Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần XVI TN B - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 22/07/2018 03:49  1169
 
Thứ hai Tuần XVI Tn
Giải pháp của Chúa
Chúng ta hiểu được nỗi hoảng sợ của dân do thái, trên đường thoát khỏi Aicập, bị kẹt giữa một bên là biển, một bên là quân đội của Pharaon và phản ứng khiếp nhược của họ, nuối tiếc cảnh nô lệ trước đây họ từng ghét cay ghét đắng để quyết định ra đi theo ông Môsê: ‘Bên Aicập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc?...Chúng tôi đã bảo: Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Aicập’! Giải pháp của họ là đầu hàng và quay về chịu cảnh nô lệ.
Nhưng chúng ta cũng hiểu rõ hơn giải pháp của Thiên Chúa. Đức Chúa nói với Môsê: ‘Hãy bảo con cái Israel cứ nhổ trại’. Giải pháp sẽ tìm thấy ở phía trước, khi tiếp tục cuộc hành trình với lòng tin phó thác vào Ngài.
Lời Chúa dạy. Trong mọi hành trình cuộc sống ta luôn gặp trở ngại và khó khăn lớn lao, nhiều lúc chúng ta muốn dừng bước, quay lại phía sau, quay lại tình trạng xem ra yên tĩnh hơn, ít vấn nạn hơn. Nhưng đó không phải là lối suy nghĩ của Thiên Chúa. ‘Ai đã tra tay vào cày, mà còn quay lại đàng sau, thì không xứng với Thầy’. Giải pháp không nằm ở phía sau, nhưng trong lời nguyện xin Chúa cho ta tìm ra giải pháp của Ngài. Có thể là bất ngờ, nhưng luôn luôn tiến bước trong cuộc hành trình mà ta đã bắt đầu bằng sự vâng phục thánh ý. Hoặc là chúng ta đòi hỏi ‘dấu chỉ’ như các biệt phái trong tin mừng hôm nay. Thiên Chúa đã ban cho dân Israel trong sa mạc những dấu chỉ lớn lao, Ngài cũng ban cho chúng ta ngày nay, nếu Ngài muốn, không cần chúng ta phải đòi hỏi. Việc đòi dấu lạ nhiều khi là lý do để bào chữa sự lười biếng của chúng ta, miễn cưỡng thi hành ý muốn của Chúa.
Hôm nay phụng vụ lời Chúa cho ta một bài học về lòng can đảm và tín thác. Thiên Chúa dũng mãnh và trung thành, Ngài kêu gọi chúng ta cùng Ngài tiến bước, Đấng biến những khó khăn nên phương cách để ‘tỏ bày vinh quang’, sự hiện diện vinh thắng của Ngài. ‘Ta là Đức Chúa’, Thiên Chúa nói với Môsê. Đòi hỏi nơi chúng ta một sự tín thác hoàn toàn, như Ngài đã đòi nơi dân Israel để ban cho họ Đất Hứa.
+++
Đoạn tin mừng diễn tả sự khước từ của kẻ không tin Đức Giêsu, và ta có thể chia ra làm ba điểm: đòi hỏi các dấu lạ (c.38); xét đoán tổng quát của Đức Giêsu (c.39); dấu đối chứng từ nơi Thầy (c.39b).
Khi ta tìm kiếm một dấu chỉ vì thiếu lòng tin vào Chúa, việc tìm kiếm mang tính tôn giáo của ta không còn chân thực nữa, và ta rơi vào trong não trạng thành đạt, khước từ sự khiêm nhường của Nước Trời. Dĩ nhiên ta bảo rằng ta đi tìm dấu lạ, thành đạt, để làm vinh danh Thiên Chúa, nhưng thực tế ta tự nhốt mình trong một cái gì đó khen thưởng ta và cho ta cảm thấy thoải mái. Nhưng Đức Giêsu không chấp nhận cách thức đó, nên Ngài đã lên tiếng tố cáo: ‘thế hệ gian ác và ngoại tình’, thế hệ không nhìn lên Thiên Chúa, không dám liều lĩnh, sợ phải phó thác cho đức tin. Đức Giêsu dạy ta một nhiệm cục đức tin, biết chấp nhận sự thất bại của một dự tính; Ngài tố cáo việc đòi hỏi dấu lạ đến độ loại trừ sự tìm kiếm đích thực duy mình Thiên Chúa, và đó là một thứ thờ ngẫu tượng luôn hiện diện trong lòng con người. Do đó, Ngài hứa ban cho dấu chỉ cái chết của Ngài trên thập giá, của sự thất bại. Đây là một dấu chỉ đối nghịch. Ngài loan báo cho những ai đi tìm những dấu lạ huy hoàng biết việc Ngài bước vào trong bóng tối, cái chết vì yêu của Ngài, trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha, để rồi kết thúc bằng sự phục sinh vinh thắng.
+++
Dấu lạ, dấu lạ, ta luôn đòi hỏi dấu lạ! Thiên Chúa vô cùng nhẫn nại đối với ta! Biết bao lần ta thấy nhiều người bình thường chẳng bao giờ nhớ đến Thiên Chúa, rồi khi gặp phải hoạn nạn, vội quay về với Chúa khẩn nài, van xin đến độ còn thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, nếu Chúa có thực thì xin hãy làm cho con điều này, điều kia’. Ta có thực sự cần những dấu chỉ ngoạn mục như thế không? Những biến cố phi thường? Để kết luận điều gì? Vấn đề quan trọng là cái nhìn của ta: Chúa không ngừng ban cho ta không biết bao nhiêu là dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài trong đời sống mỗi người chúng ta.
Đối với những người đương thời với Đức Giêsu cũng như đối với chúng ta ngày nay, Đức Giêsu đề nghị một dấu lạ kép, dấu lạ của Giona ở trong bụng cá ba ngày, trở nên hình ảnh tiên báo về cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, và dấu lạ về việc rao giảng của ông khiến dân thành Ninivê hoán cải. Những dấu lạ duy nhất mà Chúa trao ban là dấu chỉ lớn lao về sự sống lại của Người và những suy tư và lời mời gọi hoán cải đến với chúng ta từ các ngôn sứ và chứng nhân của Thiên Chúa. Đừng lấy làm hối tiếc, nhưng hãy để cho Lời Chúa lay chuyển tâm hồn ta và mở ra cho sự hoán cải, vì nơi đây có Đấng cao trọng hơn Giona!
Thứ Ba Tuần XVI Tn
Kính sợ Chúa: vâng phục
Ấn tượng cuộc vượt qua Biển Đỏ giúp ta hiểu rõ hơn những kỳ công Thiên Chúa thực hiện trong công cuộc cứu độ, hình ảnh sự giải phóng dân do thái, được thực hiện bằng cánh tay hùng mạnh, dù bao sức mạnh của quân thù. Chúng ta cũng được giải thoát khỏi tội lỗi, bằng một hành động đầy quyền năng: sự sống lại của Đức Giêsu, sau khi Ngài đã tự hạ mình đến tận cùng qua cái chết trên thập giá. Nên chúng ta cần phải nuôi dưỡng cùng những tâm tình như dân Israel xưa: ‘Israel thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Aicập. Toàn dân kính sợ Đức Chúa’. Kính sợ Thiên Chúa là lòng cung kính tuyệt đối, là vâng phục và tình yêu đối với Người. Cần nhấn mạnh một khía cạnh khác: cùng những thực tại giống nhau có thể vừa phục vụ cho sự sống và sự chết, nên nếu chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa, tất cả có thể góp phần xây dựng sự thiện. Đối với dân Israel, biển là con đường chắc chắn, là sự bảo vệ diệu kỳ, ‘nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu’; còn đối với quân Aicập, trái lại, lại là dòng nước hủy diệt. Chúng ta còn thấy lập lại điều tương tự trong suốt hành trình sa mạc: rắn lửa đối với dân Israel là dụng cụ của sự chết, nhưng con rắn đồng giương lên cao lại là khí cụ mang lại sự sống; v..v…Nên ta phải ý thức sức mạnh của đức tin: những sự việc có thể phục vụ cho sự sống hay sự chết, nhưng điều thiết yếu là gắn bó với Thiên Chúa. Phêrô bước đi trên mặt nước bao lâu mà ông còn tin vào Chúa.
Trong thực tế, chính Đức Giêsu đã biến nước đắng cuộc khổ nạn của Ngài thành nước hằng sống để cứu độ chúng ta. Sống và chết đan xen vào nhau: cái chết của Người Con mang lại cho ta sự sống của những người con cái Thiên Chúa. Hãy vững mạnh trong đức tin. Với đức tin, chúng ta chiến thắng thế gian.
+++
Thực tế tâm điểm của kitô giáo là mỗi người chúng ta, khi nhận biết Thiên Chúa là Cha, trở nên anh chị em với Đức Kitô.
Là mối dây huynh đệ sâu xa hơn mối dây phát xuất từ huyết thống. Thánh Phaolô nói rằng chính vì chúng ta là con mà ta trở nên người thừa tự: chúng ta đón nhận cùng những ân ban mà Chúa Cha ban cho Chúa Con.
Nhưng đoạn tin mừng cho ta thấy mình còn trở nên ‘mẹ của Đức Kitô’ cho những người khác, nghĩa là ta trở thành những người thừa sai.
Đây là phẩm giá của người kitô hữu, đây là mục đích duy nhất cho đời sống của họ: thực hành ý muốn của Cha. Từ tin mừng thánh Gioan, ta biết rằng ý muốn Chúa Cha là duy nhất: ‘Họ nhận biết Đấng Người sai đến’.
Thông truyền Đức Kitô cho người khác, mỗi người chúng ta sẽ hiểu rõ ai là Đức Kitô cho đời sống của mình.
+++
Trong đoạn tin mừng hôm nay ta gặp thấy hai từ ngữ rất quen thuộc: lắng nghe và làm theo ý. Nếu trong thái độ lắng nghe, toàn thể con người của ta mở ra trong tin tưởng hướng về tha nhân, thì việc làm theo ý Thiên Chúa hay của một người nào đó, thoạt đầu xem chừng ra không được tích cực cho lắm. Nhờ những khoa tâm lý học, ta biết rằng có bao nhiêu điều gian ác được ẩn giấu sâu thẳm bên trong. Nhưng việc lắng nghe là để chuẩn bị cho việc làm theo ý, việc làm theo ý sẽ được thực hiện càng trọn vẹn hơn nếu biết mở tai của tâm hồn mình để nhận ra những dấu chỉ hiện diện của Thiên Chúa. Theo cách đó, việc thực hiện ý Chúa không đơn thuần là vâng phục điều gì hay ai đó lớn hơn và quyền năng hơn ta, vì như thế sẽ rơi vào định mệnh thuyết, khiến cho ta trở thành những kẻ vô phúc, nhưng là một dấu chỉ ngôn sứ giúp ta nắm bắt được yếu tính của thực tại. Như thế ta biết rằng có những liên hệ vượt trên cả liên hệ xác thịt, có những giá trị vượt trên những giá trị hiện đang được mọi người đề cao, và ta có thể vượt qua những giới hạn của mình khi biết quy hướng về Đấng Tuyệt Đối. Và rồi… ‘Ai yêu Thầy, sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy’.
Thứ Tư tuần XVI Tn
Thánh Giacôbê Tông Đồ
Lời cầu xin của bà mẹ các con ông Giêbêđê, sấp mình trước mặt Đức Giêsu cùng với các con là Giacôbê và Gioan, phản ánh sự mập mờ mà dân chúng và các môn đệ, ngay cả những người được tuyển chọn là Nhóm Mười Hai, hiểu về Đức Giêsu, con người và sứ điệp của Ngài, và việc theo Ngài nghĩa là gì. Họ đang xin một địa vị quan trọng trong chính trị, một quyền thế. Câu trả lời của Đức Giêsu buộc họ phải thay đổi tận căn cái nhìn của họ về Ngài. Họ thưa sẵn sàng uống chén mà Ngài sẽ uống. Đó là vương quốc mà Đức Giêsu loan báo, ở trong tay Chúa Cha và chỉ đạt đến đó qua con đường đau khổ và tử nạn, không phải bất cứ một loại đau khổ nào đâu, nhưng đau khổ và tử nạn của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Để vào được trong vương quốc ấy, vương quốc của Cha: uống chén, không đủ, mà cần phải uống chén của Đức Kitô.
Mười ông còn lại cũng chẳng có suy nghĩ gì về Đức Kitô khác hơn suy nghĩ của bà mẹ các con ông Giêbêđê. Họ phản ứng phẩn nộ và ganh tỵ. Tất cả đều muốn chỗ nhất bên cạnh Đấng mà họ hy vọng sẽ là Vua dân Israel. Bài học Đức Giêsu dạy ta: quy tụ họ lại, giải thích cặn kẻ cho họ nội dung nghịch lý trong hành động cứu độ của Ngài: ‘Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người’. Từ đó phát sinh yêu cầu căn bản cho ai muốn làm môn đệ của Đức Giêsu: phải phục vụ đến độ hiến mạng sống cho Thầy và cho anh em.
Giacôbê, con ông Giêbêđê, đã đồng hóa bài học vào trong chính cuộc sống mình, một cách nhanh chóng và anh hùng. Là vị tông đồ đầu tiên uống chén của Chúa. Vị Tông Đồ Tử Đạo tiên khởi.
Truyền thống đáng kính của Giáo Hội Compostella và của các giáo phận khác tại nước Tây Ban Nha nhìn nhận thánh Giacôbê như vị truyền giảng tin mừng đầu tiên cho họ. Qua trải nghiệm của vị tông đồ trung kiên, làm chứng tin mừng cho đến tận cùng trái đất, ta hiểu thế nào là phục vụ theo cách thức của Đức Kitô. Đối với Giáo Hội và các thành viên trẻ, Ngài vẫn còn và sẽ còn mãi là tấm gương cuốn hút mọi người.
+++
Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phát xuất từ cung lòng Chúa Cha đến ở giữa chúng ta. Đến để dưỡng nuôi con người và quy tụ con người quanh Lời Chúa. Trang tin mừng thuật lại rõ ràng mầu nhiệm cuộc hội ngộ giữa Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa và con người. Điều mà sự Khôn Ngoan thông truyền có thể được sánh ví với hạt giống. Lời của Chúa Giêsu sống động và đòi hỏi phải được gieo vào mảnh đất đời sống, để sinh ra những hoa trái tốt: Sự Thật là chính Đức Giêsu, đòi hỏi phải trở nên Chân Lý bên trong đời sống của ta. Chính ở điểm này mà ta thấy xảy ra bốn tình trạng khác nhau: kẻ tự đóng kín, kẻ hời hợt bên ngoài, kẻ không tự quyết định theo Chúa và sau cùng kẻ đón nhận lời Chúa cho đời sống mình.
+++
Có những hạt rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả
Với dụ ngôn người gieo giống, Đức Giêsu tự sánh mình với người gieo hạt giống Lời Chúa. Hãy nhìn hình ảnh người gieo giống đi gieo cách quảng đại, vung vãi hạt giống khắp mọi nơi; ông nắm lấy hạt giống từng vốc đầy và tung vãi trên mặt đất, ước mong phân chia đồng đều cho tất cả mọi nơi. Người gieo giống không quan tâm để tránh những con đường đi, nơi đá sỏi hay phần đất cằn cỗi. Hạt giống được gieo đều trên khắp thửa đất của ông. Là hình ảnh của Giáo hội nơi lời Chúa được loan báo. Giáo hội là phần đất tốt màu mỡ nơi đó lời Chúa sinh hoa quả trường tồn, chiến thắng những cám dỗ của thế gian và kiên trì trong gian khó. Đức Giêsu thích sử dụng những hình ảnh lấy từ trải nghiệm cuộc sống của dân do thái để gởi đến một sứ dễ hiểu.
Lời cầu nguyện của một thanh niên tĩnh tâm trong một đan viện: ‘Lạy Chúa, con nhận thấy chính con là tất cả ba mảnh đất ấy: đường đi, đá sỏi, gai góc. Nhưng xin hãy giúp đỡ con, xin làm cho con biết làm việc trên mảnh đất lòng con để có thể biến nó nên mảnh đất tốt cho lời Chúa, cho tình yêu của Chúa, cho Nước Chúa’, để con có thể nhổ đi mọi gai góc lấy chỗ cho hạt giống tốt…múc lấy nước ân sủng để tưới lên những gì mà Chúa đã gieo.
Thứ Năm tuần XVI Tn
Thánh Gioakim và Anna
Sách Huấn ca viết: ‘Chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân’, nhưng chúng ta lại biết rất ít về song thân của Đức Maria: có lẽ Thiên Chúa muốn quy luật giữ kín nhiệm, thinh lặng, ẩn giấu áp dụng cho cuộc đời của Đức Maria và phần lớn cuộc đời lịch sử của Đức Giêsu, cũng áp dụng cho hai vị song thân của Đức Maria.
Các tin mừng ngụy thư nói về những thử thách của họ và thật hợp lý khi nghĩ rằng Thiên Chúa đã mời gọi họ tham dự vào mầu nhiệm của Đức Giêsu, Đấng mà họ đang chuẩn bị cho sự xuất hiện; tuy nhiên giờ đây vẫn là niềm vui và vinh quang cho họ đuợc làm cha mẹ của Đức Maria.  Là một khuyến khích cho niềm tin của ta: Thiên Chúa tốt lành và trong lịch sử nhân loại, lịch sử của tội và lòng thương xót, điều còn lại sau cùng là niềm vui, là điều tích cực Người xây dựng trong lòng ta.
Gioakim và Anna đã được chọn từ một dân riêng, cứng đầu, để từ dân tộc này xuất hiện Đức Maria, bông hoa thánh thiện tuyệt vời, từ nơi Mẹ sinh hạ Đức Giêsu. Là biểu lộ vĩ đại tình thương nhân từ của Thiên Chúa.
Hãy cảm tạ Thiên Chúa và vui mừng: chúng ta là những người được phúc nhìn thấy những điều mà nhiều ngôn sứ và người công chính đã mong mỏi thấy.
Lời nói cuối cùng của Thiên Chúa được loan báo nơi Đức Kitô và ta có thể chiêm ngắm mầu nhiệm của Người, dù còn trong đức tin, nhưng đã thực hiện nơi Ngài rồi.
+++
Ngài nói bằng dụ ngôn
Chương 13 tin mừng Matthêô đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong sứ vụ của Đức Giêsu: Ngài không còn giảng dạy trong các hội đường nữa. Trong các hội đường, những cặp mắt soi mói của các Biệt Phái và Luật Sĩ tìm cách bắt bẻ và tìm cớ tố cáo. Thế nhưng việc ấy không ngăn cản Ngài tiếp tục sứ vụ của mình. Khi mà các cửa hội đường đóng lại thì Ngài lại rao giảng ‘ngoài trời’, trên những con đường làng, dọc theo bờ hồ hoặc trong nhà riêng của người dân. Người mang nơi mình sứ điệp đích thực muốn trao ban cho kẻ khác, luôn tìm ra phương cách để thực hiện.
Đức Giêsu bắt đầu dùng dụ ngôn mà giảng dạy. Trong các chương trước chúng ta nhận thấy Đức Giêsu cũng đã dùng dụ ngôn trong các bài giảng (5,13-16; 6,26-30; 7,24-27;9,16-17) nhưng trong chương này các dụ ngôn được trình bày cách hoàn chỉnh và sống động nhất. Có người đã tặng cho Đức Giêsu danh hiệu Thầy của các tác giả chuyện ngắn. Trong các lý do giải thích cho việc Đức Giêsu dùng các dụ ngôn để giảng, không được quên điều này là Đức Giêsu trình bày các dụ ngôn bằng lối văn nói, chứ không phải văn viết. Gây ảnh hưởng trực tiếp, ngay tức khắc trên người nghe chứ không cần phải nghiên cứu, giải thích. Chân lý mà Ngài muốn trình bày lóe sáng lên như ánh chớp trong đêm tối. Vì thế trong việc tìm hiểu các dụ ngôn, ta cần làm hai việc. Trước tiên chúng ta càng thu thập những dữ liệu càng nhiều càng tốt về bối cảnh cuộc sống ở Palestina, để dụ ngôn cũng đánh động chúng ta mạnh mẽ như những thính giả lần đầu được nghe. Chúng ta nên suy nghĩ, tưởng tưởng theo tâm thức của người do thái thời Đức Giêsu. Thứ đến, thường thì mỗi dụ ngôn chỉ có một điểm nhắm. Dụ ngôn không phải là một ẩn dụ (allegory). Ẩn dụ là một chuyện kể trong đó các chi tiết đều mang ý nghĩa ẩn tàng; trong khi ẩn dụ được đọc và học hỏi, dụ ngôn được nghe. Cẩn thận đừng ẩn dụ hóa các dụ ngôn và nhớ rằng chúng đuợc sử dụng để trình bày một chân lý trực diện và ngay chính lúc người nghe.
Mầu nhiệm Nước Trời. Theo quan niệm thông thường người ta dùng từ mầu nhiệm để chỉ một sự gì hay một sự thật nào mang nội dung khó hiểu, vì chúng vượt quá khả năng suy luận và kiến thức của con người. Trong tôn giáo ta dùng từ mầu nhiệm để gọi những sự thật của niềm tin được Thiên Chúa mạc khải, mà trí khôn chúng ta không thể thấu hiểu được. Trong Tân Ước, từ mầu nhiệm mang ý nghĩa khác. Vào thời Đức Giêsu, mầu nhiệm được hiểu là một sự thật, khó hiểu đối với những người bên ngoài hay không thuộc về nhóm, cộng đoàn nào đó. Trái lại rất dễ hiểu và rõ ràng đối với những người bên trong hay thành viên của cộng đoàn.
Lời tuyên bố của Đức Giêsu (c.13) muốn nói rằng các môn đệ là thành viên của cộng đoàn những kẻ tin vào Chúa, nên có thể hiểu các mầu nhiệm. Còn những kẻ bên ngoài cộng đoàn, vì cố chấp, vì kiêu hãnh, bảo thủ khăng khăng giữ các điều cũ như các Biệt phái và Luật sĩ, dù có được nghe những lời giải thích, họ cũng chỉ thấy toàn là những điều khó hiểu.
Ai đã có thì được cho thêm. Cuộc sống là một tiến trình được cho thêm hoặc mất đi thêm. Mỗi điều thiện, mỗi việc phục vụ chúng ta làm, giúp ta tự hoàn thiện, nên tốt hơn cho lần sau. Và mỗi lần chúng ta lười biếng không bắt lấy cơ hội để phục vụ, để làm điều lành, ta cũng sẽ có ít khả năng để chộp lấy cơ hội như thế trong lần tới.
Thứ Sáu tuần XVI Tn
Hạt giống của sự sống
Ngày thứ tư vừa qua, trong phần Lời Chúa ta đọc dụ ngôn người gieo giống. Hôm nay, lời giải thích của Đức Giêsu. Là đoạn văn được nghe nhiều nên lắm lúc gây nhàm chán và bị cám dỗ không muốn nghe nữa. Hãy cảnh giác đừng để mình rơi vào tình trạng ấy. Có khi ta xét lời Chúa như đối tượng của tính hiếu kỳ. Dễ rơi vào nguy cơ của nhà khoa học tự nhiên, cầm trong tay hạt giống, quan sát, xét nghiệm tỉ mỉ qua kính hiển vi và, bằng lòng với kết quả nghiên cứu, rồi vứt bỏ nó đi. Hạt giống lời Chúa không như thế, nhưng nhằm sinh ra sự sống. Là hạt giống. Là lời hằng sống.
Dụ ngôn này luôn mang lợi ích cho mọi người, vì thái độ của con người hay làm biến dạng lời Chúa khi đứng trước những đòi hỏi. Như thế, họ không đón nhận những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho. Nhiều người nghiên cứu lời Chúa mà chẳng xem đó như lời sự sống, lời cứu độ.
Dụ ngôn kể lại người kia nghe lời và lập tức vui vẻ đón nhận, nhưng không có rễ sâu nên không bền. Ta thấy một nguyên do khác rất hữu ích khi suy tư nghiền ngẫm về dụ ngôn này. Chúng ta tìm thấy niềm vui trong lời Chúa, và đó là điều tuyệt vời, nhưng thông thường tất cả đều dừng lại ở đấy, vì chúng ta không kiên trì, tiếp tục. Cần phải tìm kiếm sự sống trong lời Chúa, với cố gắng khó nhọc, để lời Chúa có thể đâm rễ vào tâm hồn sỏi đá của ta, những rễ sâu, chống chọi với mọi đổi thay của thời tiết.
Trong kinh nguyện cần kiên trì, vượt lên những mỏi mệt, nản lòng, để tìm thấy lời Chúa là suối nguồn; khi đó sẽ mang lại hoa quả cho ta chứ không chỉ là niềm vui hời hợt bề ngoài. Đón nhận lời Chúa là sống kết hiệp với Chúa, dâng cuộc sống ta cho Ngài để nên lợi ích cho mọi người.
Thứ Bảy tuần XVI Tn
Hôm nay cũng lại là một dụ ngôn về hạt giống. Nhất là ‘hạt giống tốt’ được Đức Giêsu gieo vào thửa ruộng của Giáo hội và thế giới.
Một điều quan trọng biện minh cho cái nhìn lạc quan về thực tế con người. Điều tốt có mặt và hoạt động khắp nơi, cho dù không luôn luôn và khắp nơi là tin tức hàng đầu. Trái lại điều dữ lại được ở trang đầu các nhật báo.
Điều dữ là điều mà dụ ngôn nói đến: cỏ lùng kẻ thù gieo, nghĩa là tất cả những gì đối nghịch lại với Nước Thiên Chúa, chương trình sự sống duy nhất xứng đáng với con người.
Bất ngờ về việc cỏ lùng được kẻ thù gieo, trong khi ‘mọi người đang ngủ’: do thiếu tỉnh thức của những người đầy tớ và những cộng tác viên của ông chủ. Như thế đòi hỏi trách nhiệm vì những thiếu sót của ta: là điều dữ không chỉ khi ta làm điều xấu nhưng ngay cả khi ta không ngăn cản điều xấu xảy ra theo trách nhiệm và khả năng của mình.
Thật an ủi, lòng bao dung và thương xót của Chúa, đấng, trong thời gian chờ đợi kết án chung cục, đã để cho cả điều lành và điều xấu cùng lớn lên: không chỉ trong thế giới mà ngay cả trong Giáo hội và nơi mỗi người chúng ta.
Ta có xứng đáng cho những chờ mong tin tưởng và nhẫn nại ấy không: đó là con tim của Thiên Chúa.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thánh nữ Matta
Việc Đức Giêsu là vị Thầy lữ hành cho Matta cơ hội tiếp đón Ngài trong nhà mình. Tường thuật trình bày thái độ của hai chị em: Maria ngồi dưới chân Đức Giêsu, lắng nghe Lời Chúa; Matta ngược lại, bận bịu với những việc phục vụ, bà đến gần Đức Giêsu để phản đối thái độ của em. Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Matta chiếm phần lớn bài tường thuật (40b-42): Matta mở đầu với câu hỏi ‘Thưa Thầy, em con để con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?’ rồi bà đòi Đức Giêsu can thiệp nhắc nhở cho người em không quan tâm đến việc gia đình ‘Xin Thầy bảo nó giúp con một tay’. Đức Giêsu trả lời rất thân tình: ‘Matta, Matta’: Ngài nhắc cho bà rằng bà đang lo lắng nhiều chuyện, thực ra chỉ có một chuyện cần và kết thúc với lời mời gọi bắt chước người em gái, đã chọn phần tốt nhất, không bị lấy mất đi. Luca đã xây dựng bài tường thuật trên một tương phản giữa hai cá tính khác biệt nhau của Matta và Maria; Matta bận rộn nhiều chuyện, còn Maria chỉ thực hiện một việc thôi, là lắng nghe Lời Chúa. Vai trò của sự tương phản này là nhằm nhấn mạnh thái độ của Maria, đã dành trọn thời giờ để nghe lời Thầy và như thế trở nên mẫu gương cho mọi tín hữu.
Hình ảnh Matta. Chính Matta có sáng kiến đón tiếp Đức Giêsu vào nhà. Khi lo việc tiếp rước Thầy, bà phải lo lắng chuẩn bị nhiều việc và vì sự căng thẳng khi thấy chỉ mỗi mình làm tất cả. Băn khoăn, căng thẳng. Tuy nhiên Matta tự mình xúc tiến công việc và yêu cầu Đức Giêsu giúp: vì bà bị em gái bỏ rơi một mình. Đức Giêsu trả lời bà, nhận xét rằng bà quá lo lắng nhiều chuyện, bị giằng co giữa một bên là ước muốn phục vụ Đức Giêsu với bữa ăn xứng đáng địa vị của Ngài và ước ao được lắng nghe Ngài nói. Nên Đức Giêsu không trách mắng việc phục vụ của Matta nhưng là nỗi băn khoăn lo lắng của bà. Trước đoạn này, Đức Giêsu đã giải thích trong dụ ngôn người gieo giống là hạt giống rơi giữa bụi gai, gợi lên hình ảnh của những kẻ nghe Lời Chúa nhưng bị những nỗi lo lắng làm chết ngộp. Nên Đức Giêsu không phản đối việc làm giá trị của việc tiếp rước Ngài nhưng Ngài cảnh giác bà về những nguy cơ: lo lắng và bị khuấy động. Ngài cũng đã từng nói: ‘Hãy lo tìm Nước của Ngài, còn các thứ kia, Ngài sẽ thêm cho’ (Lc 12,31).
Hình ảnh Maria. Là người lắng nghe Lời Chúa: diễn tả bằng một động từ ở thì quá khứ không hoàn thành, muốn nhấn mạnh hành động vẫn còn tiếp tục trong việc nghe Lời Chúa. Thái độ của Maria tương phản với thái độ đầy băn khoăn, lo lắng của chị. Đức Giêsu nói rằng Maria đã chọn phần tốt nhất: lắng nghe Lời Chúa. Qua lời của Đức Giêsu, đọc giả biết rằng không có hai phần riêng biệt, phần này tốt hơn phần kia, nhưng duy chỉ có một phần tốt thôi: đón nhận Lời Chúa. Thái độ này không có nghĩa là thoát ly khỏi những bổn phận riêng hay những trách nhiệm hằng ngày, nhưng chỉ ý thức rằng việc lắng nghe Lời Chúa ưu tiên trên mọi hoạt động phục vụ khác.
Quân bình giữa hoạt động và chiêm niệm. Luca chú tâm liên kết việc nghe Lời Chúa với việc liên hệ với Chúa. Không phải chia ngày ra làm nhiều thời gian vừa cho việc cầu nguyện và cho việc phục vụ, nhưng sự lưu tâm đến Lời Chúa đi trước rồi theo sau là việc phục vụ. Mong ước nghe Lời Thiên Chúa không thể được thay thế bằng các hoạt động khác: cần dành không gian và thời gian cho việc tìm kiếm Chúa. Việc huấn luyện nghe Lời phát sinh từ lưu tâm đến Thiên Chúa: tất cả đều có thể góp phần, môi trường nơi chốn, thời gian. Tuy nhiên ước mong gặp Thiên Chúa cần sinh ra bên trong lòng mình. Không có những kỹ thuật tự động đưa ta đến gặp gỡ Thiên Chúa. Là một vấn đề của tình yêu: cần lắng nghe Đức Giêsu, ở với Ngài, và ân sủng sẽ được thông ban làm chớm nở tình yêu. Thế quân bình giữa lắng nghe và việc phục vụ đòi hỏi mọi người tín hữu: dầu trong cuộc sống gia đình, nghề nghiệp hay xã hội: làm thế nào để mọi người đã được thanh tẩy kiên trì và đạt đến đức tin trưởng thành? Luyện tập lắng nghe Lời Chúa. Là con đường khó nhưng bảo đảm để đạt được sự trưởng thành trong đức tin.
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập241
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm205
  • Hôm nay41,447
  • Tháng hiện tại501,697
  • Tổng lượt truy cập46,863,301

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây