Suy niệm hằng ngày tuần XXI thường niên - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 27/08/2017 23:29  1348
Thứ Hai tuần XXI Tn
Thánh Augustinô
Augustinô sinh vào năm 354 tại Tagaste, hiện là Song-Ahras, Algeria và chết 28.08.430 tại Ippona, hiện là Annata. Biến cố quyết định trong cuộc đời của ông là cuộc gặp gỡ với Giám Mục Ambrôsiô, người rửa tội cho ông. Từ những nghiên cứu và dạy dỗ nơi trường học, với một lòng say mê tìm kiếm sự thật, ông chuyển sang việc theo Đức Kitô hoàn toàn, điểm hội tụ của tạo thành và của lịch sử. Nơi Ngài, người ta gặp khuôn mặt của một nhà chiêm niệm, một nhà thần học, một vị mục tử hướng dẫn các linh hồn, một nhà dạy giáo lý, một nhà giảng thuyết, một vị bảo vệ đức tin và khuyến khích đời sống cộng đoàn. Là tác giả của bộ luật dòng, có ảnh hưởng trên các bộ luật tiếp sau đó bên Tây Phương. Các tác phẩm của Ngài chứng tỏ một sự khôn ngoan xuất chúng và nổi bật giữa các Giáo Phụ và Tiến Sĩ Giáo Hội Latinh.
+++
Khốn cho…xuất phát từ sự bất trung
Những lời ‘khốn cho các ngươi’ mà hôm nay Đức Giêsu thốt lên chống những luật sĩ và biệt phái thời đó, đi ngược lại với những mối phúc mà Ngài đã đề cao như lý do và đường dẫn đến niềm vui chung cuộc. Họ là những người lầm lạc và làm biến chất những người khác mà họ lẽ ra phải chỉ dạy những nẻo đường của Thiên Chúa. Mỗi một sơ suất tự bản chất là đáng trách, nhưng lại có tính chất nghiêm trọng khi điều sơ suất ấy do người trong tư cách là người hướng dẫn và là thầy dạy kẻ khác. Còn nặng nề hơn nữa khi những sai lạc ấy xảy ra để cổ xúy cho việc giả hình. Với con đường nham hiểm này họ làm tất cả để dụ dỗ những người nhập đạo để rồi với gương xấu họ đưa những người này đến sự hư mất. Đức Giêsu gọi họ là những ‘mồ mả tô vôi’, là những kẻ mù. Những lời khốn cho các ngươi ngày nay vang lên trong thế giới hiện nay như lời đe dọa, bất cứ nơi nào còn trú ẩn sự giả hình, giả tạo và mù quáng. Và nhằm đến những ai dụ dỗ bằng lừa dối và dẫn đưa đến điều xấu. Chắc chắn có liên quan đến những vị mục tử giả hiệu áp đặt những gánh nặng không thể mang nổi trên vai người khác bằng những đạo đức giả của họ trong khi họ tự miễn chước khỏi mọi quy luật luân lý. Những lời của Đức Kitô ta cần phải hiểu có tính tuyên án rõ ràng mọi chủ nghĩa hình thức bên ngoài, làm giảm thiểu tôn giáo tính vì những hình thức bề ngoài nhằm sự đồng thuận của con người chứ không nhằm sự phụng thờ đích thực Thiên Chúa. Đức Giêsu tái khẳng định vai trò đích thực của những vị mục tử, những nhà hướng dẫn: họ phải chỉ con đường dẫn đến Nước Trời bằng lời nói và gương sống của họ; họ phải chỉ con đường ơn cứu độ vĩnh cửu; họ cần phải tái khẳng định tính trung thực trong đời sống và liên kết chân thành và tự do với Thiên Chúa.

Thứ Ba tuần XXI Tn
Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Thánh Gioan ghi dấu ấn sứ vụ tiền hô của Ngài bằng cái chết chứng tá. Hêrôđô Antipa, giam ngài vào ngục Macheronte, và sau đó ra lệnh chặt đầu (Mc 6,17-29). Ông là bạn hữu của chàng rể, vui mừng vì được nghe tiếng nói của chàng, và tự xóa mình trước mặt Đức Kitô, mặt trời công chính: ‘Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Ngài phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi’ (Ga 3 29-30). Vài môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu đã được đào tạo từ nhóm đồ đệ của Gioan (Ga 1,35-40). Từ thế kỷ thứ V, Giáo Hội tại Giêrusalem đã mừng kính vị tiền hô vào ngày 29.08.
Lời và sứ ngôn không thể tách biệt, đúng hơn nên viết lời-sứ ngôn. Lời của Thiên Chúa, được yêu mến và được sống, dẫn đến sứ ngôn và sứ ngôn tạo nên một liên hệ sâu xa hơn và mạnh mẽ hơn nhờ vào lời. Ca nhập lễ: ‘Con vui thú mệnh lệnh của Ngài, và hết lòng yêu mến (Tv 118): hình ảnh của Thánh Gioan Tẩy Giả được tóm gọn trong câu này và chứng tá của Ngài bắt nguồn từ niềm vui của cuộc hội ngộ. Nếu trong bài đọc 1, ngôn sứ Giêrêmia nhấn mạnh đến sự bảo vệ của Thiên Chúa trong sứ vụ rao giảng, thì tin mừng lại trình bày một sứ điệp xem ra trái ngược, nghĩa là Thiên Chúa không bảo vệ vị ngôn sứ của Ngài.
Khi mà trong cuộc sống ta thấy mình không thể kiểm soát được những tình huống vượt ra ngoài tầm tay của chúng ta, ta cần phải hy vọng, và mang lại ý nghĩa cho đau khổ của biết bao anh em và của chính mình. Cuộc sống của Gioan Tẩy Giả, giống như Đức Giêsu và nhiều vị ngôn sứ, kết thúc cách bi đát: chết vì một điệu múa của cô con gái Hêrôdia mà nhà vua đã hứa ‘dù nửa nước, ta cũng cho’. Vị ngôn sứ không chết vì chuyện phiếm trong bàn tiệc chiều hôm đó, ông đã hiến mạng sống mình cho Thiên Chúa để minh chứng rằng sự sống của Thiên Chúa chiến thắng cái chết. Điều này phải là niềm hy vọng đong đầy con tim của mỗi người chúng ta.
+++
Cuộc sống của người tông đồ
Sứ vụ tông đồ của thánh Phaolô không đi theo con đường yên lành, vắng bóng những trở ngại. Nhưng ngược lại, vị Tông đồ phải tiếp tục đối mặt với những tình cảnh khó khăn, bách hại, đầy bi kịch. Ngài nhắc lại và chúng ta biết qua bài đọc hôm nay khi Ngài viết cho dân Thêxalonica: ‘Như anh em biết, chúng tôi đã đau khổ và bị làm nhục tại Philíphê; nhưng vì tin tưởng vào Thiên Chúa mà chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa cho anh em, qua những cuộc chiến đấu gay go’. Tại Philíphê, thánh Luca đã thuật lại trong sách Công vụ là Phaolô và các bạn đồng hành của ông đã bị bắt, đánh đập, giam tù và cuối cùng được giải cứu nhờ sự can thiệp quan phòng: một cuộc động đất, ngay giữa ban đêm khi mà Phaolô và Sila đang hát thánh ca, tạ ơn Thiên Chúa ngay trong chính lúc đau khổ.
Người đang bị đau khổ và lăng nhục thường nhụt chí, không còn can đảm tiếp tục hoạt động công khai của mình. Thánh Phaolô thì ngược lại: ‘Chúng tôi đã can đảm rao giảng tin mừng của Thiên Chúa’. Ngài đã không ngừng rao giảng; ngay khi đến Thessalônica, Ngài đã bắt đầu loan báo tin mừng. Tuy nhiên Phaolô cũng viết: ‘Vì tin tưởng vào Thiên Chúa mà chúng tôi mạnh dạn rao giảng tin mừng của Thiên Chúa cho anh em’. Ngài nhận biết rằng thái độ có được đó là một ân huệ Chúa ban. Ngài ý thức sự hèn kém của mình nên luôn sẵn sàng lãnh nhận sức mạnh từ Thiên Chúa. Trong đoạn văn hôm nay, chúng ta nhận thấy lời khẳng định của Phaolô: ‘Thiên Chúa đã thử luyện chúng tôi và giao phó tin mừng cho chúng tôi’. Thiên Chúa thử luyện trước khi giao một sứ vụ. Vì thế, Phaolô dấn thân phục vụ, không bao giờ dùng lời lẽ xu nịnh, không viện cớ để che đậy lòng tham và không bao giờ tìm cách để được người phàm tôn vinh. Toàn thể cuộc sống của Ngài nhằm minh chứng tình yêu của Đức Kitô.
+++
Có lẽ chúng ta thấy vui trong lòng khi nghĩ Đức Giêsu chế nhạo thái độ vụ hình thức của các biệt phái và nhất là, thái độ tự cho mình ‘tốt đẹp’, ổn thỏa trước mặt Thiên Chúa bằng những cử chỉ hoàn toàn bề ngoài.
Nhưng chúng ta cũng đừng quên câu chìa khóa của đoạn văn này: ‘Những điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ’. Tranh cãi là một người cố vấn xấu và quá độ trong vụ hình thức không nên làm cho ta quên sự cần thiết của nghi lễ. Sự giả hình thật là xấu nhưng còn xấu hơn nữa là chẳng cố gắng làm gì, cả cử chỉ bề ngoài, cả tâm hồn bên trong để đến gần lề luật của Thiên Chúa.
Có nguy cơ khi lên án sự quá độ thái độ vụ hình thức, ta quên luôn cả việc thực hành nghi lễ.
Chúng ta cần có sự đạo đức nội tâm, tính ngoan ngùy và vâng phục, cũng như cách diễn tả bên ngoài qua cử chỉ và nghi lễ. Thiên Chúa yêu thương toàn thể con người, xác và hồn của ta. Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta đừng bao giờ làm điều này mà bỏ điều kia.

Thứ Tư tuần XXI Tn
Lời Chúa tác động
Phụng vụ lời Chúa trong tuần này cho ta thấy sự đối nghịch giữa tinh thần biệt phái (tin mừng) và tinh thần của người tông đồ (thư thứ nhất gởi Thessalônica). Đức Giêsu tố cáo cung cách của người biệt phái; Phaolô nhắc cho các tín hữu Thessalônica cung cách sống của Ngài, trong tư cách tông đồ của Đức Kitô.
Đừng nghĩ rằng Đức Giêsu chỉ nói cho người luật sĩ, biệt phái do thái. Những lời nghiêm trách đó cũng nhằm đến chúng ta để xây dựng chúng ta nữa. Chúng ta thường bị cám dỗ để tìm sự thỏa mãn chính mình, tìm sự trọng vọng; chúng ta thường sống cách hời hợt ngay trong những việc đạo đức chúng ta làm cho Thiên Chúa, tự hài lòng với những hình thức bên ngoài mà không đi sâu vào bên trong. Khi Đức Giêsu trách mắng các luật sĩ và biệt phái chỉ biết quan tâm đến cái bề ngoài mà không lo tìm sự thánh thiện bên trong, chúng ta hãy xem đó như lời Chúa muốn dạy bảo chúng ta, nếu không, chúng ta cũng sẽ dễ dàng rơi vào lỗi lầm của họ.
Thánh Phaolô cho chúng ta thấy Ngài đã cư xử một cách thánh thiện và công minh, không chê trách được. Có Thiên Chúa chứng giám. Ngài còn cho thấy Ngài đã cư xử như một người cha với các tín hữu và (trong câu trước đó) như người mẹ dịu dàng ấp ủ con thơ. Tình mẫu tử thì dâng hiến, hy sinh; tình phụ tử thì mong ước cho con trở thành người trưởng thành với phẩm chất xứng đáng. ‘Chúng tôi khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa’. Điều mà Phaolô mong ước là các tín hữu của Ngài sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi họ vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người. Ý thức về ơn gọi kitô ấy, Phaolô đã không ngại nỗ lực để dẫn đưa họ vào con đường đó: sống xứng đáng với Thiên Chúa.
Các tín hữu Thessalônica đã đón nhận lời Chúa. Phaolô không nghĩ rằng chính các nỗ lực của ngài biến đổi các tín hữu, nhưng bằng cách truyền đạt lời Chúa, họ được năng lực lời Chúa tác động, thực hiện những việc diệu kỳ.

Thứ Năm tuần XXI Tn
Niềm vui của Phaolô thật lớn lao khi nghe tin tốt lành từ những anh em thân yêu Thessalonica. Sau vài tuần dạy giáo lý, do cuộc bách hại, Phaolôbị buộc phải rời bỏ các anh em tân tòng và trẩy đi Athène và Côrintô; Ngài đã viết rằng ngài sợ niềm tin của họ sẽ bị giảm thiểu khi đối diện với các bách hại. Nên ngài đã phái Timôthêô đến với họ để biết tin tức và làm vững mạnh đức tin của họ. Timôthêô đã trở về với tin vui khi thấy họ đầy lòng kiên trì can đảm và Phaolô rất đổi vui mừng viết thư cho họ: Giờ đây, sau khi thăm anh em, anh Timôthêô đã trở lại với chúng tôi, và đưa tin mừng cho chúng tôi về lòng tin và lòng mến của anh em; anh ấy nói rằng anh em vẫn luôn luôn giữ kỷ niệm tốt về chúng tôi, và ao ước gặp lại chúng tôi cũng như chúng tôi ao ước gặp lại anh em…Vì anh em có lòng tin, nên khi nghĩ đến anh em, chúng tôi được an ủi giữa mọi thống khổ gian truân chúng tôi phải chịu…Chúng tôi biết nói gì để tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì tất cả niềm vui mà nhờ anh em, tôi có được trước nhan Thiên Chúa chúng ta!
Ta thấy tấm lòng của vị Tông đồ. Phaolô, cảm thấy mình như người cha của các tín hữu, chính ngài đã thông ban cho họ một sự sống mới qua lời của tin mừng, sự sống của đức tin, sự sống của lòng mến, thế nên ngài quan tâm hết sức cho sự sống mới còn đang mỏng manh này, và ngài vui mừng khi thấy họ kiên vững mạnh mẽ,Phaolô cảm thấy liên kết với anh em dân Thessalônica; ngài không chỉ nói về đức tin mà còn nói đến tương quan con người, ngài muốn mau gặp lại họ, ngài nói điều này nhiều lần. Các tin tức tốt chưa đủ. Ngài còn tạ ơn Chúa vì họ: ‘Chúng tôi biết nói gì để tạ ơn Chúa về anh em, vì tất cả niềm vui mà nhờ anh em, tôi có được trước nhan Thiên Chúa chúng ta; ngài còn thêm như một lời cầu nguyện: ‘Đêm ngày chúng tôi tha thiết nài xin Chúa cho được thấy mặt anh em’. Phaolô muốn có được tiếp xúc thân tình này; sự sống thiêng liêng nơi ngài không làm giảm thiểu tình cảm, nhưng làm cho nó triển nở hơn. ‘Đêm ngày chúng tôi tha thiết nài xin Chúa cho được thấy mặt anh em’.
Phaolô cầu nguyện cho dân Thessalônica lớn lên và phong phú trong tình yêu. Ngài mong muốn họ được lớn lên trong tình mến, trong tình thương yêu lẫn nhau nghĩa là một tình yêu huynh đệ trong một cộng đoàn rộng mở ra cho tất cả. Yêu mến và thánh thiện là hai điều mà Phaolô mời gọi dân thành Thessalonica chuẩn bị trong khi mong chờ ngày Chúa đến: ‘Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gỉ đáng chê trách trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta quang lâm cùng với các thánh của ngài’.
Gương của Phaolô khuyến khích chúng ta một tiến bước đôi trong tương quan với những người khác, tiến bước trong đức tin và trong tình yêu, tiến bước thiêng liêng và tiến bước nhân bản. ta cần phải biết diễn tả sự hiệp thông đức tin của ta với các anh em kitô hữu khác, không chỉ hời hợt trong cuộc chuyện trò tầm thường nhưng hiệp thông với nhau trong sự phong nhiêu của đức tin. Đàng khác cần phải biết liên kết trong đức tin ấy một tình thân yêu đối với nhau: lớn lên và phát triển trong tình yêu thương nhau. Đó là lý tưởng kitô giáo cho dù có gặp phải bách hại gian truân
+++
Mỗi người môn đệ nhận từ nơi Thầy Giêsu lời mời gọi và một sứ vụ thi hành. Không nhằm phục vụ chính mình hay đề cao mình, nhưng nhắm đến việc tăng triển cộng đoàn. Nên Đức Giêsu nói đến bổn phận của người coi sóc gia nhân để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ. Tỉnh thức không chỉ có nghĩa là đừng sống một cách buông thả hoặc tệ hơn nữa là cho mình có được quyền hành như ông chủ. Mỗi người theo cách thế riêng có trách nhiệm với anh em mình. Sự tỉnh thức theo tin mừng không phải là một sự chờ đợi trống rỗng, cũng chẳng phải là bận tâm lo cho riêng mình. Sự tỉnh thức mà Đức Giêsu nói đến là thái độ trung thành và làm việc theo ơn gọi mà Chúa trao ban. Đó mới là hạnh phúc đích thực của người môn đệ, như lời Đức Giêsu nói: ‘Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy’. Tiếc là chúng ta dễ rơi vào tính ích kỷ chỉ quan tâm đến bản thân chúng ta, những điều của mình mà quên đi lời mời gọi của Chúa. Từ đó dễ sinh ra tranh chấp, hiểu lầm, độc đoán và ganh tị. Là tự kết án chính mình.
Tỉnh thức sẵn sàng là luôn đặt mình trước sự hiện diện của Chúa và sống phù hợp theo niềm tin ấy. Trong dụ ngôn, người đầy tớ được đặt lên phục vụ ông chủ, sự tỉnh thức là hình thức của lòng trung thành trách nhiệm đối với bổn phận chủ trao. Trong Giáo hội có những người được trao cho những trách nhiệm riêng biệt. Phục vụ. Những người được trao phó cho họ chăm sóc là những người bạn, phải phục vụ họ, chứ không phải để làm chủ thống trị trên họ. Tất cả đều có chung một ông chủ là Thiên Chúa. Lạm dụng chức quyền của mình đáng bị nghiêm phạt.
Thời gian chờ đợi ngày trở lại của Đức Kitô phải thúc đẩy ta hành động đúng đắn, không lãng phí thời gian, cư xử như người phục vụ mọi người chứ không như ông chủ.

Thứ Sáu tuần XXI Tn
Ta đã thấy hôm qua thánh Phaolô mong ước cho dân Thessalônica được tiến bước trong tình yêu và sự thánh thiện: ‘Chúa sẽ cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết’. Đây là hồng ân được lãnh nhận cách tích cực và trong đoạn thư hôm nay thánh tông đồ mời gọi các kitô hữu hãy sống phù hợp với hồng ân mà họ lãnh nhận.
Ta có thể lưu ý lời khuyến dụ của ngài tràn đầy tế nhị: ‘Nhân danh Chúa Giêsu, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em…’ cho thấy quan tâm của thánh tông đồ trước một hoàn cảnh hết sức khẩn trương: người ta không xin nếu không có nhu cầu khẩn thiết. Trái lại Phaolô đã không viết ‘tôi khuyên nhủ anh em nhưng viết, ‘chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em’. Cho thấy một tâm hồn bình an. Phần sau của thư xác nhận lòng thanh thản của thánh tông đồ, vì ngài viết: ‘anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa và anh em cũng đang sống như thế. Phaolô nhận thấy dân Thessalonica đang tiến bước trên con đường ngay lành.
Cách ứng xử của người kitô hữu không theo những luật lệ trừu tượng nhưng theo ý muốn làm đẹp lòng chính Thiên Chúa. Đây chính là một định hướng: không định hình theo một luật lệ, nhưng tìm cách làm đẹp lòng Thiên Chúa. Hoàn toàn khác nhau.
Phaolô yêu cầu điều gì? ‘Chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa. Ngài đã viết: ‘Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau thêm đậm đà’: đây là một ân sủng đáng mong ước. Để phù hợp với ân sủng này cần phải có một cách ứng xử; Hãy tấn tới nhiều hơn nữa. Những từ này thật đặc biệt của tâm trí Phaolô, là người có tính năng động nên cũng muốn thông truyền sự năng động này cho các kitô hữu của ngài.
Lý tưởng kitô giáo không phải là tránh tội để khỏi bị phạt; trái lại là tấn tới trong đức tin và tình yêu. Người chỉ tìm cách tránh tội mà thôi, thì sống trong bầu khí tiêu cực có nguy cơ dễ sa ngã vì chỉ chăm chú vào tội lỗi mình tìm cách xa tránh, dễ tăng thêm chước cám dỗ. Người chỉ nghĩ đến việc tấn tới cách tích cực, tránh không nghĩ đến tội, họ được gìn giữ nhờ năng động của đời sống thiêng liêng.
Sau đó Phaolô nhấn mạnh đến việc thánh hóa. Ta thấy ngài chẳng bao giờ tách biệt tình yêu khỏi sự thánh thiện: tình yêu kitô là một tình yêu thánh, sự thánh thiện kitô là sự thánh htiện của tình yêu. Và trong đoạn văn này ngài nhấn mạnh đến một khía cạnh quan trọng của việc thánh hóa, đó là đức mến: ‘Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm’.
Thánh Phaolô rất thực tế trong việc tông đồ; ngài biết việc đam mê dục vọng là một cám dỗ mạnh mẽ, vì bản năng tính dục có sức mạnh khủng khiếp. Đối với người sống trong sự tìm kiếm hạnh phúc riêng mình, cám dỗ hầu như không thể vượt qua được; trái lại người tìm tấn tới trong tình yêu quảng đại thường vượt qua được cám dỗ này, thực sự nó là một cám dỗ sống vị kỷ. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng đam mê nhục dục không thể phù hợp với mối tương quan đích thực với Chúa: ‘Ý muốn Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm’. Các kitô hữu không được sống như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa; họ phải tôn trọng thân xác của mình và gìn giữ nó trong sự thánh thiện. Đây là một thái độ hết sức tích cực: không phải là sợ tính dục nhưng là vì tôn trọng thân xác nghĩa là sử dụng tính dục cách phù hợp với ơn gọi kitô, với tình yêu quảng đại chứ không phải việc tìm kiếm thỏa mãn cách thái quá.
‘Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện’. Nếu Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, ngài ban ân sủng cho ta để ta có thể vượt thắng những cám dỗ, để ta có được tinh thần của kẻ chiến thắng, vui tươi, hân hoan chứ không phải lo âu, buồn phiền.
Thiên Chúa kêu gọi ta sống thánh thiện để ta có mối tương quan với ngài: Thiên Chúa là đấng thánh và ngài muốn ta phải thánh thiện do tràn đầy niềm vui. Là một yêu sách của Phaolô, nhưng lại là một sứ điệp dẫn ta đến niềm vui trọn vẹn.
+++
Một vài điểm trong bài dụ ngôn hôm nay giúp ta có được những suy tư hay. Chủ đề chính vẫn là thái độ tỉnh thức mong chờ chàng rể đến. Việc chính không phải là tìm biết khi nào chàng rể đến. Chúng ta không thể thiếp ngủ và ở trong tối tăm vì thiếu dầu châm đèn. Cả hai nhóm (các cô khôn ngoan và các cô khờ dại) đều được mời đón chàng rể ngay giữa đêm. Tất cả đều mang theo đèn (hồng ân đức tin). Tất cả đều ý thức rằng việc mong chờ sẽ được thưởng công xứng đáng: được mời tham dự tiệc cưới. Điểm khác: có dầu hay không có dầu để châm vào đèn. Thánh Giacôbê dạy bảo các tín hữu: ‘Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?’ Đức tin không có hành động là đức tin chết. Giống như cây đèn không có dầu vậy. Hậu quả của việc chậm trễ, không kịp gặp chàng rể: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai!’ Cửa đóng lại và họ bị loại, không được dự tiệc. Cần suy nghĩ về những trễ nãi của chúng ta.
 
Thứ Bảy tuần XXI Tn
Phaolô có lòng yêu mến đặc biệt đối với các kitô hữu Thessalonica. Ngài không tự cho mình là thầy dạy nhưng quả quyết rằng họ có một vị Tôn Sư lớn lao hơn, đó là chính Thiên Chúa: ‘anh em đã được Thiên Chúa dạy’. ‘Về tình huynh đệ, anh em không cần ai viết cho anh em, vì chính anh em đã được Thiên Chúa dạy phải yêu thương nhau, và anh emcũng đang làm như vậy’.
Nơi đây ta thấy hoàn tất lời hứa giao ước mới. Giêrêmia đã loan báo rằng Thiên Chúa muốn thiết lập một giao ước mới, không như giao ước Sinai, trong đó các lề luật được viết trên đá và không làm thay đổi lòng con người, nhưng là một giao ước trong đó Thiên Chúa viết lề luật của Người trong lòng con người, để biến đổi tâm hồn họ.
Giao ước mới đã được Đức Giêsu thiết lập, khi ngài nâng chén rượu nho trong bữa ăn cuối cùng và nói: Đây là chén giao ước mới trong máu Thầy. Các tín hữu Thessalonica đã đi vào trong giao ước mới nên đã được chính Thiên Chúa dạy bảo phải yêu thương, yêu thương nhau. Lời dạy dỗ của Thiên Chúa không chỉ là những tín điều phải tin nhưng còn là một dấn thân cuộc sống, có liên quan đến điều quan trọng hơn: tình yêu. Chúng ta được dựng nên để yêu thương và điều quan trọng đối với mỗi người chúng ta là tìm gặp được hình thức yêu thương quảng đại mà Thiên Chúa dạy bảo.Một sự dạy bảo không chỉ trên lý thuyết mà là hiệu năng. Các kitô hữu Thessalonica có lòng mến Chúa, không cần một khuyến dụ đặc biệt. Vào thời Giêrêmia, tiên tri đã được sai đến để khuyến dụ, để ngăn chặn, và điều đó chẳng mang lại ích gì bởi vì dân chúng cứng lòng và bịt tai lại. Bây giờ hoàn cảnh đã khác: không còn cần phải khuyến dụ nữa.
Tuy nhiên Phaolô vẫn khuyến dụ, nhưng là về điều gì? Ngài khuyến dụ hãy tấn tới hơn nữa. Ta gặp thấy câu nói này nhiều lần trong thư. ‘Thưa anh em, tôi khuyên nhủ anh em hãy tiến tới nhiều hơn nữa’, nghĩa là hãy yêu với cường độ và trương độ lớn hơn. Ân sủng không phải là một kho báu bất động, chỉ cần giữ nó nơi an toàn cho khỏi mất; ân sủng là những hạt mầm sự sống, những hạt giống muốn được phát triển thành cây có hoa quả. Trong tin mừng hôm nay Đức Giêsu nói với ta về tên đầy tớ đem chôn giấu dưới đất nén bạc chủ giao. Anh ta không phải là gương để ta noi theo. Anh ta đã bị chủ quở trách: ‘tên đầy tớ xấu xa và biếng nhác’…
Trong thư gửi cho dân Galata và Rôma, thánh Phaolô đả kích thái độ tự cho mình công chính nhờ việc thực hiện lề luật, ngài tái lập lại nền tảng cho đời sống kitô không dựa trên những việc làm của ta, nhưng là do ân sủng nhưng không của Thiên Chúa mà chúng ta đón nhận nhờ đức tin. Người ta có thể hiểu sai huấn dụ của Phaolô, như thể các hành động không cần thiết trong đời sống kitô, nhưng chính ngài đã xác định rằng đức tin mang đến những hành động. Không phải là những việc làm của lề luật mà con người nghĩ mình thực hiện bằng chính sức riêng mình; là những việc làm của đức tin, nghĩa là con người thực hiện trong sự tuân phục ân sủng của Thiên Chúa và cùng với sức mạnh Ngài ban cho, chứ không phải do sức riêng của mình. Điều đáng để ý là đức tin được thực hiện trong tình yêu. Do đó thánh Phaolô khuyên nhủ dân Thessalonica hãy tiến tới hơn nữa trong tình bác ái huynh đệ.
Nỗ lực của ta cần phải mở rộng đón nhận cách tích cực năng động của sự sống đức tin, để cộng tác với Chúa làm biến đổi thế giới.
+++
Chúng ta có những yến bạc cần được sinh lợi. Yến bạc không chỉ là những khả năng cá nhân nhưng còn là khám phá ra những ân huệ lớn lao mà Thầy đã để lại cho Giáo hội: Thánh Thể, Lời Chúa, cộng đoàn…Một yến bạc là đơn vị đo lường bằng hai mươi kílô vàng ròng, một giá trị lớn. Điều ta nhận được là điều thật giá trị lớn lao.
Thường thì ta hay than van vì thiếu điều này điều kia, vì đã không thực hiện được việc này việc nọ, vì đã bỏ qua biết bao cơ hội. Ta có nguy cơ sống chỉ để than trách vì mình đã không thành công, thay vì khám phá điều chúng ta được biến đổi, nhờ sự hiện diện của Chúa. Nếu ta hiểu rằng ta thật đáng giá trước mặt Chúa và đã nhận được biết bao ân huệ nhờ sự hiện diện của Người. Có lẽ không phải những của cải mà người ta mong đợi ở đời này, cũng chẳng phải những gì mà ta ước muốn, nhưng là những gì làm cho ta hạnh phúc và đấng mà ta gặp gỡ. Hãy đầu tư yến bạc mà ta lãnh nhận, hãy nói về và nhất là hãy sống vì điều đó.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thánh Mônica
Mônica sinh năm 331 tại Tagaste (hiện là Song-Ahras, Algeria), chết tại Ostia, Roma năm 387. Với lời cầu nguyện tin tưởng và nước mắt, bà vui mừng thấy người con trai Augustinô trở lại. Trong sách ‘Tự thuật’ Augustinô phác họa chân dung của người mẹ công giáo sống cầu nguyện và luôn quan tâm đến những nhu cầu của những người bé nhỏ, nghèo khổ. Cuộc đối thoại giữa hai mẹ con cho thấy chiều sâu tinh thần của bà, tất cả hướng về quê trời.
+++
 

Tác giả: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập116
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay48,037
  • Tháng hiện tại594,605
  • Tổng lượt truy cập46,956,209

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây