nhiệm vào Chúa.
“Vì thế anh em đừng lo lắng tự hỏi: Ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì đây… Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần đến những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Mt. 6,13tt).
Vì vậy có thể ‘luật’ của Đức Giêsu đòi hỏi hơn luật của dân Israel. Nhưng xem ra nó cũng phân biệt rõ ràng hơn. Thỉnh thoảng Đức Giêsu cũng tỏ ra rất tôn kính đối với lề luật, còn những luật liên quan đến nghi thức Ngài thường tỏ ra tự do. Người ta có thể nói Ngài nhanh chóng loại bỏ ‘‘thói vụ luật’’ dùng luật như sự miễn chước. Thí dụ Ngài chữa bệnh trong ngày Sabbat (Lc. 14,1-6). Ngài bị khiển trách khi các môn đệ của mình bứt bông lúa để ăn trong ngày Sabbat (Mt. 12,1-8). Nhưng cùng một lúc, chỗ nào lề luật được diễn tả như sự đòi hỏi cách sống quảng đại và chân thực thì Ngài lại rất đòi hỏi, điều này làm người ta ngạc nhiên. “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt. 5,28). Ngài đòi hỏi sự trung tín trong hôn nhân vượt hẳn truyền thống luật Môisen (Mt. 5,31 tt).
Rudolph Bultman cho rằng đối với Đức Giêsu:
“Một đòi hỏi quyết định tỏa sáng. Điều tốt đó là vấn đề phải làm trọn vẹn. Bất cứ ai làm điều đó cách hơi biếng nhác, hạn chế, ngay cả khi cần phải chu toàn những giới luật bên ngoài, thì kể như chưa thực sự làm gì cả” (Jesus 1951, trang 79, được trích dẫn trong Ethics in the New Testament của Schnackenburg trang 76).
Cho nên nếu lề luật được hiểu như một đòi hỏi, thì đó là một khái niệm chủ chốt trong sứ điệp của Đức Giêsu. Nhưng đòi hỏi này có hương vị thực sự khác biệt. Khi Đức Giêsu công bố lề luật thì đó rõ ràng và dứt khoát là việc quay trở về nội tâm. Thực tế của những mặt nổi bên ngoài là tương đối, trong khi đó thực tế của tiùnh chất thực bên trong mới là tuyệt đối. Đó là phẩm chất của cõi lòng con người, huyền nhiệm của ý hướng. Điều này mới là chủ yếu.
VI. TÌNH YÊU
Việc tăng thêm phần nhấn mạnh đến tính nội tâm giờ đây lại bộc lộ rõ hơn trong những nghiên cứu về chủ đề Tình Yêu nơi Kinh thánh Tân Ước. Chủ đề này được trình bày rất hay trong tác phẩm “Human Significance and Christian Significance” của R. McCormick (trang 234-235). Có nhiều khía cạnh để triển khai nhưng ở đây ta chỉ suy tư về tình yêu là “cuộc sống trong Nước Thiên Chúa”.
Nhưng từ ngữ “yêu” muốn nói gì? Đôi khi những nhà tâm lý nói rằng chỉ những ai được yêu thương mới có khả năng yêu thương. Nếu đó là sự thật thì tình yêu có thể được định nghĩa cách giản đơn nhờ lưu ý đến cội nguồn của nó. Về phương diện này Tân Ước đem lại cho ta sự hiểu biết sâu sắc thật đặc biệt. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga. 13,34). “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga. 15,12). “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga. 4,10).
Vì thế theo quan điểm của Tin mừng Gioan, trường học yêu thương là chính bản thân Thiên Chúa và Đức Giêsu được Thiên Chúa gửi đến. Điểm khởi đầu cho luân lý yêu thương không phải là Luật vàng là yêu bản thân mình, nhưng là chân lý Đức Tin về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Trong tình yêu này ta được dạy yêu thương và tình yêu thương của chúng ta phải được xây dựng theo tiêu chuẩn này, theo hai hướng khác nhau.
1. Trước tiên đó là tình yêu Koinonia (Cộng đồng, hiệp thông). Tin mừng Gioan khai triển cách đặc biệt chủ đề này, vì vậy một vài học giả tố cáo Gioan theo chủ nghĩa ưu tú, chủ trương giới răn yêu thương giới hạn trong cộng đoàn. Họ lập luận Gioan chỉ liên hệ đến tình yêu Kitô giáo là “yêu thương nhau” (coi những câu trích dẫn ở trên) mà không cố gắng yêu “tha nhân” cách chung hơn (x. J.T. Sanders, ‘‘Ethics in the New Testament’’, trang 91-100). Tuy vậy, không nghi ngờ gì việc quan điểm của Tin mừng Gioan quý trọng chủ đề tình yêu hiệp thông. Trong diễn từ cuối cùng ở Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã tuyên bố điều đó. Ngài đã minh họa bằng một hành động tượng trưng là rửa chân cho các môn đệ. Ngài sống điều đó trong chính sự hy sinh bản thân của ngài. “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì, đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga. 3,16). Đấy là tình yêu trọn vẹn, tuy nhiên, điều làm nên nét đặc trưng của cộng đoàn Kitô hữu đó là tình yêu muốn hy sinh cho đến chết: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga. 4,11).
2. Kế đến, tình yêu Diakonia (phục vụ) không phải là một loại tình yêu khác. Đó là Đức Ái vươn tới mọi người cần săn sóc và nâng họ dậy. Khi gợi lên điều này, mức độ mà Gioan nhắm đến tình yêu phục vụ nói chung đã được các học giả thảo luận. Nhưng cũng không nghi ngờ gì việc thánh Phaolô có quan tâm đến vấn đề này:
“Anh em đừng mắc nợ ai, ngoài món nợ tương thân tương ái, vì ai yêu người, thì đã chu toàn lề luật. Thật thế các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình… cũng như các điều răn khác đều tóm trong điều này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn lề luật vậy” (Rm. 13,8tt).
Tình yêu này có vài điểm đặc trưng:
a. Nó mang tính phổ quát. Người ta mong đợi chúng ta bày tỏ tình yêu “với hết mọi người” (1Tx. 3,12; x. 1Tx. 5,15).
b. Nó đòi hỏi sự khiêm tốn và tinh thần hy sinh bản thân bắt nguồn nơi Đức Kitô. “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc thân nô lệ, trở nên giống như phàm nhân, giống như người trần thế” (Pl. 2,6-7;
x. 2Cr. 8,8tt).
c. Nó tạo nên nội dung tổng quát và thực chất của mọi đòi hỏi luân lý Kitô giáo: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl. 3,12-14). Tuy nhiên, nhờ tình yêu “ta chu toàn lề luật của Đức Kitô” (Gl. 6,2).
* Tất cả những điều này được tóm lược trong thánh thi của Phaolô về tình yêu (1Cr. 13). Ngài khởi đầu bằng cách quy định sự cần thiết tuyệt đối của tình yêu: “Nếu tôi không có tình yêu, thì tôi chỉ là thanh la phèng phèng”. Rồi Ngài đi đến những điều cụ thể về tình yêu. Không phải là cảm tính mơ hồ. Không, đây là tình yêu phục vụ cụ thể, phải đấu tranh thực sự để ‘nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang’. Rồi Ngài kết luận bằng việc tuyên bố tính chủ chốt thường xuyên
“Đức mến không bao giờ mất được. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr. 13,8.12-3).
VII. CÁC MỐI PHÚC
Nếu sự sám hối là điều kiện tiên quyết để vào Nước Chúa, nếu việc làm môn đệ Chúa nói lên tư cách thành viên của Nước Chúa, nếu lề luật nói lên quy luật của Nước Chúa và nếu tình yêu là cuộc sống của Nước Chúa, thì các mối phúc được diễn tả như “Việc công bố Nước Chúa”.
Xem ra kỳ lạ khi nói đến điều này. Thông thường hơn, các mối phúc được coi như sự đòi hỏi mang tính mới mẻ và thách thức như là một phần của ‘lề luật Nước Thiên Chúa’. Nhưng đây là một sự hiểu lầm. Ta ghi nhận trong cả hai bản văn (Mt. 5,3-12 và Lc. 6,20-23) không phải là những chuỗi mệnh lệnh nhưng chỉ là một chuỗi những chỉ dẫn. Nó làm nên những phát biểu và công bố những sự kiện. Ý nghĩa các mối phúc không phải là việc chúng loan báo một điều gì đó để làm, nhưng chúng loan báo một điều gì đó đang có. Đời sống trong Nước Chúa được sắp đặt khác với thế giới con người. Ưu tiên đối với con người đó là tiền của, quyền lực, tiện nghi, vui tươi; đang khi đó trong Nước Thiên Chúa ưu tiên lại là tình yêu.
Vì thế Đức Giêsu long trọng công bố: “Ngay cả khi các ngươi nghèo khổ, tuy nhiên các ngươi sẽ được hạnh phúc (chúc phúc) trong Nước Thiên Chúa. Ngay cả khi các ngươi đau khổ, đói khát, tuy nhiên Thiên Chúa sẽ ban tặng niềm vui cho các ngươi. Chắc hẳn những kinh nghiệm gặp phải là điều xấu. Không ai tìm kiếm sự đau khổ, bách hại hay đau đớn chia lìa do cái chết gây ra. Tuy nhiên chúng vẫn xảy đến. Nhưng khi chúng xảy đến, các ngươi không được thất vọng, sự thượng phong của chúng không phải là chung cuộc. Đừng có phiền trách nếu các ngươi có vẻ mất hạng trên thế giới. Trong Nước Chúa những thứ hạng này sẽ bị lật đổ. Những giá trị nhân bản sẽ bị nhường chỗ và bị thay thế bởi những giá trị nội tại của Chúa. Vì thế mọi người, bất kể tình trạng con người của họ như thế nào, nếu dự phần Nước Thiên Chúa, họ sẽ có lý do chính đáng để vui mừng và hạnh phúc mãi mãi.
Cho nên các mối phúc có thể được gọi là lời công bố. Chúng là những Tin Vui, là phương tiện giải phóng và tán dương, là Tin mừng theo nghĩa viên mãn và phong phú nhất.
VIII. CÁNH CHUNG
Sau khi tìm hiểu những chủ đề trên, chỉ còn lại một chủ đề đáng cho ta lưu tâm. Tuy nhiên có một chút xíu khác biệt. Vì từ “cánh chung” không mang tính Kinh thánh. Đúng hơn, chủ đề này một cách nào đó là sự tinh túy (distillation) và tóm lược những điều nói trước.
Qua từ ‘‘cánh chung’’ ta nhắm đến thời gian tận cùng, ‘‘những điều sau cùng’’, lời hứa và thực tại ta được xét xử, hy vọng kết hợp với Thiên Chúa. Quan điểm cánh chung đã có trong Cựu Ước. Nhưng điều có ý nghĩa hơn đối với chúng ta là vai trò chủ yếu của quan điểm này thể hiện trong giáo huấn của Đức Giêsu và theo sau là trong Tân Ước, như Thomas Ogletree cho thấy:
“Những bản văn Tân Ước tiếp tục lối giải thích (version) chủ thuyết cảnh huống (contextualism) lịch sử được tìm thấy trong truyền thống của bộ Ngũ Thư và nền văn chương ngôn sứ. Tuy nhiên, ý nghĩa lịch sử có trong những bản văn này mang một dấu ấn cánh chung đặc trưng một cách sâu sắc: sự xác tín một thời đại mới đã lộ diện” (x. The use of the Bible in Christian Ethics, trg. 87).
“Nếu cánh chung là một chủ đề được coi là quan trọng trong nền văn chương Cựu Ước, thì nó lại là điểm đặc trưng quyết định trong tư tưởng của Tân Ước biết bao” (Op. Cit. Trg.89)
Sự xác tín thời tận cùng đang đến, điều này giúp giải thích cường độ của những chủ đề được bàn đến ở trên. Nước Thiên Chúa không phải đơn thuần là một thực tại tương lai cách này hay cách khác, Nước Thiên Chúa đã hiện diện rồi. Sự sám hối mang tính phê phán vì cần phải sống thời đại mới này, cắt đứt liên hệ không chỉ với cung cách cũ nhưng còn với thế giới cũ. Việc làm môn đệ Chúa tiêu biểu cho sự thách thức không khoan nhượng của việc “đi vào” Nước Thiên Chúa, bằng chính lối sống của người ta, hay rõ nét hơn là bắt chước Đức Giêsu cách sống đời sống này. Những đòi hỏi tăng cao của luật nội tâm và giảm thiểu (decentralizing) những việc tuân giữ bên ngoài tạo nên ý nghĩa cho bối cảnh này. Cho nên cũng lưu ý đến tình yêu và quan điểm thực sự tận căn của các mối phúc.
* Lẽ dĩ nhiên, điểm nhắm đến eschaton nội tại thực sự theo nghĩa đen đã được thay đổi trong những năm đầu của Giáo hội. Ngay cả trong bản văn Tân Ước, đặc biệt trong Luca trong Công Vụ Tông Đồ, người ta cần biết ý nghĩa của “việc trì hoãn” và triển khai một nền luân lý của cuộc sống đang diễn ra. Nhưng nếu Ogletree đúng lý, thì ngay cả cách thế theo đó sự trì hoãn này được hiểu bao hàm nhắm đến cánh chung.
Theo một nghĩa, cánh chung đối với Luca bị tan biến vào trong sự bành trướng truyền giáo của Giáo hội. Cho nên, sách Công vụ tông đồ được kết thúc không phải với một cộng đoàn chờ đợi Đức Giêsu ngự đến trong quyền năng và vinh quang, nhưng với thánh Phaolô rao giảng Nước Thiên Chúa tại Rôma… Theo một nghĩa khác, kỷ nguyên Giáo hội tự nó mang tính cánh chung. Đây là thời đại của Chúa Thánh Thần.
Vì vậy khi tóm lược những chủ đề thích hợp về mặt luân lý trong Tân Ước, xem ra chính xác khi nói điểm mấu chốt chính yếu là xác tín sự cùng tận của cái cũ đã đến với chúng ta, và thời gian đã đến cho một cái gì mới. Đó là sự khẩn trương đối với nền luân lý của Tân Ước. Một sự khẩn trương không phải bén rễ trong một ý kiến không đâu hay trong một mệnh lệnh độc đoán, nhưng trong những chân lý được nhìn với niềm tin về trạng huống của con người.
KẾT LUẬN
Ta vừa xem xét những chủ đề có liên quan đến luân lý. Chúng định hình cho nền luân lý Kitô giáo. Chúng ta đã thấy đời sống Kitô hữu không phải là sống phù hợp với những nguyên tắc luân lý trừu tượng, nhưng là vấn đề trung thành đáp lời Thiên Chúa của Giao Ước. Chúng ta cũng đã thấy đời sống Kitô hữu là một cuộc sống hoàn toàn mới, cuộc sống của Nước Thiên Chúa trong đó Thiên Chúa trị vì cách tối thượng. Đây là cuộc sống đổi hướng hoàn toàn nhờ sám hối và đặt trọng tâm vào Chúa Giêsu qua việc làm môn đệ Ngài. Đây là cuộc sống chấp nhận luật mới đòi hỏi sự dấn thân hoàn toàn và đây là cuộc sống phát sinh từ tình yêu.
Cách sâu sắc hơn, lúc đó những chủ đề này, ta có kinh nghiệm về Đức Giêsu, Đấng giảng dạy những chủ đề này và nêu gương trong cuộc sống của Ngài. Khi làm như thế ta nhớ rằng đối với người Kitô hữu, đời sống Kitô hữu là việc bước theo Đức Giêsu cách sâu xa. Đây là cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu của những chủ đề trên. Chúng khai tâm vào cuộc sống Kitô hữu đích thực và là sự phấn đấu trung tín với cách sống yêu thương. Mục tiêu của đời sống Kitô hữu vẫn là hoàn thành bản chất con người cho chính bản thân mình và cho thế giới. Sự thúc đẩy của cuộc sống này được tìm thấy trong thực tại của con người được biến đổi nhờ sự hiện diện của Đấng Thánh thành Bêlem.
Những chủ đề này -và chính Đức Giêsu- rất thích đáng về mặt luân lý, và chúng cũng là ‘chỉ dẫn’ cho các mối phúc và cho việc công bố Eschaton mà ta vừa nói. Những việc thích đáng về mặt luân lý của những chủ đề này rõ ràng nằm ở chỗ chúng liên quan đến toàn bộ hoạt động luân lý. Ngay cả khi tính nội tại của thời cùng tận thêm vào sự thách thức về mặt luân lý sự khẩn trương, thì nó cũng làm nổi bật lên sáng kiến của Thiên Chúa đưa thánh ý Thiên Chúa đến sự viên mãn trong tình yêu. Cho nên từ viễn tượng này, nền luân lý dù được coi như một bộ môn thuộc lý trí hoặc sự thực hành cách sống cá nhân, nó cũng không có tầm quan trọng ưu việt. Cuối cùng điều có ý nghĩa nhất không phải là sự kiện ta quyết định và hành động ở trần thế này, nhưng là sự kiện siêu việt về những quyết định và hành động của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Ta nói Kitô giáo là một ‘‘tôn giáo’’. Từ ngữ này rất có ý nghĩa. Nó phát xuất từ tiếng Latinh religare có nghĩa là ‘‘ràng buộc lại với nhau’’. Đây là trục xoay quanh đó mọi lối sống của người kitô hữu và mọi giáo huấn Kitô giáo là một huyền nhiệm bị ràng buộc với nhau và trong Chúa. Như ta biết sự ràng buộc này không phải là một điều gì đó ta làm nhưng là một điều gì đó Thiên Chúa làm. Đấy là điều các mối phúc biểu trưng và là điều mà việc công bố Eschaton hàm chứa: hành động yêu thương chung cuộc, không thể hủy bỏ được và vô biên của Thiên Chúa. Cuối cùng điều đó thực sự có ý nghĩa không phải là cách ta sống trong Đức Giêsu. Nhưng đó là quyền năng để sống điều này là Đức Giêsu đang sống trong ta vì Ngài tiếp tục sống cho ta mãi mãi.
Chỉ trong bối cảnh nhận thức về sáng kiến này của Thiên Chúa mới có thể coi nền luân lý công giáo là có giá trị. Chỉ sau khi nhận thức sự kiện những hành động nhân linh không phải là những sáng kiến, nhưng là việc đáp lại lời mời gọi của Chúa, bấy giờ ta mới có thể hiểu thực sự về thực tại luân lý Kitô giáo.
Chỉ khi hiểu rõ sáng kiến đặc biệt của Thiên Chúa, đây là một thực chất nội tại, vấn đề cõi lòng, bấy giờ ta mới có thể chấp nhận thoải mái và sống phó thác. Sự kiện luân lý trước tiên là một vấn đề nội tâm. Nó không phải là bề ngoài, ngay cả việc làm hình thành những cách ứng xử. Nó là huyền nhiệm của ý hướng, bởi vì cách nào đó huyền nhiệm này tham dự vào ý hướng nội tại nguyên thủy của Thiên Chúa.
Sự cân bằng giữa ngoại tại và nội tại, giữa nhân linh và thần linh được Rudolph Schnackenburg tóm lại rất hay như sau:
“Giáo huấn của Đức Giêsu vừa là lời công bố vừa là lời cảnh báo, vừa là lời loan báo hành động của Thiên Chúa, lại vừa là việc đòi hỏi lời đáp trả của nhân loại trước hành động của Ngài. Ở bất cứ chỗ nào trong Tân Ước, ta đều tìm thấy hành động của Thiên Chúa là lời mời gọi đến con người; sứ điệp làm nảy sinh những lời mời gọi.
Đây là một chuỗi nối tiếp không thay đổi. Thiên Chúa hành động trước tiên, và hành động của Ngài giáng trách nhiệm trên con người. Không nơi nào trong Tân Ước, ta tìm thấy một nền luân lý thực sự, một hệ thống luân lý thực sự, cũng không tìm thấy lòng đạo đức mà lại không áp đặt những nghĩa vụ và tách rời khỏi cách ứng xử luân lý”.
(Viết theo tác phẩm “Principles for a Catholic Morality”, Revised Edition, 1990, Nxb. Harper Collins, từ trang 36-48, của Timothy E. O’connell)
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang
Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại Chủng Viện Thánh Giuse - Sài Gòn và Trung Tâm Học Vấn Đaminh
Nguồn:http://catechesis.net