Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần XXXI TN B - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 04/11/2018 03:26  981
Thứ Hai tuần XXXI Tn
Ta thấy Đức Giêsu hết sức tự nhiên, tự phát trong đoạn tin mừng hôm nay; có vẻ nghịch lý, để cho ta thấy tư tưởng của Ngài khác biệt với chúng ta. Lời khuyên của Ngài thật không ngờ: ‘Khi nào ông đãi khách ăn trưa hoặc ăn tối, thì đừng mời bạn bè anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi’. Thật lạ lùng! Theo lẽ tự nhiên ta mời ăn trưa bạn bè, anh em hay bà con để cũng được đáp lễ. Lời khuyên thứ hai cũng lạ lùng không kém: ‘Trái lại khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới được có phúc’. Thông thường cái phúc đến từ việc lãnh nhận, nhưng Đức Giêsu nói điều ngược lại, đặt ta trên con đường của sự nhưng không, của tình yêu vô vị lợi: niềm vui đích thực nằm ở chỗ này. Nếu ta đi tìm niềm vui trong sự đáp trả, ta đi sai đường rồi; nếu ngược lại ta trao ban cho người không có khả năng trả lễ, ta đi vào con đường tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu không mua không bán.
Bài đọc thứ nhất giúp ta suy nghĩ về tính nhưng không của tình yêu Thiên Chúa. ‘Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Tất cả mọi người, do thái cũng như ngoài do thái, tất cả chúng ta đều là những kẻ bất tuân, nhưng Thiên Chúa ‘đã giam hãm mọi người trong tội không tuân phục, để thương xót mọi người’. Chúng ta hoàn toàn ở trong cái lôgích tình yêu nhân hậu, vô vị lợi. Hãy cầu xin Chúa biến đổi lòng trí chúng ta để chúng ta có tâm tư và tình yêu của Người.
+++
Tin mừng là trường dạy sự chung sống. Đức Giêsu không muốn ngăn cấm chúng ta tiếp đón những người thân: cha mẹ, bạn hữu, thân nhân. Nhưng, trong câu chuyện ngài được mời dùng bữa, ngài lưu ý đến tính vô vị lợi của việc làm ơn. Chúng ta đã được phần thưởng rồi từ những người mà chúng ta quen biết, yêu thương và họ yêu thương lại chúng ta: tình cảm và sự kính trọng của những người trong vòng quen thân gia đình.
Không nên quên những người cách xa chúng ta về khoảng cách không gian và hoàn cảnh xã hội (những người không nhà, di dân, bị loại trừ…) Tất cả họ là hình ảnh và là số phận của Đức Kitô. Qua cung cách của ta đối xử với họ mà ta bị xét xử trong ‘ngày các kẻ lành sống lại’. Và cũng chính trong viễn ảnh này ta nói đến tính vô vị lợi. Nếu ta đối xử yêu thương với những người anh em, không phải là để sau này nhận sự đáp trả; nhưng chính là để được Thiên Chúa tiếp đón. Tin mừng hôm nay là lời nhắc nhở phải sống ngay từ bây giờ cuộc sống yêu thương. Ngay từ bây giờ, ta đã được phần thưởng rồi, phần thưởng của những ai ứng xử như con cái Đấng Tối Cao, con cái của đấng nhân lành ngay cả với những người vô ơn và tội lỗi.
Thứ Ba tuần XXXI Tn
Chối từ dự tiệc
Đức Giêsu cho ta biết sự ngu muội của ta, sự nhỏ nhoi của một con tim không sẵn sàng đón nhận ơn huệ của Ngài. Điều Ông chủ trong bài tin mừng hôm nay đã làm, thực sự ông không buộc phải làm như thế, nhưng ông đã làm vì lòng quảng đại: Ngài muốn đổ tràn lòng ta biết bao ơn huệ của lòng quảng đại, nhưng chúng ta lại ưa thích những điều bủn xỉn.
Bữa tiệc long trọng là bữa tiệc của tình mến của Thiên Chúa dành cho những ai có tấm lòng quảng đại, chứ không phải cho người chỉ gắn bó với của cải trần gian bằng một tình yêu chiếm hữu.
‘Tôi mới mua thửa đất…tôi mới tậu năm đôi bò…tôi mới lấy vợ…’ Đều là những tình cảm có giới hạn của chúng ta: chiếm hữu, bận tâm lo lắng.
Thiên Chúa, trái lại, mời gọi chúng ta đến dự bữa tiệc của lòng mến phổ quát. Chúng ta sống mỗi ngày tiệc Thánh Thể, nếu chúng ta biết tham dự với tất cả lòng rộng mở, với những bận tâm thiêng liêng và sẵn sàng đón nhận với niềm vui và lòng biết ơn.
Như thế chúng ta sẽ cảm nghiệm không phải như là một bổn phận nặng nề, nhưng như một cần thiết của tình yêu phục vụ kẻ khác với những ân huệ riêng mà ta lãnh nhận, theo lời khuyến dụ của Phaolô: ‘Được làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo, ai khuyên răn thì cứ khuyên răn. Ai phân phát thì cứ chân thành. Ai chủ tọa thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm’.
Thứ Tư tuần XXXI Tn
Đoạn tin mừng hôm nay bắt đầu bằng những lời này: ‘Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ rằng: ‘Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được’. Và thánh Luca, thánh sử của lòng khiêm nhường diễn tả bằng những lời như thế yêu sách của Đức Giêsu. Chúng ta phải ‘ghét’, là lệnh truyền của Đức Giêsu…Là những lời làm chúng ta khó chịu. Đúng ra Đức Giêsu muốn cất mọi ảo tưởng ra khỏi đầu óc của đám đông theo sau Người. Thật dễ hiểu khi một ai đó nói rằng: Không có lề luật nào khác ngoài tình yêu, tình yêu gồm tóm tất cả mọi lệnh truyền; như thế sẽ mang lại khoan khoái, hài lòng và cả những ảo tưởng, bởi lẽ tất cả chúng ta đều có khả năng yêu thương: chỉ cần yêu thương, đủ rồi! Như thế Đức Giêsu chỉ cho ta một con đường không chút khó khăn gì.
Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo: ‘Ai đến với tôi…Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được’. Là một yêu sách mạnh mẽ, và Đức Giêsu đưa ra hai ví dụ của những con người biết suy nghĩ chín chắn trước khi bắt tay hành động. Ai muốn xây dựng cái gì, trước tiên phải tính toán phí tổn xem thử mình có đủ kinh phí để hoàn thành không; kẻ muốn đi giao chiến cần phải xem thử mình có đủ quân lính và trang thiết bị để chiến thắng không.
Đâu là kinh phí cần thiết để xây dựng xong tòa tháp, đâu là trang thiết bị đầy đủ để có thể chiến thắng?  Đức Giêsu bảo: điều kiện là từ bỏ tất cả những gì mình có. ‘Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi’.
Ta đang ở trong một loại đối nghịch giữa tình yêu và từ bỏ. Nếu suy nghĩ kỹ, ta thấy Đức Giêsu không làm gì khác hơn là chỉ cho ta những điều kiện của tình yêu đích thực. Ta đừng ảo tưởng: tự sức riêng mình ta không có khả năng yêu thương, vì tình yêu đòi hỏi kỷ luật, đòi hỏi từ bỏ sâu thẳm, từ bỏ hoàn toàn. Thông thường khi ta tưởng rằng mình đang yêu, thực sự ta yêu vì tư lợi riêng mình, ta không yêu thực sự tha nhân cũng như Thiên Chúa. Ta tìm thỏa mãn chính mình, niềm vui cho mình, thay vì đi tìm hạnh phúc cho người khác trong sự kết hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Thánh Luca là thánh sử của lòng thương xót, nhưng chính trong tin mừng của ngài ta lại đọc thấy những lời này: ‘Nếu ai đến với tôi mà không ghét bỏ, thì không thể làm môn đệ tôi’. Tại sao vậy? Vì thánh Luca cũng là thánh sử nhấn mạnh hơn hết về sự yêu sách của người môn đệ đối với Thầy mình.
Thánh Mathêô diễn đạt lời của Đức Giêsu một cách khác. ‘Nếu ai đến với Ta mà yêu cha mẹ mình hơn ta, thì không xứng đáng với Ta’. Ta biết cũng là điều giống như trong tin mừng thánh Luca, tuy nhiên cách diễn tả của Luca rõ ràng hơn.
Rõ ràng là không có ý muốn đề cập đến vấn từ bỏ bất cứ tình yêu nào; vấn đề là từ bỏ tình yêu vị kỷ chiếm hữu. Đức Giêsu không chỉ đòi phải ghét cha mẹ con cái mà còn phải ghét chính sự sống mình nữa. Điều thêm vào này làm cho ta hiểu yêu sách của Ngài đi về hướng nào: Ngài đòi hỏi phải từ bỏ mọi tình yêu chiếm hữu.
‘Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được’.
Tìm kiếm thoải mái trong cuộc sống: thoải mái tình cảm, thỏa mãn lòng mình. Đức Giêsu đòi hỏi ta từ bỏ loại tình yêu này. Chính mình Ngài cũng đã làm như thế, theo nghĩa của tin mừng thì Ngài đã ‘ghét bỏ’ mẹ và anh em mình. Điều gây ấn tượng là trong tin mừng mỗi lần đề cập đến mẹ Ngài hay các anh em Ngài, hình như đều được nghe một lời có vẻ cứng cỏi, từ chối. ‘Mẹ và anh em Thầy đang ở bên ngoài muốn gặp Thầy…Mẹ và anh em Thầy là những ai làm theo ý muốn của Thiên Chúa’. ‘Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy…Còn có phúc hơn ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành’.
Đức Giêsu thực sự đã đi rất xa trong thái độ này. Theo cái nhìn thuần nhân loại, người ta cho rằng Ngài ‘không tôn kính’ mẹ mình. Không tôn kính mẹ khi không bày tỏ tình yêu đối với mẹ; không tôn kính mẹ khi chấp nhận chết như một tên tội phạm…Đức Giêsu thực sự đã từ bỏ hoàn toàn tình yêu chiếm hữu, như thế dạy ta con đường của tình yêu đích thực, của tình yêu quảng đại, tình yêu sẵn sàng hy sinh tất cả, tình yêu hiến dâng mạng sống, chấp nhận sự tự hủy để hoàn tất chương trình của Thiên Chúa. Đây mới chính là tình yêu đích thực. Không còn là một ảo tưởng về tình yêu, là tình yêu mà ta có thể mở lòng mình và đổ tràn niềm vui, vì tình yêu đến từ Thiên Chúa.
Thứ Năm tuần XXXI Tn
Chia sẻ tinh thần
Đoạn tin mừng hôm nay cho biết ‘các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng’. Những người biệt phái và các kinh sư xầm xì với nhau: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng’. Cung cách của các biệt phái tỏ ra thiếu tinh thần khó nghèo, là điều cần thiết để có thể chia sẻ những tâm tình của Đức Giêsu và đồng tình với Ngài. Thái độ của họ thì trái ngược lại: cái này là của tôi và chỉ thuộc về tôi, không thể chia sẻ với bất cứ một ai khác. Các biệt phái và kinh sư tin rằng Thiên Chúa là của riêng họ chứ không phải của những người khác: những kẻ khác ấy đều là phường tội lỗi. Họ làm chủ Thiên Chúa, làm chủ ơn cứu độ, làm chủ đời sống thiêng liêng nên đã xì xầm chống lại Đức Giêsu vì Ngài ‘đón tiếp phường tội lỗi và ngồi ăn uống với chúng’, bởi vì họ cho rằng là điều bất công khi thi ân cho ai điều gì mà họ không có quyền sở hữu. Đức Giêsu, trái lại, dạy cho họ hiểu rằng để kết hiệp với Thiên Chúa, thì không được đóng kín mình trong sự ích kỷ, nhưng phải mở lòng ra cho người khác, ngay cả cho những người xem ra bất xứng, bởi chính đó là cung cách hành xử của Thiên Chúa. Lòng quảng đại của Thiên Chúa không bị giới hạn, Ngài quan tâm chăm sóc hết mọi người, nhất là những người thiếu thốn, nghĩa là những ai đang ở trong tình trạng khốn khổ thiêng liêng đang cần nâng đỡ và thêm sức mạnh.
Ai có tinh thần nghèo khó thì ước ao điều thiện hảo cho kẻ khác, muốn chia sẻ với kẻ khác những ơn huệ mình nhận được, vì biết rằng chúng sẽ được nhân lên khi đem ra phân phát; đó là hoàn cảnh thuận lợi nhất cho việc kết hiệp với Thiên Chúa.
Những của cải thiêng liêng được sánh với ngọn lửa. Ngọn lửa không mất đi khi thông truyền, nhưng càng tăng hơn sức nóng và tỏa sáng hơn. Người muốn đặt nó an toàn vào chỗ đậy kín, sẽ làm cho nó chết vì thiếu oxy.
Hãy cầu xin Chúa cho ta thấu hiểu thái độ tinh thần này, để ta đừng tự phụ, đừng tin tưởng nơi mình, nhưng biết phó thác trong tay Chúa toàn thể con người của ta, tất cả những gì chúng ta làm, vì biết rằng tất cả từ Chúa mà đến, và nếu chúng ta biết san sẻ cho nhau, Ngài sẽ càng gia tăng nơi ta ân huệ của Ngài.
Thứ Sáu tuần XXXI Tn
Cung Hiến Thánh Đường Latêranô
Khi hoàng đế la mã Constantinô có cảm tình với kitô giáo, khoảng năm 312, đã hiến cho Đức Giáo Hoàng Milziade điện Latêranô mà ông đã cho xây dựng cho hoàng hậu Fausta. Năm 320, xây dựng thêm ngôi thánh đường, thánh đường Latêranô. Là thánh đường tiên khởi, xét theo niên hiệu trong các thánh đường Phương Tây. Được xem như thánh đường mẹ của các thánh đường trong thành (Rôma) và trên toàn thế giới.
Được Đức Giáo Hoàng Sivestrô thánh hiến vào ngày 9 tháng 11 năm 324, với tước hiệu là Vương Cung Thánh Đường Đấng Cứu Thế. Vào thế kỷ XII, do giếng rửa tội ở đây cổ xưa nhất Rôma, nên được cung hiến với danh hiệu thánh Gioan Tẩy Giả. Từ đó người ta quen gọi là Vương Cung Thánh Đường thánh Gioan Latêranô. Là nơi cư ngụ của các giáo hoàng trong vòng hơn 10 thế kỷ và cũng nơi đây diễn ra 250 công đồng, trong số đó có 5 công đồng chung. Bị hỏa hoạn và chiến tranh tàn phá phân nửa, sau đó được tái thiết dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIII và được tái cung hiến vào năm 1726.
Là thánh đường mẹ của các thánh đường trên thế giới, là dấu chỉ hữu hình của chiến thắng đức tin kitô trên ngoại giáo tây phương. Trong thời bách hại, trải dài ba thế kỷ đầu của lịch sử giáo hội, bất cứ một biểu tỏ nào về đức tin đều nguy hiểm, nên các kitô hữu đã không thể cử hành việc tôn thờ Thiên Chúa cách công khai. Đối với các kitô hữu vừa thoát ra từ các hang toại đạo, vương cung thánh đường Latêranô là nơi mà họ có thể tôn thờ Đức Kitô Cứu Thế cách công khai. Tòa nhà bằng đá này được xây dựng để tôn thờ Đấng Cứu Thế, là biểu tượng của chiến thắng, là nhân chứng của vô số các vị tử đạo. Dấu chỉ hữu hình của đền thờ thiêng liêng là tâm hồn của kitô hữu, khuyến khích mọi người tín hữu làm vinh danh Đấng đã làm người, đã chết và đã sống lại.
Ngày kỷ niệm việc cung hiến thánh đường này, đầu tiên chỉ dành riêng cho Rôma, sau đó được tất cả các cộng đoàn kitô theo nghi lễ rôma kính mừng. Ngày lễ hôm nay cần phải làm mới lại trong chúng ta tình yêu và sự gắn bó với Đức Kitô và với Giáo hội của Ngài. Mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng đến trần gian không phải để xét xử nhưng để cứu độ (Ga 12,47), phải nung nấu tâm hồn chúng ta, và việc làm chứng bằng đời sống hoàn toàn phục vụ Chúa và anh em, nhắc nhớ cho thế giới sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, tốt hơn muôn lần một tòa nhà bằng đá có thể làm được.
+++
Con cái ánh sáng
Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn: ‘Quả thế, con cái đời này khôn ngoan hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại’. Ngài không khen tên quản lý vì sự bất lương, nhưng vì sự tinh khôn của anh ta, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà đã tìm ra được cách giải quyết để có thể tiếp tục sống thoải mái và ích kỷ.
Là con cái sự sáng, chúng ta có sáng tạo trong việc phục vụ Thiên Chúa không? Chúng ta không gặp thấy khó khăn trong dự án của chúng ta, và nếu có, chúng ta cũng không tìm cách để vượt qua, vì chúng ta cảm thấy thỏa mãn rồi; còn những gì liên quan đến Thiên Chúa và tha nhân, thì bất cứ khó khăn nào cũng đều bất khả vượt qua, chúng ta than trách, thậm chí còn cảm thấy mình bị bách hại nữa: Không thể như thế được…với hạng người này, trong cái xã hội này!
Các thánh không hành động như thế: những nghịch cảnh ‘kích hoạt’ các ngài tìm ra cách giải quyết, và đã tìm được, bởi vì các ngài chỉ quan tâm đến Nước Thiên Chúa và tình yêu của họ là một tình yêu vô vị lợi, quảng đại, sáng tạo. ‘Nước lũ cũng không thể dập tắt được tình yêu’.
Xin Chúa cho chúng ta học biết bài học tình yêu mà Ngài chỉ dạy cho ta hôm nay: chỉ như thế chúng ta mới có sự sống và đáng được gọi là con cái sự sáng: chúng ta sẽ sống trong ánh sáng, bởi lẽ chúng ta sống trong tình yêu.
Thứ Bảy tuần XXXI Tn
Thánh Lêô Cả
Câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ, Ngài cũng tiếp tục đặt ra cho mỗi người chúng ta, để hướng chúng ta chiêm ngưỡng và đào sâu hơn mầu nhiệm của Ngài: ‘Các con bảo Thầy là ai?’ Thánh Lêô Cả, lên ngôi giáo hoàng vào thế kỷ V, với đức tin sáng suốt đã quả quyết thiên tính của Đức Kitô và nhân tính của Ngài: Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và là con Đức Maria, là con người như chúng ta. Ngài đã không chấp nhận rút gọn mầu nhiệm lại theo một hướng, hoặc hướng này hoặc hướng kia, và Công đồng Calcêđônia đã tìm công thức phù hợp với mạc khải. Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta nơi Người Con, và Người Con ấy là con người thật sống giữa chúng ta, đã đau khổ, đã chết và đã sống lại.
Thư do thái đã nói rằng Thiên Chúa thuở xưa đã nhiều lần, nhiều cách nói với cha ông qua các ngôn sứ. Isaia đã la lên: ‘Lạy Chúa, xin hãy mở trời mà xuống’. Và Thiên Chúa đã xuống, hiện diện nơi Chúa Con: ‘Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Người Con’.
+++
Điều cao trọng trước mặt Chúa
Ngày thứ bảy hôm nay, tin mừng cho ta cơ hội suy niệm về lòng khiêm cung và trung thành của Đức Mẹ. Đức Giêsu nói với những người biệt phái: ‘Các ông là những kẻ làm bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa’.
Thiên Chúa cũng thấu biết tâm hồn khiêm cung của Mẹ Maria: ‘Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ của Người’, và đã tuyển chọn Mẹ để làm nên đền thờ của Thánh Thần, để Chúa Con mặc lấy xác thịt trong lòng Mẹ. Tâm hồn khiêm cung và trung tín, trong những việc nhỏ và trong những việc lớn dệt nên cuộc đời Mẹ.
Mẹ Maria sống trung tín trong những bổn phận hằng ngày: những việc âm thầm, những việc người ta cho là bình dị, nhiều lúc là nặng nề vì cứ lập đi lập lại mỗi ngày. Mẹ hoàn toàn trung tín với Chúa trong những biến cố vĩ đại của cuộc đời Mẹ: vĩ đại, nhưng âm thầm: ‘Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo như lời Ngài truyền’. Và đã thực hiện nơi Mẹ biến cố vĩ đại của lịch sử nhân loại, nhưng nào ai có biết?
Và thiên sứ cáo biệt Mẹ. Cuộc sống của Mẹ Maria vẫn tiếp tục ‘vắng bóng thiên sứ’: Các sứ giả từ nay, đối với Mẹ sẽ là người chị họ Elisabet, các mục tử Bêlem, cụ già Simeon. Nhưng lòng trung tín của Mẹ vẫn bền vững cho đến đồi Calvê, khi Mẹ dâng lên Chúa Cha của lễ quý giá nhất của lòng Mẹ, là người Con yêu: trung tín trong những cử chỉ nhỏ mọn của tình yêu và trung tín trong cử chỉ đỉnh cao của cuộc đời.
Cầu xin Mẹ, Đấng nhờ lòng khiêm cung và trung tín, đã được chọn làm Mẹ Đức Giêsu và Mẹ Giáo Hội, cho chúng ta biết tham dự vào những ơn huệ này, biết giữ gìn và làm tăng trưởng, để có thể ‘trung tín trong việc nhỏ cũng như trong việc lớn’.
Thánh Martinô Giám Mục
Thánh Martinô, sinh tại Pannonia năm 316 và chết tại Candes, Pháp năm 397. Ngay khi còn trong quân đội và là người dự tòng, lòng mến của Ngài đã thúc đẩy Ngài cắt nửa chiếc áo choàng trao cho người nghèo đang run lạnh. Sau khi được rửa tội, Ngài được thánh Hilariô hướng dẫn và lập tại Poitiers một đan viện (360), đan viện đầu tiên tại Tây Phương. Được thụ phong linh mục, rồi Giám Mục thành Tours năm 372, Ngài trở thành tông đồ cho những người dân quê. Song song với việc rao truyền tin mừng, là việc không ngừng nâng cao đời sống của những người nông dân và những mục tử. Vị thánh được mọi người kính yêu, là vị thánh đầu tiên không tử đạo được kính nhớ trong phụng vụ.
 
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay15,710
  • Tháng hiện tại627,732
  • Tổng lượt truy cập46,311,768

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây