Suy Niệm Tuần VI Phục Sinh - Năm C - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 26/05/2019 04:21  1020
Thứ Hai Tuần VI Ps
Ngày Sabát, chúng tôi ra khỏi cổng thành, men theo bờ sống, đến một chỗ mà chúng tôi đoán chừng có nơi cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với những phụ nữ đang họp nhau tại đó.
Bản văn đang nói đến Phaolô, một biệt phái đã từng một thời rất nghiêm khắc, vì lòng nhiệt thành đã bách hại các kitô hữu. Giờ đây ta thấy ông hành động hoàn toàn khác: không chỉ không loại trừ các phụ nữ ra khỏi việc loan báo tin mừng của mình, là điều hết sức bình thường trong bối cảnh văn hóa, xã hội, tôn giáo thời đó, mà còn đến với họ và chấp nhận lòng hiếu khách của họ nữa.
Quả là một sự thay đổi hoàn toàn! Cuộc gặp gỡ Đức Giêsu trên đường Đamát đã vén cho ông tấm màn che của Lề Luật đã ngăn cản ông tầm nhìn hướng đến Thiên Chúa. Giờ đây đối với ông không còn quan trọng đàn ông hay phụ nữ, Do thái hay Hy lạp, tự do hay nô lệ, nhưng chỉ còn là những con cái của Thiên Chúa, mà Đức Kitô đã đổ máu mình ra để cứu chuộc.
Đó là việc mà Lời Chúa thực hiện khi được tiếp nhận giữa mọi người: cảm thấy không chỉ ‘như Đức Kitô’ mà còn ‘với’ và ‘trong Đức Kitô’ nữa. Đến độ có thể nói như Phaolô: ‘Không còn là tôi sống mà chính Đức Kitô sống trong tôi’.
Nếu cái nhìn của tôi vẫn còn kỳ thị, điều đó có nghĩa là chúng ta mới chỉ là những người nghe Lời chứ chưa phải là những người lắng nghe Lời Chúa. Dù chúng ta nghiên cứu tìm hiểu Lời, nhưng không làm biến đổi chúng ta chút nào cả, thì Đức Kitô đối với ta chỉ là một nhân vật vĩ đại đáng kính, nhưng vẫn là một người ngoại cuộc đời sống của ta.
Lạy Chúa, biết bao sự nhẹ dạ, trong những xét đoán hời hợt và kỳ thị, trong những thiên kiến dựng lên như bức tường bất thông cảm và ngờ vực. Xin cho con khám phá ra sự đau khổ cay độc này trong những tương quan, trong những tư tưởng đang ẩn núp trong con, trong những lời nói trên môi con, trong những cung cách làm xa cách và sỉ nhục, để con nghiền nát nó bằng gỗ thánh giá của Chúa.
Người khác là một người anh em để yêu. Người ấy cùng đồng hành với ta về nhà Cha. Người ấy là Đức Giêsu.             (Michel Quoist)
+++    
Đức Giêsu đến trong thế gian và tuyên bố: ‘Thầy là đường, là sự thật và là sự sống’ (Ga 14,5), hoặc những lời khác: ‘Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống’ (1Ga 5,12). Những lời tuyên bố này đặt con người trước một quyết định. Toàn thể cuộc sống của Đức Giêsu được ghi dấu do phản ứng trước lời tuyên bố ấy. Là dấu chỉ sự chống đối. Ai nhận biết Ngài thì trở thành môn đệ Ngài. Ai khước từ Ngài thì trở thành thù địch với Ngài. Bi kịch này Đức Giêsu đã mang trên thập giá.
Bi kịch này không chấm dứt cùng với Đức Giêsu. Ngài vẫn còn hiện diện luôn mãi qua những môn đệ của Ngài, trong Giáo hội. ‘Tôi tớ không trọng hơn chủ’ (Ga 15,20), Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ và do đó ‘Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa’ (Ga 16,2).
Như thế ta mới hiểu, trong bối cảnh đó, lời hứa ban Đấng Bảo Trợ mà Đức Kitô gửi đến ‘từ nơi Cha’. Sứ vụ của Ngài không chỉ là soi sáng cho các môn đệ biết phải nói gì trước tòa án (x. Mt 10,20) nhưng còn bảo vệ họ khi đức tin của họ bị thử thách. Đứng trước sự thù ghét của thế gian, họ cảm thấy muốn trốn chạy, họ cảm thấy nghi ngờ, mất can đảm. Và chính lúc ấy Thần chân lý sẽ đến can thiệp: làm chứng về Đức Giêsu trong lòng các môn đệ, làm cho họ vững mạnh trong đức tin và trung thành trong thử thách. Như thế họ cũng sẽ làm chứng cho Đức Giêsu.
Thứ Ba tuần VI Ps
Vào quãng nửa đêm, ông Phaolô và ông Xila hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát. Bỗng nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Ngay lúc đó, tất cả các cửa mở toang và xiềng xích của mọi người buột tung ra.
Chúng ta đang ở vào ‘nửa đêm’, biểu tượng của tiêu cực. Trong giờ đen tối nhất của thử thách, Phaolô và Sila bị giam tù, đã hướng lòng lên Thiên Chúa, Đấng ngay lập tức đáp trả các ngài bằng động đất và các cửa bỗng mở toang.
Có thể người ta nghĩ ngay đến một cuộc trốn chạy tập thể. Trái lại không một ai vội vàng rời bỏ phòng giam, bị rung chuyển tận nền móng: không phải là nhà tù đáng sợ giam giữ và tiêu diệt con người.
Không phải các tù nhân, nhưng viên cai ngục sấp mình xuống: chính ông là tù nhân đích thực!
Tôi phải làm gì để được cứu độ? Phaolô đã chỉ cho ông biết Đức Giêsu. Tin vào Đức Giêsu: các việc làm không phải là cái giá để mua ơn cứu độ nhưng là hoa trái của sự thành tựu.
Trong ‘nửa đêm’ của thời đại chúng con, lạy Chúa, xin hãy củng cố chúng con trong niềm tin rằng Chúa không nghe lời kêu cầu của chúng con. Chúa lay động nền tảng các ngục tù mà chính chúng con đã xây dựng lên, xin Chúa giúp chúng con tìm thấy lại con đường ơn cứu độ.
+++
Có nhiều cách thức hiện diện. Hai cây đứng bên cạnh nhau, chúng hiện diện bên nhau nhưng trong một ý nghĩa hoàn toàn bên ngoài và bất toàn. Chúng không biết gì nhau, không quan tâm đến nhau, dù gần bên nhau, chúng hoàn toàn xa lạ với nhau.
Sự hiện diện thực sự chỉ bắt đầu vào lúc mà cả hai chủ thể hiểu biết nhau trong tinh thần và tự đặt mình đối diện với nhau cách ý thức. Điều này cho phép họ có được hình ảnh của nhau bên trong, và như thế ta có thể nói, người này có sự hiện diện thứ hai trong người kia mà nó đang có tương quan. Và nếu kiểu hiện diện này xảy ra nơi đa số con người, nó có thể trở thành một thực tại mạnh mẽ nơi đó người ta biết nhau và yêu nhau. Hình ảnh của tha nhân mà tôi mang trong mình là một thực tại. Thế nên ngay cả sự cô độc cũng có thể tràn đầy sự hiện diện của người khác (Balthasar).
Đức Giêsu trả lời cho sự phiền muộn của các môn đệ ngài, do lời ngài loan báo là sẽ rời bỏ họ, cùng với lời hứa gởi Thánh Thần: ‘Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em’. Gởi Thánh Thần đến với họ, Đức Giêsu hiện diện trong họ. Nhưng sự hiện diện của Ngài sẽ không hoàn toàn bên ngoài. Cùng với sự hiện xuống của Thánh Thần, sự hiện diện của ngài sẽ được biến đổi thành một hình thức hiện diện sâu xa hơn, hiện thực hơn.
Hình thức hiện diện mới này của Đức Giêsu trong các môn đệ ngài, nhờ Thánh Thần, mang lại chiến thắng quyết định trên thế gian.
Khi còn sống ở thế gian, Đức Giêsu đã bị các người do thái khước từ và lên án tử. Thánh Thần sẽ xét lại vụ việc này, làm chứng cho các môn đệ biết rằng tội là ở nơi thế gian (bởi vì đã không tin Ngài), và sự công chính là nơi Đức Giêsu (bởi lẽ cuộc đời ngài không chấm dứt trong phần mộ, nhưng ngài trở về với Chúa Cha) và thủ lĩnh thế gian sẽ bị xét xử. Làm chứng cuộc chiến thắng ấy Thánh Thần Đấng Bảo trợ trở nên liều thuốc trị liệu sự buồn sầu đang làm tan nát lòng các môn đệ trong giây phút Đức Giêsu rời bỏ họ ra đi, đồng thời trong cuộc bách hại đang xảy ra chống lại họ.
Thứ Tư Tuần VI Ps
Nhưng có mấy người đã theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Điônixiô, thành viên hội đồng Arêôpagô và một phụ nữ tên là Đamari cùng những người khác nữa.
Hành trình đến Athêna là thời gian khó khăn nhất đối với Phaolô. Dù bài diễn từ của ông rất hay, rất trau chuốt và rõ ràng, nhưng không mang lại kết quả. Lời của dân Athêna ‘Vấn đề ấy, để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông’ là lời xin kiếu chế nhạo. Cho dù Phaolô không thối chí và tìm ngay những con đường khác, những nơi khác để loan báo tin mừng, sự việc này vẫn để lại sự ít nhiều đắng cay cho ông. Nhưng trong những nghịch cảnh lớn hơn thế nữa, không phải tất cả đều mất hết đâu. Ít nhất vẫn còn có hai người tin theo.
Và thánh sử Luca nêu tên họ, hầu như để làm nổi bật sự kiện ấy: một là ông Điônixiô, thành viên hội đồng Arêôpagô và hai là bà Đamari…Trong thư gửi Galát, Phaolô đã khẳng định: Không còn chuyện phân biệt do thái hay hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Tất cả là chứng nhân của cuộc tạo thành mới trong Đức Kitô.
Thời gian trôi nhanh và chúng ta sẽ không muốn trình diện với đôi tay trống rỗng, cần phải nhanh chóng đặt trên nền là nhân đức đích thực và cần mẫn; lời nói không dẫn ta vào thiên đàng nhưng là việc làm. Với lòng can đảm hãy thực thi các nhân đức mà Đức Giêsu chỉ dạy.
+++
Chỉ khi lãnh nhận Thánh Thần các môn đệ mới có thể hiểu sự thật về Đức Giêsu. Đức Giêsu xin Cha gửi đến cộng đoàn Thần Chân Lý để ở mãi với họ. Như thế họ đạt đến sự khôn ngoan là chính Đức Giêsu và ngày nay chúng ta cũng được hưởng nhờ trong Giáo hội của ngài.
Sự can thiệp liên lỉ của Con Thiên Chúa, suối nguồn từ đó xuất phát Thánh Thần, là sự an ủi cho các môn đệ. Họ, cũng như toàn thể Giáo hội sau này, hiệp nhất với nhau nhờ lời cầu khẩn của vị Thượng Tế duy nhất là Đức Giêsu Kitô, đấng ban Thánh Thần: dấu chỉ của chiến thắng trên sự chết, của sự Chúa Cha tiếp đón và sự hiện diện của cộng đoàn.
Thánh Thần được gọi là Thần Chân Lý. Sứ mạng của Ngài là bảo vệ họ chống lại thần khí gian dối. Ngài biến họ có khả năng sống và nhìn thấy mọi điều và nhận định chúng như chính Đức Giêsu. Điều này được chứng thực cụ thể nơi đời sống của các thánh, thuộc về Giáo hội bằng cách mở chiếc màn che nhờ hơi thở của Thánh Thần, được hướng dẫn theo những con đường nên thánh. Ở đâu có Giáo hội, ở đấy có Thánh Thần.
Thứ Năm Tuần VI Ps
Ông rời bỏ chỗ ấy, đến nhà một người ngoại tôn thờ Thiên Chúa, nhà ở sát bên hội đường
Phaolô đang ở Côrintô, là khách của đôi vợ chồng do thái trở lại, và cùng làm một nghề dệt lều. Công việc chính của ông là loan báo tin mừng mà ông đã phục vụ trước tiên cho đồng bào của mình. Nhưng phản ứng tiêu cực của họ đã khiến ông quay sang anh em lương dân.
Ông đã vào nhà ông Tixiô Giúttô, bên cạnh hội đường, là một việc làm khiêu khích: Phaolô đã bước qua những luật lệ nghiêm nhặt do thái cho rằng bất cứ ai vào nhà một người ngoại giáo đều mắc ô uế. Ông làm thế để tuyên bố rõ ràng ông hoàn toàn liên kết với Đức Kitô và từ chối những thực hành kỳ thị mà chính thập giá của Đấng phục sinh từ nay đã hủy bỏ cách dứt khoát: không còn chuyện phân biệt do thái hay hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà…
Cũng như việc các kitô hữu phải tản mác khắp vùng phụ cận vì cuộc bách hại tại Giuđêa, thì cung cách mới này cũng phục vụ tốt cho chương trình của Thiên Chúa. Lời được loan báo vượt qua biên giới các quốc gia, ranh giới tôn giáo.
Hội thánh tiên khởi không loại trừ bất kỳ ai: chính ông Crispô, chủ hội đường, thành viên của thế giới do thái giáo, đã trở lại đạo cùng với gia đình: Đức Kitô đã chết cho tất cả, từ nay cửa ơn cứu độ rộng mở cho mọi người.
Việc đóng cửa lòng chai cứng của một số người như Phaolô viết trong thư gửi Rôma, trở thành cơ hội để đập tan những rào cản khi mà Lời Chúa lan rộng khắp thế giới, linh hoạt mọi cơ chế trong thế giới.
Phaolô nhắc cho tôi điều này là, tất cả đều mang đến thiện hảo, nên cần nhìn lịch sử với đôi mắt lạc quan. Sự dữ vẫn có đó, nhưng không thể cầm buộc dòng chảy chiến thắng không cưỡng lại được của hoạt động ơn cứu độ. Lạy Chúa, con tin điều này, dù trong tình cảnh mất định hướng như ngày nay. Vâng, tất cả sẽ mang đến điều tốt lành cho ai tin tưởng nơi Chúa và Lời Chúa, đối mặt với những thăng trầm không chút sợ hãi sự xét đoán của kẻ khác, nhưng còn trở nên, dù không ai biết đến, nhân tố cho cuộc phán xét mạc khải ý nghĩa sâu thẳm của mọi sự và mở ra những chân trời ánh sáng.
Kiên trì trong sự thiện, dù bị chống đối và hiểu lầm, sau cùng luôn dẫn đến ánh sáng, phong nhiêu và an bình. (ĐGH Bênêdictô XVI)
+++    
Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15,12)
Hôm nay, phụng vụ tiếp tục chủ đề tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta; tình yêu mà chúng ta cảm nghiệm như một niềm vui sâu xa nội tâm. Ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, được Người yêu và yêu mến Người, được Người ôm ấp bằng một năng lực có khả năng làm tiêu tan những bóng tối trong cuộc sống thường ngày.
Ngay lúc chúng ta ý thức sự sống nội tâm của mình, chúng ta không bao giờ lẻ loi một mình; Thiên Chúa ở trong chúng ta cách mầu nhiệm và và trong vẻ đẹp của Người; Người làm dâng lên trong tim ta lệnh truyền yêu thương những người khác, chia sẻ với mọi người kho tàng ẩn giấu. trong tình yêu của Chúa Cha và trong ước muốn nhân hậu của Người, Đức Giêsu đã tự hiến mình vì anh em cho đến cùng, cho đến chết trên thập giá. Những lời ngài khuyên chúng ta yêu thương nhau, phải biến nên những việc làm cụ thể của tình yêu liên đới, làm chứng tá cho một Thiên Chúa là Cha, đấng đã có dự định yêu thương toàn thể nhân loại.
Hôm nay cũng như hôm qua Đức Giêsu vẫn tiếp tục cứu chuộc, vẫn tiếp tục thực hiện dự tính của Chúa Cha, bằng cách ban cho ta những ân huệ phục sinh của tình yêu, bình an và sự sống vĩnh cửu. Trong phút hồi tâm, tôi tìm trong cuộc đời tôi những dấu chỉ vòng tròn năng động của sự sống, của tình yêu xuất phát từ Chúa Cha, đến với ta nhờ qua Đức Kitô và lan rộng đến mọi người anh chị em.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là đấng dạy con phải yêu thương nhau, dù điều này thật khó khăn, nhưng có thể thực hiện được với sự trợ giúp của Chúa. Xin giúp con yêu mọi người anh em con thực sự, khởi đầu từ những người gần con nhất.
Thứ sáu tuần VI Ps
Lễ Đức Maria đi viếng bà Êlisabét
Tin mừng cho ta thấy Đức Maria là nữ hoàng của sự hiệp thông và tiếp nhận.
Mầu nhiệm Thăm viếng là mầu nhiệm của sự hiệp thông với nhau giữa hai phụ nữ khác nhau về tuổi tác, môi trường và tính khí, của sự tiếp nhận nhau trong tôn trọng. Hai phụ nữ, mỗi người mang trong mình một bí mật để chia sẻ, một bí mật thật kín nhiệm mà một người phụ nữ có thể cảm nghiệm trên bình diện thể lý: đón chờ một người con.
Êlisabét khó nói ra vì tuổi tác, vì sự lạ thường. Maria khó nói ra vì không thể giải thích những lời của thiên sứ. Nếu theo tin mừng, Êlisabét đã ẩn mình trong nhiều tháng trong cô tịch, thì sự cô tịch của Maria còn lớn hơn gấp bội phần. Có lẽ vì thế mà Mẹ đã ‘vội vã’ lên đường; mẹ cần có một ai đó thông hiểu và từ những lời do miệng thiên sứ thốt ra, mẹ thấy người chị họ mình là người thích hợp nhất cho việc chia sẻ này. Khi cả hai gặp nhau, Maria là nữ hoàng trong việc cất tiếng chào đầu tiên, là nữ hoàng trong việc biết ca tụng người khác, vì vương quyền của Mẹ hệ tại tính quan tâm ân cần đón trước, cũng là đức tính nên có của bất cứ phụ nữ nào. Êlisabét thông hiểu và thốt lên: ‘Em được chúc phúc giữa các người nữ’. Hãy tưởng tượng niềm vui và sự ngạc nhiên của Maria khi thấy mình được hiểu biết, yêu mến.
Mầu nhiệm Thăm viếng cho ta thấy sự trao ban của hai tâm hồn, một sự tiếp nhận nhau thật thâm sâu, không do nhiều lời, nhưng chỉ cần những dấu chỉ đơn sơ như ánh sáng của ngọn đuốc trong đêm tối, cũng đủ để làm nên một sự thông hiệp hoàn hảo rồi.
+++
Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh.
Phaolô đã trải nghiệm cay đắng tại Athêna và việc rao giảng của ông không phải lúc nào cũng được mọi người tán thưởng: chính việc rao giảng đã làm cho ông bị chống đối, đánh đòn, bỏ tù và giết chết. Lời mời gọi đừng sợ và tiếp tục mang tin mừng, do đó rơi vào một mảnh đất đã bị những thử thách cày xới: làm sao mà không sợ hãi khi biết cái giá phải trả là mất mạnh vì Lời Chúa? Chính những đồng bào của ông tỏ ra chống đối và đóng kín.
Nhưng lời mời gọi của Đức Kitô không dừng ở đây. Chính điều theo sau làm cho can đảm và tiếp tục loan báo không sợ hãi: vì Thầy ở với anh.
Mọi công việc của Chúa là điều chắc chắn trong lòng của mọi tín hữu. Là lời hứa Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ trước khi về trời, nên không chỉ dành cho Phaolô mà còn cho bạn, cho tôi, cho mọi người nữa.
Làm chứng bằng cuộc sống chính nó đã là lời loan báo có giá trị của nó. Đức Giêsu không chỉ giảng dạy trong đền thờ, trong hội đường nhưng còn đến gặp gỡ người khác nơi mà họ sống: vào nhà của họ, cùng đồng hành với họ, cúi xuống trên mọi đau khổ, với cử chỉ và lời nói, khắp mọi nơi.
Và cũng thế, đối với Ngài, tất cả đều có cái giá của nó, nên sẵn sàng đối mặt không rút lui, ngay cả khi phải thập giá.
Ngài đã kín múc sức mạnh từ sự hiện diện kết hiệp liên lỉ với Chúa Cha, nên Ngài mời gọi ta cũng hãy liên kết với Ngài như nhành nho với thân nho.
Thầy ở cùng con, lạy Chúa, xin hãy tiếp tục nhắc nhở con. Lời của Chúa ban cho con can đảm tiến bước ngẩng cao đầu, loan báo cho mọi người niềm vui vì đã gặp được Chúa.
+++
Những lời nói của Đức Giêsu, ngay trước lúc chịu khổ nạn, thổ lộ tâm tình với các môn đệ, được thực hiện từng lời một trong đời sống của Giáo hội. Giờ của Ngài đã đến, giờ của nỗi buồn nặng trĩu của Đức Giêsu và các môn đệ thân yêu ngày thứ sáu lịch sử. Sức mạnh của thế gian, của sự chết, của tội lỗi hình như đang chiến thắng, nhưng chiến thắng đó chóng qua. Đây là nỗi đau giống cơn đau của người phụ nữ sinh con, sẽ biến thành niềm vui của một sự sống mới, Đức Giêsu Kitô phục sinh. Đức Giêsu đã chỗi dậy và các môn đệ có thể vui hưởng sự hiện diện của Ngài; họ đã sờ chân tay Ngài, đã trò chuyện với Ngài, tràn đầy bình an và niềm vui đến độ các cuộc bách hại không thể tách họ ra được.
Cũng thế, những lời của Chúa đang được thực hiện nơi chúng ta. Trong khi thế gian vui trong tội lỗi và trong sự sung sướng ích kỷ, thì người kitô hữu buồn phiền vì thấy một thế giới xa cách Thiên Chúa, sự bách hại chống đối Giáo hội hoặc sự hiểu lầm mà Giáo hội gặp phải. Tuy nhiên, thực tại ấy chóng qua thôi, điều quyết định vĩnh viễn là niềm vui được gặp Ngài, đấng đã sống lại, trong niềm tin chắc chắn sẽ không bao giờ mất Ngài nữa. Trong khi chúng ta đang sống kiếp sống này, sự hiện diện của Chúa làm cho ta yên tâm; ta không cần tự hỏi về quá khứ hay tương lai. Đức Kitô, Chúa chúng ta đã sống lại, mang lại ý nghĩa tối hậu cho lịch sử và cho cuộc đời chúng ta.
Thứ Bảy Tuần VI Ps
Thánh Giustinô tử đạo
Ánh sáng cho thời đại chúng ta. Thế kỷ ta đang sống đi tìm một mẫu mực thánh thiện nhờ qua những bổn phận hàng ngày, có lẽ sẽ gặp thấy gương mẫu ấy nơi Thánh Giustinô. Ngài là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, mẫu mực với tính nghiêm túc trong việc nghiên cứu trí thức, cũng như trung thành với đức tin. Luôn tìm kiếm sự thật, sau khi khám phá nơi Đức Giêsu Kitô, Ngài không ngừng đào sâu chân lý. Trong việc không ngừng tìm kiếm ấy cho thấy Ngài hiến dâng trọn vẹn cho Đức Kitô, đấng dẫn đưa Ngài đến cái chết tử đạo. Một con người ngay chính và trung thành, thánh Giustinô là muối và là ánh sáng cho mọi người thời đại của Ngài.
Điên dại của Thánh Giá.  Thánh Giustinô đã không thấu hiểu mầu nhiệm của Đức Kitô nhờ qua những nghiên cứu tri thức nhưng chính nhờ sự trung thành với đức tin dẫn đưa ngài đến việc tử đạo. Qua những tác phẩm để lại và nhất là qua sự hy sinh anh dũng của ngài, ngài tuyên bố ngay cả cho những người thời đại hôm nay là họ sẽ không được cứu độ nhờ sự khôn ngoan cũng như những lý chứng lạ lùng của họ. Họ được cứu độ nhờ Thánh giá, là sự điên rồ và cớ vấp phạm cho con người, nhưng lại là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
+++
Apolllô bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Pơrítkila và ông Aquila mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn.
Ông Apollô đến và lời giảng đầy tự tin của ông không làm cho đôi vợ chồng Priscilla và Aquila phải ganh tị, cả hai cũng nhiệt thành trong việc rao giảng tin mừng. Họ nghe ông giảng, nhận ra nhiều thiếu sót, nhưng không lên tiếng chỉ ngay giữa cộng đoàn, e rằng làm cho ông Apollô mất mặt. Hoàn toàn khác: họ đã mời ông về nhà và trình bày đạo lý của Đức Kitô một cách rõ ràng hơn, để ông có thể dùng những ân ban mà phục vụ Thiên Chúa tốt hơn. Và khi Apollô ngỏ ý muốn sang miền Akaia, họ còn khuyến khích và viết thư xin các môn đệ ở đó tiếp đón ông.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong một bài diễn văn, đã mời gọi mọi người phải đáng bật ra khỏi lòng mình những ngẫu tượng do chính mình tạo ra, có lúc vì vô thức. Trong số đó ngài chỉ ra cái ước muốn tự cho mình trổi vượt hơn người khác, tự khẳng định mình để được khen tặng. Những sự xấu tối tăm đó len lỏi dễ dàng vào trong lòng con người, làm ô nhiễm những ý hướng tốt lành, làm tiêu tan nhiệt huyết tông đồ, làm cho lời rao giảng nên rỗng tuếch do không có nhất quán trong đời sống.
Aquilla và Priscilla dạy ta điều ngược lại: nếu trong tâm điểm là chính Thiên Chúa, thì không còn chỗ cho cái tôi nữa. Nhìn thấy người khác để phục vụ, vui vẻ chứ không ganh tỵ, mở tay ra sẵn sàng giúp đỡ chứ không nắm tay lại cách ích kỷ.
Lạy Chúa, xin giúp con khám phá và tiêu hủy những ngẫu tượng ẩn núp trong lòng con. Nhất là xin làm cho con nên chứng nhân đích thực của Chúa, chứng nhân tình yêu của Chúa chứ không phải chỉ biết khư khư giữ ảnh hưởng riêng của cá nhân mình, dù có được với danh nghĩa tông đồ.
+++
Đức Giêsu thổ lộ tâm tình cho các môn đệ trong những ngày trước cuộc khổ nạn. Ngài thích đi trước những thực tại sau cùng xảy ra cho các môn đệ qua cuộc khổ nạn sắp đến và sự phục sinh của Ngài.
Đức Kitô, Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và con người, chỉ Ngài mới có thể làm cho mọi người nên một gia đình dưới đất cũng như trên trời, gia đình của những con cái Thiên Chúa. Chúa Cha hằng hữu là Cha của chúng ta, vương quyền, nhà của Ngài và sự sống thần linh của Đức Kitô cũng là của chúng ta. Tôi có thể nói như Chúa Giêsu: ‘Chúa Cha yêu tôi’. Và trong trật tự mới ấy mà lời cầu nguyện kitô tìm được chỗ đứng. Trước đây ta không biết cầu xin và không thể làm việc đó. Không muốn nói đến cầu nguyện nhưng ‘là kết mối tương quan bạn hữu với Đấng mà ta biết yêu thương ta’. Nhưng hiện nay, vì Cha yêu thương ta và muốn kết bạn tâm giao với ta, nên chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta được lắng nghe, và nhận được niềm vui lớn lao trong sự hiệp thông với Ngài, lời cầu nguyện. Kinh nguyện của chúng ta không phải là của riêng chúng ta, nhưng cũng là kinh nguyện của Đức Kitô. Thế nên trong phụng vụ các lời nguyện xin của ta đều kết thúc bằng công thức: nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay17,303
  • Tháng hiện tại629,325
  • Tổng lượt truy cập46,313,361

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây