Trang Tin Tức Giáo phận Nha Trang

https://giaophannhatrang.org


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Vọng - năm C

Đó là cuộc gặp gỡ giữa Đấng Messia với các tín hữu đại diện cho Giao Ước cũ. Người khởi xướng cuộc gặp gỡ này chính là Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế. Đây là một cử chỉ diễn tả sự khiêm hạ và nhưng không, rất tương hợp với tinh thần của Tin Mừng.
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Vọng - năm C
 

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG - C
(Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1,39-48a)

MỘT THIÊN CHÚA ĐẾN VỚI CON NGƯỜI

“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này”
(Lc 1,43)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Mk 5,1-4a)

Mikha là vị ngôn sứ cùng thời với Amos, Hôsê và Isaia (thế kỷ 8 tCN). Là người miền Giuđa, nhưng Mikha tuyên sấm cả ở Samaria và Giêrusalem, thủ phủ miền Bắc và thủ phủ miền Nam.

Ngài lên tiếng tố cáo tội lỗi của Israel (miền Bắc) và tiên báo về ngày sụp đổ của nó. Và thực tế Samaria bị quân Assiri chiếm đóng năm 721 tCN. 

Ngài còn tố cáo các thủ lãnh miền Giêrusalem vì đã xây Sion bằng máu, dựng Giêrusalem bằng bất công; họ ỷ vào Đức Chúa, và tự tin cho rằng: “Đức Chúa chẳng ở giữa chúng ta hay sao?” (3,10-11).

Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi dân Người, và đã sai Mikha loan báo ơn cứu độ sắp đến. Sẽ xuất hiện một vị, nhưng không từ Giêrusalem hay Samaria, những thủ phủ của Israel, vốn ngạo mạn và hư hỏng, nhưng từ một miền quê nhỏ bé tên là Bétlêhem Ephrata, có nghĩa là màu mỡ hay phì nhiêu. Đây cũng là quê hương của vua Đavít (1 Sm 16), người đã trị vì toàn thể dân Israel năm xưa.

Đấng Cứu Thế sẽ trị vì Israel, sẽ cai trị tại Giêrusalem, và sẽ đem lại hòa bình cho dân nước; những cuộc tranh chấp nội bộ hay xâm lăng ngoại bang sẽ không còn.

Vì thế, vọng Giáng Sinh, hướng đến mừng cuộc sinh hạ của Chúa Giêsu trong thời gian và mong đợi sự trở lại của Người trong ngày cánh chung, đã làm rõ ý nghĩa lời ngôn sứ Mikha năm xưa (Mt 2,6; Lc 2,6; Ga 7,42).

2. Bài đọc II (Dt 10,5-10)

Thư Do Thái khẳng định chức tư tế và những hy lễ xưa cũ đều mang tính tạm thời. Việc các hy lễ theo Luật truyền được lặp lại mỗi ngày là một bằng chứng cho thấy nó không mang lại ơn cứu độ.

Với việc Đức Giêsu đến trong trần gian, Người đã kiện toàn một bước quyết định như đã nói trong Thánh Vịnh 40: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: “Này con xin đến!” Trong sách có lời chép về con, rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (7-9).

Bước quyết định này của Chúa Giêsu trước hết là hy tế thiêng liêng, là làm theo thánh ý Chúa Cha, và tiếp theo là chính hy lễ thân mình Người, được kiện toàn trong mầu nhiệm Nhập thể - Cứu Chuộc.

Hy tế này bãi bỏ hy tế năm xưa, và có hiệu quả chung cuộc, chỉ một lần là đủ và không cần lặp lại.

Các hy lễ trong Đền Thờ thường mang tính to lớn, vĩ đại, và dễ tạo nên sự tự hào kiêu căng; trái lại, hy lễ Đức Giêsu là sự khiêm hạ trong vâng phục thánh ý (Pl 2,6-8). Điều này cũng tương tự như hình ảnh trái ngược được Mikha gợi ra, đó là giữa một Giêrusalem hùng vĩ với một Betlêhem nhỏ bé, khiêm hạ.

3. Bài Tin Mừng (Lc 1,39-48a)

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày một trích đoạn thật cảm động và đầy ngạc nhiên: một thiếu nữ còn rất trẻ đã đính hôn và đang mang thai, đã làm một cuộc hành trình dài (150 km) đến một làng hẻo lánh vùng núi tên là Ein Karem - Giuđa, quê hương của Gioan Tẩy Giả và ở lại đó trong ba tháng.

Trình thuật mang nhiều ý nghĩa: đó là cuộc gặp gỡ giữa Đấng Messia với các tín hữu đại diện cho Giao Ước cũ. Người khởi xướng cuộc gặp gỡ này chính là Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế. Đây là một cử chỉ diễn tả sự khiêm hạ và nhưng không, rất tương hợp với tinh thần của Tin Mừng.

Tiếp rước Đức Maria ngay bậc thềm nhà mình là Êlisabeth, vợ của vị tư tế Dacaria. “Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa” (Lc 1,6). Vị tư tế, do bởi sự nghi nan của mình, đã bị câm, nhưng người vợ thì đầy nguồn ơn linh hứng đã thực hiện một cử chỉ của niềm tin đầu tiên vào Đức Kitô khi hân hoan tiếp rước Người. Theo cách thức này, chức tư tế đã được nhìn nhận nơi Đức Kitô ngay trước khi Người sinh hạ. Cặp đôi của chức tư tế trong Giao Ước cũ đã già và hiếm muộn, nhưng giờ đã có thể sinh con nhờ công cuộc Đấng Messia.

Gioan Tẩy Giả, người lớn nhất trong các ngôn sứ, đã nhảy lên do bởi niềm vui mà các ngôn sứ trước kia loan báo và hy vọng, và niềm vui đó được kiện toàn hôm nay.

Như thế, chức tư tế và ngôn sứ của Giao Ước cũ, do hai ông bà và Gioan Tẩy Giả đại diện, đã bị vượt qua và thành toàn nơi Đức Giêsu qua sự tiếp nhận cuộc viếng thăm, trong đó, Đức Maria đã chủ động thông dự vào hoa trái của cung lòng mình.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Chúng ta đang chuẩn bị một kỳ lễ Giáng Sinh mới. Liệu đây có phải là một ngày lễ được lặp lại giống như mọi năm hay là một cơ hội để đổi mới thật sự cho mỗi chúng ta? Đâu là sự mới mẻ của kỳ Noel này? Thiên Chúa luôn hoạt động và viết tiếp các trang sử; Thiên Chúa cũng luôn đến với mỗi người chúng ta trong mọi phút giây; Người không ngừng thúc giục chúng ta bước vào một thế giới mới; Người đã đến, đang đến và sẽ đến. Dấu chỉ của Hài Nhi Giêsu không phải là những điều to lớn vĩ đại, mà qua những điều nhỏ bé khiêm hạ. Trong lúc này, đâu là lời mời gọi mới mẻ mà ta nghe được trong kỳ lễ Giáng Sinh năm nay?

2. Lễ Giáng Sinh không phải là một sản phẩm của con người, nhưng là một hồng ân thiêng thánh; đây cũng không phải là một cuộc chinh phục võ lực, nhưng là một lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện; đây là một hành trình đến với của Thiên Chúa mà không phải là hành trình đi ra của chúng ta. Chúng ta được mời gọi như thế nào khi chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh? Chúng ta có như Đức Maria đã làm, đó là sẵn sàng mở hết lòng đón rước hồng ân thánh, trong niềm tin vào lời hứa năm xưa, để Đấng muốn đến được đếnở lại trong đời chúng ta?

3. Đức Maria đã chiếm một chỗ quan trọng trong phụng vụ Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng. Bên cạnh thái độ ngoan ngùy sẵn sàng tuân phục thánh ý Chúa và hân hoan chia sẻ ơn thánh với tha nhân, hình ảnh Mẹ cưu mang Con Chúa khởi đi từ Nazarét làm hành trình tiến về Ein Karem, cách Giêrusalem 8 Km, giúp ta gợi nhớ hình ảnh vua Đavít rước hòm bia Thiên Chúa về Giêrusalem (2 Sm 6,1-11). Nếu như xưa kia, hòm bia Đức Chúa ở nhà ông Ovết Êđom trong ba tháng và giáng phúc cho nhà ông, thì hôm nay, Đức Maria, với hòm bia giao ước mới, đã ở lại nhà hai ông bà Dacaria và Êlizabéth và chúc lành cho hai ông bà. Vì thế, đón chờ Chúa Giáng Sinh, chúng ta có sẵn sàng tiếp rước Mẹ Maria cùng với Hài nhi Giêsu như là hòm bia Giao Ước mới vào bậc thềm của nhà mình để Mẹ cùng với Chúa Giêsu ở lại với chúng ta và chúc lành cho chúng ta?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã đến và ở cùng nhân loại để loan báo mùa hồng ân cứu độ. Với tâm tình biết ơn và cảm mến, cộng đoàn chúng ta cùng khẩn khoản cầu xin:

1. Chúa trao cho Hội Thánh sứ mạng đem tin mừng cứu độ đến cho gia đình nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho các thành phần trong Hội Thánh luôn nỗ lực trở nên dấu chỉ ơn cứu độ của Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay.

2. Trên thế giới vẫn còn nhiều người đói khổ và không được sống đúng với phẩm giá của mình. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo các quốc gia luôn quan tâm khích lệ và thể hiện tinh thần liên đới chia sẻ trong cộng đồng.

3. Thiên Chúa mời gọi mọi người cộng tác vào công trình cứu độ của Người. Chúng ta cùng cầu xin cho các kitô hữu luôn nhiệt tâm tham gia vào sứ vụ cao cả ấy bằng lời cầu nguyện, gương lành và các việc bác ái.

4. Ðức Maria là tấm gương đón nhận, cưu mang và trao tặng Ngôi Lời. Chúng ta cùng cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết noi gương Mẹ chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh trong tinh thần khiêm tốn và dấn thân phục vụ.

Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn mạch niềm vui cứu độ, xin nhận lời chúng con tha thiết cầu nguyện, và hướng dẫn chúng con luôn biết sống trọn niềm tin - cậy - mến trong khi hân hoan đón mừng ngày Con Chúa ngự đến. Người là Thiên Chúa hằng sống hằng trị muôn đời.


Ủy Ban Mục vụ Kinh Thánh và Phụng Tự
Nguồn: ​tgpsaigon.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây