126. Hỏi: Cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu có vị trí nào trong đức tin của chúng ta?
Thưa: Cuộc Phục sinh là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Ðức Kitô. Với thập giá, cuộc Phục sinh là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt qua.
127. Hỏi: Những “dấu chỉ” nào làm chứng cho cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu?
Thưa: Ngoài dấu chỉ chính yếu là mồ trống, cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu được làm chứng bởi một số phụ nữ; họ là những người đầu tiên đã gặp gỡ Người và đã báo tin cho các Tông đồ. Tiếp đó, Chúa Giêsu đã “hiện ra với Kêpha” (tức là thánh Phêrô), rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra cùng một lúc với hơn năm trăm anh em (1Cr 15,5-6) và còn nhiều người khác nữa. Các Tông đồ đã không thể bày đặt ra chuyện Phục sinh, vì Phục sinh đối với họ là chuyện không thể có được. Quả thật, Chúa Giêsu cũng đã trách cứ sự cứng lòng tin của họ.
128. Hỏi: Tại sao Phục sinh cũng là một biến cố siêu việt?
Thưa: Tuy là một sự kiện mang tính lịch sử, có thể xác định và chứng thực qua các dấu chỉ và chứng cớ, nhưng vì là việc nhân tính của Ðức Kitô bước vào vinh quang của Thiên Chúa, nên Phục sinh cũng siêu việt và vượt quá lịch sử, thực sự là Mầu nhiệm đức tin. Chính vì thế, Ðức Kitô Phục sinh không tỏ mình ra cho thế gian, nhưng chỉ cho các môn đệ Người, làm cho họ trở thành những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng.
129. Hỏi: Thân xác phục sinh của Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào?
Thưa: Sự Phục sinh của Ðức Kitô không phải là một cuộc trở lại đời sống trần thế. Thân xác phục sinh của Người, cũng chính là thân xác đã chịu đóng đinh, và vẫn mang vết tích của cuộc khổ nạn, nhưng từ lúc Phục sinh, thân xác này được tham dự vào đời sống thần linh với những đặc điểm của một thân xác vinh hiển. Vì thế, Ðức Giêsu Kitô Phục sinh tuyệt đối tự do khi hiện ra với các môn đệ Người, theo cách thức và nơi chốn như Người muốn, dưới nhiều hình dạng khác nhau.
Trích Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn