CHÚA NHẬT I MÙA CHAY TRÙNG VÀO NGÀY MỒNG BA TẾT - Lm. Inhaxio Hồ Thông

Thứ ba - 13/02/2018 03:59  1686
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY TRÙNG VÀO NGÀY MỒNG BA TẾT

Chúng ta đang sống những ngày vui xuân, xuân của đất trời, nhất là xuân của lòng người. Qua những cuộc gặp gỡ thân tình, chúng ta cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất trong một năm sắp tới:
“Xuân hạnh phúc đong đầy nhịp sống,
Câu yêu thương gởi nhắn bao người...
Ươm mầm hy vọng sáng tươi,
Tình Xuân đem đến niềm vui cho đời”.
Ấy vậy, năm này là năm đặc biệt, khi niềm vui xuân chưa trọn vẹn, thì Phụng Vụ lại đưa chúng ta vào Mùa Chay, mùa của màu tím, gây nên một cảm giác hụt hẩng trong lòng mỗi người. Chính cái cảm giác hụt hẩng trong những ngày xuân lại đánh động chúng ta nhiều hơn, nhắc cho chúng ta nhớ rằng thực tế của cuộc đời không luôn luôn tràn ngập những giai điệu vui tươi, nhưng xem ra những lo toan vất vả trong cuộc sống thường ngày lại là những nốt nhạc chủ đạo trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Ai trong chúng ta đều có kinh nghiệm: những ngày vui trong đời chỉ đếm được đầu ngón tay, biết bao đêm trăn trở, “nằm vắt tay lên trán, nghĩ đến chuyện cuộc đời, nằm đốt ngón tay, nghĩ đến chuyện này mai”.
Vậy thì sứ điệp Mùa Chay đem đến cho mỗi người chúng ta những ý nghĩa gì vào những ngày đầu năm mới này?

 1-Tại sao Đức Giê-su chịu thử thách?:

Tin Mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta những thử thách hay những cám dỗ mà Chúa Giê-su đã trải qua suốt bốn mươi ngày đêm trong hoang địa. Câu hỏi đầu tiên gợi lên trong tâm trí của mỗi người chúng ta: tại sao Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, phải chịu thử thách?
-Lý do thứ nhất: Việc Đức Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ nằm trong sự hợp lý về ơn gọi của Ngài: Ngài đã đồng hóa mình với nhân loại tội lỗi bằng cách chấp nhận phép rửa sám hối bởi Gioan Tẩy Giả. Ngài đã đi cho đến tận cùng của sự đồng hóa nầy khi chấp nhận chịu những cơn cám dỗ như số phận của con cái A-đam và E-và.
-Lý do thứ hai: Bốn mươi ngày Chúa Giê-su chịu thử thách trong hoang địa nhắc chúng ta nhớ đến 40 năm trường dân Do thái đã trải qua những thử thách trong hoang địa. Đức Giê-su đã muốn đồng hóa mình với dân Ngài bằng cách sống lại những cơn cám dỗ của họ trong hoang địa.

2-Chúa Giê-su chịu những thử thách nào trong hoang địa?

Qua việc đồng hóa với loài người và với dân Ngài, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta thấy làm thế nào chiến thắng những chước cám dỗ. Từ đó, chúng ta muốn biết những thử thách nào Chúa Giê-su đã phải trải qua?

-Cuộc thử thách thứ nhất mà Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu với thiên nhiên. Những ai sống trong hoang địa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt: chịu cái nóng nung người vào ban ngày, chịu cái lạnh cắt da vào ban đêm, chịu tất cả mọi thiếu thốn của đời sống thường ngày. Và hôm nay, Đức Giêsu đã thắng được cái lạnh, cái nóng và nhất là đã thắng được cái đói cái khát, đã hoàn toàn làm chủ được bản thân trước những nhu cầu của thân xác.

-Cuộc thử thách thứ hai mà Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ. Những cơn cám dỗ của ma quỷ thường là cám dỗ về đức tin. Hai ông bà nguyên tổ cũng bị ma quỷ thử thách, nhưng không vững lòng tin nên đã sa ngã. Tổ tiên của dân Do thái, bốn mươi năm trường trong hoang địa, có Chúa đồng hành, nhưng họ đã không tin tưởng vào sự hiện diện của Ngài, nên phải bị vùi thây trong hoang địa, không được đặt chân vào Đất Hứa. Đức Giêsu cũng bị ma quỷ thử thách, nhưng đã thắng vượt mọi cơn cám dỗ nhờ Người vững lòng tin vào Thiên Chúa.

-Cuộc thử thách thứ ba mà Đức Giêsu đã trải qua là cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để tìm thánh ý Chúa Cha. Đức Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, nên Người đã từ bỏ con đường rộng để đi vào con đường hẹp, từ bỏ con đường riêng tư để đi vào con đường Chúa Cha đã định. Nên Người đã toàn thắng trong cuộc chiến đấu.

3-Hoang địa là nơi gặp gỡ Thiên Chúa:

Hoang địa không phải chỉ là bức tranh được tô đậm bởi những gam màu tím của những thử thách đầy cam go đâu, nhưng còn bởi những gam màu sáng của những cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa: “Ta đã quyến rủ người, đã đưa ngươi vào hoang địa, nơi đó lòng bên lòng Ta đã thổ lộ tâm can cùng ngươi”. Ông Mô-sê, sau 40 đêm ngày ở trên núi Sinai, đã trở nên bạn nghĩa thiết của Chúa. Ngôn sứ Êlia, sau cuộc hành trình 40 đêm ngày, đã tới núi của Chúa và đã gặp được Chúa. Chúa Giê-su, sau 40 đêm ngày vượt thắng mọi thử thách, đã gặp gỡ Chúa Cha, đã tìm được ý Chúa Cha và đã kết hiệp mật thiết với Chúa Cha đến độ từ nay Người trọn vẹn thuộc về Chúa Cha.
Sau những ngày vui xuân, chúng ta trở về với cuộc sống thường ngày với biết bao lo toan vất vả chuyện cơm áo. Vì thế, không gì thực tế hơn khi Giáo Hội mời gọi chúng ta phải đối mặt với chúng, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Thực tế, chúng ta không có điều kiện để vào nơi hoang địa địa lý, nhưng chúng ta vẫn có thể vào hoang địa của cuộc đời.

Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn trong đời sống, dù đói nghèo vẫn giữ được tâm hồn tự do, không chịu nô lệ vật chất. Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là kiên cường chống trả mọi cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới, luôn vững niềm tin vào Chúa dù gặp những khó khăn thử thách. Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là từ bỏ những ý riêng để luôn tìm thánh ý Chúa, sẵn sàng thực hành thánh ý Chúa, dù có phải đau đớn, thiệt thòi. Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là giữ tâm hồn thanh thản bình an để gặp gỡ Chúa, tiếp xúc thân mật với Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa. Chúa có thể ngỏ lời với mỗi người chúng ta, như với Đức Giê-su: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Hôm nay, vào những ngày đầu xuân, cũng là dịp chúng ta nhìn lại một năm đã qua với lòng cảm tạ tri ân vì Chúa đã dẫn dắt chúng ta qua những thăng trầm của giòng đời. Một giòng đời có xen lẫn buồn vui sướng khổ, có nước mắt và nụ cười, nhưng bàn tay quan phòng của Đấng tạo hóa luôn làm chủ mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời của mỗi người.

Hôm nay, trong bầu khí tươi vui của những ngày đầu xuân, chúng ta hướng lòng đến một năm sắp tới. Dù bên ngoài, chuyện xuân đi xuân đến hợp với lẽ tự nhiên của đất trời: xuân khứ bách hoa lạc, xuân đáo bách hoa tươi (xuân đi trăm hoa rụng, xuân đến trăm hoa cười), điều quan trọng là mỗi người chúng ta được mời gọi giữ mãi mùa xuân trong lòng mình. Đó là một mùa xuân ngập tràn hạnh phúc khi con người sống trọn tình vẹn nghĩa với Đấng tạo thành. Đó là một mùa xuân ngập tràn yêu thương khi con người sống hòa thuận với nhau, tránh xa những đố kỵ ghen tương, hàn gắn những yêu thương đã đổ vỡ. Ước gì cuộc đời của mỗi người chúng ta dù thiếu thốn vật chất, nhưng niềm vui vẫn đong đầy khi có Chúa, là Mùa Xuân vĩnh cửu, đồng hành với chúng ta. Ước gì cuộc đời của mỗi người chúng ta, dù có phải lo toan vất vả, vẫn luôn giữ mãi mùa xuân trong lòng mình vì có Chúa Xuân hiện diện chúc phúc cho cuộc đời chúng ta:
Tình xuân nồng ấm
Bao chan chứa hồn thơ
Yêu thương giờ chớm nở
Chúa chính Mùa Xuân
Mùa xuân yêu thương vô tận.
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay45,355
  • Tháng hiện tại591,923
  • Tổng lượt truy cập46,953,527

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây