Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 11 Thường niên, năm B

Thứ năm - 14/06/2018 04:29  1230
 

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN B

(Ed 17, 22-24; 2Cr 5, 6-10; Mc 4, 26-34)

THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

“Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết” (Mc 4,26-27)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Nằm trong số những người cùng chịu cảnh lưu đày với dân Israel tại Babylon, ngôn sứ Êdêkien giúp cho dân hiểu rằng cuộc lưu đày là hậu quả của sự bất trung và bội tín với giao ước mà dân đã ký kết với Thiên Chúa (x. Ed 17, 19-21). Quả vậy, khi đứng trước cuộc xâm lăng của Babylon, vua dân Israel đã tìm cách liên minh với Ai Cập thay vì tin tưởng và phó thác nơi Chúa, Đấng đã ký kết giao ước với họ (x. Ed 17, 11-18). Tuy nhiên, qua lời ẩn dụ của ngôn sứ (Ed 17, 22-24), Thiên Chúa cho thấy dấu chỉ về niềm hy vọng khi loan báo về sự phục hưng của dân Israel.

Trước hết, từ trong cảnh lưu đày tại Babylon, từ “ngọn hương bá cao chót vót”, Thiên Chúa sẽ ngắt “một chồi non” và đem trồng trên ngọn núi cao tại Israel. “Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng”, đến nỗi “muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành” (Ed 17,23). Từ trong số dân lưu đày, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một thủ lãnh, người sẽ dẫn đưa dân Israel trở về quê hương và phục hưng họ thành một dân hùng mạnh, đến nỗi nhiều dân nước đến để nương nhờ.

Sau nữa, một khi Thiên Chúa thực hiện cuộc thay đổi ngoạn mục qua sự phục hưng dân Chúa, các dân nước sẽ nhận ra bàn tay uy quyền và thành tín của Ngài đối với dân Israel mà nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng “hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp… làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi” (Ed 17, 24). Qua đây, dân Israel xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng luôn quan phòng, nên dù là một dân bé nhỏ nhưng nhờ tình thương và lòng thành tín của Thiên Chúa, họ có thể được nâng cao giữa các đế quốc hùng mạnh. Và đó thật sự là kỳ công của Thiên Chúa, Đấng đã phán là thực hiện.

2. Bài đọc 2:

Cái chết là một thực tại mà không ai có thể phủ nhận, hay chối từ. Vấn đề là người ta đối diện với thực tại này như thế nào mà thôi. Đoạn thư của thánh Phaolô gửi các tín hữu Côrintô cho thấy cái nhìn của ngài về sự chết.

Cái chết là một thực tại đáng sợ, nhưng thánh Phaolô lại “luôn luôn mạnh dạn” (2 Cr 5, 6.8) sẵn sàng đón nhận nó vì ngài xác tín rằng sống trong thân xác là một sự giới hạn, ngăn cách, là “lưu lạc xa Chúa”. Vì thế, đối với thánh nhân, việc lìa bỏ thân xác “để được ở bên Chúa” là điều “thích hơn”. Cái chết là một cuộc lên đường để được gặp gỡ Đức Kitô, được gắn bó mật thiết với Người nên cái chết không còn là một thực tại đáng sợ nữa mà là một cuộc giải thoát để được tự do ở bên Đức Kitô.

Tuy nhiên, đối với thánh Phaolô, dù sống hay chết, ở trong hay ở ngoài thân xác, điều quan trọng hơn cả vẫn là “tham vọng làm đẹp lòng Người”. Sống hay chết không phải là một chọn lựa theo ý riêng của con người, mà là thuận theo ý Chúa, là làm đẹp lòng Người. Nếu ở trong thân xác là điều đẹp lòng Chúa thì đó là chọn lựa ưu tiên; trái lại, nếu ra khỏi thân xác là điều Chúa mong muốn, thì đó cũng là cách làm đẹp lòng Chúa vậy.

Hơn nữa, một khi ra khỏi thân xác, con người ra trước ánh sáng, trước toà của Đức Kitô, nơi đó “mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5, 10). Bao lâu còn ở trong thân xác, người ta có thể chọn lựa làm việc tốt hay xấu, nhưng một khi đã ra khỏi thân xác, họ không còn cơ hội chọn lựa hay tự quyết nữa, mà lệ thuộc vào sự xét xử của Đức Kitô. Do vậy, chỉ những ai biết làm đẹp lòng Chúa ngay khi còn ở trong thân xác thì cuộc lên đường ra khỏi thân xác mới thật sự là một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, một cuộc hội ngộ “thích hơn” như thánh Phaolô.

3. Bài Tin Mừng:

Hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa trong đoạn Tin Mừng: dụ ngôn hạt giống tự mọc lên là của riêng Máccô (Mc 4, 26-29); và dụ ngôn hạt cải Máccô chia sẻ với Mátthêu (13, 31-32) và Luca (13, 18-19) cho thấy những hình thức khác nhau của sự quan phòng đến từ Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa như một hạt giống mang trong nó khả năng và sức mạnh tiềm tàng, nên một khi được gieo xuống đất, sẽ mọc lên cách mạnh mẽ bất kể thời gian, điều kiện thời tiết hay sự ý thức của con người. Dù người gieo không hề biết về cách thức hạt giống phát triển, nhưng chắc chắn nó sẽ từng bước mọc lên, trổ đòng đòng để sau cùng thành những bông lúa trĩu hạt, sẵn sàng cho mùa thu hoạch. Sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa vượt lên trên những điều kiện bình thường của không gian và thời gian. Nước Thiên Chúa sẽ âm thầm đạt tới sự viên mãn vào thời điểm và theo đúng ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Hơn nữa, dù Nước Thiên Chúa chỉ khởi đầu như một hạt giống bé nhỏ, nhưng khi phát triển sẽ trở nên cao lớn; khởi đầu như hạt nhỏ nhất, nhưng phát triển thành cây to nhất trong số cây cỏ đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ. Mỗi sự cộng tác với ơn Chúa đều có giá trị làm cho Nước Chúa ngày càng lớn lên. Một khởi đầu, dù nhỏ, cũng đủ để Nước Thiên Chúa lan rộng và trở thành chỗ dựa cho nhiều người, nhiều thành phần khác nhau, không phân biệt một ai.

Hai dụ ngôn trong bài Tin Mừng cùng làm nổi bật mầu nhiệm về một Thiên Chúa quan phòng. Sự âm thầm mọc lên của hạt giống hay một hạt giống nhỏ bé có thể phát triển thành cây cao lớn không nằm ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa là Đấng sẽ làm cho Nước của Ngài đạt đến sự viên mãn vào đúng thời đúng buổi.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Trong cảnh bi thương, chán chường, thất vọng của cảnh lưu đày bên Babylon, ngôn sứ Êdêkien khơi lên niềm hy vọng khi tiên báo về kế hoạch phục hưng dân Chúa. Chính Thiên Chúa sẽ gầy dựng lại dân Chúa ngay trên mảnh đất Israel và sẽ làm cho họ lớn mạnh. Qua đó, dân nhận biết rằng Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương và lòng thành tín. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi đoàn dân bé nhỏ, nếu họ đặt niềm tin nơi Ngài. Hành trình đức tin của dân Chúa cũng có thể là hành trình đức tin của mọi Kitô hữu. Thiên Chúa sẽ không bỏ quên bất cứ tâm hồn đơn sơ bé nhỏ nào đang tin tưởng, cậy trông vào Ngài.

2/ Đối với thánh Phaolô, ở trong thân xác là một sự lưu lạc xa Chúa nên thánh nhân mong muốn ra khỏi thân xác để được ở bên Đức Kitô. Nhưng dù ở trong hay ngoài thân xác, điều quan trọng không phải là chọn lựa theo ý muốn của mình mà là theo ý Chúa, là làm đẹp lòng Đức Kitô. Nếu sự sống của người Kitô hữu là một ân huệ từ Thiên Chúa, thì sự chết cũng là một hồng phúc được trở về với Chúa. Nếu sống hay chết đều là một cách làm đẹp lòng Chúa, thì mỗi một phút giây sống hiện tại đều đáng sống, đáng trân quý biết chừng nào; và nếu phải trả lại sự sống này cho Chúa thì đó cũng là con đường về nhà đáng để đi.

3/ Hai dụ ngôn cho thấy sự quan phòng của Thiên Chúa để hạt giống Nước Thiên Chúa mọc lên và lớn mạnh, trong đó sự cộng tác của con người, dù nhỏ, cũng đều có ý nghĩa. Điều cần thiết đối với người Kitô hữu là ươm mầm những giá trị của Nước Thiên Chúa, bắt đầu từ những điều nhỏ mọn, bình dị, để những giá trị đó dần lớn lên, lan toả, mang lại ích lợi cho nhiều người; trái lại, nếu không gieo những hạt giống tưởng như nhỏ bé của Nước Thiên Chúa như niềm tin, tình thương, công lý và hoà bình, thì sẽ chẳng bao giờ có mùa gặt bội thu.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nước Thiên Chúa với sức mạnh nội tại luôn âm thầm phát triển và đem lại những kết quả phi thường giữa thế giới hôm nay. Chúng ta cùng ngợi khen cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin cho mọi người biết cộng tác để xây dựng nước trời.

1. Hội Thánh có sứ mạng xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh luôn nhiệt thành chu toàn sứ mạng cao cả ấy bằng lời rao giảng, gương sống thánh thiện và các hoạt động bác ái.

2. Hạt giống Tin Mừng được Chúa Thánh Thần gieo vãi nơi các truyền thống và các nền văn hóa khác nhau. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết trân trọng và bảo vệ những di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc.

3. Xung đột tôn giáo đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta cùng cầu xin cho các Kitô hữu ở những nơi đó biết tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa và sức mạnh nội tại của Nước Trời, hầu luôn trung thành sống và làm chứng cho đức tin.

4. Kitô hữu là những người gieo hạt giống Nước Trời. Chúng ta cùng cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết sẵn sàng trở nên khí cụ mở mang Nước Chúa, qua việc tham gia các hoạt động tông đồ, và gương mẫu chu toàn mọi bổn phận hằng ngày.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương nhận lời chúng con cầu nguyện và biến đổi chúng con trở nên những tông đồ nhiệt thành, đóng góp hữu hiệu vào công cuộc loan báo Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Ban Mục vụ Kinh Thánh & Ban Phụng tự
Nguồn: tgpsaigon.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập288
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm269
  • Hôm nay46,612
  • Tháng hiện tại506,862
  • Tổng lượt truy cập46,868,466

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây