Trang Tin Tức Giáo phận Nha Trang

https://giaophannhatrang.org


PHỤC SINH

Trong Lễ Phục Sinh, chúng ta thường hát: “Chúa đã sống lại thật, Alleluia!” hay nói: “Chúa Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết”. Vậy, Phục Sinh là gì? Thế nào là chỗi dậy? Chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của những thuật từ này.
Trong Lễ Phục Sinh, chúng ta thường hát: “Chúa đã sống lại thật, Alleluia!” hay nói: “Chúa Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết”.
Vậy, phục sinh là gì? Thế nào là chỗi dậy? Chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của những thuật từ này.
 
1.   Phục sinh
1.1 tìm hiểu từ nguyên resurrectio
Từ phục sinh mà các Kitô hữu đang sử dụng dịch từ chữ resurrectio trong tiếng Latinh. Resurrectio có nghĩa:
- Sống lại từ cõi chết.
- Sự sống lại của Đức Kitô sau khi chết và được mai táng.
- Sự sống lại của con người trong ngày phán xét.
- Tình trạng của người sống lại từ cõi chết.
- Tái sinh từ sự huỷ hoại, phế thải.... sống lại.
Khác với quan niệm của người Hy Lạp ngày xưa: Linh hồn con người, tự bản chất không hư nát, khi chết thì linh hồn được giải thoát khỏi những ràng buộc của thân xác, đơn độc đi vào cõi bất tử của các thần linh, quên hết tất cả cuộc sống dĩ vãng của mình ở trần gian. Thánh Kinh quan niệm rằng: con người, với thân phận hiện tại, nằm dưới quyền lực của Thần Chết: Khi chết linh hồn bị giam trong Shêol, còn thân xác bị huỷ hoại trong nấm mồ. Nhưng đó chỉ là tình trạng tạm thời, vì nhờ hồng ân Chúa, con người sẽ sống lại như chỗi dậy từ lòng đất nơi họ đã an nghỉ, thức dậy từ một giấc ngủ mà họ đã thiếp đi. Vì vậy, Thánh Kinh thường dùng từ an giấc khi đề cập đến sự chết và ngược lại, khi nói đến việc sống lại thường dùng từ chỗi dậy: “Những kẻ chết đâu còn sống lại, những âm hồn có chỗi dậy đâu!” (Is 26,14: Mortui non reviviscent, defuncti non resurgent).
1.2. Trong tiếng Hán Việt:
HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN của Thiều Chửu giải nghĩa hai chữ này khá đầy đủ như sau:
- Phục (復): chữ này có 3 âm và mỗi âm có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau: 1. PHỤC: (1) Lại, đã đi rồi lại trở lại; (2) Báo đáp. 2. PHÚC: (1) Lại có hai; (2) Trừ, miễn cho khỏi đi phu phen tạp dịch. 3. PHÚ: Đồng nghĩa với chữ phú(覆) nghĩa là (1). Lật lại, phản phúc: kẻ hay giở giáo; (2) Che trùm (Thiên phú địa tải).
- Sinh (生): (1) Sống, đối lại với tử; (2) Còn sống; (3) Những vật có sự sống, như chúng sanh; (4) Sinh sản, nẩy nở; (5) Nuôi, những đồ để nuôi sống đều gọi là sanh; (6) Sống chưa chín; (7) Học trò; (8) Dùng như chữ mạt; (9) Dùng làm tiếng đệm; (10) Tiếng dùng trong tấn tuồng (Chỉ nam diễn viên tuồng cổ, như văn sinh, võ sinh).
- Phục sinh (復生): nghĩa là sống lại, tương tự như từ hồi sinh, tái sinh, tức là người chết sống lại, sứ sống lại từ cỏi chết. Theo niềm tin Công Giáo phục sinh là linh hồn tái kết hợp với thể xác.
2. Chỗi dậy
Trong Tân Ước, việc sống lại của Đức Kitô được Thánh Phaolô gọi là “anastasis” tiếng Hy Lạp có nghĩa là “chỗi dậy, resurgo”, được thực hiện bởi một tác động thần linh mà tiếng Hy Lạp gọi là “egeirein” có nghĩa là “đánh thức, suscito”: Đấng “chỗi dậy”, Đấng người ta “đánh thức” dậy, cũng chính là Đấng đã nằm xuống trong giấc ngủ sự chết (1Cr 15,4) .
Như vậy, resurrectio (do động từ resurgo, nghĩa là “đứng dậy, chỗi mình dậy, lại xuất hiện”) không đơn thuần là sống lại, nhưng còn hàm ý việc sống lại do bởi quyền năng của Thiên Chúa, Đấng là chủ sự sống, Đấng sẽ làm cho con người cùng được chỗi dậy với Đức Kitô (Cl 2,12; Ep 1,19). Đức Kitô phục sinh không trở lại với đời sống cũ tại thế (Cv 13,34; Rm 6,9). Phục sinh không có nghĩa là hồi sinh, mà là khởi điểm một công trình tạo dựng mới (1Cr 15,42). Do đó, phục sinh có nội dung hết sức phong phú, chúng ta không thể bàn hết trong khuôn khổ bài viết này.
3. Nhận xét
Như vậy, về mặt từ Hán Việt, phục sinh chỉ có nghĩa là sống lại, tương tự như từ hồi sinh, tái sinh... không diễn tả hết ý nghĩa “anastasis” “egeirein” hay resurrectio. Còn chỗi dậy hay trỗi dậy thì đúng nghĩa đen với chữ resurrectio, nhưng trong tiếng Việt thì không thể diễn tả được bất kỳ một ý nghĩa gì của việc “vượt qua cõi chết”.
Một trong những nguyên tắc dịch Thánh kinh phải trung thành với nguyên văn, nhưng cũng phải chú ý đến văn hóa của từng địa phương. Nếu chúng ta dịch “anastasis”, resurrectio là chỗi dậy, thì chúng ta nên nói mừng Lễ Trỗi Dậy hay là Lễ Phục Sinh?
Kết
Lễ Phục Sinh đã trở nên từ ngữ quốc tế cho cả Việt Nam, Trung Quốc (復活節Phục hoạt tiết), Nhật (Kanji: 復活祭phục hoạt tế) và Hàn Quốc (부활절Phục hoạt tiết), nên chăng chúng ta thống nhất cách dịch?
 
LM. Stêphanô Huỳnh Trụ
____________________________________
 
 
SÁCH THAM KHẢO:
 
1. Huỳnh Tịnh Paulus Của, ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ, Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn, 1895.
2. Khai Trí Tiến Đức, VIỆT NAM TỪ ĐIỂN, Mặc Lâm xb., Hà Nội, 1931.
3. LM. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANCAIS, D'Extrême Orient, Sài Gòn, 1957.
4. Từ Phát, HỎI NGÃ TỰ VỊ, Thanh Quang xb., Sài Gòn, 1958.
5. Ban Tu Thư Khai Trí, TỰ ĐIỂN VIỆT NAM, Khai Trí xb., Sài Gòn, 1971.
6. Gs. Lê Ngọc Trụ, VIỆT NGỮ CHÍNH TẢ TỰ VỊ, In lần II, Khai Trí xb., Sài Gòn, 1972.
7. Nxb Khoa Học Xã Hội, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1977.
8. Gs. Hoàng Phê (cb), TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT, In lần thứ II, Nxb Giáo Dục, TP.HCM, 1988.
9. Gs. Nguyễn Như Ýù (cb), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Nxb. VHTT, Hà Nội, 1999.
10. Gs. Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ & NGỮ VIỆT NAM, Nxb. TP.HCM, TP.HCM, 2000.
11. Viện Ngôn Ngữ Học, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Viện Ngôn Ngữ Học, Hà Nội, 2004.

Nguồn: simonhoadalat.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây