Suy niệm hằng ngày tuần IV mùa vọng - Lm.Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 18/12/2016 08:35  1680
Thứ hai Tuần IV Mùa Vọng
Ngày 19.12
Mầm non gốc Giessê

Lạy Đức Kitô là Mầm Non từ gốc Giessê, xin triệu tập muôn dân, xin mau đến giải thoát chúng con!

Thiên Chúa luôn mạc khải chính mình là Đấng Cứu Độ. Ơn cứu độ Đấng Messia mang đến được rõ nét dần trong dòng lịch sử. Sự cứu thoát mà thủ lãnh Samson mang đến chỉ là tạm thời, chóng qua. Với Đức Giêsu, ơn cứu độ thuộc bình diện khác. Cuộc chiến đấu mà Ngài khởi sự nhằm chống lại những gì làm ngăn cản cuộc gặp mặt sau cùng với Thiên Chúa.

Tôi có trở nên một dấu chỉ, qua cung cách sống của tôi?

Thiên thần Gabriel hiện ra cho ông Giacaria, chồng bà Êlisabét, cả hai đều đã cao niên. Báo tin việc sinh hạ Gioan Tẩy Giả, tiền hô của Đức Giêsu.
Thánh sử Luca cho biết rõ chi tiết: Ông Giacaria là tư tế vào thời vua Hêrôđê, ‘theo tục lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa’. Trong khi dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài nơi cực thánh, một sứ thần của Chúa đã hiện ra với ông bên phải hương án. Ông hoảng sợ, nhưng sứ thần trấn an ông: ‘Này Giacaria, đừng sợ’. Những lời này cũng sẽ được nói với Đức Maria. Nhưng phản ứng của hai người thì khác nhau khi nghe loan báo ‘việc sinh con’ xem chừng bất khả thi theo cách nhân loại. Giacaria đã già và vợ ông cũng cao niên. Họ chẳng còn mong ước gì ngoại trừ việc kết thúc cuộc đời trong sự cam chịu. Không còn chút hy vọng gì có được đứa con nối dõi tông đường. Nghi ngờ đó đã khiến ông Giacaria bị câm, cho đến lúc ông đặt tên cho con.

Chúng ta nhiều lần cũng thế, chúng ta suy luận theo cái lôgích nhân loại và không còn chút hy vọng gì. Nên chúng ta chẳng còn lời để ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa. Lòng yêu thương của Chúa ngược lại với lòng tin yếu kém của ta. Việc sinh con bất khả thi theo kiểu nhân loại mà tin mừng thuật lại, là bài học cho ta. Cũng thế việc ‘son sẻ’ của ta trong đời sống kitô hữu sẽ thắng vượt nhờ trợ lực của tình yêu và tín thác. Ta có thể làm phát sinh những con người và những sự kiện, ta có thể cưu mang những đứa con cho Nước Trời.


20.12
Chìa khóa Đavít

Hỡi chìa khóa Đavít, vương trượng nhà Israel, ngài mở ra thì không ai đóng lại được, ngài đóng lại thì không ai mở ra được: xin hãy đến cứu thoát người bị xiềng xích đang ngồi trong bóng tối tăm khỏi cảnh ngục tù.

Chìa khóa và vương trượng: hai biểu tượng mở ra lời ca nhập lễ hôm nay, luôn trong bối cảnh nhà Đavít, từ đó vương trượng hướng dẫn và điều khiển sẽ không bị cất khỏi (x.St 49,10) và người quản gia có nhiệm vụ mở và đóng cửa: ‘Chìa khóa nhà Đavít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được’ (Is 22,22). Một nhiệm vụ nặng nề cho nhà Giuđa, cho Giáo hội hoàn vũ dưới sự lãnh đạo của Phêrô, người mà ngay sau khi tuyên bố Đức Giêsu là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, đã được đức Giêsu trao chìa khóa Nước Trời để cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,15-19).

Cũng chính Đức Kitô ngỏ lời với giáo đoàn Philadelphia (x.Kh 3,7-8): Đấng Thánh, Đấng Chân Thật, Đấng giữ chìa khóa vua Đavít, Người mở ra thì không ai đóng lại được, Người đóng lại thì không ai mở ra được. Người biết các việc làm của ta, đối với ai giữ lời và không chối bỏ danh Người thì Người không đóng cửa cứu độ.

Cửa cứu độ không đóng lại cho bất cứ ai! Ngay cả khi nhà Đavít chối từ xin Chúa một dấu chỉ (Is 7,10-14), Thiên Chúa vẫn cứ ban cho. Dấu chỉ là việc hạ sinh một con trai, gọi tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chính Thiên Chúachăm sóc triều đại Giuđa, bảo vệ và gìn giữ như lời đã hứa. Qua trung gian một vị vua, người kế vị nhà Đavít, tôi tớ của Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho dân tộc, cho mọi dân nước địa cầu, giải thoát họ khỏi bóng tối tù ngục và sự chết, bẻ gãy xiềng xích của họ (x.Tv 107; Is 42,7). Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao; Đức Chúa sẽ trao cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người và sẽ trị vì mãi mãi (x.Lc 1,32-33). Đó là lời truyền tin cho trinh nữ Maria làng Nagiarét. Mẹ mở của nhà mình, tiếp đón sứ giả của Thiên Chúa, đón nhận quyền năng của Đấng Tối Cao rợp bóng trên mình và bày tỏ sự hoàn toàn dấn thân cộng tác vào kế hoạch cứu độ: ‘Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời sứ thần truyền’ (Lc 1,38).

Đấng giải thoát ta khỏi bóng tối sự chết đã được hình thành trong lòng mẹ!


21.12
Niềm vui hội ngộ

Lạy Đức Kitô là Vầng Đông xuất hiện, hào quang tỏa sáng, mặt trời công chính, xin ngự đến sáng soi! ‘Tiếng người tôi yêu, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi’ (Dc 2,8). Còn ít ngày nữa Người sẽ tới. Tôi có nhận ra Người và đón nhận Người không? Những lời của sách Diễm ca, là những lời của chính tôi.

Từ lúc Mẹ Maria hạ sinh Hài Nhi Giêsu, Giáo Hội tỉnh thức và chuẩn bị việc Đấng Messia đến. Chẳng ích lợi gì khi cử hành hàng năm ngày sinh của Đấng Cứu Thế, nếu Ngài không sinh ra mỗi ngày trong lòng ta. Lạy Chúa, xin cho con mở rộng lòng con hết sức có thể để đón Ngài đến.

Hãy vui lên! Ý nghĩa của từ Ave. Là niềm vui xuyên suốt thời Cựu Ước và đạt đến đỉnh cao trong hai bài sách thánh được chọn đọc trong phụng vụ hôm nay, sách Diễm Ca hoặc sách Sophônia. Vui vì sự hiện diện của một vị sắp đến. Là chàng rễ trong sách Diễm Ca, là Thiên Chúa yêu thương chúng ta; là ‘Vua Israel ở giữa ngươi như Vị Cứu Tinh anh hùng’. Êlisabét đã nhận ra Ngài nơi đứa trẻ trong lòng Maria; Gioan Tẩy Giả dù còn trong bụng mẹ cũng đã nhảy lên vui mừng.

Cuộc hội ngộ giữa Êlisabét và Maria là cuộc gặp gỡ giữa chờ đợi và hoàn thành, giữa lời hứa và việc thi hành lời hứa. Mỗi bà mẹ đều hoan hỉ vì đứa con của mình và vì đứa con của người kia: niềm vui nhân đôi. Hoàn tất niềm mong chờ của bao thế kỷ. Những giòng nước xuất phát từ những tảng đá trong lịch sử Israel gặp giòng nước mới vọt trào từ quyền năng của Thiên Chúa. Bà Êlisabét cao niên gặp cô gái trẻ Maria. Đấng kết thúc thời cựu ước và khơi nguồn một lịch sử mới.

Niềm vui đích thực đến khi một trẻ thơ sinh ra, khi gặp lại người bạn hữu, khi bắt đầu một cuộc tình. Niềm vui vì người khác. Người khác đó chính Đấng là tất cả của cuộc đời, là Giá Trị siêu việt và là ý nghĩa cho mọi sự. Niềm vui không hệ tại sở hữu nhiều điều, nhưng trong mối tương quan đích thực, khả dĩ nhận ra người khác, phẩm giá và cá tính của người ấy; khả dĩ đón nhận, yêu mến và đi theo người ấy. Có biết bao nhiêu trải nghiệm con người minh họa cho ta chân lý ấy, trong những tương quan gia đình, bạn hữu và người yêu. Mỗi một quan hệ giữa người với người, mỗi một tình bạn, tình yêu giúp ta hiểu rõ hơn việc mở lòng đón Đức Kitô. Tràn đầy niềm vui không nằm ở chỗ đặt những tình cảm nhân loại đối nghịch với tình yêu của Đức Kitô, nhưng hệ tại việc sống những tình cảm ấy như dấu chỉ mở rộng cho một tình yêu cao cả hơn.


22.12
Là Vua muôn dân

Lạy Đức Kitô là Vua muôn dân nước, Đấng hoàn cầu hằng mong ước đợi trông, là đá tảng góc tường nối dân Chúa với dân ngoại thành một, xin ngự đến ban ơn giải thoát cho con người do tay Chúa dựng nên!

Lời kinh Magnificat của Mẹ Maria. Hãy để Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Mẹ Maria cho ta biết bí quyết niềm vui của Mẹ. Mẹ đã chìm đắm trong thinh lặng và trong lời cầu nguyện suy tư tất cả những lời sứ ngôn và bài ca của bà Anna. Nếu ta biết lắng nghe, lòng bên lòng, Mẹ sẽ thông truyền cho ta hoa quả của việc Mẹ chiêm niệm. Lòng ta cũng sẽ bừng dậy niềm vui. Cả hai lời kinh ngợi khen mà Giáo Hội cho ta nghe, là nhằm mời gọi mỗi người hãy hát lên bài ca thứ ba của riêng mình. Một bài ca lắng đọng trong chiêm niệm những lời thánh kinh và trong kinh nghiệm hằng ngày.

Bà Anna dâng cậu con Samuel vào đền thờ, mang theo một con bò ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu. Lời cảm tạ và ngợi khen diễn tả vị thế đúng đắn của con người trước mặt Thiên Chúa vì những ân ban của Ngài. Lời ngợi khen của Maria trở thành lời kinh nguyện ban chiều của Giáo Hội, lời cảm tạ ngợi khen mỗi ngày các tín hữu dâng lên Chúa để kết thúc một ngày.

Vậy mà thường khi chúng ta chẳng có chút ý tưởng gì tạ ơn Chúa cả. Tạ ơn về điều gì? Trước tiên, về hồng ân sự sống của mình, của con cái mình. Trong cảm nghiệm của bà Anna, lòng biết ơn là điều hiển nhiên và bà đã dâng đứa con mà Chúa tặng ban cho Chúa. Đứa con khôgn thuộc về chúng ta, những người cha, người mẹ; cuộc đời của nó được thực hiện theo chương trình của Chúa chứ khôgn theo ý muốn hay sự đặt định của chúng ta. Trong lời ngợi ca của Mẹ Maria, chân trời rộng mở từ bình diện cá nhân đến toàn thể dân Chúa, đến lịch sử đã đến trước và còn tiếp theo sau. Con trẻ Giêsu sinh ra không chỉ là trẻ thơ trong vòng tay và trong lòng người mẹ. là sự hoàn thành tối đa toàn thể lịch sử Thiên Chúa với dân của Ngài, là diễn tả tròn đầy tình yêu thương của Đấng cúi xuống để cứu thoát, là chiến thắng sự dữ. Lời kinh Magnificat không chỉ diễn tả lòng tri ân của người mẹ, nhưng còn là lòng tri ân của toàn dân; của toàn dân kitô. Con Trẻ ấy được sinh hạ cho chúng ta.

Thay vì lời than van, là lời ca ngợi; thay vì những yêu sách, là sự hiến dâng hy sinh vất vả. Đó là cung cách mà tôi được mời gọi sống cách đặc biệt hôm nay, bằng cách ý thức đến ân huệ to lớn mình lãnh nhận và cố gắng chu toàn bổn phận được trao phó.


23.12
Lạy Đấng Emmanuel
Lạy Đấng Emmanuel, Đấng nắm giữ vương quyền và ban hành luật pháp, xin đến cứu thoát chúng con!

Những ngày cuối cùng trước Lễ Giáng Sinh, cần biết lắng nghe, biết bịt tai lại để khỏi bị lây nhiễm những rộn rịp chuẩn bị mang tính ‘ngoại giáo’ cho lễ Giáng Sinh, biết sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa: trước khi xuất hiện, lời Chúa nói với ta để chuẩn bị tâm hồn ta đón tiếp Ngài. Đấng mà chúng ta chờ đợi không phải là một sứ giả, cũng chẳng phải là một vị tiền hô: là chính Thiên Chúa, Thiên Chúa của giao ước. Ngài đến với ta, và chúng ta đã thấy Ngài, đã chạm đến Ngài, chúng ta nghe Ngài nói và lời Ngài nuôi dưỡng chúng ta. Cần đón nhận Đấng Messia như là ân huệ của tình yêu vô biên. Ngày của Chúa, được Malakia loan báo thật vĩ đại, chúng ta cần phải được thanh tẩy.

Tin mừng thuật lại giây phút ông Giacaria, tư tế thời Cựu Ước, tin tưởng tuân phục thánh ý Thiên Chúa: đặt tên cho con trẻ là Gioan. Nơi con trẻ, lời sứ ngôn Malaki được thực hiện, được sai đi để dọn đường cho Chúa Kitô, kêu gọi mọi người sám hối. Gioan, nghĩa là Thiên Chúa thi ân. Tin và tuân phục Thiên Chúa, Giacaria đã được chữa lành khỏi tình trạng câm. Không chỉ là ông được chữa khỏi để nói được, nhưng còn biết dùng miệng lưỡi để ca tụng Thiên Chúa. Mong trên môi miệng chúng ta vang lên những lời nói chân thực, ngay lành, những lời tụng ca Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin mở lưỡi con khỏi tật câm. Xin gìn giữ khỏi những lời gian trá, điêu ngoa, cay chua và rỗng tuếch. Xin cho con biết ngợi khen và ca tụng Chúa, Đấng cứu độ chúng con.


24.12
Chiều nay, đêm nay, đông đảo dân chúng sẽ mừng lễ Giáng Sinh, mà không chút nghĩ gì đến lời của Giacaria: ‘Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người’. Còn chúng ta? Chúng ta có ý thức tình trạng tội nhân của mình và do đó ta cần một Đấng cứu chuộc không?

Bài tụng ca của Giacaria vẽ nên chương trình của Giao Ước mới: cử hành việc phụng thờ trước mặt Thiên Chúa, để tôn thờ Người, để đến gần Người, để hiến dâng hoàn toàn cho Người, và bước đi trên con đường an bình đầy ánh sáng.

Trong ngày áp lễ Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế trong khiêm hạ và khó nghèo, chúng ta hãy có lòng khiêm tốn và khó nghèo, như thế ta sẽ biết nhận ra và tiếp nhận Người trong lòng ta. Một ngôi sao chiếu sáng chúng ta: ta có biết rằng mình là những người khách xứng đáng tiếp nhận ngôi sao, như ngôi sao tiếp nhận ta không?

Người của Thiên Chúa, đó là đấng cứu chuộc mà chúng ta đang cần. Chỉ duy mình Thiên Chúa mới có thể cứu độ chúng ta, nhưng Người không muốn cứu con người từ bên ngoài; và do đó Người đã làm người.

Đây là sứ điệp đôi mà bản văn tin mừng Matthêô trao cho ta. Một người xuất phát từ một dòng tộc dài, là đối tượng của lời hứa, đó là đấng cứu chuộc con người. Từ ngày Thiên Chúa tái lập liên hệ qua tổ phụ Ápraham cho đến bé gái thành Nagiarét tên là Maria, Thiên Chúa tự hiến mình một cách nhẫn nại cho công trình này, chuẩn bị ngày sinh hạ của Người Con Một. Gia phả trong tin mừng Matthêô là gia phả lòng thành tín của Thiên Chúa.

Tất cả những con người trong gia phả ấy vẽ nên lịch sử Israel. Họ là những người mang lời hứa. Những bất trung của nhiều người trong số họ càng làm sáng tỏ sự trung tín của Thiên Chúa. Từ một dân tộc tội lỗi xuất phát đấng cứu thế. Vì Người đến là để cứu độ tội nhân. Làm người, Người thuộc về dòng giống của họ và, từ bên trong dòng giống này, Người cứu rỗi họ, bằng cách mang lấy tội của họ: ‘Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên’. Nhưng Đấng trinh nữ sinh ra là do Chúa Thánh Thần. Nhịp điệu của gia phả bị cắt ngang. Nếu con người cần phải được cứu độ từ bên trong nhân tính của mình, thì duy chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều này. Và Matthêô nhấn mạnh nguồn gốc thần linh của Đấng cứu độ loài người: ‘Vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần’. Thiên Chúa thật trung thành gấp nghìn lần hơn những gì con người có thể nghĩ.
+++
Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tả, nằm trong máng cỏ.

Chỉ có sự chiêm ngắm mới có thể mới giúp ta cầu nguyện đạt đến chiều sâu của khung cảnh, của dấu chỉ. Mợt máng cỏ, một trẻ thơ, Maria và Giuse đang chiêm ngắm: ‘Quả thật Người là Vị Thiên Chúa mầu nhiệm’. Chúa Cha đấng duy nhất biết Chúa Con, trao ban cho ta Người Con để ta yêu mến và noi gương.

Bên ngoài hoàn toàn yên lặng. Chỉ có vài mục đồng, những kẻ bên lề xã hội…

Tất cả như muốn nói rằng: ‘Người đã chọn sự nghèo hèn, trần trụi. Người loại bỏ sự đánh giá của con người, xuất phát từ giàu sang, từ vinh quang, từ địa vị xã hội. Không có chút huy hoàng nào bên ngoài cả.

Người là Ngôi Lời hóa thành nhục thể, ánh sáng đã được bọc trong một thân xác. Người hiện diện trong thế giới mà chính Người không ngừng sáng tạo, nhưng Người lại ẩn mình trong đó. Vì sao Người xuất hiện cho ta cách ẩn tàng như thế? Theo cách diễn tả của Nicolas Cabasilas, cho đến lúc ấy Người là vị vua lưu đày, một khách lạ không có quê hương, đây Người trở lại nhà Người. Vì trái đất trước khi là của con người, đã là của Thiên Chúa. Trái đất này được sáng tạo do Người và cho Người.

Thiên Chúa làm người để con người có thể mang lấy Thần Khí (Athanasio di Alessandria)
Tình yêu của Người dành cho tôi làm xúc phạm đến sự vĩ đại của Người. Người nên giống tôi để tôi tiếp nhận Người. Người nên giống tôi để tôi mặc lấy Người.
Hãy tin thờ
Giữa thinh lặng sâu thẳm của vũ trụ và đêm tối, Ngôi Lời toàn năng, từ trời cao, đã rời bỏ ngai vàng.

Chỉ có thinh lặng mới tỏ bày vực thẳm của cuộc đời. Những công trình vĩ đại của Thiên Chúa đều là hoa quả của thinh lặng. Chỉ duy Thiên Chúa chứng nhận điều đó, và cùng với Người, những ai biết sống nội tâm, thinh lặng kính thờ ‘Thiên Chúa ẩn mình’, như Maria đã biết suy niệm những sự việc ấy trong lòng.

Lời vĩnh cửu là Ngôi Lời thinh lặng. Maria, mẹ Người, là người môn đệ của Ngôi Lời. Maria lắng nghe, chia sẻ. hiến dâng, chìm đắm trong vực sâu…Maria là sự thực hiện lời ngôn sứ Isaia: ‘Chẳng còn ai réo tên ngươi: ‘Đồ bị ruồng bỏ’!...Nhưng ngươi được gọi: ‘Ái khanh lòng ta hỡi’! Maria là nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Ngôi Lời đã cư ngụ trong lòng mẹ.Nơi mẹ, mọi người nhận ra số phận của chính mình: trở nên nơi cư ngụ của Thiên Chúa, của Ngôi Lời ẩn mình. Bởi lẽ, nếu quả thật Thiên Chúa đã dựng nên bản tính nhân loại chỉ để nhận từ đây người mẹ hạ sinh, thì mỗi người, qua việc tiếp nhận âm thầm Ngôi Lời, được mời gọi trở nên đền thờ cho Ngôi Lời.

Ngôi Lời, ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, làm người trong cung lòng trinh nữ Maria để ban cho ai tin và đón nhận Người ‘quyền làm con cái Thiên Chúa’. Đây chính là sự hiệp thông hoàn hảo nhất. Nơi Ngôi Lời làm người, đứa trẻ thơ thành Bêlem ấy, con người được nhận làm con Thiên Chúa. Thiên Chúa không còn ở xa nữa, nhưng là cha của con người. Thiên Chúa không còn ở xa nữa, Người trở nên người anh em của con người.

Làm sao con người có thể đến với Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa không đến với con người? Làm sao con người tự giải thoát khỏi sự chết, nếu không phải được tái sinh, nhờ đức tin, nhờ việc tái sinh mà Thiên Chúa ban cho, nhờ đó Người đã đến trong cung lòng Trinh nữ?

Con người lúc bấy giờ mặc lấy chiều kích đích thực của mình, vì chỉ là con người đích thực trong Thiên Chúa. Giờ đây, vị vua lưu đày đặt chân lại trên mặt đất đã được chuẩn bị sẵn cho Ngài, và đồng thời, con người tìm lại được ‘địa vị’ của mình, nhà đích thực của mình: Thiên Chúa.
Tôi sẽ loan báo những kỳ công của sự hiện diện này: Ngôi Lời làm người…Và Đức Giêsu Kitô, hôm qua, hôm nay và đến muôn đời vẫn là một…Thật diệu kỳ, không phải việc tạo dựng, nhưng là việc tái tạo…vì ngày lễ hôm nay là chính sự thành toàn của tôi, việc tôi trở về tình trạng nguyên thủy (trước khi nguyên tổ phạm tội)…Hãy tôn kính hang đá này: nhờ nó, mà tôi dù chẳng đáng là gì cả, đã được tràn đầy Thiên Chúa, chính Ngôi Lời. (Gregorio di Naziano)
 

Tác giả: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

 Tags: anh em

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập256
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm233
  • Hôm nay86,318
  • Tháng hiện tại563,261
  • Tổng lượt truy cập46,924,865

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây