Suy niệm CN XXIII TN A: Nợ yêu thương - Lm. Xuân Hy Vọng

Thứ bảy - 05/09/2020 04:25  976
NỢ YÊU THƯƠNG

Thông thường, người ta mắc nợ tiền bạc, vật chất, hiện kim, hiện vật, nợ tình nghĩa, nợ lòng biết ơn…chứ chẳng ai nói như Thánh Phao-lô “anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau”, hoặc “tương thân tương ái” (x. Rm 13, 8) cả. Nhất là trong xã hội đang quay cuồng với biết bao chủ thuyết độc hại, tiêm nhiễm hằng ngày vào suy nghĩ, tâm tư, lối sống con người, kể cả người Công Giáo chúng ta. Nào là xu hướng sống độc thân vì ích kỷ, sợ liên luỵ, sợ ảnh hưởng đến lối sống cá nhân sung sướng, thu mình trong tiện nghi, trong ‘chăn ấm nệm êm’ của đời mình! Chủ trương tương đối trong mọi thứ, kể cả chân lý đức tin, niềm tin, giá trị luân lý, v.v…Thế thì, tại sao tôi lại mắc nợ ai việc phải yêu mến cơ chứ?

Văn hoá trần tục của xã hội giản lược các giá trị thành vật phẩm, kể cả tình yêu thương, sự tương thân tương ái như thể cuộc trao đổi, hay chúng ta thường nghe từ ngữ mỹ miều ‘hợp đồng thương mại siêu lợi nhuận” hoặc nói đơn giản như ông bà ta đã từng đúc kết ‘có qua có lại mới toại lòng nhau’. Như thế, chúng ta những người Công giáo cũng không thể tránh khỏi lối suy nghĩ ấy, mà cho rằng: tôi chẳng mắc nợ ai ngoài những gì đã vay mượn, chứ không nợ ai yêu thương cả!

Nói cho cùng, chúng ta không những nợ, mà còn nợ nhiều nữa là đàng khác. Nợ Thiên Chúa! nợ bố mẹ ta! nợ gia đình ta! nợ hết thảy những ai dạy dỗ, nâng đỡ, giúp sức cho ta! nợ giáo xứ, nợ cộng đoàn, nợ bạn bè! Chẳng phải khi vay mượn, chúng ta mới nợ đâu! Thật sự, điều này hoàn toàn đúng, vì khi mượn vay thì đã mắc nợ, và đã nợ phải trả là điều hiển nhiên. Nhưng hơn thế, là người Công Giáo, nếu chúng chưa sống giới răn yêu thương: mến Chúa (x. Đnl 6, 5) và yêu người như chính mình (x. Lv 19, 18) thì chúng ta còn mắc nợ dài dài. “Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật” (x. Rm 13, 8) và “ yêu thương là chu toàn cả lề luật” (x. Rm 13, 10).

Khi nghe nhiều người không Công Giáo, kể cả những người theo chủ thuyết vô thần nói: nơi nào có nhiều cộng đoàn giáo xứ, dòng tu và tín hữu Công Giáo, nơi ấy rất bình yên, và tệ nạn xã hội rất thấp, đến độ không có. Nếu thật sự như vậy, chắc hẳn người Công Giáo chúng ta đang nỗ lực sống giới yêu răn thương, làm việc bái ái và trở nên ‘muối men’ cho đời, cho mọi người hàng xóm, làng giếng và xã hội. Nói như Thánh Phao-lô đã quả quyết: khi chúng ta thực thi bác ái, sống giới răn yêu thương như Chúa dạy thì sẽ không làm hại tha nhân (x. Rm 13, 10).

Hơn nữa, nhờ tình yêu, sự tương thân tương ái, và việc thực thi bác ái mỗi ngày, chúng ta mới có thể xét mình thay vì xét đoán, đổ lỗi, phàn nàn, lên án, chụp mũ…anh chị em. Với lòng yêu thương ấy, với niềm hân hoan sống bác ái ấy, chúng ta mới có thể ‘trở nên người canh gác cẩn trọng’ (x. Ez 33, 7), không phải canh gác như ‘giám thị’ chỉ để ý đến những gì không tốt, xấu xa nơi người khác; trái lại, canh giữ tâm hồn bản thân, canh giữ lối sống đoan chính, canh phòng suy nghĩ, cách nhìn ngay thẳng của chính mình, để can đảm thực thi Lời Chúa, và khuyến dụ anh chị em trở về chính lộ mỗi lần lạc lối hay lầm lạc “khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đàng tội lỗi, cho dẫu nó không chịu bỏ đi chăng nữa, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống mình” (x. Ez 33, 9). 

Lòng yêu thương, việc thực thi bác ái này được Chúa Giê-su nâng lên một tầm cao mới, đó là sửa đổi cho nhau trong tình huynh đệ. Và điều này cần phải thực hiện một cách cẩn trọng và theo ‘tiến trình’ tiệm tiến như Chúa Giê-su chỉ dẫn. Tuy nhiên, trong thực tế, ‘tiến trình’ này dường như bị đảo ngược, tệ hơn là bị bỏ qua, nên ‘tiến trình’ biến thành ‘trình tiến’ theo thói quen, tập quán bản thân. Ngoài ra, phần lớn cách thức mà người Á Đông chúng ta hay làm và luôn cho rằng không sai, đó là thay vì nói riêng, trực tiếp, đối diện với người anh chị em mắc lỗi với mình, thì lại rêu ra, lôi kéo đồng minh bằng cách nói với người thứ ba (mà người này chẳng biết rõ gì về sự thể đang diễn ra giữa mình với người anh chị em mắc lỗi!). Vì thế, Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta nên hành xử ra sao khi anh chị em lỗi phạm, hay trót phạm tội (x. Mt 18, 15) một cách cụ thể từng bước một: (1) đi sửa dạy riêng giữa ngươi và nó thôi, (2) nếu nó không nghe, đem theo một hoặc hai người nữa để làm nhân chứng, (3) nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Sau đó, nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, thì hãy kể nó như người ngoại và như người thu thuế (x. Mt 18, 15-17). Tiến trình sửa lỗi, góp ý cho anh chị em thế này luôn luôn phải đặt trong lòng mến, tình đệ huynh và nhất là trong tâm tình cầu nguyện giúp biện phân, tìm Thánh ý Chúa trong cộng đoàn, trong nhóm, trong hội đoàn, giáo xứ, hội dòng…Nếu chúng ta không cẩn trọng thực hiện từng bước một như Lời Chúa dạy, và với tâm thế yêu thương, hiểu biết, cảm thông, thì việc hữu ích này sẽ có nguy cơ biến thành cuộc thanh trừng, vạch mặt, tố cáo nhau như đã và đang xảy ra trong văn hoá trần tục giữa một xã hội thực dụng ngoài kia.

Giờ đây, chúng ta cùng trở về với lòng mình, đi sâu vào trong tâm hồn bản thần hầu chúng ta đủ lắng đọng, đủ tĩnh lặng, để cùng lắng nghe tiếng Chúa và tâm sự với Người:

                        Lạy Chúa, giữa chốn trần gian
                        Nhiều người đánh đổi bình an tâm hồn
                        Bằng sự xa hoa thượng tôn
                        Vật chất trở thành luỹ đồn chở che
                        Lạc vào hư vô đê mê
                        Từ thiện giả tạo chắn che lỗi lầm
                        Xin cho con biết âm thầm
                        Thực thi bác ái ân cần đệ huynh. Amen!

                                                                        Lm. Xuân Hy Vọng
                       

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm70
  • Hôm nay45,459
  • Tháng hiện tại592,027
  • Tổng lượt truy cập46,953,631

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây