FATIMA, ĐỨC MARIA VÀ NGƯỜI HỒI GIÁO

Thứ bảy - 27/01/2018 00:12  1429
FATIMA, ĐỨC MARIA VÀ NGƯỜI HỒI GIÁO
 
Người Công giáo tôn sùng Đức Maria với nhiều tước hiệu, một trong số đó là tước hiệu “Đức Mẹ Fatima”. Fatima là một địa danh ở Bồ Đào Nha nơi Đức Maria đã hiện ra sáu lần cho ba em mục đồng suốt khoảng thời gian từ ngày 13/5 đến ngày 13/10/1917. Và cũng từ địa danh này, người ta khám phá ra mối dây liên kết độc đáo giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Tất cả đều xoay quanh một sự kiện lịch sử thú vị mà đa số người Công giáo ít biết, hoặc thậm chí không hề biết đến.
 
Bối cảnh lịch sử.
Sự kiện lịch sử ở đây là người Hồi giáo đã chiếm bán đảo Iberia, bao gồm Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, trong nhiều thế kỷ. Cuộc chinh phục bắt đầu hồi năm 711 khi quân lực Hồi giáo xâm lược; trong vòng bảy năm họ đã chiếm toàn bộ bán đảo Iberia. Khu vực này trở thành một trong những nền văn minh Hồi giáo vĩ đại, đạt tới đỉnh cao trong Triều đại Umayyad
[1] vào thế kỷ X (929-1031). Sau thời kỳ đó, quyền thống trị của Hồi giáo đã suy yếu, diệt vong vào năm 1492 khi Granada bị bắt (năm đó Columbô khám phá ra Châu Mỹ).
 
Vào thời 
Reconquista[2] khi những người Hồi giáo bị trục xuất, vị thủ lãnh Hồi giáo cuối cùng của vùng ấy có cô con gái xinh đẹp tên là Fatima. Một chàng hiệp sĩ Công giáo trẻ trung tên là Don Gonҫalo Hermingues yêu cô và vì chàng, cô đã ở lại sau khi những người Hồi giáo rời đi. Nhà vua Kitô giáo đồng ý cho họ kết hôn với điều kiện cô phải trở thành Kitô hữu. Tình yêu của vị hôn phu dành cho cô quá mãnh liệt đến nỗi về sau chàng đã đổi tên thị trấn thành Fatima. Do đó, chính nơi Đức Maria hiện ra năm 1917 có mối liên hệ lịch sử với Fatima. Fatima là cái tên Hồi giáo phổ biến dành cho phụ nữ, bởi lẽ Fatima là con gái yêu dấu của Tiên tri Hồi giáo Môhamét. Khi bình luận về sự kiện này, Đức Giám mục Fulton J. Sheen đã từng lưu ý: “Tôi tin rằng Đức Trinh Nữ đã chọn để được biết đến với tước hiệu ‘Đức Mẹ Fatima’ như một lời hứa và dấu chỉ hy vọng cho người Hồi giáo.
 
Fatima, Con gái của Môhamét (Muhammad).
Fatima là con gái thứ tư và là con út của Khadijah và Môhamét. Hầu hết các nguồn liệu đều đồng ý rằng cô sinh ra vào khoảng năm 605. Fatima thường được gọi là Fatima Al-Zahra, “Đấng lộng lẫy”. Cô là người con duy nhất của Môhamét sinh con cháu nối dòng. Các nguồn liệu khẳng định rằng cô đã lớn lên vào thời điểm rất khó khăn trong cuộc đời của Vị Tiên tri, khi ngài đối mặt với nhiều chống đối từ người Mecca không mấy thiện cảm với việc thuyết giảng đức tin mới của ngài. Fatima là đứa trẻ nhạy cảm và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những cuộc bách hại mà cha cô phải chịu. Tuy nhiên, cô đã đứng bên cạnh cha mình và bảo vệ ông – ngay cả khi cô ở tuổi trưởng thành. Cô chăm sóc cha cách chu đáo sau khi mẹ cô Khadijah qua đời.
 
Vào năm 622, Môhamét và các môn đệ đã thực hiện chuyến Hijrah nổi tiếng (di trú hay hành trình) đến thành phố Yathrib, sau này được Môhamét đổi tên thành Medina, hiện nay là thánh địa của người Hồi giáo. Chuyến hành trình đến Medina năm 622 trở thành Năm Thứ Nhất của lịch Hồi giáo. Fatima bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến cha mình trong những thời điểm này. Vì vậy, cô được biết đến như là Umm Abiha (mẹ của cha cô); mối quan hệ của họ rất gần gũi và sâu sắc. Sau hành trình đến Medina, Fatima kết hôn với Ali; họ có bốn người con. Ali được xem là 
Imam[3] đầu tiên. Những người con của họ, Hasan và Husayn, trở thành imam thứ hai và thứ ba. Fatima được tôn trọng vì nhiều nét; cô nổi tiếng là người có tâm hồn tôn giáo sâu sắc, dành phần lớn cuộc đời để cầu nguyện và đọc kinh Koran.
 
Vào năm 632 C.N, sau khi hoàn tất chuyến hành hương (Haji) cuối cùng, Tiên tri Môhamét qua đời. Sáu tháng sau, Fatima cũng qua đời ở tuổi 28. Môhamét đã nói về Fatima, con gái mình, như sau: “Nó có địa vị cao nhất trên thiên đường sau Đức Trinh Nữ Maria.” Đôi chút chi tiết lịch sử này cung cấp hậu cảnh cho việc nhiều người Hồi giáo chọn tên “Fatima” để đặt cho con gái của họ.
 
Tương đồng trong Đức tin
Khởi đi từ tình yêu và lòng sùng kính người Công giáo dành cho Đức Maria, với tước hiệu “Đức Mẹ Fatima” và nguồn gốc Hồi giáo của cái tên “Fatima”, người Công giáo nên vui mừng khi khám phá ra nhiều điểm chung giữa người Kitô hữu và người Hồi giáo. Lòng sùng kính Đức Maria là yếu tố chủ đạo và là nguồn khả thể cho sự hiệp nhất giữa Hồi giáo – Kitô giáo; và là chìa khóa để xóa bỏ thù hận.
 
Chúng ta hãy lắng nghe lời dạy của Công đồng Vatican II (1962-1965) về thái độ đúng đắn của người Công giáo đối với anh em Hồi giáo như sau: “Mặc dù trong nhiều thế kỷ, có nhiều cuộc tranh cãi và thù hận xảy ra giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, thánh Công đồng thúc giục mọi người quên đi quá khứ và phấn đấu chân thành để hiểu biết lẫn nhau. Nhân danh toàn thể nhân loại, họ hãy kiến tạo những mục tiêu chung để bảo vệ và cổ võ công lý xã hội, các giá trị đạo đức, hòa bình và tự do.” (NA 3)
 
Hầu hết các Kitô hữu không hề biết lòng sùng kính người Hồi giáo dành cho Đức Maria. Tên của ngài Maryam minh nhiên xuất hiện trong kinh Koran tới 34 lần; không có bất kỳ tên người phụ nữ nào được đề cập đến trong kinh Koran, ngay cả tên “Fatima”. Trong 34 lần nhắc đến, Maryam đều được xác định là mẹ của Đức Giêsu (‘Isā). Một chương của kinh Koran (Sura 19) có nhan đề là Maryam và kể lại các sự kiện Truyền tin và Đức Giêsu giáng sinh. Thêm vào đó, người Hồi giáo gọi Đức Maria là Sitti MaryamSitti là một từ ngữ biểu lộ lòng quý mến vì ngài được đặc ân làm mẹ của Tiên tri ‘Isā.
 
Môhamét luôn tôn kính và quý trọng Đức Maria. Ngài nói về Đức Maria như là một dấu chỉ (ayat) cho tất cả thụ tạo và là một mẫu gương (mathal) cho tất cả các tín hữu. Kinh Koran (66, 12) đã viết: “Bà đã tin tưởng vào lời Chúa và tin vào Kinh thánh.” Vị Tiên tri Mecca xem Đức Maria như là một dấu chỉ và một mẫu gương bởi vì Đức Maria đã thực sự suy phục (Islam) thánh ý của Allah / Thiên Chúa. Thánh Luca cũng ghi lại cùng một nhân đức ấy của Đức Maria như sau: “Đức Maria nói: Tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần truyền.” (Lc 1,38)
 
Một tương đồng khác về Đức Maria được tìm thấy cả trong niềm tin Kitô giáo lẫn Hồi giáo là: Đức Maria có một phẩm giá đặc biệt như người được Thiên Chúa ân thưởng.
 
Kinh Koran (3,42) viết: “Allah đã chọn bà, làm cho bà thanh khiết, và tôn cao bà trên tất cả phụ nữ”; Tin mừng Luca (1,28; 42) tuyên bố: “Kính chào Maria đầy ơn phúc, … bà được chúc phúc giữa những người nữ.
 
Lòng tôn trọng lẫn nhau giữa Hồi giáo-Kitô giáo
Giáo hội Công giáo tìm cách thăng tiến tầm nhìn mới về các mối quan hệ nhân linh tại Công đồng Vatican II; trong các văn kiện Công đồng, chúng ta đọc thấy: “Về người Hồi giáo, Giáo hội rất trân trọng.” (NA 3) Thật vậy, “kế hoạch cứu độ cũng bao gồm những người thừa nhận Đấng Sáng Tạo. Ở vị trí đầu tiên trong số họ là người Hồi giáo, những người tuyên giữ đức tin của Abraham, cùng với chúng ta tôn sùng một Thiên Chúa duy nhất và giàu lòng thương xót, là Đấng  vào ngày cuối cùng sẽ phán xét nhân loại.” (LG 16) Nhiều người Công giáo chắc chắn sẽ ngạc nhiên trước lời dạy của Vatican II, những lời đào sâu những nét tương đồng giữa Hồi giáo và Kitô giáo; người Hồi giáo “tôn sùng một Thiên Chúa, hằng sống và vĩnh cửu, giàu lòng thương xót và toàn năng, Đấng tạo dựng trời đất, và Đấng phán dạy tất cả mọi người. Họ cố gắng hết lòng suy phục thậm chí những sắc chỉ không thể hiểu được của Người, giống như Abraham đã làm, người mà đức tin Hồi giáo rất vui lòng tự liên kết. Mặc dù họ không thừa nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng họ tôn kính Ngài như một vị tiên tri. Họ cũng tôn kính Mẹ Maria, Mẹ đồng trinh của Người; đôi khi họ cũng kêu cầu người với lòng sùng kính. Ngoài ra, họ đang chờ đợi ngày phán xét khi Thiên Chúa ban cho mỗi người phần xứng đáng sau khi cho họ sống lại. Do đó, họ đánh giá cao đời sống luân lý và thờ phượng Thiên Chúa đặc biệt qua việc cầu nguyện, bố thí và ăn chay.” (NA 3)
 
Tầm nhìn của Vatican II
Một lần nữa, đa số người Công giáo không ý thức rằng Công đồng Vatican II (1962-1965) đã đưa ra một văn kiện trọn vẹn về cách tiếp cận các truyền thống đức tin khác. Đó là văn kiện Nostra Aetate, Tuyên ngôn về mối liên hệ của Giáo hội với các Tôn giáo khác. Mặc dù là văn kiện ngắn nhất của Công đồng, nhưng nó đã có một tác động sâu rộng trên đời sống của Giáo Hội, đặc biệt trong mối quan hệ của Giáo hội với những người tín hữu của các niềm tin sống động khác (ví dụ như Hồi giáo, Phật giáo, và đạo Hindu). Điều này đặc biệt đúng ở châu Á, nơi chưa đầy ba phần trăm trong số hơn bốn tỷ người Châu Á là người Kitô hữu.
 
Nostra Aetate (“trong thời của chúng ta”) đã biến đổi quan điểm và mối tương quan của Giáo hội với các tôn giáo khác; NA khẳng định: “Giáo hội Công giáo không bác bỏ điều gì là chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo này. Giáo hội lưu tâm với lòng tôn trọng chân thành những lối cư xử và lối sống, những giới luật và những lời giảng dạy ấy... (mà chúng) thường phản ánh một tia Chân lý soi sáng mọi người.” (NA 2)
 
Do đó, Giáo hội khuyến khích con cái mình, qua đối thoại và hợp tác với những tín đồ tôn giáo khác, ... (họ) nhận ra, gìn giữ và thăng tiến những điều tốt đẹp, tinh thần và phong hóa, cũng như các giá trị văn hóa xã hội được tìm thấy nơi những người này.”(NA 2)
 
Đối thoại và Phục vụ Liên niềm tin.
Một thuật ngữ phổ biến gói trọn tất cả các thái độ và sáng kiến này là thuật ngữ “đối thoại liên tôn” (interreligious di­alogue). Thuật ngữ tương tự, có lẽ chính xác hơn, là “đối thoại liên niềm tin” (interfaith dialogue). Tất cả những nỗ lực xây dựng mối tương quan huynh đệ và cổ võ truyền thông được gắn chặt vào niềm tin của con người. Đối thoại đích thực thì trổi vượt hơn nhiều so với chiến thuật hoặc chiến lược để quản lý cộng đồng hoặc giải quyết các căng thẳng và vấn đề xã hội.
 
Đối thoại liên niềm tin vượt ra khỏi cuộc thảo luận (“đối thoại”) về niềm tin và thực hành tôn giáo; nó không tập trung vào một nghiên cứu so sánh các tôn giáo. Vượt trên những lời lẽ dông dài đơn thuần ra, đối thoại có nghĩa là bước vào kinh nghiệm của một người khác về Thiên Chúa; nó đòi hỏi sự tăng triển trong đức tin và sự chuyển đổi sang cuộc gặp gỡ tôn giáo sâu sắc hơn với Thiên Chúa của người ấy. Do đó, đối thoại luôn “đặt nền trên niềm tin”, và từ quan điểm này, mọi người sẽ dễ dàng hợp tác hơn để quan tâm đến các vấn nạn xã hội, phát triển con người đích thực và tự do thực hành tôn giáo…
 
Đối thoại không xảy ra giữa các hệ thống tôn giáo (ví dụ Hồi giáo và Kitô giáo) hoặc các nguyên lý niềm tin và tín điều tôn giáo. Về cơ bản, đối thoại xảy ra giữa các nhân vị và giữa các cộng đồng; đối thoại quy về con người (people-centered) và hướng đến cộng đồng (com­munity-oriented). Nói cách khác, đối thoại dựa trên “kinh nghiệm cá nhân về Thiên Chúa” của những người tham gia, dù là Kitô hữu, tín đồ Hồi giáo, tín đồ Phật giáo hay tín đồ đạo Hindu.
 
Ngày nay trên toàn thế giới có nhiều người Hồi giáo hơn người Công giáo; (ước tính năm 2012) người Công giáo chiếm 16.10%, người Hồi giáo chiếm 22.32%, tổng số Kitô hữu chiếm 31.50%. Trong bối cảnh này, một hướng dẫn rất hữu ích cho các Kitô hữu có thể được tìm thấy trong đoạn thư thứ nhất của thánh Phêrô (3,15-16): “Hãy tôn sùng Chúa Kitô trong tâm hồn các con, và luôn sẵn sàng trả lời cho những ai chất vấn các con về lý do niềm hy vọng của các con; nhưng hãy trả lời một cách lịch sự và tôn trọng và với lương tâm trong sáng.” Thật vậy, đoạn văn ấy nhấn mạnh đến tình yêu và lòng trung thành của một người đối với Chúa Kitô – nguồn hy vọng –, cũng như nhấn mạnh đến cách làm chứng lịch sự và tôn trọng về niềm tin của một người cho người khác.
 
Khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăm viếng Philippines vào tháng Hai năm 1981, ngài đã nói những lời đầy thách đố nhằm thúc đẩy lòng tôn trọng, đối thoại và phục vụ liên niềm tin: “Các Kitô hữu sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả mọi người nam và nữ có thiện chí, những người chia sẻ niềm tin vào phẩm giá vô giá của mỗi nhân vị. Họ sẽ cộng tác để tạo ra một xã hội công bằng và thanh bình hơn trong đó người nghèo sẽ là người đầu tiên được phục vụ.”
 
Cuộc gặp gỡ truyền cảm hứng.
Một vài năm trước, trong khi tôi đang đợi ở một văn phòng tại Manila trước giờ làm việc chính thức, tôi tìm thấy chính mình trong một cuộc trò chuyện say mê với một cô gái trẻ quyến rũ. Mặc dù hiện tại cô làm việc ở Manila, nhưng cô đến từ Jolo, miền nam Philippines. Trong cuộc trò chuyện thân thiện của chúng tôi, cô tự hào nói với tôi tên của cô ấy “Mary Ann” phản ánh gia đình của cô – nửa Hồi giáo nửa Kitô giáo – như thế nào.
 
Cô kể về hoàn cảnh của mình: “Khi ba mẹ tôi đang chọn tên cho tôi, thì chính ông nội người Hồi giáo của tôi đã khăng khăng đòi đặt tên tôi là “Maria” vì sự ngưỡng mộ của ông đối với Đức Maria, mẹ của Tiên tri Giêsu (Isā). Hơn nữa, ông đòi buộc tên lót của tôi sẽ là “Ann” để tôn vinh mẹ của Đức Maria. Do đó, khi tán thành quyết định của ba mẹ tôi là tôi sẽ chịu phép rửa để trở thành Kitô hữu, thì ông tôi tin rằng di sản Hồi giáo của tôi sẽ không bị mất vì cái tên mà ông đã chọn cho tôi.” Cô kết thúc câu chuyện của mình: “Tôi rất hạnh phúc vì tên của tôi tượng trưng cho tôi là ai – vừa là người Kitô giáo vừa là người Hồi giáo.”
 
Nuestra Señora.
Câu chuyện thứ hai minh chứng lòng sùng kính mà người Hồi giáo ở Mindanao, miền nam Philippines, dành cho Đức Maria. Tại Zamboanga, một học sinh trung học Hồi giáo đã giải thích cho thầy giáo Dòng Tên của cậu lý do tại sao cậu nghỉ học như sau: “
Hôm qua là lễ Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Trụ Cột (Nuestra Señora del Pilar[4]). Em đã đến thăm đền thánh của Mẹ ở pháo đài Pilar để cầu nguyện và xin Mẹ cứu giúp.
 
Đối với người Kitô hữu và nhiều người Hồi giáo tại Zamboanga, Đức Trinh Nữ Maria tượng trưng cho văn hóa, lịch sử và định mệnh của thành phố. Một giai thoại kể lại rằng thành phố sẽ bị phá hủy nếu người dân ngừng cầu nguyện với Đức Mẹ Trụ Cột (Our Lady of the Pillar), một hình thức đạo đức ở Zamboanga xuất hiện từ đầu những năm 1700. Được biết, nhiều người Hồi giáo đạo đức từ khu vực này đã cầu khẩn sự bảo vệ đặc biệt của Đức Maria – cụ thể, trong những lúc khó khăn hoặc trước khi họ bắt đầu cuộc hành hương (hajj) tới Mecca.
 
Nuestra Señora del Pilar là đền thánh chính của Đức Maria trong toàn vùng Mindanao. Đây là một trong số ít đền thánh Đức Mẹ không nằm bên trong nhà thờ; trên bức tường pháo đài cổ do người Tây Ban Nha xây dựng có bức ảnh Đức Mẹ hiện ra cho Thánh Giacôbê Tông đồ. Khu vực phía ngoài đền thánh thì người Hồi giáo cũng như người Kitô hữu đều có thể ra vào được.
 
Chính tại Zamboanga, Đại lễ Đức Mẹ Trụ Cột (12/10) là ngày biểu lộ rõ ràng tinh thần đoàn kết và cộng đoàn. Một số người Hồi giáo tuân giữ việc dự lễ và thậm chí thắp nến sáng như lễ vật tại đền thánh. Mặc dù có những dị biệt rõ ràng về lịch sử và giáo điều giữa người Hồi giáo và người Kitô hữu, nhưng một người dân Zamboanga hiểu biết đã nhận xét như sau: “Điều đáng chú ý về sự kiện đặc biệt này là kinh nghiệm tiêu cực mà người Hồi giáo và người Kitô hữu gán cho pháo đài thực dân này nay đã mặc lấy một ý nghĩa mới; một bình diện tương quan tích cực đang được tạo ra, được chia sẻ và được sống ... Tình bạn do Lễ Đức Bà Cột kiến tạo nên vẫn là một phép lạ bí ẩn.” Liệu ngôi đền thánh Đức Maria có thể là một điềm báo về lòng tôn trọng, sự hợp tác, và tình huynh đệ giữa Hồi giáo và Kitô giáo không?
 
Tôi sẽ xin Allah
Hỡi các bạn, hãy cho phép tôi kể thêm một câu chuyện nữa về cuộc gặp gỡ cá nhân vén mở niềm tin sâu xa của người Hồi giáo. Hơn ba mươi năm về trước, trong khi đang làm giáo sư tại Đại Chủng viện khu vực của thành phố Davao, miền nam Philippines, tôi đã nhận được một cú điện thoại khẩn vào buổi sáng sớm báo cho tôi biết em gái tôi ở Hoa Kỳ bị tai nạn ô tô nghiêm trọng do xe tải gây ra. Thương tích đe dọa đến tính mạng của em tôi và bốn mươi tám giờ tiếp theo sẽ rất nguy kịch. Tôi lập tức báo tin buồn này cho các đồng nghiệp phân khoa tại Chủng viện; chúng tôi đã cầu nguyện cho em tôi trong Thánh Lễ sáng hôm đó. Không lâu sau đó, mọi người – kể cả ban đời sống – đã nghe biết tin ấy.
 
Khi dạy xong hai tiết buổi sáng, tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy Utol đang đợi tôi ở ngoài lớp học. Ai cũng biêt, Utol là “nhà cung cấp cá” của chúng tôi; anh đích thân cung cấp cá tươi chất lượng ba lần một tuần. Utol sinh sống tại một làng chài Hồi giáo nhỏ bé gần Chủng viện. Vào buổi sáng sớm, anh sẽ thu gom mẻ cá đánh bắt đêm hôm trước từ những người hàng xóm Hồi giáo của mình và phân phối cá cho vài khách hàng thân quen, bao gồm cả Chủng viện. Utol có lẽ chỉ học hết lớp một hoặc lớp hai và không thể đọc hoặc viết thông thạo được. Sau nhiều năm lao động dưới ánh mặt trời vùng nhiệt đới, nước da anh sậm màu. Anh đã mất đi một số răng vì quá nghèo không đủ tiền đi khám nha sĩ. Đôi bàn tay anh thì chai sạm và đầy sẹo sau nhiều năm đánh bắt cá.
 
Utol bắt đầu nói chuyện với tôi bằng phương ngữ Cebuano. “Những người nấu bếp đã kể cho con nghe những gì đã xảy ra cho em gái của cha. Con rất buồn khi nghe tin này.” Tôi đáp lại: “Cảm ơn anh rất nhiều vì anh đã lo lắng và đồng cảm với tôi. Anh đã đợi tôi gần hai tiếng đồng hồ; điều đó chứng tỏ anh rất quan tâm đến tôi. Đáng lý ra giờ này anh đã ở nhà để nghỉ ngơi rồi, vì tôi dám chắc là anh đã thức suốt đêm đánh cá.
Utol nói tiếp: “Con muốn nói với cha rằng con sẽ cầu nguyện Allah cho em gái cha bình phục. Allah sẽ giúp cô ấy, con tin chắc như thế.” “Cám ơn. Cám ơn anh!”, tôi nói, ngăn dòng lệ tuôn rơi. Khi quay đi, Utol bảo tôi: “Với Allah, mọi chuyện sẽ ổn thôi.
 
Tôi rất xúc động. Đây quả là một niềm xác tín mãnh liệt! Đây quả là lòng tín thác vào quan phòng của Thiên Chúa! Đây quả là những lời nói tuyệt đẹp, phát ra từ môi miệng của một con người cầu nguyện! Và, vâng, em gái tôi giờ đây vẫn còn sống, sau hơn ba mươi năm.
 
Kết luận.
Chắc chắn, người Kitô hữu và người Hồi giáo không hoàn toàn đồng ý trong nhiều khía cạnh đức tin và giáo lý, kể cả sự hiểu biết và niềm tin của họ về Đức Maria. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản họ nuôi dưỡng một lòng sùng kính chung và sâu sắc dành cho Đức Mẹ Maria (Sayidat). Khởi đi từ những điểm chung đã được nói đến trên đây, hai tôn giáo lớn độc thần này có thể tiến lại gần nhau hơn; Đức Maria có thể là chiếc cầu nối cho tình bằng hữu thân thiết hơn. Liệu Đức Maria có thể trở thành “
Kaa'ba[5] chung”, nơi những người Hồi giáo và người Kitô hữu nắm chặt tay nhau để thờ phượng Thiên Chúa duy nhất và chân thật không? Đức Maria, Đức Mẹ Fatima, sẽ thực hiện điều kỳ diệu nào khi các Kitô hữu và người Hồi giáo cố gắng đi trên lộ trình gian nan của lòng tôn trọng và hòa hợp lẫn nhau?
Hiệp nhất trong tình yêu dành cho Đức Maria, chúng ta có thể cùng nhau cầu nguyện: Lạy Đức Mẹ Fatima, xin cầu cho tất cả chúng con, con cái của Mẹ - người Hồi giáo cũng như người Kitô hữu!
(Dịch từ bài viết FATIMA, MARY, AND MUSLIMS, đăng trên website 
https://sedosmission.org/article/fatima-mary-and-muslims/ Vol. 49 Num. 9-10)
 
 

[1] Chú thích của ND: Nhà Umayyad là một vương triều Hồi giáo Ả Rập (661 - 750) do các khalip (vua Hồi) cai trị. Năm 632, sau khi Tiên tri Hồi giáo Môhamét qua đời, Abu Bakar trở thành vị khalip chính thống đầu tiên, đóng đô ở Medina. Chính quyền của các khalip chính thống sau đó đã được chuyển sang cho nhà Umayyad năm 661. Nhà Umayyad đóng đô ở Damascus (nay là thủ đô của Syria).
[2] Chú thích của ND: Reconquista (một từ tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là “tái chinh phục”, trong tiếng Ả Rập gọi là: الاسترداد‎ al-ʼIstirdād, “tái chiếm”) là một quá trình hơn 700 năm (539 năm ở Bồ Đào Nha) ở thời Trung Cổ, trong đó những vương quốc Kitô giáo đã thành công trong việc chiếm lại bán đảo Iberia từ tỉnh Al-Andalus của người Hồi giáo.
[3]Chú thích của ND: Imam (tiếng Ả Rập: إمام imāmBa Tưامام‎) là một vị trí lãnh đạo trong Hồi giáo. Nó được sử dụng trong bối cảnh của một vị trí lãnh đạo việc thờ phụng của một mosque và cộng đồng người Hồi giáo.
 
[4] Chú thích của ND: Đức Mẹ Trụ Cột (Tiếng Tây Ban Nha: Nuestra Señora del Pilar) là tên được đặt cho Maria được cho là đã hiện ra một cách kỳ diệu ở Zaragoza, Tây Ban Nha vào thời kỳ sơ khai của Kitô giáo. Đức Mẹ Trụ Cột là Bổn mạng của Tây Ban Nha, bảo vệ dân Tây Ban Nha và cộng đồng Tây Ban Nha.
 
[5] Chú thích của ND: Kaaba (tiếng Ả Rậpالكعبة‎ al-Kaʿbah IPA: [ælˈkæʕbɐ], “Khối lập phương”) là tòa nhà hình hộp chữ nhật nằm trong trung tâm sân thánh đường Hồi giáo Al-Masjid Al-Haram ở MeccaẢ Rập Saudi. Tòa nhà cao 13,1 m, có đáy 11,03 m × 12,62 m. 4 cạnh chỉ về 4 hướng chính. Đây là trung tâm thánh địa thiêng liêng nhất của Hồi giáo.
 

Tác giả: BTT SAO BIỂN

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập147
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm129
  • Hôm nay12,980
  • Tháng hiện tại625,002
  • Tổng lượt truy cập46,309,038

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây