Sinh hoạt Legio Mariae Comitium Ninh Thuận, ngày lễ Acies, ngày 8/4/2024

Thứ ba - 09/04/2024 21:13  440

Per Mariam ad Jesum
LỄ TRUYỀN TIN
LỄ ACIES


 



















COMITIUM NINH THUẬN
Giáo xứ Hộ Diêm, giáo hạt Ninh Hải
Ngày 08 tháng 04 năm 2024

HUẤN DỤ: LỄ ACIES, ngày 08/04/2024
HIỆP HÀNH: ĐỨC MARIA ĐỒNG HÀNH TRONG SỨ VỤ LEGIO MARIAE
(Lc 1,26-55)
DẪN
Mượn lời của Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell, trong Thánh lễ kỷ niệm một trăm năm thành lập Đạo Binh Đức Mẹ, để dẫn vào nội dung bài huấn dụ hôm nay. Ngài nói:
“Mục đích của Legio Mariæ mang tính lưỡng diện: sự trưởng thành và phát triển tâm linh của các hội viên, làm chứng và phục vụ cho Vương quốc của Thiên Chúa ... Thần học và tâm linh của Legio Mariæ tập trung xung quanh ý tưởng về Đức Maria là Đấng Trung gian của Mọi Ân sủng … Nơi Đức Maria, chúng ta có thể thấy rằng trung tâm của Kitô giáo không chỉ đơn thuần là những ý tưởng, mà là những cuộc đời, những cuộc đời thực sự. Mọi sự về Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng trái tim của Thiên Chúa gần gũi với người nghèo, người khổ sầu và bị áp bức … Trọng tâm của linh đạo của Legio Mariæ là niềm xác tín rằng Kitô hữu được rửa tội hầu tham dự vào sứ mệnh của Giáo hội. Các giá trị cốt lõi của Legio Mariæ lấy cảm hứng từ Nhiệm Thể — tất cả chúng ta là một trong Chúa Kitô, thái độ phó thác là đức tin của Mẹ Maria, tất cả được kêu gọi để sống một cuộc sống trong Chúa Thánh Thần, và những gì chúng ta có thể gọi là một đức tin mang tính chủ động trong cuộc sống ngày nay.”[1]
Quả vậy, trong một thế giới thường thù địch với các giá trị và tầm nhìn về Chúa Kitô: đặc biệt là quan tâm đến những người bé nhỏ, niềm hy vọng và phẩm giá của họ, sứ vụ tông đồ Legio Mariæ tiếp tục có liên quan như một công cụ cần thiết để loan báo Tin Mừng.
Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra ở phần cuối của Tông huấn Evangelii Gaudium: “Công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh có một phong cách ‘Maria” (EG, số 288).
Theo những tư tưởng trên, mỗi thành viên Legio Mariæ của Commitium Ninh Thuận chúng ta lại một lần nữa đánh dấu sự trưởng thành trong sự tín thác vào Đức Trinh Nữ Maria qua lời hứa của chúng ta hôm nay, dịp lễ Acies năm 2024.
Chúng ta đánh thức sứ vụ của mình lần này bằng tâm hồn tín thác theo chân Mẹ Maria qua những nội dung: Đức Maria đồng hành với hội viên Legio Mariæ, đặc biệt là các nhân đức của Mẹ.



NỘI DUNG
“Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ”. Lời tuyên xưng này đã dẫn chúng ta bước những bước đi chắc chắn trong đời sống đức tin, theo chân Mẹ. Mẹ đã thể hiện đức khiêm nhường, đức vâng phục và sự kiên trì trong ân sủng để chúng ta tin tưởng phó thác và thức hiện sứ vụ.
  1. Đức khiêm nhường
Đức Maria là người tôi tớ thấp hèn: “Vì Chúa đã đoái thương phận tôi tớ thấp hèn … Người nâng cao những người bé nhỏ” (x. Lc 1,46-56) để Thiên Chúa trao ban Con Mình mà thực hiện lời hứa cứu độ.
Mẹ đã thể hiện sự khiêm nhường đó bằng tất cả con người của Mẹ (x. Thủ bản, số 39-45).
Trước hết, Mẹ đã trình bày con người thấp hèn bằng những lời đối thoại nhân văn: sự việc xảy ra thế nào được vì tôi không biết đến người nam … tôi xin vâng như lời sứ thần nói. Mẹ đã chỉ cho chúng ta cách thức trình bày con người của mình trước mặt Thiên Chúa rất thánh thiện và rất đạo đức, vì lẽ những giá trị tự nhiên nơi con người, Mẹ đã gìn giữ và bảo toàn với tất cả khả năng tri thức và đạo đức.
Thứ hai, Mẹ đã sống đúng như những đòi hỏi của Luật Do Thái. Mẹ đã lắng nghe lời chào, dẫu cho bôi rối với những nội dung của lời chào nhưng Mẹ vẫn bình an trả lời với tất cả những đòi buộc của Luật Do Thái bấy giờ. Mẹ đã thể hiện con người đạo đức và thánh thiện trong đời sống đức tin của mình.
Thứ ba, Mẹ đã lắng nghe và đã đón nhận lời mạc khải bởi Thiên Thần. Mẹ không có thái độ thối lui nhưng Mẹ lại đối thoại bằng sự cởi mở để sứ thần Ga-bri-el đã mở lời tiếp tục với Mẹ và loan báo nhiều điềm lạ cho gia đình Ông Bà Da-ca-ri-a và I-sa-ve (x. Lc 1,36-37)
Cuối cùng, Mẹ đã khiêm nhường đáp trả: “Tôi xin vâng như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Lời đáp trả “xin vâng” của Mẹ đã giới thiệu cho Thiên Chúa nhân vật ngoại hạng để đón nhận Con-Thiên-Chúa-Làm-Người. Đó cũng là nguồn ân sủng lớn lao mà Mẹ đã thực hiện để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.
  1. Đức vâng phục
Không phải ngẫu nhiên, cũng không phải là một mệnh lệnh bắt buộc, lời đáp trả “xin vâng” của Mẹ đã tiếp dẫn lịch sử ơn cứu độ đến hoàn thành trong thời gian viên mãn mà Thiên Chúa đã nóng lòng chờ đợi.
Thứ nhất, Đức Mẹ đã sống đời sống vâng phục theo như Kinh Thánh Cựu Ước đã loan báo tiên trưng về Mẹ: “một thiếu nữ sẽ mang thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Emmanuel” (x. Is 7,14; Mk 5,2-3). Mẹ lắng nghe, đã suy niệm và đã thắm nhuần Lời Chúa hướng dẫn qua các tổ phụ và các ngôn sứ. Mẹ đã thực hành Lời Chúa trọn vẹn cuộc đời mình. Đây là một lối thực hành đời sống mà Mẹ muốn nói với chúng ta: những thăng trầm cuộc đời đều mang ý nghĩa của ơn cứu độ nếu chúng ta liên kết với niềm vui ân sủng của Chúa được thúc đẩy nơi sự thực hành và sự phó thác.
Thứ hai, Mẹ đã xin vâng để chuyển thông ơn cứu độ cho nhân loại. Hiến chế Lumen Gentium đã nói: “Người Con đó chính là niềm mong đợi để giải thoát toàn thể nhân loại đang sống trong cảnh nô lệ tội lỗi, cảnh thống trị của các thế lực thù địch. Người chính là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trở nên một con người.[2] Tiếng “xin vâng”, không chỉ dừng lại ở một sự đồng ý bình thường như bao người, một quyết định từ lý trí, nhưng vượt lên trên, đó là một thái độ của đức tin, một niềm tin tưởng phó thác cuộc đời cho ý định tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cách trọn vẹn (x. Lc 1,45). Đức Mẹ đã thể hiện cho chúng ta vai trò cầu nối, nhịp cầu gắn kết, sự chuyển tiếp ân sủng của Thiên Chúa cho con người. Rập dấu chân Mẹ, chúng ta được hướng dẫn để kéo ơn Chúa cho chính mình và cho sứ vụ Legio mà mỗi người đang cố gắng thực hiện mỗi ngày qua đời sống chứng tá đức tin và qua sự gặp gỡ trong ân sủng với những tâm hồn nguội lạnh hoặc xa lạ với Thiên Chúa.
Thứ ba, Mẹ đã trả lời “xin vâng” với tất cả sự tự do của mình. Tự do không chỉ mang những hành động thong dong, không bị áp lực hay ràng buộc của đạo đức xã hội, không có những cản trở gây thiệt hại vật chất hay những mất mát về của cải vật chất hay tinh thần, ngay cả sự sống, mà tự do còn mang ý nghĩa rằng: lắng nghe, sống Lời Chúa và cất bước theo Chúa qua nội dung mạc khải của Lời Chúa và sự hiện diện của Chúa. Theo cho đến cùng và theo với tất cả khả năng tùng phục!
Thứ tư, cuộc thăm viếng của Mẹ với người chị họ là Bà I-sa-ve, không chỉ đơn thuần là cuộc gặp gỡ chia sẻ sự quan tâm và tương quan con người huyết tộc với nhau, mà là một cuộc gặp gỡ giữa Thiên-Chúa-Làm-Người với Gioan Tiền Hô, người được tuyển chọn từ trong lòng mẹ để làm tiền hô cho công cuộc cứu độ. Mẹ đã viếng thăm, mang những ưu tư của sự quan tâm thuần tuý con người, mẹ còn mang những nội dung mạc khải lớn lao để làm cho ơn cứu độ được thực hiện một cách sống động và đầy tràn ân sủng: Gioan đã nhảy mừng trong lòng mẹ và được thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ. 
Đức vâng phục của Mẹ đã thôi thúc những tâm hồn hội viên Legio Mariae đơn sơ và phó thác trong sứ mạng của mình.
  1. Sự kiên trì trong ân sủng
Lịch sử ơn cứu độ được thực hiện bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt ơn cứu độ đến chung cục trong niềm vui sự sống, đó là tất cả được quy tụ thành một Dân Mới trong Vương Quốc Vĩnh Hằng. Do vậy, để nói sự kiên trì của Đức Mẹ trong việc phó thác cho chương trình cứu độ, chúng ta phải nói:
Trước hết, chúng ta phải xác tín sự kiên trì của ơn Chúa Thánh Thần nơi tâm hồn Đức Mẹ. Chúa Thánh Thần đã tuyển chọn Mẹ từ trong cung lòng của Bà An-na. Chúa đã gìn giữ Mẹ khỏi mọi tội lỗi nhân loại, Chúa đã đưa Mẹ tới sự trọn hảo là cưu mang Con-Thiên-Chúa-Làm-Người và đồng hành với Con Thiên Chúa suốt dọc dài cuộc đời, cuộc thương khó và chứng kiến sự phục sinh của Con Chúa, cũng như đồng hành với các Tông Đồ và Giáo Hội đến hôm nay.
Chúng ta cũng đã được thanh tẩy và đầy Thánh Thần khi chúng ta đón nhận Phép Rửa, chúng ta theo chân Mẹ để nỗ lực gìn giữ sự thanh sạch đó trong cuộc đời thường ngày và truyền cảm hứng đó cho những tâm hồn khác, nhất là những tâm hồn khao khát sự công chính và sự biển đổi, theo như những lời mời gọi của sứ vụ Legio Mariae.
Thứ hai, sự kiên trì của Đức Mẹ đã không ngại ngùng trước những cản trở, những thử thách và những đau khổ nhân loại, đổi lại, Mẹ lại tiếp tục theo lịch sử ơn cứu độ và đi đến việc hoàn thành chung cục mầu nhiệm ơn cứu độ. Sự kiên trì là một hành trình theo thời gian những trãi nghiệm sự sống, nó cũng nói với chúng ta rằng: sự kiên trì trong ân sủng để chúng ta đi đến kết quả của ơn cứu độ. Hành trình đó đòi hỏi chúng ta những trãi nghiệm bên ngoài theo thể chất, thể xác và tinh thần và cả những trãi nghiệm tâm linh, những trãi nghiệm ân sủng. Mẹ đã thể hiện trọn vẹn trãi nghiệm đời sống khi Mẹ để cho Chúa hành động trong cuộc đời Mẹ. Chúng ta thì sao? Những trãi nghiệm thể chất, thể xác của chúng ta có làm giảm xúc hay hao mòn ân sủng của Chúa không? Những trãi nghiêm tâm linh, trãi nghiệm đời sống đức tin có làm cho chúng gia tăng ân sủng hay là làm đánh mất ân sủng khi những cảm súc thể chất đánh đổi ân sủng của chúng ta? Theo chân Mẹ, chúng ta biến tất cả mọi cơ hội trãi nghiệm thành niềm vui ân sủng một cách kiên trì trong đời sống của chúng ta, nhất là trong sứ mạng Legio Mariae.
Thứ ba, sự kiên trì trong ân sủng mà Mẹ đã cảm nghiệm qua việc lắng nghe, thực hành và đáp trả xin vâng. Cụ thể nơi lời ca tụng của bà I-sa-ve trong bài ca Magnificat. Sự kiên trì trong ân sủng bao hàm cả những thăm trầm cuộc sống: cả thể chất lẫn tâm linh.
Nếu Chúa Thánh Thần hoạt động nơi công trình cứu chuộc của Thiên Chúa qua Đức Maria thì mỗi người chúng ta cũng là đối tượng như Mẹ để chương trình cứu độ được thực hiện trọn vẹn.
Những lời ca tụng của Bà I-sa-ve dành cho Mẹ Maria là sự thể hiện trãi nghiệm ân sủng mà Mẹ đã biểu lộ trong cuộc sống thương ngày. Điều này gợi lên cho chúng ta niềm hạnh phúc khi chúng ta đầy Thánh Thần và được người khác, người của nhân loại, nhận biết ân sủng dư tràn được đón nhận đó. Làm thế nào để có thể nói cho hết khi chúng ta thể hiện ân sủng khi thực hiện sứ mạng mà người mình gặp gỡ lại thấy hạnh phúc khi đối thoại với người đầy ân sủng như thế!
Sự kiên trì không ở trong thái độ và hoàn cảnh tiêu cực là đón nhận ân sủng, nhưng luôn năng động trong cách thức đón nhận, biểu lộ ân sủng và truyền cảm hứng ân sủng đó cho những người xung quanh.
Thật hạnh phúc khi lời tuyên hứa thuộc về Mẹ năng động trong ân sủng đời sống đức tin của mỗi hội viên Legio Mariae!
  1. Junior sống theo gương Mẹ Maria
Junior là tuổi trẻ của Legio Mariae. Việc phát triển và huấn luyện giới trẻ là nhiệm vụ cần thiết nhằm xây dựng sự nghiệp tương lai bền vững của Legio Mariae. Thật vây, khi đề cập đến Junior, Thủ bản Legio Mariae chương 36 đã xác định: “Mục đích chính không chỉ giúp các em làm những việc hữu ích mà thôi, song việc chính là huấn luyện, siêu nhiên hóa các em chuẩn bị sau này khi đến tuổi trưởng thành các em sẽ gia nhập hàng ngũ thực thụ của Legio”. Do vậy, chúng ta không quên để đồng hành với những tâm hồn trẻ trung khao khát trong sứ vụ loan báo Tin Mừng mà sứ mạng Legio Mariaegợi lên trong tâm hồn các bạn trẻ.
  1. Khiêm nhường để lắng nghe và học hỏi để biến đổi
Trong bối cảnh phức tạp của xã hội với sự đa dạng của các hình thức văn hoá, tôn giáo, đặc biệt là truyền thông, các bạn trẻ cần một ý chí quyết tâm là khiêm nhường lắng nghe. Thái độ lắng nghe luôn là lối mở ban đầu cho tri thức và cho việc chọn lựa những giá trị và cho sự phân định. Đức tính khiêm nhường càng làm cho người trẻ chắc chắn hơn trong những trạng thái đón nhận những tri thức và những thực hành lẽ sống, nhất là thái độ khiêm nhường luôn hướng suy tư của người trẻ hướng đến sự thánh thiện và ý nghĩa chung cục của cuộ đời.
Mẹ đã lắng nghe và Mẹ đã khiêm nhường, ngay cả tri thức về trật tự tự nhiên mà Mẹ đã trình bày theo khoa học và theo những giá trị đạo đức xã hội: “việc đó xảy đến thế nào được … tôi không biết đến người nam” (x. Lc 1,34). Đức khiêm nhường đã dẫn Mẹ đến thái độ xin vâng vượt hơn những giá trị tri thức tự nhiên: “tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38). Đức khiêm nhường đã dẫn Mẹ đến sự thánh thiện trọn hảo và sự sống viên mãn.
Chúng ta nghĩ sao khi mà những bạn trẻ Junior không tha thiết với nhân đức khiêm nhường của Mẹ trong sinh hoạt thường ngày và trong sứ vụ mà mình đang cố gắng thực hiện?
  1. Sự vâng phục trong những hành động tham gia vào đời sống các bí tích và cầu nguyện
Người trẻ thường hay so sánh và đối chiếu những giá trị, những thực tại, những lẽ sống … để cân đong đó đếm hơn thua và chọn lọc những điều thích hợp. Đôi khi những chọn lựa khi so sánh như thế thường hay bị lệch lạc bởi nhiều điều kiện chi phối xã hội và những cảm xúc nhục dục hay những trào lưu hưởng thụ. Các bạn trẻ dễ bị lôi cuốn theo những điều chóng qua và thoả mãn những cảm xúc ích kỷ của bản thân. Các bạn trẻ cũng thiếu những dấn thân trong thế giới tục hoá hiện tại … còn rất nhiều điều để có thể nói thật to, thật lớn và thật sâu sắc để đánh thức các bạn trẻ.
Thử đề nghị cho các bạn trẻ một cách thức suy nghĩ mà không phải dễ dàng thực tập ngày một hay ngày hai, đó là suy nghĩ bằng chính Lời Chúa và suy nghĩ trong sự hiện diện của Chúa.
Cần một môi trường để đón nhận Lời Chúa, cần thời gian và không gian để có thể học hỏi và cảm nghiệm Lời Chúa. Đặc biệt cần một tâm hồn luôn hướng về Chúa trong sự vâng phục.
Những khoảng không gian và thời gian đó là khung cảnh thực hiện các bí tích, nhất là Bí Tích Hoà Giải và Bí Tích Thánh Thể. Tâm hồn để hướng về Chúa là thái độ cầu nguyện: cầu nguyện bằng lời, bằng hành động, bằng suy tư, bằng sự tĩnh lặng … Lời Chúa luôn luôn bên cạnh chúng ta: Lời Chúa trong sách thánh, Lời Chúa trên các phương tiện truyền thông – internet, Lời Chúa trong các biến cố thường ngày, Lời Chúa trong các tương giao gặp gỡ và Lời Chúa cất lên trong sâu thẳm tâm hồn.
Chiến sĩ tí hon của Mẹ Maria là hình ảnh năng động trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Cần lắm một sự vâng phục trong đời sống đức tin qua việc tham dự các bí tích và cầu nguyện!
  1. Kiên trì trong ân sủng qua những sự biến đổi tiệm tiến đời sống đạo đức và đức tin
Biến đổi, thường người ta nghĩ ngay đến biến đổi thể chất nơi thân xác, tức là lớn lên và hình thành các cơ quan theo thời gian. Biến đổi cũng làm cho người ta nghĩ đến việc trao dồi tri thức và các đức tính làm người để trưởng thành. Biến đổi cũng dễ làm cho chúng ta suy nghĩ về sự hình thành các nhân cách đạo đức xã hội, cũng như những thay đổi địa vị xã hội.
Thật cần thiết khi những biến đổi mang giá trị tự nhiên như trên xảy theo trật tự và theo những logic hình thành nhân cách con người, nhất là nơi những biến đổi nhanh chóng của các bạn trẻ.
Cũng cần lắm những biến đổi thuộc về những giá trị nhân văn và những giá trị tâm linh, tiệm tiến và chắc chắn trong đời sống của các bạn trẻ!
Vậy thì đời sống ân sủng thì sao? Những chiến sĩ tí hon của Mẹ Maria cần lắm sự tiệm tiến ân sủng thích hợp với những tiệm tiến phát triển thể chất, tinh thần, phát triển đạo đức, phát triển nhân văn, tâm linh và đời sống đức tin. Hình thức để ân sủng luôn đong đầy và tiệm tiến trong đời sống là các bạn trẻ hãy cảm nhận ân sủng tác động bởi Chúa Thánh Thần qua việc khiêm nhường học hỏi Lời Chúa, qua sự tuân phục và thực hành lời Chúa, đặc biệt là qua việc trung thành thực hiện sứ mạng Legio Maria theo mẫu gương của Mẹ Maria.
KẾT
Mượn lời thôi thúc của Thượng Hội Đồng Giám Mục nói về tính hiệp hành để kết thúc cho bài huấn dụ hôm nay, nội dung viết rằng:
“Kinh nghiệm hiệp hành mở ra chân trời hi vọng cho Hội Thánh, một dấu chỉ rõ ràng của Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động hướng dẫn Hội thánh trong lịch sử lữ hành về Nước Thiên Chúa. Tiến trình hiệp hành đã cho thấy cách thức hiệp hành tạo ra không gian khả thi phù hợp với Phúc Âm khi chúng ta đối diện với các vấn đề cần kíp, những vấn đề mà người ta vốn thường đặt ra với một thái độ thù địch và đời sống của Giáo hội ngày nay thiếu chỗ tiếp nhận và phân định”.[3]
Sứ mạng của mỗi chiến sĩ Đạo Binh Đức Mẹ luôn thôi thúc bởi sức mạnh Thánh Thần, dưới sự che chở và phó thác cho Mẹ Maria, biểu lộ khuôn mặt Giáo Hội sống động và đầy ân sủng.
Sự cấp thiết để làm sống động tính hiệp hành của Giáo Hội thì sứ mạng Legio Mariae là một lối diễn tả sự hiệp hành rất thời sự và luôn luôn thời sự trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa.
Chúng ta tin tưởng trong lời tuyên hứa và thực hành một cách trọn vẹn lời hứa ấy trong đời sống đức tin và trong sinh hoạt thường ngày.
Per Mariam ad Jesum.
Bài giảng Lễ Truyền Tin (Lễ Acies)
MẸ ĐỒNG HÀNH VỚI CON NGƯỜI: XIN VÂNG
DẪN
Chúng ta giới hạn ý nghĩa hiệp hành trong chủ đề của ngày hôm nay khi đọc đoạn Tin Mừng Lc 1,26-38, và ý nghĩa lễ Acies để thôi thúc sứ vụ Legio Mariae trong năm nay: Hiệp hành là một cách thức diễn tả chúng ta là ai xét như là những Kitô hữu, và chúng ta đang cùng nhau trở nên gì trong tư cách là Giáo hội và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Làm một Kitô hữu, đó là có một ‘ơn gọi hiệp hành’ và ơn gọi này lớn lên trong đời sống thiêng liêng.
NỘI DUNG
  1. Thiên Chúa đã đến với con người: mầu nhiệm nhập thể.
Từ bài đọc thứ nhất, trích sách Tiên Tri I-sa-i-a, tác giả đã được linh hứng để loan báo dấu chỉ tiên trưng về việc Thiên Chúa đã chọn một người nữ để thực hiện lời hứa cứu độ (x. Is 7,8; 8,10). Lời hứa này đã loan báo từ những ngày đầu của công trình sáng tạo: một người nữ sẽ đối nghịch lại Eva, nơi vườn địa đàng đã bất tuân và làm cho chân loại đi vào cõi chết, đối lại một người nữ sẽ cưu mang Đấng Mê-si-a, Đấng Cứu Thế (x. St 3,15). Lời hứa này đã lưu truyền một cách sống động theo lịch sử nhân loại và được thực hiện trọn vẹn nơi Mẹ Ma-ri-a.[4]
Người đàn bà, trước hết là nhân loại này, đã từ đó được Thiên Chúa cho sinh ra Đấng đạp đầu con rắn. Dòng giống người đàn bà đạp đầu con rắn, chiến thắng sự dữ, mang lại Ơn Cứu Độ cho nhân loại là Đức Giêsu Kitô.
Đức Giêsu Nhập Thể làm người qua cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria nhờ sự xin vâng của Đức Mẹ (Lc 1,28-36), để từ đó Ngài lớn lên trong thân phận con người và cứu rỗi loài người. Vì là Mẹ Đấng Cứu Thế và trọn đời sống trong nghĩa thiết với Thiên Chúa, Đức Maria đã cộng tác một cách thiết thân vào Cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, để rồi sự dữ bị đánh bại. “Vì thế, ngay từ giây phút đầu đời, Mẹ đã được Thiên Chúa ban ân sủng ở mức tối đa, sung mãn (đầy ơn phúc), và suốt đời Mẹ đã sống trọn tình con thảo đối với Thiên Chúa. Sự biệt đãi, đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Mẹ đây, được gọi là ơn ‘chẳng hề mắc tội tổ tông’ hay ‘vô nhiễm nguyên tội’. Ngoài đặc ân là mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ Thiên Chúa và đặc ân Vô Nhiễm Thai, Đức Maria còn là mẹ của những ai đã được tái sinh trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu. “Trên Núi Sọ, vào chính lúc chiến thắng Satan nhờ thập giá, Chúa Giêsu thưa với thân mẫu: ‘Thưa Người Đàn Bà, đây là con của Bà’ (Ga 19,26). Với kiểu xưng hô độc đáo và lạ lùng này, Chúa Kitô gợi lại hình ảnh bà Eva, người đàn bà trong Tin Mừng tiên khởi, và là mẹ các sinh linh (St 3,20) để nói rằng Đức Maria là Eva mới và là mẹ tất cả những ai đã được tái sinh trong mầu nhiệm Thập Giá.”
Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật đã chiến thắng sự dữ, Mẹ Maria là thụ tạo hoàn hảo được Thiên Chúa đặt giữa đám tội nhân để phù trì nâng đỡ họ. Người phụ nữ này (Ga 2,4; 19,26) là khuôn mẫu cho tất cả những ai sẽ lãnh nhận ơn cứu độ. Mẹ Maria là niềm cậy trông, niềm hy vọng an vui cho chúng ta, những người bước trong cuộc lữ hành với những cơn cám dỗ thường trực, những cuộc chiến đấu với sự dữ trường kỳ cho đến khi ta được nghỉ yên trong Chúa.
  1. Chiến binh của Đức Mẹ, hội viên Legio Mariae, khắc hoạ hình ảnh của Đức Mẹ trong đời sống thường ngày và sứ vụ của mình.[5]
Theo lời của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma mà Thủ Bản Legio Mariae đã viết lại: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo’ (Rm 12,2). Đương đầu với những thực tại khó khăn, Người Legio hãy ôn tồn lãnh nhận tất cả, xem đó là niềm vui, bền đỗ đến cùng, dũng cảm hy sinh. Người Legio không được trốn tránh những cực nhọc lao phiền.
Thể hiện những đức tính để trở nên hoàn hảo, Người Legio phải tạo những môi trường gặp gỡ để thi hành sứ vụ mà ở đó mỗi người xác tín sự hiện diện và đồng hành của Mẹ theo chân Chúa.
Trước hết, đó là sự gặp gỡ.
Bí quyết thành công với đồng loại là ở sự giao tiếp cá nhân với cá nhân bằng tình thương và thiện cảm chân thật. Tình thương ấy là “con đường Bác Ái theo gương Chúa kitô đã thương chúng ta và đã phó mình chịu chết cho chúng ta”.
Thứ đến, Hội viên Legio còn rất cần những đức tính:
Muốn công việc đạt kết quả dồi dào, người Legio phải có chí hiến thân hoàn toàn, không đặt giới hạn cho lòng nhiệt thành của mình. Bằng cách kiên gan, bền chí, với một đức tin không lay chuyển, và lòng nhiệt thành trong ân sủng Chúa và Tình yêu của Mẹ, luôn sẵn sàng ứng trực nhằm mục đích trọn lành thánh thiện.
Tiếp theo, người Legio cần và không cần gì:
- Legio không cần hội viên phải có tiền tài, thể lực nhưng đòi hỏi phải có một đức tin không lay chuyển.
- Không đòi hỏi những việc làm vẻ vang nhưng xin cố gắng không ngừng.
- Không đòi hỏi tài ba lỗi lạc nhưng cần một tình yêu không phai lợt.
- Không đòi buộc một sức mạnh khổng lồ nhưng xin hãy bền đỗ tuân theo kỷ luật.
- Phải làm nhiệm vụ mà đừng nghĩ đến thành công.
- Phải chiến đấu, chống thất bại nhưng nếu thất bại không nản chí.
Cuối cùng, người Legio luôn luôn đứng dưới cây Thánh giá của anh em, quên hẳn mình, cho đến khi mọi sự đã hoàn tất mới rời khỏi nhiệm sở.
KẾT
“Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ”. Lời này diễn tả sự phó thác của mỗi người chúng ta giống như Mẹ khi Mẹ ‘xin vâng’ đáp lại lời Thiên thần Ga-bri-el.
Mẹ đã trình bày con người của Mẹ, Mẹ đã nói lên ý nghĩa lịch sử cứu độ. Cụ thể, nơi bài kinh Magnificat (x. Lc 1,46-55) gợi lên ba thời kỳ của lịch sử cứu rỗi: sự loan báo lời hứa trong quá khứ của dân tộc Israël, sự hoàn tất trong biến cố hiện tại khi Đấng cứu thế đến và sự thực hiện sắp đến trong đời sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu.[6]
Mẹ đã trở thành Mẹ của Hội Thánh: Mẹ Maria là mẹ của Chúa Giêsu là Đầu Hội Thánh, Mẹ cũng là Mẹ của toàn thân tức là Mẹ của Hội Thánh và cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta.
Đây là xác quyết để chúng ta mạnh mẽ đi vào đời, thực hành sứ vụ và loan báo Tin Mừng với Mẹ.
 Per Mariam ad Jesum!
 

[1] Đức Tổng Giám mục Dermot Farrell trong Thánh lễ kỷ niệm một trăm năm thành lập Đạo Binh Đức Mẹ
Nhà thờ Thánh Nicholas Myra, Phố Francis, trên trang https://legiomariaevn.com/chi-tiet-tin-tuc/1522/legio-maria-lam-chung-va-phuc-vu-cho-vuong-quoc-cua-thien-chua.html. Truy cập ngày 7/03/2024.
[2] Hiến chế Lumen Gentium, số 53 và 56.
[3] Thượng Hội Đồng Giám Mục, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/kinh-nghiem-cua-dan-chua-the-nao-la-mot-hoi-thanh-hiep-hanh--52619. Truy cập ngày 24/03/2024.
[4] X. Phương Tế Các Lương, CSsR, chú giải St 3,15 trên https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tin-mung-tien-khoi-st-3-15-loi-hua-cua-niem-hy-vong-41077. Truy cập ngày 01/04/2024.
[5] Thủ Bản Legio Mariae, hỏi đáp số lề 7-16.
[6] Yves Guillemette, bình giảng bài ca Mangificat, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-ca-magnificat-lc-1-46-55-duc-maria-ngoi-ca-nhung-dieu-ky-dieu-cua-thien-chua-49221. Truy cập ngày 01/04/2024.
 
3
2
7

BTT Ninh Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập130
  • Máy chủ tìm kiếm94
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại936,204
  • Tổng lượt truy cập47,301,348

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây