Suy niệm hằng ngày tuần I Mùa vọng - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 03/12/2017 19:36  1265
Thứ Hai Tuần I MV

Hãy đến đây nhà Giacóp hỡi, ta cùng đi nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường
Thị kiến được trình bày hôm nay trong phụng vụ thực sự vĩ đại: từ khắp nơi người người như dòng sông kéo nhau lên núi đền thờ Chúa vì muốn học biết thánh ý Ngài và sống theo đường Ngài chỉ dẫn. Như những con lạch nước hằng sống lời Chúa phán làm phong phú mọi người.  Và đây là điều kỳ diệu mà ta khao khát: những khí cụ trước đây từng được xử dụng để gieo chết chóc giờ bị nung chảy biến thành dụng cụ mang lại phúc lợi cho mọi người. Mọi quốc gia và từng người dấn thân để kiến tạo hòa bình.

Thị kiến hòa bình là ảo tưởng hoặc khả thể trong tương lai? Câu trả lời dành cho chúng ta, cho sự dấn thân của chúng ta.
Con đường thật rõ ràng: ‘trèo lên núi Chúa’ tìm gặp lại con đường của Thiên Chúa, lắng nghe thánh ý Ngài luôn dẫn đưa đến điều tốt lành cho ai Ngài yêu mến, nghĩa là cho mọi người. Khi ấy chúng ta sẽ nhận ra rằng mình có những gươm giáo cần bị bẻ gãy và nung chảy trong lửa tình yêu. Những năng lực trước đây hoang phí nhằm bảo vệ chúng ta, hoặc để gây chiến tranh, sẽ được dùng để cùng nhau xây dựng công ích. Điều này không chỉ là hình ảnh nhưng khởi đầu ngay từ chính môi trường ta đang sống: gia đình, cộng đoàn, nơi làm việc, học đường, nơi giải trí, xứ đạo…

Điều mà ta gọi là lề luật Chúa chính là Lời hằng sống, chỉ dạy ta con đường ngay chính, hòa hợp, chia sẻ. Tắt một lời, con đường của tình yêu, điều duy nhất có thể dẫn đưa đến một nền hòa bình đích thực và bền vững, tiền đề cần thiết cho một thiện hảo hiệu quả.
Để sống tốt mùa vọng, tôi muốn bắt đầu bẻ gãy những gươm giáo mà đôi lần tôi đã dùng đến. Hôm nay trong phút hồi tâm, tôi quyết định nhận dạng chúng.
Lạy Chúa, xin hãy tước hết vũ khí của lòng con, làm cho con sẵn sàng yêu thương mọi người, nhất là với những người mà con được mời gọi sống với.
Khi nào thì tôi xây dựng hòa bình? Khi thay vì tiếng ‘không’ tôi đáp trả bằng tiếng ‘vâng’, thay vì hận thù tôi mang đến tha thứ, thay vì sự chết tôi mang đến sự sống, khi tôi đặt Thiên Chúa thay cho ‘cái tôi’ của mình.
+++
Đấng sắp đến sẽ không làm ta thất vọng? Câu chuyện về viên đại đội trưởng rôma bảo đảm cho ta điều ấy. Đấng sắp đến là một ‘đấng cứu thế’: đó chính là ý nghĩa của danh ‘Giêsu’; đó là nguyên do Ngài đến giữa chúng ta bằng cuộc nhập thể.
Viên đại đội trưởng không xin cách minh nhiên việc chữa lành cho tên đầy tớ của ông. Ông tự giới hạn mình ở mức một lời kêu van vừa thất vọng vừa tin tưởng. Đức Giêsu không thể vô cảm. Ngài quyết định lập tức: ‘Chính tôi sẽ đến chữa nó’. Khi ấy viên đại đội trưởng tỏ sự kính trọng vì ý thức mình bất xứng: ‘Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi…’ Cung cách kính trọng và khiêm tốn của người ngoại đạo này thật đẹp đến nổi Giáo hội đã biến thành lời đáp trả của tâm hồn những người hiệp lễ.
 
Thứ Ba Tuần I MV

Khi những người tin rằng mình có khả năng giải quyết mọi vấn đề và có lời đáp cho những ‘tại sao’ của con người chỉ bằng sức mạnh của lý trí, thực hiện hành vi của sự khôn ngoan tối thượng, giải thích lý trí của mình trước Thượng Trí là Ngôi Lời của Thiên Chúa, họ đi vào chiều kích tâm linh tham dự vào ánh sáng thần linh làm cho chính lý trí con người được phong phú.

Không thể nhận biết Chúa Cha, đến với Chúa Cha mà không qua Đức Giêsu. Ngày nay, trong số các lời của Đức Giêsu, có một lời trung tâm giáo huấn của ngài, là chìa khoá của ơn cứu độ vì ta sẽ bị xét đoán theo lời này: ‘Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta’ (Mt 25,40)

Ngài ẩn mình dưới bộ dạng của người anh em, như thế trở nên con đường dẫn đến Chúa Cha, để nhận biết Chúa Cha. Thật đơn giản đến độ không thể hiểu được: để đến với Thiên Chúa, phải qua con người với mọi hoàn cảnh cuộc sống cá nhân cũng như xã hội.

Thật đơn giản điều Đức Giêsu muốn cảnh báo cho ta. Là chân lý mà chỉ có những kẻ đơn sơ, bé nhỏ mới hiểu được.
Và như thế con đường đã rộng mở cho mọi người, những người trưởng thành, những người cao niên, những kẻ khôn ngoan cũng như những kẻ gian xảo, nếu họ biết trở nên bé nhỏ, bằng cách đặt sự khôn ngoan và trải nghiệm cuộc đời của họ dưới việc lắng nghe và sống lời Chúa.
+++
Ngày ấy, từ gốc tổ Giessê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non
Một thân cây bị bẻ gãy, một triều đại hình như bị tiêu diệt, một xã hội mang đầy dấu tích sự chết…Lịch sử của một dân tộc, lịch sử của ngày hôm qua và của hôm nay, đối diện với nó người ta cảm thấy thất vọng.
Tuy nhiên, nếu khôn ngoan đọc ra ý nghĩa sâu xa của các biến cố ấy, ta có thể khám phá ra rằng trên thân cây, thân cây không còn sự sốngấy, xuất hiện những dấu chỉ của sự hồi sinh, những chồi non đang nép mình xuất hiện: Thiên Chúa không bỏ rơi dân tộc Người, Thiên Chúa luôn giữ lời Người hứa, hôm nay cũng như hôm qua.

Đây không phải là một sứ điệp hy vọng cho riêng Israel. Chính vị ngôn sứ trong phụng vụ hôm nay mời ta đưa mắt nhìn lên cao: ‘Cội rễ Giessê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân’, cho các dân qua mọi thời đại, thuộc sắc tộc và tôn giáo khác nhau.

Nhánh nhỏ ấy là hồng ân của Thiên Chúa, là cờ hiệu của sự nhưng không. Được ban tặng cho ta vì tự sức riêng ta không thể cứu nổi mình. Nhờ hồng ân ấy hòa bình được thiết lập, nhưng cần phải có điều này: ‘sự hiểu biết Đức Chúa tràn ngập đất này cũng như nước lấp đầy lòng biển’. Một sự hiểu biết không phải từ sách vở, nhưng đúc kết từ trải nghiệm cuộc sống đầy yêu thương. Một hiểu biết như thế sẽ biến đổi cuộc đời và có sức lan tỏa, làm cho mọi người phải nhìn lên Chồi Non ấy, suối nguồn hy vọng.

Tôi muốn hướng con người tôi, trong mùa vọng, về hiểu biết này, bắt đầu bằng việc lưu tâm đến những ‘chồi non’ của ngày hôm nay, nhắc tôi nhớ rằng Ngài đang hoạt động trong dòng lịch sử.

Lạy Chúa, con cần Chúa mở cho đôi mắt, như Ngài đã từng mở mắt cho những người mù mà Ngài gặp trên đường. Vâng, con như người mù đang sống trong bóng tối, không đủ sức nhận ra những đóm sáng bé nhỏ trong cuộc đời. Xin giúp con nhận thấy chúng và trở thành những con người khởi xướng.

Thứ Tư Tuần I MV
+++
Đức Giêsu trở về Galilêa sau cuộc rao giảng trong miền Tirô và Siđon, vượt ranh giới Palestina, và Ngài đã làm phép lạ hoá bánh lần nữa (x. Mt 14,13-21). Lần này những người hưởng nhờ không chỉ có dân do thái mà cả dân ngoại nữa, họ tôn vinh Thiên Chúa Israel. Mục đích của phép lạ là để họ hiểu rằng tất cả mọi người không trừ ai đều có thể hưởng nhờ ơn cứu độ.

Ngay cả các tông đồ hình như đã thấy trước nhiệm vụ trong tương lai được trao cho họ. ‘Chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no? Chúng con phải làm gì vì bây giờ các biên giới của Palestina đã bị vượt qua và các nền văn hoá cũng đã hoà chung nhau trong Đức Kitô?
Câu hỏi các môn đệ đặt ra cho Đức Giêsu cũng chính là câu hỏi mà con người đặt ra cho Thiên Chúa, từ đáy sâu thẳm sự khó nghèo của mình. Đó là ý thức rằng, ngài luôn bên cạnh chúng ta, và không có Ngài chúng ta chẳng làm được gì.

Trong việc hối cải cam go của chính bản thân mình, trong việc làm chứng niềm tin của ta cho người khác và loan báo tin mừng cho mọi người xung quanh, sự mất cân xứng của sức lực chúng ta thường được đặt ra như một cản trở: lạy Chúa, chúng con tìm đâu khả năng và lòng can đảm để đáp lại nhu cầu về chân lý, công bình, tình thương của toàn thể nhân loại?

Việc làm của ta trong thế giới có thể theo chương trình của Chúa Cha, không gây bao lực và bất ngờ, nếu ta biết giữ trong lòng một thái độ tôn giáo sâu xa: biết rằng ta luôn cần sự trợ giúp của Chúa.
 
Thứ Năm Tuần I MV
Bởi vì yêu thương chúng ta nên Đấng Cứu Thế cảnh giác chúng ta chống lại ảo tưởng; để vào Nước Trời không chỉ nói: Lạy Chúa, lạy Chúa. Đấy không phải là lời kết án việc cầu nguyện. Chúng ta nói: Lạy Chúa, Lạy Chúa, trong khi mỗi quyết định của ta lại chứng tỏ rằng Đức Giêsu không phải là Chúa của ta. Lời cầu nguyện tách rời khỏi tình yêu vâng phục là một ảo tưởng, nếu không muốn nói là lời nói dối.

Đức Giêsu thực sự là Chúa chúng ta chỉ khi trái tim ta giống với trái tim Chúa, say mê tình yêu dành cho Chúa Cha, có thể nói không chút do dự rằng lương thực nuôi dưỡng mình là làm theo ý muốn Chúa Cha…luôn làm điều đẹp lòng Người.

Có lẽ sẽ nguy hiểm khi phó thác ý chí của ta vào một người khác, nếu ‘người khác’ ấy không phải là Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa của lòng từ bi nhân hậu. Muốn điều Người muốn có nghĩa là chọn hạnh phúc. Muốn điều khác có nghĩa là chấp nhận nguy cơ muốn kiến tạo mong manh chóng qua: sẽ là một giải pháp không tưởng, có thể chỉ tồn tại một ít lâu, nhưng sẽ sụp đổ trước những tấn công của thử thách
Làm người kitô hữu tốt là biết lắng nghe Đức Giêsu, lời tình yêu của Chúa Cha. Lúc ấy chúng ta cần phải để cho lời này biến đổi ta, biến ta nên đồng hình với ý muốn yêu thương của Chúa Cha, lắng nghe và làm cho nó sống trong ta.
+++
Chúng ta có thành trì vững chắc: Chúa đã đặt tường trong lũy ngoài để chở che
Cuộc đối đầu giữa hai thành trì: thành trì tuyệt vời do con người dựng nên tạo nên quanh mình áp bức và nghèo khó và thành trì vững chắc được chính Thiên Chúa bảo vệ cùng với tường lũy, cửa thành mở rộng để tiếp đón ‘dân tộc trọn niềm trung nghĩa’.

Hai thành trì biểu tượng gặp thấy trong mọi thời và mọi hoàn cảnh xã hội. Hai thành trì chung sống với nhau trong cùng một không gian địa lý, được phân biệt duy nhờ lối sống của các dân cư.

Như thế ta có thể phân biệt ngay hôm nay, nơi chúng ta đang sống. Thành trì thứ nhất sẽ bị triệt hạ bình địa, bị chà đạp dưới chân của những người cùng khổ, dưới gót kẻ yếu hèn. Thành trì thứ hai, xây dựng trên nền đá, khôngchỉ có thể chống chọi với thăng trầm của cuộc sống và những tấn công của những ai muốn hủy diệt nó, nhưng còn nhận ra rằng chính Thiên Chúa là nền móng, là ơn cứu độ. Chính Người bảo vệ nó bằng tường lũy vững chắc.

Một sứ điệp hy vọng cho hôm nay. Một sứ điệp không dẫn đến sự thụ động, nhưng ngược lại đưa đến dấn thân hoạt động để cất đi mọi hình thức bất công, kỳ thị, bạo lực, đón nhận cách trung tín lời dẫn đưa đến con đường sự sống: con đường của tình bác ái nhận ra người khác không phải như một người để biến họ thành nô lệ, nhưng như một người anh em để phục vụ.
Với sứ điệp hy vọng này tôi muốn suy tư lối đi của mình trong hành trình mùa vọng. Lạy Chúa, xin gìn giữ con như một thành trì vững chắc, vây bọc con không phải bằng thành lũy vật chất nhưng bằng lửa của tình yêu Chúa. Xin giúp con luôn trung thành với Chúa.
 
Thứ Sáu Tuần I MV
Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

Ápraham cưu mang Isaác nhờ niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa ‘và ông đã trở nên cha của nhiều dân tộc’ (x. Rm 4,18-22). Cũng thế, Đức Maria cưu mang Đức Giêsu nhờ đức tin. Việc mang thai trinh khiết Đức Giêsu là công trình của Thánh Thần, nhưng nhờ đức tin của Đức Maria. Thiên Chúa luôn là đấng thực hiện, nhưng qua sự cộng tác của con người. Vì thế, tin là đáp trả với lòng tín thác vào lời của Thiên Chúa, đón nhận những dự tính của Người làm của mình và hoàn toàn vâng phục thánh ý Người. Đức tin luôn đòi hỏi: 1) Tín thác vào Thiên Chúa 2) Tuyên xưng điều mình tin, bởi lẽ ‘có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ’ (Rm 10,10). Một khi đã nhận biết lời của Thiên Chúa, Đức Maria tin sự cưu mang trinh khiết Đức Giêsu và tin vào thánh ý Người muốn cứu mọi kẻ tội lỗi, mẹ muốn gắn bó với chương trình ấy, nên thưa: ‘Này tôi đây là tớ nữ Chúa, xin hãy thành sự cho tôi như lời sứ thần truyền’ (Lc 1,38). Bà Elisabét đã lên tiếng ca ngợi mẹ: ‘Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em’ (Lc 1,45). ‘Từ đây muôn đời sẽ khen tôi có phúc’ (Lc 1,48).

Giáo Hội có nhiệm vụ tiếp nối sứ vụ làm mẹ của Đức Maria, ban tặng cho thế giới Đấng Cứu Thế. Người kitô hữu ngày nay cần phải tiếp nhận chương trình của Thiên Chúa làm của mình ‘Đấng muốn mọi người được cứu độ’ ( 1Tm 2,4) bằng cách loan báo ơn cứu độ và sẵn sàng mang ơn ấy đến cho tha nhân, bởi lẽ ‘điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy’ (Ga 15,8).
+++
Hai anh mù đi theo Chúa kêu la. Là một tiếng kêu xuất phát từ thâm tâm của người chẳng thấy hình thể sự vật, vẻ đẹp và sự thực của sự vật. Chỉ có người mù mới có thể kêu la để xin cho được thấy. Một lời cầu xin hết sức đặc biệt đáng thương, sắc bén của một con người không nhìn thấy.
Cả hai thưa lên điều họ muốn: tiếng kêu ấy vang lên khi họ đến gần Đức Giêsu. Nhưng thực sự họ sẽ chẳng phải la to như thế nếu họ không chắc chắn rằng con người ấy có thể thực hiện điều đó cho họ?

Người ta la to để nhận lòng thương xót vì bị thúc đẩy do một nhu cầu, do một khao khát, chỉ khi người ta tin vào một ai đó có thể thực hiện phép lạ.

Và Đức Giêsu thoả mãn lời cầu xin đầy niềm tin ấy. Ngài mở mắt cho cả hai. Tại sao thông thường niềm tin của ta không có sức để kêu lên? Tại sao ta bằng lòng sống trong cảnh bị lãng quên chán nản? Tại sao ta yếu ớt trong thử thách như đốm lửa trước gió? Có lẽ vì lòng ta tối tăm và không còn ước muốn vẻ đẹp và tình cảm tốt hơn.
+++
Mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy
Những chương từ 28-33 sách Isaia trình bày trước mắt ta một loạt những sấm ngôn của Chúa trong đó đan xen những bản văn về phiêu lưu và cứu độ, những lời loan báo phán xét các dân tộc của Người và những lời hứa cứu độ. Trong hướng đó đan xen bài đọc hôm nay: vô phúc cho ai tự mình đi ra ngoài cái nhìn của Chúa, cho ai hành động trong tối tăm, cho ai vênh vang sự gian ngoa của mình. Chương trình của Chúa luôn đập tan những dự tính của con người và tiêu diệt những ý định xấu xa của những kẻ bạo quyền đối với những người yếu thế. Ai là người được cứu: những người khiêm tốn, những kẻ nghèo, những người trong sự yếu hèn phó thác vào sức mạnh của Chúa. Những người này sẽ được giải thoát khỏi cảnh tăm tối, khỏi sự điếc lác và khỏi nanh vuốt của kẻ độc tài. Họ sẽ nhìn thấy và hành động theo sự chính trực; họ sẽ nghe lời của Chúa và đem ra thực hành; họ sẽ chống cự lại sự áp bức và thánh hóa danh Chúa. Lời hứa dành cho họ: ‘những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Israel, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng’ (Is 29,19).
Đây cũng là tình cảnh mới của hai anh mù được Chúa Giêsu chữa lành, theo tường thuật của Matthêô: Họ đi theo Đức Giêsu, kêu xin Ngài thương xót: ‘Lạy con vua Đavít, xin thương xót chúng tôi’. Ngài chạm tay vào mắt họ và nói: ‘Các anh tin thế nào thì được như vậy’, Ngài giải thoát khỏi cảnh tăm tối. Họ đã nhận biết Ngài và ra đi loan báo.
 
Thứ Bảy Tuần I MV
Hai hình được gợi lên trong vài giòng tin mừng của Matthêu: mục tử với đàn chiên và người nông dân trong cánh đồng.
Những hình ảnh không hoàn hảo: hình như đàn chiên không có người chăn và ông chủ không quan tâm chăm sóc mùa màng.Thực sự ý hướng là muốn mạc khải một đàng ý thức truyền giáo của Đức Giêsu và đàng khác ý nghĩa và mục đích ơn gọi của các môn đệ (x. Mt 10).
Con người Đức Giêsu và sứ vụ là một: lòng thương cảm ngài dành cho đám đông ‘lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt’ là trải nghiệm trần gian mà Đức Kitô có được khi đối diện với dân chúng: nhưng trải nghiệm ấy bày tỏ cho ta thấy ‘cái tôi con thảo’ của ngài, từ đời đời, được Chúa Cha trao nhiệm vụ cứu độ toàn thể tạo thành. Đức Giêsu không chỉ cảm thương, nhưng là sự cảm thương của Thiên Chúa hiện thực trong lịch sử.
Lời cầu xin chủ ruộng sai thợ gặt đến cánh đồng là lời cầu xin nơi trần thế mà các môn đệ phải làm, nhưng lời cầu xin ấy đã được nhậm lời qua việc Đức Kitô đến thế gian. Chỉ vì Chúa Cha đã sai chính Con của người, mà các môn đệ có thể dâng hiến chính mình, và họ cần phải cầu xin để sẵn sàng được Đức Kitô sai đi.

 
Thánh Phanxicô Xaviê
Hãy suy nghĩ về công việc tông đồ của Thánh Phanxicô Xaviê, để khâm phục sức mạnh luôn thúc đẩy bên trong tâm hồn ngài.
Thánh Phanxicô được sai đến Ấn độ, lúc đó là vào năm 1542, nơi được xem như là tận cùng thế giới, người ta phải trải qua những cuộc hành trình dài và đầy nguy hiểm. Ngài bắt tay ngay vào việc rao giảng tin mừng, không phải một nơi nhưng nhiều thành phố và làng mạc khác nhau, luôn tiếp tục ra đi, không chút sợ hãi những nghịch cảnh và những nguy hiểm. Ngài không bằng lòng ở tại Ấn độ, dù đó là một cánh đồng tông đồ bao la. Ngài còn muốn rộng mở Nước Thiên Chúa, chuẩn bị cho Chúa đến khắp mọi nơi và như thế, sau hai năm, Ngài đã đến Ceyfon và còn đi xa hơn nữa đến quần đảo Molucca. Trở về lại Ấn độ để củng cố những hoa quả công cuộc rao giảng, để tổ chức, để khích lệ các bạn truyền giáo, nhưng không ở lại đây lâu. Ngài muốn đi xa hơn nữa, đến Nhật Bản, vì nghe người ta bảo rằng đây là một nước rất quan trọng, và ngài hy vọng rằng việc trở lại của nước Nhật có thể ảnh hưởng cả vùng Cận Đông. Từ Nhật Bản, ngài lại tiếp tục cuộc hành trình, mùa hạ cũng như mùa đông, dù trời mưa tuyết và mệt mỏi rã rời. Từ Nhật bản trở về, Ngài ao ước đến Trung Hoa. Và lúc tìm đường để vào đế quốc mênh mông này mà ngài đã qua đời tại đảo Tam Châu vào năm 1552.
Trong vòng mười năm ngài đã vượt qua hàng ngàn cây số, dầu những trở ngại thời tiết, để đến với nhiều dân tộc thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau. Điều đó chứng tỏ một năng lực phi thường mà ngài kín múc từ sự cầu nguyện và kết hiệp với Chúa, với mầu nhiệm Thiên Chúa đấng muốn thông hiệp với con người.
Đức Giêsu cũng vậy, để đến ở giữa chúng ta Ngài đã vượt một khoảng cách vô biên, ngài đã rời bỏ Chúa Cha, như tin mừng Gioan nói đến, để đến trong thế gian. Và trong ba năm ngắn ngủi thi hành tác vụ ngài đã tiếp tục cuộc hành trình: di chuyển từ nơi này đến nơi khác, không chờ đợi dân chúng đến với mình, từ làng này sang làng khác để loan báo tin mừng nước Thiên Chúa.
Còn giờ đây thì sao? Giờ đây nếu ta muốn Đức Giêsu đến, cần phải hành động theo cách thế như vậy: không chờ đợi người khác đến với ta, mà ta phải đến với họ.
Thánh Phanxicô Xaviê đã thực hiện những cuộc hành trình vĩ đại, luôn đến với người khác, bị thôi thúc chuẩn bị việc Chúa đến, và theo cách đó ngài đã chuẩn bị Chúa đến cho chính mình. Sau khi đã hết sức hết lòng vì việc tông đồ, ngài đã nhận được Chúa đến độ mà ngài xin Chúa hãy giới hạn những ân huệ ban xuống cho mình.
Đôi mắt sáng, trái tim rộng mở: ngài đã đi theo cách trọn vẹn cảm hứng mà Chúa đã ban cho ngài và do đó mầu nhiệm Đức Kitô được tái hiện trong con người ngài. Đi đến những người khác, không mong chờ họ đến với mình: đó là sứ vụ của Giáo Hội, sứ vụ của mỗi kitô hữu nơi từng hoàn cảnh cụ thể. Nếu ta muốn Chúa đến với ta, ta cần phải chuẩn bị cho ngài đến nơi những người khác, ta cần đến với họ để trao ban năng động lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đây là mạc khải của  tân ước, hoàn thành cựu ước: mạc khải của lòng thương xót được ban phát càng ngày càng xa hơn.
Ta hãy tiếp nhận mạc khải của năng động tình yêu Thiên Chúa: nếu ta tiếp đón Đức Kitô trong ta ta cần phải sẵn sàng để mang ngài đến cho kẻ khác, theo cách thức ấy ta luôn được mang đi ra khỏi chính mình đến với kẻ khác với tình yêu lớn lao.
Và đó chính là giáo huấn từ cuộc đời của thánh Phanxicô Xaviê, hết sức ấn tượng. Để tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa cần phải ban truyền tình yêu ấy, để tiếp nhận nhiều hơn nữa thì cần phải cho đi cách trung tín và quảng đại. Hãy cầu xin Chúa cho ta ơn thực hiện ước mong của lòng ngài.
 

Tác giả: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập92
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm64
  • Hôm nay12,799
  • Tháng hiện tại604,107
  • Tổng lượt truy cập46,288,143

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây